Như để khẳng định một phần cái tôi cũng như muốn lưu giữ “bút tích” đặng người sau còn nhớ đến, rất nhiều người đã sử dụng phương cách là viết, vẽ lên tường các công trình kiến trúc, di tích. Việc làm này không chỉ có ở giới trẻ mà còn ở cả những người trưởng thành có chút tiếng tăm trong xã hội.

Những dòng chữ nhăng nhít bên trong ngôi tháp cổ Hòa Phong ở Hà Nội.
Viết, vẽ bậy bất cứ nơi nào
Khi những tờ báo trong nước đồng loạt đăng bài về cậu học sinh Trung Quốc viết bậy tên mình ở Kim Tự Tháp Ai Cập. Cậu bé hứng chịu sự lên án của đông đảo độc giả người Việt. Họ hả hê trước việc Trung Quốc bị cả thế giới lên án. Người Việt được giải tỏa một số ức chế trong thời điểm mà mối xung khắc giữa hai quốc gia đang căng thẳng. Thế nhưng người Việt chẳng chịu nhìn lại mình. Hầu như trên tất cả các công trình kiến trúc, di tích lịch sử đều bị bôi bẩn.
Một hướng dẫn viên chuyên đi tour Campuchia cho tôi biết: “Tôi thường dẫn khách đi Angkor nên rất rành những thói xấu của du khách Việt Nam. Như khi dẫn đến quần thể di tích Angkor Wat, rất nhiều người đã viết tên của mình lên những vật thể có hàng trăm năm tuổi”.

Biển báo thường bắt gặp trên các đường phố Việt Nam.
Thói xấu này bắt nguồn từ thời còn cắp sách đến trường. Nó không được ngăn chặn, giáo dục ngay từ nhỏ. Để đến khi lớn lên gây tác hại cho cộng đồng. Trên bàn ghế, tường của nhà trường, chẳng nơi nào mà không “lưu dấu” những dấu tích của học sinh. Từ những dòng khắc ghi nguệch ngoạc với những câu chữ của trẻ con đến những câu danh ngôn ba xu của các lãnh tụ được viết khắp nơi.
Những công trình, kiến trúc lịch sử chạy theo dãy dài đất nước, không nơi nào mà không bị những “bút tích” kiểu này. Đình, đền, chùa chiền đối với người Việt Nam là những nơi tôn nghiêm, linh thiêng, lúc nào cũng có người đến nhang khói, cúng kiếng. Tuy nhiên, cũng chính những nơi này lại là nơi “yêu thích” của những kẻ thích viết, vẽ bậy.
Tọa lạc ngay bên hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội. Tháp Hòa Phong là một kiến trúc cổ còn sót lại của chùa Báo Ân. Đây là nơi mà bất cứ du khách nào dạo quanh bờ hồ đều đứng ngắm nhìn và chụp vài tấm hình làm kỷ niệm. Tháp tạo cho hồ Hoàn Kiếm thêm phần thơ mộng, điểm sắc cho cảnh quan thêm phần trầm mặc. Thế nhưng, chính nó cũng bị thói xấu viết vẽ bậy vô tội vạ làm tổn thương. Mỗi khoảng trống trên tháp đều chi chít những dòng chữ của giới trẻ khi đi ngang, hoặc ghé qua.

Viết bậy tại tháp Chàm ở Phan Rang, Ninh Thuận của các cô cậu học sinh.
Hay trên tường của Văn Miếu-Quốc Tử Giám, vào dịp Tết cổ truyền của dân tộc, những ông đồ thường bày bút nghiên để viết chữ bán cho người qua đường. Đó là một nét văn hóa tinh túy của người Việt Nam. Thế nhưng, cũng chính những ông đồ này đã làm xấu đi hình ảnh của mình bằng cách viết vẽ lên tường Văn Miếu tên của mình như để đánh dấu địa bàn hoạt động. Nó không làm cho Văn Miếu đẹp hơn mà còn xấu đi bởi những nét vẽ với nhiều màu sắc chẳng ăn nhập gì với cảnh quan xung quanh.
Không chỉ ở Hà Nội, mà ngay tại Sài Gòn cũng vậy. Dù rằng hiện tượng này ở Sài Gòn không nhiều như Hà Nội. Nhà thờ Đức Bà là nơi tôn nghiêm không chỉ với những người Công Giáo nhưng nơi này cũng phải oằn lưng để hứng chịu những dòng chữ, nét khắc của những kẻ thiếu ý thức. Từ những dòng chữ bằng bút xóa, đến những nét khắc bằng vật sắc nhọn lên trên những viên gạch hơn cả trăm năm tuổi đã làm cho kiến trúc này dần dần xấu đi.
Người lớn cũng viết, vẽ bậy
Vào năm 2008, giới văn sĩ ở Việt Nam kháo nhau chuyện hai nhà văn là Hội viên hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam đã thuê người viết lên núi Cát Bà những bài thơ của mình. Họ muốn lưu dấu cho cả ngàn đời sau biết đến những tác phẩm thi văn của mình. Muốn những tác phẩm đó bất hủ cùng năm tháng. Nghiệt nỗi, những bài thơ được khắc, ghi lên đá theo nhà thơ Dư Thị Hoàn thì chẳng khác nào những bài vè ngô nghê mà bất cứ ai cũng làm được. Sự thiếu ý thức ngay cả ở những người tưởng chừng như rất có văn hóa và đang làm những công việc liên quan đến văn hóa nhưng lại có những hành động vô văn hóa. Cho dù đã có những lời xin lỗi từ chính người gây ra, nhưng hành động thiếu ý thức ấy thật đáng lên án.

Bản in lên đá tại Mũi Đôi, điểm Cực Đông của Việt Nam do một nhà giáo ở Ninh Thuận làm ra.
Tháp Chàm ở Phan Rang-Ninh Thuận là công trình thiêng liêng của người Chàm sinh sống tại đây. Nơi đó hàng năm họ đều tổ chức những nghi lễ để cúng dâng lên tổ tiên, thần thánh của mình. Và ngôi tháp có gần ngàn năm tuổi này cũng không thoát khỏi sự bàn tay thiếu ý thức kia. Không chỉ viết, vẽ bậy bằng tay do sự ngẫu nhiên mà còn được chuẩn bị kỹ lưỡng từ trước bằng những bản in sẵn, khi đến tháp chỉ cần đổ mực lên là đã có thể để lại “cho ngàn đời sau” bút tích của mình. Đó là bút tích của một ông họa sỹ “Hoàng X Lợi” nào đó ở Hà Nội. “Bút tích”của ông “sánh vai” cùng những dòng chữ ngoằn ngoèo của những học sinh khác.

Mong muốn nhiều người biết đến mình, vị họa sĩ ở Hà Nội đã “lưu danh thiên cổ” tại đây. Hình chụp tại tháp Chàm ở Phan Rang, Ninh Thuận
Tại Mũi Đôi, điểm cực Đông, sợ rằng những người đi sau sẽ chẳng biết đâu chính là điểm cực Đông, một thầy giáo có tiếng ở Ninh Thuận đã nảy sinh “lòng tốt” khi cho in dòng chữ để thông báo vị trí cực Đông. Song, nếu chỉ dừng lại đó thôi thì không còn gì để nói. Đằng này ông lại cho in thêm địa chỉ website, tên của ông để quảng cáo hòng kiếm thêm thành viên.
Khi đi ra đường, người Việt nhìn đâu cũng thấy nham nhở những câu biểu ngữ, băng-rôn danh ngôn của các lãnh tụ Cộng Sản. Nó được viết đầy trên những bức tường loang lổ. Với mục đích tuyên truyền và nhồi sọ, chính quyền Cộng Sản đã tự chính họ làm xấu đất nước bằng những biểu ngữ tuyên truyền rất nhố nhăng, sáo rỗng. Từ đó, người dân dần hình thành tật xấu viết, vẽ bậy trên các di tích. Vì có thể họ nghĩ rằng, một vài dòng chữ kia thì nào thấm vào đâu so với cả đống tuyên truyền được viết, treo khắp nơi mà chính quyền làm ra? Hơn nữa, việc cho phép viết, vẽ lên tường để tuyên truyền của chính quyền phần nào tạo cho người dân nghĩ rằng việc viết bậy nơi công cộng, tôn nghiêm không đáng bị lên án.
Một người bạn của tôi cho tôi biết, thói quen viết, vẽ bậy lên di tích, nơi công cộng chỉ xuất hiện sau này khi việc tuyên truyền của Cộng Sản được phổ biến khắp nơi. Chứ trước đây hầu như hiếm thấy.

Băng-rôn, biểu ngữ treo đầy kín trên cổng đi vào thị trấn du lịch Sapa