“Women In Black”
Họ không đến từ một phim trứ danh của Hollywood, như “Men in Black.” Họ cũng không phải là những hiệp nữ áo đen trong phim võ thuật Á Châu.
Họ mặc áo T-shirt đen, có chữ trắng Integral Taichi Center (ITC), và logo của Hội Từ Bi Phụng Sự (TBPS). Nhưng quan trọng hơn và đặc biệt hơn, là họ cùng mặc một đồng phục vô thể: một nụ cười tươi nở trên môi, một tấm lòng bồ tát bao dung toả sáng, một thái độ phục vụ hết mình.
Họ là các cô giáo dạy Taichi thiện nguyện tại ITC. Cô nào cũng duyên dáng, nhiệt tình, vui vẻ, đôn hậu, mềm dẻo (về thể chất lẫn cách dạy). Mỗi người mỗi vẻ, mười phân vẹn mười.

Thầy Hằng Trường trong buổi trao đổi về Tâm Linh và Giáo dục tại ITC
Nếu bạn đến lớp lần đầu, bạn sẽ không bị ngỡ ngàng. Các Cô sẽ đến chào hỏi thân tình và giúp bạn tìm một chỗ phía trước để bạn dễ theo dõi. Vì là lớp bắt đầu, nên các Cô sẽ giải thích nhiều lần những động tác để mọi người cùng làm thật đúng. Mỗi lớp đều có hai Cô, họ thay nhau: một người đứng lớp hướng dẫn, một người đi xung quanh để chỉ riêng cho những học viên nào cần sự giúp đỡ.
Tôi chỉ gặp vài Cô dạy trình độ vỡ lòng, nên rất tiếc không thể kể về những Cô (và Thầy) tôi chưa được gặp. Nhưng chắc chắn các Thầy Cô ấy cũng tuyệt vời như những Cô tôi đã gặp. Các Cô mang những cái tên thật đẹp và ý nghĩa: Cô Mỹ, Cô Duyên, Cô Bạch Lan, Cô Mai Khanh, Cô Nhuận, vv.
Các Cô giáo luôn đối đãi với học viên trong tinh thần phục vụ. Trước khi ra về, Cô Bạch Lan ý nhị cám ơn học trò, “Cám ơn các Bác đã đến học, để tôi có cơ hội dạy cho các Bác. Namaste.” Các Cô luôn nhắc học viên: hãy nhớ thở sâu, nhớ thả lỏng cơ thể, nhớ nở nụ cười tươi, nhớ giữ những ý niệm đẹp trong lòng và chia sẻ với cuộc đời. Mỗi Cô là một bông hoa sen thanh tao.
Cô giáo nhắn nhủ học-trò-người-quen, “Ráng đi tập nghen! Tập có được không vậy? Tối nay về chắc là ể mình hả? Bác gái về có thấy rêm không?”
Học trò tươi cười trả lời, “Dạ rất thích, không đau. Về tắm nước nóng, ngủ một giấc, đời đẹp hơn vạn lần! Em có con nhỏ 10 tháng hay bú đêm, nên ít khi được ngủ, đi tập sẽ giúp em khoẻ hơn. Mẹ em thì không nói rêm, và rất muốn theo học tiếp. Em đi cũng vì muốn Mẹ học để dưỡng sức khoẻ. Cám ơn Cô giáo nhiệt tình và duyên dáng!”
Xuất Tục Nhập Thế
Trong quyển “Bước Đầu vào Đạo Bồ Tát” do Hội TBPS xuất bản, tác giả Thầy Hằng Trường đã bắt đầu bằng cách diễn giải bốn giai tầng tâm thức: Vị Ngã, Vị Tha, Vô Ngã, Bất Nhị. “Bước đầu vào đạo bồ tát chính là bước chuyển hoá từ tâm thức vị ngã lên tâm thức vị tha,” (sđd, tr. 5). Thầy cho rằng việc xuất tục nhập thế là cốt tủy của giáo pháp, dung hoà giữa ‘xuất thế’ và ‘nhập thế.’ “Chỉ có con đường này mới giúp ta đi từ vị ngã lên vị tha dễ dàng được,” (sđd, tr. 8).
Hơn nữa, Thầy nhấn mạnh rằng, “bất kỳ giai đoạn nào của đường tu, ta cũng phải nhớ hướng thượng, tu hành theo lý tưởng bồ tát,” còn gọi là lý tưởng Phổ Hiền. Con đường tu liên lỉ vô tận, vì “Mỗi ngày đều tu, chẳng mong đợi kết quả. Mỗi giây phút tu là mỗi giây phút hạnh phúc; không đợi tu cho ‘thành tựu’ mới đạt hạnh phúc an lạc” (sđd, tr. 11-12).
Chính vì xu hướng xuất tục nhập thế này, mà Thầy Hằng Trường đề ra một mô hình tu kết hợp cá nhân và cộng đồng: Tự tu, Tu với người, Cảm hoá & dạy người khác tu, Xây dựng văn hóa tu và cộng đồng người tu, và Tu phương tiện (tr. 15). Thầy phân biệt giữa xuất-tục-nhập-thế và ‘cư-trần-lạc-đạo’ của đời Vua Trần ngày xưa ở chỗ: “quan niệm ‘xuất tục’ nhấn mạnh vào sự rèn luyện của thân xác, chuyển hoá năng lượng trong thân, từ đó chuyển hoá phiền não và tâm tình. Quan niệm ‘nhập thế’ nhấn mạnh vào sự hy sinh, vị tha, làm việc thiện nguyện, đem an lạc tới cho đời, đem nụ cười tới tha nhân; chớ không tìm sự an vui trong sự thanh tịnh của việc tu hành” (sđd, tr. 9). Như vậy, thì con đường xuất tục nhập thế là con đường khó đi hơn rất nhiều.
Con đường xuất-tục-nhập-thế đòi hỏi người tu phải có một cương lĩnh vững vàng. Thầy viết, “Xuất tục có nghĩa là tu luyện cho thân xác sung túc nội lực để hoá chuyển tham sân tích tụ trong thân xác. […] Nhập thế tức là thực hành những công việc thực tiễn giúp đời giúp người, như làm thiện nguyện, đem đến mọi người sức khoẻ, niềm tin, hy vọng” (sđd, tr. 8).
Điều mà các ‘women in black’ tại ITC biểu hiện rõ nhất chính là điều này: “Công việc nhập thế đòi hỏi ta phải có nội lực, vì mức độ cống hiến cần nhiều tâm lực, tinh lực, thể lực lắm lắm. Với mỗi tầng năng lượng trong người vừa được dương hoá, với mỗi vũ trụ quan vừa được khai mở, ta phải lập tức sử dụng nó để đem lợi lạc ngay cho những người xung quanh” (sđd, tr. 9). Các Cô là những hiện thân của Phổ Hiền, để học viên có thể thấy được rõ ràng một lý tưởng vô hình.
Thật vậy, có nhiều cô giáo có mặt tại Trung Tâm đến 5 ngày một tuần, kể cả hai ngày cuối tuần. Họ dạy nhiều lớp, nhiều trình độ. Và họ lúc nào cũng thoáng đạt, dễ thương, đầy trí huệ. Nếu cộng đồng tu và môi trường tu là yếu tố cần thiết cho những người muốn bước vào Đạo Bồ Tát, thì ITC là một ngưỡng cửa đầy bao dung, thân ái gọi mời. Họ là những điển hình của con đường xuất tục nhập thế.

Thầy Hằng Trường trò chuyện cùng các Giáo sư từ Cal State Fullerton đến thăm ITC
Ghiền
Một buổi chiều Thứ Năm, Thầy Hằng Trường không hẹn mà ghé thăm lớp Bắt Đầu, giảng giải thêm về cách ăn uống để dưỡng sinh, về triết lý của Taichi Tổng Hợp, về những ích lợi của việc tu tập và tạo ra một cộng đồng tu liên đới. Thầy khuyên những vị cao niên, “Trưa và sáng các Bác có thể ăn nhiều. Tối ăn ít, ngủ sâu, sống thọ.” Thầy chỉ vẽ thêm cho lớp một số điểm đặc biệt, và đùa rằng, “Thầy chỉ dạy các bác những gì các Cô chưa dạy. Nếu không, các Cô không cho Thầy đến nữa.”
Thầy nhắc học viên phải chú ý, tập cho đúng thế. Tập xong, mà mỏi, là tốt. Nhưng đau, là đã tập sai, không tốt. Thầy hứa sẽ thu xếp để dạy lớp Taichi Lạy trong ba tháng 10, 11, 12 năm 2013 vào tối Chúa Nhật, để sáng hôm sau mọi người có thể khoẻ khoắn dậy đi làm. Thầy kể chuyện một bác đã lớn tuổi ở South Bay, nhờ tập Taichi đều đặn mà hết đau lưng. Tôi nghĩ đến việc nước Mỹ đang bầu bán chương trình bảo hiểm y tế, nên hay không nên theo kế hoạch ObamaCare, Walgreens để nhân viên tự chọn bảo hiểm cho mình. Phải chăng ITC-care là một chương trình bảo hiểm y tế hữu dụng và cần thiết nhất, giúp cơ thể khoẻ mạnh, xã hội an vui, và có thể tránh nhiều chi phí về nhân thọ cũng như ngân sách quốc gia về lâu về dài.
Ở Mỹ, người ta đóng tiền membership cho các trung tâm thể dục thể thao thì nhiều, nhưng số người đi tập thì ít. Nhưng ở ITC thì khác. Cúng dường tuỳ hỉ để giúp Trung Tâm trang trải chi phí, nhưng học viên đi tập đều đặn. Vì sao? Thầy Hằng Trường cười mỉm chi nói, “Các bác cứ đi tập thường xuyên, sẽ thấy người khoẻ hẳn ra! Khi đó, ngày nào không đi học được sẽ thấy nhớ. Tập Taichi đúng cách sẽ ghiền!” Nhiều học viên của ITC đã ghiền vì nhiều lẽ. Không gian thoáng đạt của Trung Tâm. Tinh thần phục vụ của quý Thầy Cô. Ghiền những động tác giúp mở tung những cánh cửa năng lượng trong người và trong tâm.
Một bác tuổi trung niên, đã về hưu non vì bị đau kinh niên sau mấy chục năm làm việc trong ngành IT, đã kiên trì đi tập dù trong những ngày đầu, bác không thể cử động tay chân vì đau. Đến tuần thứ sáu thì bác bắt đầu làm được nhiều động tác. Có một chị còn trẻ, là ca viên của Ban Hợp Xướng Ngàn Khơi, cũng đi tập thường xuyên để giữ gìn sức khoẻ, và có lẽ cũng giúp chị hát mạnh và đầy. Có nhiều vị cao niên đi cả vợ cả chồng. Cô Mỹ nói, “Lớp buổi sáng của mình toàn là các bác lớn tuổi đi cặp với nhau. Một lớp khác có đến 30 cô còn rất trẻ, học xong thì về đi học đi làm.”
Tập Taichi không chỉ là một sinh hoạt cho người cao niên, mà cho tất cả những ai muốn tu dưỡng tâm-thân, có một đời sống thăng bằng về thể chất lẫn tinh thần và tâm linh. Trong mười thế của Càn Khôn Thập Linh, thì mỗi thế đều có động tác để vận khí và khẩu quyết để khai tâm. Thầy Hằng Trường nói, “Dùng Càn Khôn Thập Linh để đứng vững trong đời, khi các bác áp dụng khẩu quyết.” Làm con trâu để ngước mặt lội ra khỏi bùn sình. Làm con hạc để “Nhẹ nhàng tha thứ.” Khẩu quyết cho thế con trâu thuận là một bài thơ khai tâm diệu vợi:
Đẩy trừ phiền não
Buông xã vạn duyên
Khai mở tâm lượng
Trở về nhà Phật
Để tôn trọng tín ngưỡng của mỗi học viên, Cô Bạch Lan gợi ý, “Nếu mình là Phật tử thì ‘Trở về nhà Phật,’ còn mình theo đạo Chúa thì ‘Trở về nhà Chúa’ nghe các Bác.”
Thiên – Địa – Nhân Hợp Nhất
Cũng trong lần thăm viếng, Thầy Hằng Trường nói đến việc biến mỗi lớp học thành một cộng đồng tu, một môi trường yêu thương liên đới. Thầy nói, “Mình đừng nên coi thường sức mạnh của cộng đồng. Chẳng hạn như khi các bác biết trong lớp có ai bị bệnh gì đó, thì mỗi lần tập, mọi người đều nghĩ đến việc giúp cho người đó hết bệnh. Điều đó sẽ giúp người đó hết bệnh mau hơn, và mọi người tập tốt hơn.”
Thầy khuyên mọi người thực hiện một điều mà sách “Đắc Nhân Tâm” của Dale Carneige, do Nguyễn Hiến Lê dịch, đã nhắc đến: nhớ tên của các bạn cùng lớp. Đó là một cách tỏ sự quan tâm và tình thương đối với nhau. Hơn nữa, rủ rê nhau đi tập Taichi cũng là một cách giúp cho người khác khoẻ mạnh và sống tươi vui hơn. Bởi vì, “Đời cá thể và đời tập thể cần đi song song với nhau, giúp tinh thần vui vẻ, lên cao. Sử dụng sức mạnh tập thể, dùng tình thương để giúp nhau khoẻ mạnh, vui vẻ.”
Việc tập luyện cơ thể có những ý nghĩa và ảnh hưởng thực tế đến quan hệ với người khác. Thầy nói, “Bàn tay rất quan trọng, là nơi tiếp xúc với người xung quanh. Khi tập Taichi, bàn tay mình sẽ mềm mại, thì trong quan hệ với tha nhân, mình cũng nhẹ nhàng với họ.” Khi hiểu được ý nghĩa của mỗi động tác, thì học viên vừa khoẻ mạnh hơn, vừa thực hành triết lý đi kèm.
Tập dưỡng sinh là để Tâm-Thân nên một, cùng ảnh hưởng nhau, vì nếu nói theo kiểu Nguyễn Du, thì “Tâm buồn Thân có vui đâu bao giờ.” Còn Thầy Hằng Trường thì nói, “Khi để những chuyện không dính đến mình trong đầu, thì trí huệ sẽ giảm đi.” Tập Taichi có ba cấp: Thế đúng, Thở, Lưu Xướng. Càng lên cao thì hơi thở và ý thức càng hài hoà. Như Thầy nói, “Ngộ lý càng sâu, thân càng khoẻ. Tâm thân là một.” Để đi từ Tiểu ngã, đến Siêu việt, đến Huyền diệu Đại ngã.
Huyền diệu Đại ngã đó chính là Thiên-Địa-Nhân hiệp nhất – cõi yêu thương chan hoà bất nhị mà Hội TBPS đã vun trồng giữa đời và cho đời.

Phái đoàn Giáo sư CSUF và Thầy Cô giáo gặp gỡ Thầy Hằng Trường và Hội Từ Bi Phụng Sự. Hình_Dyung Lê.