Menu Close

Avenged Sevenfold – Tội đồ hay tượng đài

Năm 2013 đón nhận hàng loạt album nhạc rock của các tên tuổi lớn, từ kỳ cựu cho tới thịnh hành hiện nay. Từ đầu năm đến giờ, đã có những đĩa nhạc quan trọng như sự trở lại của Black Sabbath, Bon Jovi, Alice in Chain, Queen of the Stone Age… bên cạnh các nhóm metal mới tung ra đĩa như Five Finger Death Punch với The Wrong Side Of Heaven And The Righteous Side Of Hell Volume 1 (lên hạng 2 Top Billboard), Children of Bodom với Halo of Blood, Asking Alexandria với From Death To Destiny…  Với các nhóm nhẹ hơn cũng có những đĩa nhạc trong năm như 30 Seconds To Mars, Paramore, Fall Out Boy… Cuối tháng 8, đầu tháng 9, một đĩa rock quan trọng cũng được tung ra, album Hesitation Marks của nhóm Nine Inch Nails. Đĩa xếp hạng 3, sau 2 album của Ariana Grande và Tamar. Tại Anh, nhóm Arctic Monkeys cũng tung ra đĩa AM, xếp nhất ở Anh và trở thành nhóm nhạc đầu tiên của một hãng đĩa độc lập có 5 album liên tiếp xếp đầu top. Trước đó một tuần, nhóm Avenged Sevenfold cũng leo lên hạng nhất Billboard với đĩa Hail to the King.

alt

Nhóm nhạc khởi đầu chơi dòng metalcore này đang có vị thế rất tốt trong làng nhạc rock. Sau một số album theo dòng metalcore, nhóm được dân nghe rock thứ dữ ngợi khen nhưng vẫn còn chưa được số đông biết đến. Đến album thứ 3, City of Evil, nhóm dần rời xa metalcore để chọn nghiêng về dòng hard rock. Đến album thứ 4 trùng với tên nhóm, họ lại thử nghiệm nhiều thể loại hơn nữa như nhạc country ở bài ballad Dear God, nhạc Broadway ở bài A little piece of heaven (giống như kiểu nhạc đầy kịch tính mà Alice Cooper mang vào nhạc rock)

Từ album Nightmare năm 2010, dù mất đi một thành viên rất quan trọng là tay trống The Rev, phong cách nhạc của Avenged Sevenfold (thường được gọi tắt là A7X) chuyển sang dễ tiếp cận hơn và đĩa nhạc Nightmare lập tức leo lên đầu top Billboard. Album nhận được sự đóng góp từ cả tay trống cũ đã qua đời là The Rev và tay trống tiếng tăm Mike Portnoy của nhóm Dream Theater. Năm 2013, tìm được một tay trống hoàn toàn mới và album Hail to the king được tung ra, một lần nữa được số đông đón nhận rất tích cực. Đĩa nhạc đã xếp nhất Top Billboard 200 lẫn top ở Anh và một số quốc gia khác ở châu Âu, châu Mỹ. Giới phê bình cũng ngợi khen album khá nhiệt tình. Nhóm tuyên bố đĩa nhạc này mang họ về với cội rễ của nhạc rock, với Black Sabbath, Led Zeppelin. Album mở đầu với tiếng mưa và tiếng chuông nhà thờ ảm đạm, giống như bài Black Sabbath của nhóm Black Sabbath nhưng sau đó, mọi thứ mạnh mẽ.

alt

Cover Hail to the King – nguồn cdn-wmgecom-com

Tuy nhiên, một số bài hát có phong cách tương tự một số bản nhạc khá kinh điển từ Guns N Roses, Metallica và đã gây ra một dòng dư luận ngược, như một lời nhận xét hóm hỉnh trên tờ Guardian “có vài câu riff quen thuộc đến kỳ lạ và vài khoảnh khắc sống động đến mức các luật sư của Metallica phải cân nhắc”. Đĩa nhạc đã nhận một lời phê bình khá gay gắt từ Robb Flynn, ca sĩ chính của nhóm Machine Head. Robb đã mỉa mai rằng đây chỉ là một album hát cover vì các bài hát quá giống với các bản metal kinh điển. Anh còn viết 10 câu dẫn hài hước về album này, ví dụ như  “Avenged Sevenfold đổi tên thành ‘Sad But Two’”, nhắc đến bài This means war trong album giống bài Sad but True của Metallica. Hoặc” chì kẻ mắt đã bán chạy như tôm tươi sau khi hàng ngàn các cô gái theo phong cách gothic đã cực kỳ đau khổ khi biết Hail to the King thật ra là bài Thunderstruck của ban nhạc AC/DC. Vì đau khổ, các cô gái khóc và phải mua thêm chì kẻ mắt! Hoặc “sau khi nghe bài Heretic, Dave Mustaine (nhóm Megadeth) đã chửi đổng, trách Obama, Metallica và các vật thể bay không xác định vì AX7 đã chôm lại từ bài “Symphony Of Destruction”. Trước đây, AX7 cũng vài lần bị kết tội sử dụng lại các câu riff guitar  từ Iron Maiden hay Death.

Nhưng thật sự, AX7 đang xây dựng được cho mình một vị trí mới, gần như đang dẫn đầu cho dòng New Wave of American Heavy Metal và xác định hướng đến các tượng đài như Metallica hay Iron Maiden. Các tham vọng đa dạng hóa âm nhạc của mình đã được nhóm thực hiện rất tốt, ví dụ như trong album, bài Planets lấy lại các câu nhạc từ tổ khúc 7 chương The Planets của nhà soạn nhạc người Anh Gustav Holst. Một số ca khúc như Requiem, Crimson Day, Acid Rain cũng sử dụng bộ đàn dây như cello, violon hoặc bộ kèn như trumpet, trombone, tuba.

NV