“Dear Life” là câu chuyện cuối cùng và cũng là tựa đề tuyển tập có mười bốn truyện ngắn của Alice Munro – nhà văn vừa được trao giải thưởng Nobel Văn Chương ngày 10-10-2013. “Dear” ngoài ý nghĩa quen thuộc là “thân mến, thương yêu – regarded with deep affection; cherished by someone” còn có nghĩa là “mắc mỏ, đắt đỏ – expensive,” hay dùng như tiếng than vãn – exclamation biểu lộ sự cảm thán hoặc kinh ngạc trước một vấn đề gì đó. Suy từ ngữ nghĩa kể trên phải chăng những mảnh đời được nhà văn Munro ghi lại trong “Dear Life,” đều cảm nghiệm trọn vẹn mùi vị cay đắng ngọt bùi của đời sống, chỉ vì đã theo đuổi khát vọng mù quáng nhất thời, chỉ vì không thể bỏ ước muốn cháy bỏng trong tim, hay chỉ vì sự rủi ro hoặc tai nạn bất ngờ nào đó xảy ra cho họ. Dẫu sao mặc lòng, mỗi một nhân vật dưới ngòi bút của nhà văn Munro đã tiếp cận với sự thay đổi có trong đời bằng trí khôn, bằng sự hy vọng, bằng sức chịu đựng bền bỉ, bằng cả sự dối trá của họ. Tuy có lúc sai lầm và lạc bước, họ vẫn dư đầy thiện chí, can đảm nhìn thẳng vào sự thật, tiếp tục đi theo con đường riêng.
Greta – nữ thi sĩ trong“To Reach Japan” – nhân vật thứ nhất nếm trải thú đau thương. Cùng con gái đi Nhật, Greta gặp người nghệ sĩ trẻ trên toa xe lửa, làm tình với anh ta, khi tỉnh mộng đã như điên cuồng vì đứa con bị mất tích không thể tìm lại được. Những biến cố vừa gợi cảm vừa đáng sợ xảy ra nhanh như chớp. Greta bất ngờ bị xô đẩy vào bước ngoặt kinh hoàng khi lên tàu hỏa. Định mệnh tan tác này bắt đầu bằng cảm nhận khác thường của chồng cô: “ Từ lúc Peter mang va ly của nàng lên xe lửa, chàng mơ hồ nhận ra hy vọng đã hồ tàn. Once Peter had brought her suitcase on board the train he seemed eager to get himself out of the way.”
“Amunder” mở ra một chân trời huyễn mộng. Vivien Hyde đến thị trấn hẻo lánh xa xôi, để truyền thụ kiến thức về bệnh lao. Giữa những năm 1940 khi chiến tranh là tin tức nóng hổi, thì sự sống và cái chết đã kề cận bên cạnh cuộc đời của cư dân Amunder. Nhưng cả chiến tranh lẫn bệnh lao họ đều xem nhẹ, “chỉ là vì điều gì đó đã xảy ra ở những nơi họ không biết, nên họ xem thường – it was just that whatever happened in places they didn’t know had to be discounted..” Lần đầu tiên gặp bác sĩ Alister Fox, Vivien nhanh chóng nhận ra ông là “loại người đưa ra những câu hỏi để bạn bị mắc bẫy – the sort of person who posed questions that were traps for you to fall into.” Nhưng cô ngoan ngoãn sa lưới đẩy đời mình xuống vực, chỉ vì không thể chối bỏ dục vọng thầm kín, muốn sống những giây phút yêu đương lãng mạn với ông bác sĩ thích phỉnh phờ quyến rũ đàn bà. Thú đau thương tự nguyện thấm đẫm giọt lệ sầu.
Là bậc thầy viết truyện ngắn, nhà văn Alice Munro, 82 tuổi, người Canada, hiện đang sống tại Clinton, một thị trấn nhỏ của Ontario. Bà từng nhận rất nhiều giải thưởng, như: “Governor General’s Award (1968, 1978, 1986), Giller Prize (1998, 2004), Man Booker International Prize (2009),” và Nobel Prize in Literature (2013). Nhà văn Cynthia Ozick gọi bà là “Anton Pavlovich Chekhov của chúng ta.” Những tuyển tập nổi tiếng của nhà văn Alice Munro gồm có: “The Moons of Jupiter” (1982), “The Progress of Love”(1986), “Friend of My Youth”(1990), “Open Secrets” (1994); và “Dear Life” (2012) – được cho là tuyển tập cuối cùng.
Hầu hết bối cảnh trong các câu chuyện của Alice Munro đều diễn ra tại những thị trấn nhỏ thuộc Ontario, nơi bà gần như sống suốt đời ở đó. Nhà văn Munro viết về chính bà, về những con người nhỏ bé thường hằng đi trên đường phố, kể lại từng biến cố xảy ra trong thời thơ ấu hay lúc thanh xuân, bằng ký ức riêng bén rễ rất sâu trong lòng. Chúng ta cũng có thể là một trong số những con người nhỏ bé ấy, bất ngờ nhận ra tham vọng, ham muốn, ước mơ, tội lỗi, kể cả cái tôi đời thường khi đọc “Dear Life.” Có lúc chúng ta cũng không thể tha thứ cho mình vì một sai lầm nào đó, như những giòng cuối cùng kết thúc tập truyện: Chúng tôi nói về một vài điều không thể nào tha thứ được, hay những gì chúng tôi sẽ không bao giờ tha thứ cho bản thân. Nhưng chúng tôi cứ nói – nói mãi không nguôi. We say of some things that they can’t be forgiven, or that we will never forgive ourselves. But we do — we do it all the time.”
Đối với nhà văn Alice Munro “sự phức tạp của mọi vật – điều này chồng chất lên điều kia – dường như vô tận. Tôi cho rằng không có gì dễ, không có gì đơn giản. The complexity of things – the things within things – just seems to be endless. I mean nothing is easy, nothing is simple. ” Chính vì thế truyện ngắn của bà như chiếc kính vạn hoa rạng rỡ, chiếu sáng từng mảnh đời trần trụi giữa thế sự thăng trầm.
Thư ký thường trực của Viện Hàn Lâm Thụy Điển, công bố tên người chiến thắng của giải Nobel văn học năm 2013 – nguồn yahoo.com
HNP
3:10am Chủ Nhật ngày 13 tháng 10 năm 2013