1. NHỮNG CHÂN TRỜI MỚI
Trong cuộc phỏng vấn theo phương pháp lịch sử truyền khẩu cho Dự án Việt Mỹ Vietnamese American Project do tôi thiết lập tại Đại học Cal State Fullerton vào thập niên 1990, Họa sĩ Nguyên Khai đã nói về những khám phá mới trong hành trình nghệ thuật của mình. Bên cạnh loạt tranh được thực hiện với phế liệu và chips điện tử, ông còn nói thêm về những cách biểu đạt mới trong tư tưởng hội họa Nguyên Khai.
Tư gia của Họa sĩ là một Viện Bảo Tàng thực thụ. Từ những vật dụng rất nhỏ như cái ghế ngồi, cho đến những đồ dùng trong phòng riêng của vợ chồng ông, tất cả đều được ánh sáng Nguyên Khai soi rọi, được thăng hoa bằng niềm đam mê hội họa và tình yêu mà ông dành cho vợ. Hiền thê của Họa sĩ Nguyên Khai là một phụ nữ tài ba và quả cảm: bà cáng đáng tất cả, để chồng có toàn tự do theo đuổi hội họa trong suốt cuộc hôn nhân mỹ mãn đã mấy thập niên qua. Nguyên Khai sống trong nghệ thuật, sống vì nghệ thuật, sống bằng nghệ thuật. Phía sau nhà, ông trồng một vườn bonsai, xanh um và sắc sảo, nơi ông mỗi ngày pha trà và hàn huyên với vợ, nguồn cảm hứng đẹp nhất của đời ông.
Ông nói trong cuộc phỏng vấn truyền khẩu VAP diễn ra ngày 25 tháng 12, năm 2000, tại Thành phố Tustin, CA: “Tranh này tôi vẽ bằng một cái chất liệu là một cái bao gạo mà làm thành canvas. Thành phải có nhiều lớp sơn để đắp vô cho dày thì mới được. Cái hình thể mới của tôi là bỏ cái khuôn khổ, thả nó ra trong một mặt phẳng tự do. Đề tài của bức tranh là “Tháp Vàng,” không phải là cái tháp chứa vàng, nhưng là cái tháp để đi đến những chân trời mới.”
Tranh Nguyên Khai luôn đẹp, lạ, và sâu sắc. Người họa sĩ gốc hoàng phái này luôn đưa chúng ta về với những chắt chiu và nâng niu của một hình ảnh nào đó, có thể Việt Nam như những thiếu nữ áo dài, có thể trừu tượng như những tháp vàng mở rộng, có thể ‘hiện thực thời đại’ như loạt tranh dùng chips điện tử. Nhưng lúc nào và với bất cứ đề tài nào, Nguyên Khai vẫn luôn đi vào một chân trời mới, của hội họa và tư tưởng.

Tác giả đang giới thiệu nhạc sĩ Nguyễn Đức Đạt trong buổi độc tấu Tây Ban Cầm tại Làng Văn Hóa, Hội Xuân San Diego 2009. Ảnh tư liệu, Nguyễn Khánh Lâm.
2. NHÂN LOẠI HOÀ NHẤT
Tháng 7, 2013, tôi có dịp dự chương trình nhạc của Andrea Bocelli trong chuyến lưu diễn mệnh danh “Passione” của ông tại Mỹ. Giữa mênh mang Ý-Đại-Lợi trên màn ảnh rộng và trong dòng-âm-thanh-Andrea-Bocelli tại Honda Center, Anaheim, CA, tâm thức tôi trôi về những miền ký ức với nhạc sĩ khiếm thị Nguyễn Đức Đạt. Tôi cho rằng Nguyễn Đức Đạt xứng đáng được gọi là “một Andrea Bocelli của Việt Nam,” dù trên bình diện âm nhạc quốc tế, tác giả của “Gã Điên Trên Đồi Hoang” (tên một CD của Nguyễn Đức Đạt) có một chỗ đứng khiêm tốn hơn.
Nguyễn Đức Đạt giống với Andrea Bocelli ở nhiều điểm. Khiếm thị, tài ba, đam mê âm nhạc, một nghệ sĩ tuyệt luân. Cả hai đều đưa quê hương của mình vào nghệ thuật trình diễn. Cả hai đều khổ hạnh trên con đường theo đuổi nghệ thuật: Andrea Bocelli phải đi đánh đàn ở quán rượu để trả tiền học thanh nhạc, Nguyễn Đức Đạt đi đàn cho đám cưới khi còn ở Việt Nam để mưu sinh. Nhưng tài năng của họ cuối cùng cũng đưa họ vào chỗ đứng xứng đáng trong lòng người thưởng mộ.
Nhưng Nguyễn Đức Đạt vẫn có những thiệt thòi riêng: bị chiến tranh chèn ép, bị khủng hoảng hậu chiến dập vùi, không có môi trường thuận tiện để phát triển tài năng. Có cực đến đâu, thì Andrea Bocelli cũng chưa bao giờ phải tự đi chợ cho mình, bị người ta gạt bán cà hôi dưa thối như Nguyễn Đức Đạt đã chịu khi Anh còn sống tại Câu Lạc Bộ Bừng Sáng tại Sài Gòn. Khi qua Mỹ, Anh đã theo học Cử nhân về trình diễn Tây Ban Cầm tại Cal State Fullerton, lập ban nhạc Bayadera, và đoạt nhiều giải thưởng tầm cỡ.
Cho nên, nghệ thuật của Andrea Bocelli rạng rỡ, ánh ngời, hân hoan, tung tăng, choáng ngợp. Còn nghệ thuật của Nguyễn Đức Đạt trầm lắng, không thiếu rộn ràng với điệu flamenco, nhưng vẫn đầy chịu đựng, đăm đắm Thiền tính. Nếu Andrea Bocelli làm người nghe vỡ nát lồng ngực, thì Nguyễn Đức Đạt còn có khả năng bơm máu cho những trái tim da vàng, nhất là khi Anh thể hiện những bản nhạc Việt như “Hòn Vọng Phu” trên guitar với kỹ thuật flamenco, làm trái tim người nghe điêu đứng.
Nhưng cho dù có những khác biệt về hoàn cảnh đi nữa, thì trong biển đời, biển nhân sinh, tất cả đều là một. Nên Andrea Bocelli hay Nguyễn Đức Đạt cũng là một trong sự chân như, như người nhạc sĩ của chúng ta đã nói trong một cuộc phỏng vấn, cũng cho Dự án Việt Mỹ VAP, ngày 16 Tháng Ba, năm 2000, tại thành phố Placentia: “Đạt rất thích biển. Biển có cái mùi muối, rất là thích hợp. Với lại cái âm thanh sóng nó hay, và cái hơi nó mát. Biển là một cái gì đó tượng trưng cho sự vô bờ, vĩnh cửu. Nó cũng tượng trưng cho sự hoà nhất: bao nhiêu người máu đều mặn. Đại dương là sự tượng trưng của nguồn gốc, của sự hoà nhập, cũng là sự chân như.”

Hoạ sĩ Nguyên Khai cùng tác giả và một thân hữu tại một cuộc triển lãm của ông tại Nb Viễn Đông, 2004. Ảnh tư liệu
3. CHÂN TRỜI HOÀ NHẤT
Trong chân như, nhân loại là một. Suốt 21 năm qua, SAP-VN đi kiến tạo chân như ấy cho những người cùng khổ nhất tại Việt Nam, để họ thấy được lành lặn, sống được tươi sáng. Cho đến ngày hôm nay, trên 9,000 em đã được các ân nhân của Hội tài trợ phẫu thuật. Những giấc mơ xa vời của các trẻ em khuyết tật trong hoàn cảnh nghèo khó đã vượt vũ môn nhờ vào chương trình chỉnh hình của SAP-VN. Sự bảo trợ của các cơ sở thương mại, các mạnh thường quân, và các thân hữu đã làm nên một Chân Trời Hoà Nhất của hơn 9,000 thanh thiếu niên này.
Chúa Nhật ngày 20 tháng 10, năm 2013, SAP-VN sẽ đánh dấu năm thứ 11 của dạ tiệc gây quỹ thường niên “Cho Em Niềm Hy Vọng,” với phần triển lãm nghệ thuật của Họa sĩ Nguyên Khai. Đặc biệt năm nay, Nhạc sĩ khiếm thị Nguyễn Đức Đạt đã dành thời gian để góp mặt trong Dạ tiệc “Gift of Hope 11.” Trả lời phỏng vấn khi đang lưu diễn tại Texas, Anh nói, “Hội đã mời Đạt trình diễn nhiều năm nay, nhưng năm nào cũng kẹt hết. Năm nay, tuy bận, Đạt quyết tâm đến giúp.” Là host của chương trình truyền hình “Ngọc Trong Tim,” Nhạc sĩ Nguyễn Đức Đạt luôn thao thức về những công việc và sinh hoạt liên quan đến người khuyết tật. Anh nói, “Đạt sẽ giúp quảng bá về buổi gây quỹ của Hội.” Đẹp thay cái chân như trong tấm lòng của Nguyễn Đức Đạt!
Quý độc giả hãy hình dung sự kết hợp kỳ diệu của hai tài năng Nguyên Khai và Nguyễn Đức Đạt trong sự giao thoa của hai bộ môn nghệ thuật hoạ và nhạc. Một Chân Trời Mới của Nguyên Khai, và một Chân Như của Nguyễn Đức Đạt. Đó là món quà tinh thần lớn nhất mà tất cả chúng ta sẽ nhận được khi đến dự Dạ tiệc này.