Trong 16 ngày, chánh phủ liên bang Hoa Kỳ lâm vào cảnh đóng cửa “Shutdown” kể từ đầu tháng 10-2013. Sau nhiều nỗ lực thương thảo, đến tối khuya ngày 16-10-2013, lưỡng viện Quốc Hội thông qua dự luật “Continuing Appropriations Act 2014”. Chỉ vài giờ sau đó, Tổng Thống Barack Obama ký chấp thuận cho trở thành đạo luật, tạm thời cấp ngân sách và cho chánh phủ liên bang mượn thêm nợ đến ngày 7-2-2014. Trong khi chờ đợi cuộc chiến tài chánh tập II, mời quý độc giả cùng Trẻ điểm lại các diễn biến chánh của kỳ “Government Shutdown” vừa qua.

– Mọi chuyện bắt đầu từ túi tiền
Chánh phủ liên bang phải đóng cửa đơn giản vì Quốc Hội không cung cấp ngân sách cho năm tài khóa mới. Quốc Hội Hoa Kỳ gồm lưỡng viện – Thượng Viện và Hạ Viện. Mà Hạ Viện hiện dưới quyền kiểm soát của phe đa số Ðảng Cộng Hòa. Có nhiều thắc mắc vì sao Quốc Hội lại lừng khừng chuyện tiền bạc vào tháng 10, thay vì ở thời điểm đầu năm đầu tháng. Lý do là mỗi năm tài khóa “Fiscal Year” của chánh phủ tính từ ngày 1 Tháng Mười đến 30 Tháng Chín năm sau. Mỗi năm, cả Thượng lẫn Hạ Viện bỏ phiếu cấp ngân sách (từ tiền thuế thu về cho ngân khố quốc gia) cho các cơ quan chánh phủ liên bang hoạt động và trả lương nhân viên. Thời gian sau nay, vì bất đồng chánh trị ngày càng lớn, Quốc Hội khó đạt được ngân sách trọn gói, nên thường chọn các giải pháp ngân sách ngắn hạn. Rắc rối là ngân sách tạm thời cuối cùng (thông qua ngày 28-3-2013) hết hạn ngày 30-9-2013. Và đến thời điểm này thì chưa có ngân sách mới, dẫn đến “Government Shutdown”.
– “Government Shutdown” không có… bà con với mức nợ tối đa
Lần này, vụ liên bang đóng cửa hầu như vô tình trùng thời điểm chánh phủ xin nâng mức nợ tối đa “Debt Ceiling”, tuy nhiên đây là hai đề tài hoàn toàn khác nhau. Trường hợp “Shutdown” có nghĩa là chánh phủ không có tiền để chi tiêu (nhất là trong những dịch vụ không phải tối cần thiết). Còn khi quốc gia đã chạm mức nợ nần tối đa — mà chánh phủ không được quyền mượn thêm nợ, chí ít để trả tiền lời trên các khoản nợ cũ, thì Hoa Kỳ không thể trả tiền “bill” đúng hạn, đã có thể rơi vào thế “vỡ nợ” ít nhất là tạm thời. Trong vụ khủng hoảng này, Bộ Ngân Khố đã cảnh báo không thể trả tiền “bill” vào ngày 17-10-2013. Và kết quả là Quốc Hội đã kịp thông qua thoả hiệp cho nâng mức nợ tối đa, và sáng sớm ngày 17-10, được Tổng Thống Obama ký thành đạo luật.
– Khủng hoảng đã lặp đi lặp lại nhiều lần
Trong lịch sử, Hoa Kỳ chưa từng bị “vỡ nợ” và lần này cũng thoát nạn trong gang tấc.
Tuy nhiên, cảnh chánh phủ liên bang bị đóng cửa vì không được cấp ngân sách đã xảy ra nhiều lần trước đâỵ Từ sau khi làn sóng người Việt tị nạn ồ ạt đặt chân đến Hoa Kỳ dạo 1975-76, đã có cả thảy 17 lần “Government Shutdown”. Cả hai trào Tổng Thống Jimmy Carter (Dân Chủ) và Ronald Reagan (Cộng Hoà) đều chứng kiến 6 lần chánh phủ liên bang bị… treo. Tuy nhiên, những lần đó chánh phủ chỉ gián đoạn ngắn hạn trong vòng vài ngày rồi mọi sự trở lại như cũ. Lần chánh phủ “Shutdown” nghiêm trọng và lâu nhất, kéo dài 21 ngày, thời điểm bắc cầu cuối năm 1995 sang 1996, lúc Tổng Thống Bill Clinton (Dân Chủ) vật lộn với phe Cộng Hoà kiểm soát Quốc Hội.

Chủ Tịch Hạ Viện John Boehner của Đảng Cộng Hoà (giữa) thua TT Obama và phe Dân Chủ một vố đau. Không ít người dự báo tương lai chánh trị của ông Boehner nhiều phần bấp bênh.
– Những con sâu làm rầu nồi canh
Lần này, nhiều chánh khách Cộng Hoà tại Hạ Viện lẫn Thượng Viện quyết định chọn chiến thuật “tống tiền”. Họ muốn kèm theo ngân sách mới các điều khoản sửa đổi hoặc giới hạn luật cải tổ y tế ObamaCare. Nhiều chánh trị gia bảo thủ nghĩ rằng việc đóng cửa chánh phủ hoặc thậm chí để cho quốc gia vỡ nợ sẽ khiến Tổng Thống Obama và phe Dân Chủ run chân rồi nhượng bộ. Bản thân ngân sách lẫn việc vận hành của luật “ObamaCare” không bị ảnh hưởng trực tiếp vì cuộc chiến ngân sách, nhưng nó được dùng như một lá bài mặc cả. Ðối phó với chiến thuật này, Tổng Thống Obama chấp thuận tái điều đình về luật “ObamaCare” nhưng với điều kiện sau khi quốc gia có ngân sách mới, và mức nợ tối đa được nâng lên để Hoa Kỳ khỏi bị vỡ nợ. Phe Cộng Hoà đã đủ sức… làm tới, đóng cửa chánh phủ, nhưng đến thời điểm 17-10 nước nhà có thể vỡ nợ thì họ đành chào thua ông Tổng Thống.
– Chánh phủ “Shutdown” nhưng không phải hoàn toàn đóng cửa
Rất nhiều người hiểu lầm chuyện “Government Shutdown”, nhất là các kẻ thù của Uncle Sam, đã mau lẹ lợi dụng vụ này để bêu rếu cường quốc Hoa Kỳ. Trên thực tế, rất nhiều phần hành của chánh phủ liên bang vẫn hoạt động bình thường trong thời gian 16 ngày liên bang “đóng cửa”, bao gồm trước hết bất cứ công vụ nào liên can đến an ninh quốc gia, an toàn công cộng, hoặc các chương trình cố định (như An Sinh Xã Hội “Social Security” chẳng hạn). Các văn phòng ngoại giao đại diện Hoa Kỳ khắp thế giới vẫn mở cửa bình thường. Các phi trường không bị ngưng trệ vì nhân viên liên bang vẫn làm việc điều khiển không lưu. Biên giới vẫn được, tuần tra, trú phòng. Các chuyên viên an ninh của Cục Ðiều Tra Liên Bang FBI vẫn làm việc. Hệ thống nhà băng vẫn được bảo toàn. Mạng lưới năng lượng quốc gia vẫn được bảo đảm an ninh. Các cơ quan chánh phủ liên bang lo về quyền lợi xã hội vẫn gởi tiền SSI hay tiền cho cựu chiến binh. Người thất nghiệp hoặc thọ nhận “Food Stamp” không bị gián đoạn quyền lợi. Bưu Điện Hoa Kỳ vẫn đưa thơ mỗi ngày, v.v…
– Đa phần dân chúng Hoa Kỳ không chịu ảnh hưởng trực tiếp
Trong thời gian 16 ngày “Government Shutdown”, người ta vẫn có thể dùng hệ thống cấp cứu 911 và nhận trợ giúp khi cần kíp. Các văn phòng Social Security tại địa phương trên khắp nước vẫn mở cửa, đón người đến ghi danh nhận quyền lợi An Sinh Xã Hội, Medicare, v.v… Tuy một số nơi đình chỉ, nhưng nói chung đa phần cả nước những người thọ nhận chương trình WIC vẫn như bình thường. Một phần lớn Bộ Nông Nghiệp Hoa Kỳ (U.S. Department of Agriculture – USDA) đóng cửa, nhưng các chuyên viên kiểm tra thực phẩm vẫn làm việc để bảo đảm an toàn thực phẩm cho dân chúng. Ða số các văn phòng của Sở Di Trú cũng mở cửa mỗi ngày, nên hầu như các chương trình cứu xét thẻ xanh, di dân, bảo lãnh, v.v… không bị trễ.

Nữ Thượng Nghị Sĩ Patty Murray (Dân Chủ, giữa), đương kim Chủ Tịch Uỷ Ban Tài Chánh Thượng Viện, tuy không ồn ào, nhưng lại giỏi thương thuyết hậu trường, lần này là một trong những nhân vật chủ chốt giúp đạt thoả hiệp giúp Hoa Kỳ tránh cảnh vỡ nợ.
– Những chương trình đã bị đóng cửa trên thực tế
Khi xảy ra “Government Shutdown”, thường các công viên quốc gia, đền đài, danh lam thắng cảnh, bảo tàng viện… do chánh phủ liên bang điều hành dễ bị đóng cửa trước hết. “National Park Service” phải bế cổng trên 400 công viên quốc gia bao gồm Yosemite National Park (California) hay Tượng Nữ Thần Tự Do (Statue of Liberty) ở New York. Một khu vực đặc biệt là Biệt Khu Thủ Ðô DC (District of Columbia) đã có thể gặp rắc rối to vì đây là địa phương duy nhất phải chịu để liên bang chỉ định ngân sách. Lần cuối chánh phủ đóng cửa năm 1996, đã xảy ra cảnh chánh quyền ngừng thu gom rác khiến dân chúng mệt ứ hơi. Tuy nhiên, lần này vị Thị Trưởng DC Vincent Gray hành xử cứng rắn mau lẹ hơn, kịp dùng các khoản tiền mặt chi viện khẩn cấp, đã giữ cho đời sống dân chúng Thủ Ðô Hoa Thịnh Ðốn khá yên ả.
– Những xáo trộn dễ thấy nhất
Trong hơn hai tuần lễ, Ðiện Capitol vẫn mở cửa cho các nhà lập pháp làm việc, tìm giải pháp cho quốc gia, nhưng các dịch vụ thăm viếng đều bị huỷ bỏ, khiến buồn lòng không ít du khách. Tất cả công viên, sở thú, bảo tàng viện… của “Smithsonian” đều cửa đóng then cài, không người lai vãng (dù vậy, thú vật đã không bị bỏ đói. Các đền đài ở DC mọi ngày nườm nượp du khách cũng lâm cảnh lạnh lẽo tiêu điều: Lincoln Memorial, Franklin Delano Roosevelt Memorial, đài tưởng niệm Thế Chiến II, chiến cuộc Việt Nam, v.v…
– Những xáo trộn trong đời sống dân chúng Hoa Kỳ
Mặc dù nhiều người lo ngại quá đáng, thực tế là đa phần trong số trên 3 triệu nhân viên chánh phủ liên bang đều thuộc diện “tối cần thiết” nên vẫn tiếp tục làm việc. Ngay sau 1-10-2013, ngày xảy ra “Government Shutdown”, khoảng 800,000 phải nghỉ ở nhà. Tuy nhiên, trong những ngày sau, rất nhiều người đã được gọi trở lại. Vị nguyên thủ quốc gia, Tổng Thống Obama vẫn điều hợp chánh phủ và lãnh lương đều đặn ($400,000 / năm), trong khi đó chỉ 15 trong số 90 nhân viên phục dịch tại Toà Bạch Ốc làm việc. Mấy trăm Dân Biểu và Thượng Nghị Sĩ liên bang cũng lãnh lương không sót ngày nào, trong khi đó nhiều nhân viên phụ tá của họ phải nghỉ ở nhà. 500,000 nhân viên Bưu Ðiện Hoa Kỳ vẫn làm việc mỗi ngày. Bên Bộ Quốc Phòng, trong khi 50% trong số 800,000 nhân viên dân sự nghỉ ở nhà, thì 1.4 triệu quân nhân vẫn ứng chiến, nên không có chuyện Hoa Kỳ đã có thể bị tấn công mà quân lực không thể phản ứng. Khi để xảy ra cảnh chánh phủ đóng cửa, Quốc Hội đã không quên thông qua một đạo luật đặc biệt, cho chánh phủ tiếp tục trả lương tất cả binh sĩ và gia đình họ, với số phiếu tuyệt đối 422 thuận, zero chống. Luật này tên là “Pay Our Military Act” cũng mau chóng được Thượng Viện thông qua và Tổng Thống Barack Obama ký chấp thuận.
Những cơ quan chánh phủ liên bang bị bế cổng nhiều nhất
Gồm: Bộ Thương Mại (87% trong số 46,420 nhân viên phải ở nhà); Bộ Năng Lượng có 69% trong số 13,814 nhân viên phải ở nhà; cơ quan không gian quốc gia NASA có 18,250 nhân viên, nhưng chỉ dưới 400 người túc trực làm việc; Bộ Bảo Vệ Môi Trường EPA có đến 94% trong số 16,205 nhân viên phải về nhà; Bộ Y Tế chỉ khoảng 50% nhân lực giữ nhiệm sở.
Sau cơn mưa trời… chưa sáng
Thiệt hại tài chánh sau cuộc khủng hoảng này có thể cao thấp khác nhau tuỳ nơi ước định. Có ước lượng nền kinh tế đã thiệt hại ít nhất $24 tỉ trong 16 ngày chánh phủ “Shutdown”: thất thu vì mất du khách thăm thú, chi phí khách sạn; thực khách nhà hàng, v.v… Tuy nhiên, điều đáng quan ngại hơn có thể là cơ hội tái diễn cuộc chiến tài chánh. Theo thỏa hiệp mở cửa chánh phủ, thì liên bang chỉ được cấp ngân sách đến ngày 15-1-2014. Mức nợ tối đa cũng chỉ được nâng lên đến ngày 7-2-2014. Ðây là những giải pháp cấp cứu, đoản kỳ. Trong những tuần lễ sắp đến, đôi bên Dân Chủ-Cộng Hoà sẽ phải tiếp tục đàm phán tìm ra ngân sách ổn định cả năm, mức nợ hợp lý, cũng như chiến lược tài chánh và chi tiêu lâu dài cho Hoa Kỳ. Nếu không được như vậy, cả quốc gia lại rơi vào một cuộc khủng hoảng khác.

Dân Biểu Paul Ryan (Cộng Hoà, phải), đương kim Chủ Tịch Uỷ Ban Tài Chánh Hạ Viện, lên uy tín trong lần “Government Shutdown”, hầu như là người duy nhất bên phe đối lập được Tổng Thống Obama chấp nhận đối thoại thẳng thắn.