Ngày 8 tháng 10 vừa qua, Quỹ Dự trữ Liên bang đã phát hành tờ giấy bạc $100 mới, sau nhiều năm gặp trắc trở do vấn đề in ấn. Lần chót giấy bạc $100 được sửa đổi để lưu hành cho đến nay là từ tháng 3 năm 1996.

Kỹ thuật cao
Mục đích của lần thay đổi này là để cho những tay làm bạc giả khó lòng sao chép, và cũng để cho công chúng, nhất là những người bán hàng, dễ phân biệt giấy bạc thiệt, giả.
Hình Benjamin Franklin vẫn còn trên tờ bạc mới, nhưng không còn nằm trong hình bầu dục. Hai chi tiết an toàn chính là ribbon ba chiều (3-D) có hình những cái chuông và con số 100, cũng như quả chuông nằm trong bình mực đổi từ màu đồng sang màu xanh khi nghiêng tờ giấy bạc.
Ngoài ra,cũng còn nhiều chi tiết an toàn khác ở cả hai mặt giấy. Quỹ Dự trữ Liên bang sẽ dần dần thu hồi những tờ $100 cũ để hủy đi.
Bạn biết gì về giấy bạc $100?
Nhân dịp tờ $100 mới lưu hành, xin lược thuật một số dữ kiện về giấy bạc 100 đô, có thể bạn đã biết hoặc chưa biết:
1. Giấy bạc $100 có số lượng lưu hành nhiều thứ nhì, chỉ đứng sau giấy $1. Tính đến cuối năm 2012, số bạc $100 lưu hành là 8.631 tỷ tờ (863.1 tỷ Mỹ kim).
2. Cuộc sống trung bình của một tờ bạc $100 là 15 năm, tương đối dài so với các giấy bạc khác: $1 chỉ có 5.9 năm; $20 chỉ có 7.7 năm. Lý do là vì bạc $100 thường có giá trị lưu giữ, ít được chuyền tay như những tờ bạc giá trị nhỏ hơn.
3. Tờ $100 được làm giả nhiều nhất, ở khắp nơi trên thế giới. Ít ai làm giả tờ $1 vì không “lợi” bao nhiêu so với chi phí, thời gian và công sức.
4. Tính đến tháng 6 /2013, 77% tổng giá trị tiền tệ Hoa Kỳ nằm trong số bạc $100. Một số báo cáo cho rằng có từ 50% đến 2/3 số giấy bạc $100 hiện nằm ngoài nước Mỹ.
Nhu cầu dự trữ tờ bạc này ở ngoại quốc càng ngày càng tăng, nhất là sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Nhiều người lo ngại về tính cách an toàn của hệ thống ngân hàng, nên muốn dự trữ tiền mặt, và giấy bạc có trị giá lớn luôn luôn được ưa chuộng.
5. Tờ $100 là giấy bạc giá trị lớn nhất hiện lưu hành kể từ năm 1969. Từ năm 1914, Quỹ Dự trữ Liên bang bắt đầu in các loại giấy bạc từ $1 đến $10,000. Năm 1969 các giấy bạc trị giá lớn hơn $100 được cho về hưu vì nhu cầu tiêu thụ giảm sút.
6. Vì có nhiều chi tiết an toàn, nên ấn phí mỗi tờ bạc $100 mới lên đến 12.5 cent, tờ $100 cũ in chỉ mất 7.8 cent. Tiền in mỗi tờ $5, $20 và $50 là 9.8 cent. Mỗi năm, Ban quản trị Quỹ Dự trữ Trung ương dự tính nhu cầu về các tờ giấy bạc mới rồi đặt in tại Cơ quan Khắc và In thuộc Bộ Ngân khố, sau đó trả chi phí in. Ngân sách để in tiền năm 2013 là $797.6 triệu, phần lớn là để in 2.5 tỷ giấy bạc $100 mới.
7. Trong thập niên vừa qua, chính phủ đã thay lại các giấy bạc $5, $10, $20 và $50 và thêm vào một số chi tiết an toàn mới. Chỉ có tờ $1 là vẫn còn nguyên chưa thay đổi.
8. Quỹ Dự trữ Liên bang khi chuyên chở giấy bạc $100 ra nước ngoài phải đóng từng kiện (pallet), như một chiếc giường nhỏ. Mỗi kiện chứa khoảng 640 ngàn tờ ($64 triệu).
9. Crane& Co., trú sở tại Dalton (tiểu bang Massachussets) là công ty duy nhất cung cấp giấy cho Ngân khố Hoa Kỳ để in giấy bạc kể từ năm 1879.
10. Bạn vẫn tưởng tờ bạc $100 dù mới hay cũ cũng chỉ trị giá 100 đô chứ gì? Theo báo Boston Globe, tờ giấy bạc $100 mới có thể trị giá nhiều hơn chính nó, có khi tới… 15 ngàn đô!
Đó là vì các nhà sưu tập thích tìm mua những tờ bạc có số thứ tự hiếm. Chẳng hạn nếu bạn có tờ $100 mà serial number là 00000001 sẽ “bán” được $15 ngàn.
Những loại số “fancy” khác mà giới sưu tập săn tìm:
– “ladders”/số bậc thang, có các số xếp theo thứ tự, ngược hay xuôi, như 12345678, 87654321…;
– “repeaters”/số lặp lại mỗi 4 con số như 44124412…; và
– “solids”/số khối đặc có 8 con số giống nhau như 44444444…