Lời Tòa Soạn: Ký sự nhiều kỳ về cảm nghĩ, thử thách của một cô gái vừa tốt nghiệp đại học ngành International Relations tại UNT (University of North Texas) đã chọn một công việc tạm thời ở một đất nước hoàn toàn xa lạ: Nam Hàn. Nguyên bản tiếng Anh được chuyển dịch sang tiếng Việt, mời quý độc giả tiếp tục theo dõi.

Kỳ 27
Bạn sẽ làm gì cho hết sáu tiếng đồng hồ quá cảnh ở một phi trường? Đi lang thang, ăn uống, mua sắm hàng miễn thuế, đọc sách hay cuộn chân góc nào đó đánh một giấc dưỡng sức cho chuyến bay dài. Tôi chat với Thu Minh để giết thì giờ trong lúc hai cái chân cứ động đậy, muốn đi. Đi đâu trong cái sân bay Heathrow rộng thênh này. Mới ngồi nói chuyện năm mười phút mà tôi đã thấy ngán ngẩm cho thời gian còn lại. Vậy sao không bước ra ngoài, đi một vòng London cho biết mà lại bạc đãi bản thân ngồi đóng đinh trên ghế đợi.
Lẽ ra tôi đặt trước chuyến bay về Mỹ khi vừa đến Paris. Nhưng dù mua trước giá vé vẫn đắt như thường. “Qua Ý vé rẻ hơn rất nhiều, chỉ mất thời gian bay từ Paris sang London mất một tiếng rưỡi rồi ngồi chờ quá cảnh sáu tiếng”. Gessica gợi ý khi tôi cho biết kế hoạch một tháng ở Châu Âu. Và chính tính ham rẻ của tôi khiến Thu Minh trách tôi quá tin những người bạn “í ẹ”, tự dưng giao phó sáu trăm đô la tiền mặt để nhờ người ta mua vé gởi qua email. Kể từ lúc sang Ý về Pháp mất hai tuần, tôi liên lạc với Gessica chỉ được một lần lúc ở Đức. “Tôi đã đặt vé, có vài trục trặc chờ thêm ít ngày. Liên lạc bạn sau”.
Sau Thu Minh, là Ba Me gọi điện hỏi han thúc giục, lại tiếp tục những lời cảnh báo làm tôi hoang mang. “Sao ngây ngô quá!”. Tuy mới quen và cũng không hiểu được tính cách những người bạn Ý nhưng những gì họ quan tâm và giúp đỡ tôi trong một tuần lưu trú miễn phí, lại có ý đồ muốn lấy lại tất cả. Với số tiền mua vé tính ra không đủ chi phí ăn ở, quà cáp, đi chơi nước Ý suốt một tuần. Tôi không tin họ có thể xử sự như vậy cho dù đôi lúc lòng tôi chao động và muốn đặt vé bay thẳng từ Paris. Mất thêm số tiền chẳng sao, tôi muốn bay về nhanh sau gần mười bốn tháng xa nhà. Thế mà tôi có muốn nhanh cũng chẳng được. Đường bay kết nối giá rẻ Gessica gởi đến đúng lúc giữ chân tôi tiếp tục lộ trình đã định trước. “Xin lỗi trễ vài ngày vì khi tôi đặt vé chương trình giảm giá cũng vừa kết thúc. Tôi chờ đợt giảm giá của hãng khác nhưng tôi biết bạn rất mong đành phải lấy giá cao hơn một chút. Bạn đừng bận tâm”. Chuyện đời khó đoán, nhiều khi thấy vậy chứ không phải vậy. Vấn đề là ta không biết lấy lòng đo lòng qua tính cách của từng dân tộc.
Tôi quyết định đứng dậy, khoác chiếc ba lô đi trở lại khu nhập cảnh khai giấy hải quan và bước ra khỏi phi trường. Bác tài taxi giở chiếc nón beret trên đầu, kéo mục kính trễ xuống sống mũi, tròn đôi mắt ngạc nhiên khi nghe tôi hỏi với số tiền hai trăm đô tôi có thể đi một vòng thành phố London trong hai ba tiếng rồi trở lại phi trường. Bác tài già nheo mắt nhìn tôi dò xét từ đầu đến chân như thể tôi là cậu bé Kevin luôn gây rắc rối cho gia đình trong phim “Home Alone” bị lạc ở New York lên taxi đi ăn bánh pizza. “Đi một vòng thành phố không đủ. Ý tôi nói là không đủ cước phí lẫn thời gian nhưng vào trung tâm thành phố, mua vé một điểm tham quan nào đó, cùng tôi ăn một bữa trưa, có thể đủ”.
Nhìn London từ taxi
Sau cái nhìn nghiêm trang khởi đầu lời nói và vẻ mặt hài hước không khác diễn viên tuồng xuống giọng thật trầm và ấm áp trong câu thoại. Dựa vào cảm giác tôi có thể xác định mình gặp phải người tốt. Còn mong gì hơn, có khác nào được sống ở London. Tuy thời gian ít ỏi nhưng thực hiện được một cuộc chu du chớp nhoáng tôi vẫn thấy thích thú và tôi xem đó là phần thưởng các bạn Ý dành riêng cho đôi chân hay đi của mình, thay vì bó chân ngồi trong phi trường một cách thụ động.
Bác tài cho tôi ngồi ghế trước tiện nhìn thấy London nhảy nhót. Ở Châu Âu, thành phố nào cũng đông đúc taxi đời xe hiện đại. Riêng London cho tôi biết thêm các loại xe taxi màu đen và kiểu dáng cổ điển đặc biệt dễ làm du khách có cảm tình. Có một điều lạ, bạn có thể đứng bên đường vẫy xe khi thấy biển báo taxi trên nóc xe bật sáng. Một quy định ngược thông thường, khi đèn hiệu không sáng, báo hiệu đã có khách trên xe. Cũng giống như thói quen lái xe bên trái dễ làm tôi có cảm giác mình đang lái xe hơn làm vị khách ngồi trên ghế trước.
Tôi kể bác tài nghe nguyên nhân có cuộc vi vu tốc hành của chuyến bay quá cảnh. Còn ông điểm cho nghe vài nơi tham quan lý thú London tùy tôi chọn lựa. “Đến Nhà Thủ tướng có cần thiết không khi chẳng ai có nhã ý mời vào. Đứng xớ rớ trước cổng Cung điện Buckingham xem nghi thức đổi gác của đội cận vệ hoàng gia, hay ghé xem bên ngoài Tòa Quốc hội Westminster và ngước cổ nhìn tháp đồng hồ Big Ben, lắng nghe Tiếng nói của London. À quên, hôm kỷ niệm sáu mươi năm trị vì của Nữ hoàng Elizabeth II, Quốc hội chính thức đổi tên tháp Big Ben thành Tháp Elizabeth. Vậy thì mỗi ngày bạn mở đài BBC khi nghe tiếng chuông đinh đong phải hiểu, đây là tiếng nói của Nữ hoàng mới đúng”. Bác tài thật hài hước. Dựa theo nhận xét của diễn viên hài Al Boliska người dẫn chương trình đài radio CHUM của Canada, ông chua thêm câu chuyện nghe thật có lý. “Theo từng giai đoạn, đời người đàn bà có thể ví như năm châu. Tuổi từ 13 đến 18, nàng giống như Phi Châu, miền đất còn trinh nguyên. Từ 18 đến 30, nàng giống như Châu Á, nóng hổi, đầy hoa thơm cỏ lạ. Từ 30 đến 45, nàng giống như Mỹ Châu, đã được khám phá đầy đủ. Từ 45 đến 55, nàng giống như Châu Âu, tài nguyên cạn kiệt. Từ 55 tuổi trở đi, nàng giống như Úc Châu, ai cũng biết còn đó, nhưng ít người để ý”.
Tháp đồng hồ Big Ben được đổi tên thành Tháp Elizabeth
Dù đã đổi tên nhưng trong lòng người Anh (cụ thể là bác tài) và du khách thế giới (chính xác là tôi) vẫn gọi Tháp Big Ben như thuở nào cho dù Big Ben là tên dùng để chỉ quả chuông đồng hồ 13 tấn nặng nhất thế giới. Cũng như Big Ben từng có đường kính bề mặt chiếc đồng hồ lớn nhất thế giới nhưng lại bị tháp đồng hồ Allen Bradley ở Milwaukee của Mỹ phá kỷ lục. Nhưng nói đến tháp Big Ben người ta liên tưởng nước Anh ngay lập tức. “Tháp Elizabeth hay tiếng nói của Nữ hoàng”, có khác gì vùng đất Úc Châu?
Bác tài đề nghị ghé quán Sherlock Holmes ăn trưa. Tôi và ông có điểm chung yêu thích Arthur Conan Doyle tác giả hàng loạt truyện trinh thám về thám tử Sherlock Holmes và bác sĩ Watson. Trước khi ghé quán ăn, bác tài có dừng ở phố Baker một chút cho tôi xem ngôi nhà nơi Sherlock Holmes từng sinh sống. Bác tài nói bên trong được trang trí và sắp đặt đúng những vật dụng của nhà thám tử đại tài này sử dụng theo mô tả của nhà văn Conan Doyle. Du khách phải mua vé giá năm bảng để vào xem những di vật của một nhân vật Sherlock Holmes không có thật ngoài đời. Qua lời thuyết minh của hướng dẫn viên kiêm tài xế dành riêng cho tôi về ngôi nhà số 221B rằng du khách đến đây vì lòng hiếu kỳ muốn tìm hiểu trí tưởng tượng phong phú của Conan Doyle hơn là sự nổi tiếng nhân vật chính chuyên khám phá các vụ án ly kỳ.
Ngôi nhà thám tử Sherlock Holmes được dựng theo trí tưởng tượng trong truyện của nhà văn Arthur Conan Doyle
Tôi rất phục kiến thức của bác tài không phải về những thắng cảnh London mà ông đưa tôi đi ngang qua. Nhiều câu chuyện hài hước và thời sự London gắn liền với cuộc sống của người London bổ sung trong chuyến đi ngắn ngủi của tôi thêm phần thú vị. Nghề lái taxi ở London rất khó, phải học hai năm đủ mọi chương trình phục vụ cho hành khách và qua kỳ sát hạch kỹ năng lái xe và kiến thức rất khó khăn. Bác tài nói để nhớ được khoảng cách gần nhất từ đường nọ sang đường kia trong số hai mươi lăm ngàn con đường thành phố London là điều không hề dễ dàng chút nào. Hành nghề taxi ở London không bắt buộc phải làm việc cho công ty, tư nhân có xe riêng theo quy định, muốn làm chủ một mình vẫn được. Tất nhiên, chuyện ma mánh trong nghề, lái xe “dù” chặt chém du khách không phải không có, nhưng rất ít. Vì lẽ đó, taxi London được các tạp chí du lịch nổi tiếng đánh giá là một trong những ngành phục vụ tốt nhất thế giới.
Nói là một vòng London không đủ thời gian, chứ kỳ thật bác tài đã đưa tôi đi qua nhiều công trình di tích lịch sử thành phố với đầy đủ thuyết minh sống động. Bữa ăn bác tài chiêu đãi món gà và salad trộn dưa leo mà bác sĩ Watson hay dùng được ông gọi cho tôi nếm thử. Ông nhìn đồng hồ World Timer tôi đeo trên tay, chợt nảy ra ý định đưa tôi đi tham quan Đài thiên văn Greenwich điểm kinh tuyến gốc số 0. Hay đấy, đến London mà không đến đường phân chia Đông bán cầu và Tây bán cầu trên trái đất thật là thiếu sót.
Đài Thiên văn Greenwich cách trung tâm London hai mươi phút lái xe. Chúng tôi leo lên đồi và ông mua vé cho tôi một mình vào xem đường phân chia kinh tuyến với giá bảy bảng Anh. Khá đông du khách đến đây tìm hiểu về các vì sao và phương thức tìm tọa độ của vĩ tuyến và kinh tuyến. Học được điều này sẽ tốn nhiều thời gian, lấy cái điện thoại xem GPS là biết mình đang đứng ở giao độ nào nhanh nhất. Nhưng điều tôi quan tâm hóa ra chỉ có hai cái gạch trắng song song. Nơi thời gian bắt đầu đi về hướng Đông +1 cho mỗi cung kinh tuyến 15 độ. Và ngược lại hướng Tây -1 chỉ có thế thôi. Tôi nhìn cây kim đỏ trên đồng hồ tay giờ GTM tương ứng cây kim chỉ đúng hai giờ trưa London, bấm giờ New York thấy chậm hơn năm tiếng. Một chốc nữa, bác tài sẽ đưa tôi về phi trường Heathrow nằm ở hướng Tây London, có nghĩa là tôi sẽ bay nghịch chiều quay trái đất. Chỉ là suy luận mò thôi, về kiến thức không gian tôi không hơn thám tử Sherlock Holmes.
Tôi đặt hai chân lên hai đường vạch bằng kim loại. Bầu trời bên kia bán cầu còn đêm đen. Tôi cố tìm một cảm giác khơi mào cho câu chuyện vừa mới nhen nhóm trong đầu, nhưng cứ rối bòng bong. Không có cảm giác như đôi lần tôi đứng giữa lằn ranh giữa mưa và nắng mặc dầu tôi biết thể nào những hạt mưa trong chốc lát sẽ đuổi qua bên nắng. Cảm giác này nó thật hơn hai đường ranh hiện hữu chẳng qua là sự tưởng tượng của con người. Có lẽ đầu óc tôi đang nghĩ về những người bạn Ý xoay xở tiết kiệm chi phí vé bay để tôi có cơ hội biết thêm về một London lãng đãng mù sương. Và tôi đang nghĩ đến món quà mang nhiều ý nghĩa gởi ngay trên đường trở lại phi trường.
Vạch kinh tuyến số 0 phân chia Tây bán cầu và Đông bán cầu ở Greenwich, London
NL