Menu Close

Nhớ nhớ quên quên

Tôi thường dậy sớm vào những ngày cuối tuần, có lẽ do thói quen từ những năm còn đi làm. Hồi đó, từ Thứ Hai đến Thứ Sáu, tất bật chuyện nhà, chuyện sở, tôi không có thì giờ cho riêng mình. Nên sáng Thứ Bảy và Chủ Nhật tôi dậy thật sớm để có cảm giác được hưởng nhàn trọn vẹn 48 tiếng đồng hồ.

Thật vậy, sáng sớm của một ngày không đi làm, có giá trị như một thang thuốc bổ. Cầm ly café ra ngoài vườn khi cây cỏ còn ướt sương, cảm giác buông bỏ hết mọi việc thật rõ rệt. Đôi khi tôi nghĩ những người có thời gian để sửa soạn sang bên kia thế giới, thì sự nhẹ nhàng của buông bỏ cũng đến thế này là cùng.

Sáng nay, uống hết ly café, phải một lúc lâu, tôi mới nhớ sáng nay tôi dự định cắt ngắn những ngọn tre để hàng hiên hứng được nắng mùa Đông, chỉ một việc đấy thôi cũng khướt rồi, đó là chưa kể dăm chậu cây, vừa hoa vừa quả đang xếp hàng chờ thay đất, bón phân.

Tôi định chờ nắng lên sẽ làm, thì chị Tuệ điện thoại.

Chị Tuệ là chị của Minh, một đồng nghiệp của tôi thời còn làm tờ báo BN Magazine.  Chị Tuệ đã hơn 70, nhưng vẫn còn ham vui, chị nhập vào nhóm bạn của chúng tôi thật tự nhiên, hòa đồng vui vẻ với mọi người. Dần dần chị có vẻ thân với tôi hơn, hay điện thoại kể chuyện nhà cửa, chồng con, tuổi già, chị bảo: chả bao giờ chị nói chuyện được với Minh, người em trai kế của chị, chị không có em gái, lại có tới năm cậu con trai, và chị kết luận: “đàn ông con trai vô tích sự lắm, không thể hiểu tâm tình phụ nữ chúng ta đâu!’

Năm trước, bác sĩ bảo chị bị nhức đầu kinh niên vì chị bị một bướu nhỏ nằm ở tuyến nang thượng thận, nếu giải phẫu cắt bỏ tuyến này, thì bảo đảm sẽ hết nhức đầu. Sau cuộc tiểu giải phẫu chị hồi phục nhanh chóng, và đúng thật, chị không còn bị nhức đầu nữa. Nhưng chỉ được mươi tháng, chị điện thoại cho tôi báo rằng: bệnh nhức đầu đã trở lại như cũ, nay lại thêm chứng hay quên.

Tiếng khào khào của chị Tuệ ở đầu dây bên kia:

– Hương đấy hả?

Tôi áp chiếc điện thoại nhỏ xíu sát vào tai, vừa ngồi xuống chiếc ghế salon dài, vừa nói:

– Vâng em đây. Chị khỏe không?

– Chị vẫn khoẻ, sáng nay em có đi đâu không?

Tôi trả lời giọng lười biếng:

– Không chị ạ, em đang định cắt tỉa mấy ngọn tre, nhưng lười quá, nói chuyện với chị sướng hơn.  

– Sáng nay, chị cũng định làm một số việc, nhưng nghĩ mãi không nhớ được việc gì, cứ lẩn thẩn đi ra đi vào như người mất hồn, đành gọi điện thoại thăm em, may ra lúc nói chuyện, sẽ nhớ ra.

– Chị ơi, 60 như tụi em quên đã là chuyện thường, huống chi tuổi của chị. Nhưng em thấy chuyện gì chị cũng nhớ như đinh đóng cột í, có quên gì đâu!?

– Quên chứ em. Đấy, mới gặp các em tuần trước, nhưng chẳng còn nhớ hôm ấy nói chuyện gì nữa, chỉ biết là vui quá thôi.

– Nhớ vui thế là tốt rồi. Thế là đủ rồi chị ạ, Chị biết không, nhớ với quên là chuyện dài… nhân dân tự vệ của nhóm bạn thời trung học tụi em. Có hồi kể cho nhau nghe đủ thứ chuyện xa xưa, nhưng cũng có lúc đứa này hỏi đứa kia, tên một người bạn hoặc Cô, Thầy, thì tự nhiên quên bẵng, không cách chi nhớ được chị ạ.

– Chị cũng vậy, đôi lúc nghĩ chẳng phải quên mà là lú lẫn em ạ. Chuyện mới xảy ra chỉ mươi phút đã quên mất!

– Nhưng sau đó chị có nhớ lại không?

– Có, nhưng phải cố gắng lắm mới nhớ được. Khổ ghê cơ!

– Thế thì trí nhớ của chị vẫn còn tốt chán. Để em kể chị nghe bệnh quên của em cách đây hơn 20 năm nhé.

Có tiếng cười khúc khích chế giễu của chị Tuệ:

– Em cũng giỏi kể chuyện nhỉ. Chị chưa nghe người trẻ quên bao giờ.

Tôi gân cổ nói nhanh:

– Chị ơi, xảy ra cho em đấy. Năm ấy hai cháu đã lên trung học hết rồi, thế mà một hôm trên đường đi làm về, em ghé vào cái Mall ở gần nhà, không hiểu sao cứ nghĩ là hôm nay có lương, ghé vào tiệm mua cho hai con hai cái áo đầm. Em chọn hai chiếc áo đầm cùng kiểu, cùng màu, đem về nhà, đưa cho các con, chúng nó lo quá, định dắt em đi bác sĩ đấy.

Chị Tuệ cười rũ ở đầu dây bên kia, rồi hỏi:

– Thế em có đi bác sĩ không?

– Dạ không, em định thần lại, mới thấy mình vất vả quá, suốt ngày bù đầu vào công việc, rồi lại lo cho con, nên chẳng còn nhớ thời gian đã đi nhanh, các cháu không còn bé bỏng nữa, em nghĩ thế nên không đi bác sĩ nữa.

Chị Tuệ cảm khái:

– Đến là khổ, chị cũng vậy, khi phải nghĩ nhiều việc một lúc, thì y như rằng chẳng việc gì ra việc gì.

Đến phiên tôi tỉ tê:

– Nhưng em vẫn tiếp tục quên chị ạ.

– Hử, lại đi mua áo trẻ con nữa sao?

– Không, lần này kinh hoàng hơn lần trước.

Tiếng chị Tuệ đứt đoạn, hồi hộp:

– Hả, em nói sao, chờ chị rót tách nước, sao khổ thân em thế! Em quên chuyện gì?

Tôi thong thả vừa nhớ lại chuyện cũ, vừa kể:

– Chuyện xảy ra trong hai ngày liên tiếp chị ạ. Trưa hôm trước, em ôm nguyên một chồng khăn tắm vừa mới xếp, mở cửa tủ lạnh, lo dọn chỗ để cất chồng khăn tắm vào đó! Nếu không có con bé con của em nó thấy và dắt em ra khỏi cơn… quên đó, thì không biết sẽ ra làm sao!

Đến hôm sau, em được về sớm, em ghé chợ mua bì, và sườn để làm cơm tấm, vì các cháu rất thích món này. Em nghĩ đến công việc nhà: nấu cơm tối nay, giặt quần áo, lau bàn ghế, hút bụi… em muốn làm xong tất cả để cuối tuần được thảnh thơi, nên hăng hái lắm.

Về đến nhà em ướp thịt, rửa cà chua, dưa leo, pha nước mắm, trộn bì, nấu cơm, nói chung, em sửa soạn chu đáo cho bữa cơm tối thật ngon của ba mẹ con.

Nhưng đến chiều khi các cháu đi học về, em mở tủ lạnh lấy thịt ra nướng, tìm mãi không thấy đĩa thịt đã ướp đâu cả. Hai cháu có kinh nghiệm về tính “lãng” của em hôm qua, nên đã mở hết các hộc tủ, ngăn kéo nhà bếp, mở cả ngăn tủ quần áo để tìm. Nhưng cả tiếng đồng hồ trôi qua, đĩa thịt vẫn bặt tăm, em vừa bực vừa lo khi nghĩ đến sức khoẻ của mình có vấn đề, khiến em cáu gắt với các cháu: “Thôi khỏi tìm khỏi ăn gì cả, mẹ mệt lắm rồi!” Cháu lớn an ủi em thế này: “Chắc tại mẹ làm việc nhiều quá, nên bị như vậy, để con đặt pizza, tối nay mình ăn pizza, rồi tính sau, bỏ cái đĩa thịt đó đi”

Tôi vừa ngưng kể, chị Tuệ hỏi ngay:

– Thế có tìm thấy đĩa thịt không?

Tôi thở ra:

– Dạ, vài hôm sau, cháu lớn xuống phòng giặt ở phía sau nhà xe để giặt quần áo, mới thấy đĩa thịt để trên nắp máy giặt.

Chị Tuệ kêu lên:

– Giời ơi, sao lạ thế?

– Vâng lúc đó em mới nhớ ra là sau khi ướp thịt, em bưng giỏ quần áo xuống nhà giặt, đi ngang phòng ăn, em cuộn luôn chiếc khăn bàn, trong vô thức, em đã để đĩa thịt vào giỏ quần áo và xách đi luôn! Xuống đến nhà giặt em thay đổi ý định không giặt nữa, em lên nhà hút bụi, rồi quên luôn.

Chị Tuệ bung tiếng cười thoải mái:

– Nhớ được thế là tốt rồi. Đúng là em làm việc căng thẳng quá nên mới bị như thế.

– Dạ, sau vụ đó, em không dám ôm đồm như trước, mỗi lần làm một việc thôi. Sau này em không bị nữa.

– Chị không lo lắm về cái việc em quên đĩa thịt hay cất đống khăn tắm vào tủ lạnh, nhưng chị lo vụ em đi mua áo đầm trẻ con. Kể cũng lạ đấy!

Suy nghĩ của chị Tuệ đưa tôi trở về tâm trạng của mấy chục năm trước, tôi kể lể:

– Dạ, lúc ấy, em cứ như người mộng du chị ạ. Đôi lúc em cảm thấy cuộc sống như có quá khứ chập chờn đâu đó. Mà quá khứ thì thật nhiều mặc cảm. Chị cũng biết, khi mới định cư, chưa có công ăn việc làm, nên đời sống chật vật lắm. Những lần đi ngang cửa hiệu bán đồ chơi, thấy hai cháu gí sát mắt vào tủ kính, nước mắt em lại ứa ra. Ngay cả quần áo các cháu cũng thế chị ạ, đắt lắm, nên em hay xin những chiếc áo đầm của người lớn ở trung tâm từ thiện Saint Vincent De Paul, rồi cắt may thành quần áo cho các cháu. Em tự hứa, khi nào có tiền sẽ mua cho các cháu tất cả những gì chúng nó muốn. Em bị mặc cảm là không lo cho các con được chu toàn, nên cứ mãi quanh quẩn với ký ức bị tổn thương đó. Đến lúc có tiền thì các cháu cũng qua tuổi vòi vĩnh rồi.

Em mang mặc cảm đó cho đến khi các cháu lớn khôn, mới tạm rũ bỏ được và chấp nhận số mệnh lúc đó phải như thế. Nhưng bù lại, em đã yêu con hết mực và ngày nay hai cháu ngoan ngoãn nên người.

Chị Tuệ thở dài giọng hơi sũng ướt:

– Thôi qua cơn bĩ cực đến hồi thới lai!

– Dạ. Em chỉ muốn kể chị nghe chuyện em đã từng quên, thế mà dây mơ rễ má, lại ra đến chuyện bĩ cực đấy chứ!

– Ừ, chị hay quên những chuyện đâu đâu, trong khi chuyện cần quên thì lại cứ nhớ như in.

Tôi ngạc nhiên hỏi:

– Chuyện gì ạ? Chị mà cũng có chuyện không quên được ư?  

Chị Tuệ nói ngay một tràng:

– Chuyện ông chồng chị đấy, gớm, bực lắm. Nhớ ngày chưa cưới, thì xun xoe lượn lờ trước nhà ông bà cụ, đuổi cũng chả đi. Lúc cưới xong thì cũng còn ngọt nhạt tí đỉnh, thế nhưng khi chị đẻ thằng cháu Nam, là ông ấy bắt đầu dở chứng!”

– Thôi chị ạ, cố quên đi cho nó nhẹ.

Hình như không nghe tôi nói, chị tiếp tục:

– Em biết không, bao nhiêu lần chị bắt quả tang ông ấy mèo chuột, lần nào cũng xin lỗi, hứa không tái phạm, nhưng chỉ ba bảy hai mươi mốt ngày, lại chứng nào tật nấy.

Tôi vặn:

– Biết thế sao ngày ấy chị còn đẻ thêm làm gì?

Chị Tuệ phân bua:

– Chị nghĩ vợ cái con cột, cứ đẻ nhiều con vào thì ông ấy sẽ chẳng còn sức đâu mà lông bông.

– Nhưng có đúng thế không?

Ngần ngừ một lúc chị nói:

– Không em ạ, cái ngữ đàn ông nó thế, càng đẻ nhiều nó lại càng hăng em ạ, đến nỗi có một cô đến tận nhà tìm cơ mà!

– Thế là sao, em tưởng anh ấy… hăng với chị, chứ sao lại… hăng… với người khác?

– Thì thế!

– Thế mà chị lại cứ tiếp tục…

Chị Tuệ than thở:

– Cũng tại cái số của chị mắc nợ ông ấy. Cũng 45 năm rồi em còn gì. Bây giờ ông ấy già rồi, chẳng ma nào nó thèm, nên chị mới khoẻ đấy! Ừ, chị nhớ rồi, sáng nay định đi chợ, rồi gọi em sang ăn bún thang, hôm nay kỷ niệm 45 năm ngày cưới của anh chị. Cũng may, nhờ nhắc chuyện xưa, mới sực nhớ ra. Chị cúp em nhé, chị đi chợ đây. Khoảng 1 giờ, em sang nhé.

Buông điện thoại, tôi nghĩ những gì đã xảy ra trong đời, cứ ngỡ chúng sẽ xếp nếp nằm im, nằm sâu trong quá khứ, và sẽ bị lãng quên, nhưng thực sự chúng là một phần của cuộc đời. Một phần đời lặng lẽ và vẫn được nhớ đến.  


PDH
– 10/13