Tôi tự hào mình là người Việt Nam, nhưng lại hãnh diện khi mang quốc tịch, là công dân nước Hoa Kỳ.
Tôi sinh ra và lớn lên trên miền sông nước quê hương. Tôi thích nghe câu hát: “Quê hương tôi là chùm khế ngọt, cho con trèo hái mỗi ngày. “ Tôi luôn nhớ những năm tháng nơi quê nhà, khi tóc còn để chỏm, vượt cầu khỉ, ăn uống kham khổ cắp sách đến trường. Tôi yêu cuộc sống chân chất, thật thà của người dân quanh năm lam lũ của quê tôi.
Hiện tôi đang sinh sống ở Hoa Kỳ, một đất nước hội tụ những tinh hoa của thế giới. Cái tôi thích ở đất nước này không phải là được sống trong nệm ấm, chăn êm, cơm thừa ăn, áo dư mặc, mà là quyền tự do cá nhân, cơ hội bình đẳng xen lẫn sự cạnh tranh không khoan nhượng. Nhưng bên cạnh đó lại không thiếu sự thân thiện, lòng nhân ái bao la mà hầu như tất cả mọi người ở đây ai cũng có. Bất cứ nơi nào, từ trong khuôn viên trường học, nhà thờ, khu thương xá, chúng ta đều nhận đươc câu chào “Hi!!!” rất tự nhiên và thân ái của người phương Tây. Họ nói cười vui vẻ, không khách sáo và nặng nề. Hơn thế nữa, họ sẵn sàng giúp đỡ mọi người mà không cần biết chúng ta là ai và cũng chẳng đòi hỏi bất cứ sự đền đáp nào.
Nhân dịp Trẻ ra chủ đề “Cảm ơn U”, tôi xin được mượn bài viết này như một lời tri ân, cảm ơn đến vợ chồng anh chị và các cháu, những người Mỹ mà tôi chỉ tình cờ gặp được một lần duy nhất, nhưng họ rất đáng trân trọng và yêu quý suốt cả cuộc đời tôi.
Cách đây ba năm, vào mùa lễ Tạ Ơn, khi tôi cùng một đứa cháu gái lái xe đi dự tiệc sinh nhật của một người bạn nhà ở vùng Plano, TX. Dạo ấy, tôi mới di chuyển về đây nên mọi thứ, mọi nơi đều mới mẻ và dường như to lớn hơn so với thành phố mà tôi cùng gia đình sinh sống hơn 20 năm. Xe tôi băng qua một con đường cái rộng lớn. Hầu hết các ngôi nhà ở khu vực này đã giăng đèn Giáng sinh vô cùng rực rỡ. Hai dì cháu thích thú ngắm nhìn. Nhưng chưa qua hết con đường lớn ấy thì bất chợt, bánh xe xẹp lốp nên tôi đành phải dừng xe và tấp vào lề đường. Cả hai dì cháu bối rối, không biết phải làm sao để thay được bánh xe. Chúng tôi đều mặc đầm và đi giày cao gót. Gọi cô bạn thì cô ấy không bắt máy, mà người quen ở TX thì chúng tôi chẳng có lấy một ai. Loay hoay mãi chẳng biết phải làm gì. Bên ngoài gió càng lúc càng thổi mạnh, khiến cả hai dì cháu lạnh run, phải chui vào xe ngồi mà lòng lo lắng không yên. Một chiếc xe trờ tới. Một người đàn ông bước xuống, gõ cửa xe chúng tôi. Phản xạ tự nhiên, tôi cài khóa cửa, dè dặt quan sát xem người đàn ông này muốn gì. Ông cố nói lớn là muốn giúp đỡ chúng tôi. Liếc nhìn xe của ông đậu bên cạnh còn có một người phụ nữ và hai đứa bé. Tôi đoán họ là một cặp vợ chồng. Yên tâm và mừng rỡ, tôi mở cửa xe và chỉ có ý nhờ người đàn ông này chỉ cách thay bánh xe. Nhưng ông ấy bảo là hãy để họ giúp. Và thế là người phụ nữ và cả hai đứa bé ào ra khỏi xe. Họ lăng xăng, chạy tới chạy lui, tìm những dụng cụ cần thiết để bắt đầu thay bánh xe cho tôi. Người vợ lôi cuốn sách chỉ dẫn và đọc to để người chồng và đứa con trai hì hục chui xuống gầm xe, lấy chiếc bánh xe sơ cua và thay vào cái bánh xe đã bị xẹp lốp. Tôi vô cùng ái ngại cho bộ đồ rất sang trọng và lịch sự mà người bố và đứa con trai đang mặc trên người phải chà xát dưới mặt đường. Tôi cứ há hốc nhìn cả nhà họ vừa làm vừa nói cười vui vẻ. Đứa bé gái thì trò chuyện cùng cháu gái của tôi. Cô bé cho biết là gia đình họ cũng ở gần khu vực này. Họ đang trên đường trở về nhà sau buổi ăn tối cuối tuần.
Gần 30 phút sau thì chiếc bánh xẹp lốp đã được thay thế. Người vợ còn chỉ cách tôi liên lạc với hãng bảo hiểm xe để họ cho người tới giúp cho mình khi xe gặp trục trặc. Tôi rối rít cám ơn và xin họ địa chỉ nhà để có thể gởi thư cảm ơn, nhưng họ đã từ chối và chào tạm biệt. Xe của gia đình họ xa dần mà tôi cứ nhìn theo, cảm xúc trào dâng.
Ôi chuyện này có thể xảy ra thế sao? Họ là ai mà sao lại có thể giúp đỡ một người xa lạ giống như tôi nhiệt tình như vậy? Tôi có thể cam đoan rằng nếu như người thân của tôi nếu có đến giúp tôi thì ít nhiều họ cũng càm ràm cho sự giúp đỡ này. Đằng này, cả người chồng, lẫn cô vợ và 2 đứa bé luôn nói cười, cử chỉ thân thiện vui vẻ đến không ngờ.
Đã ba năm trôi qua mà hình ảnh vợ chồng người Mỹ và 2 cháu nhỏ vẫn như in trong trí nhớ tôi. Họ là những vì sao lấp lánh, chiếu sáng cho tôi thấy cuộc đời vẫn tươi đẹp. Và cũng nhờ họ mà ngày lễ Tạ Ơn mỗi năm với tôi thêm ý nghĩa, tràn đầy cảm xúc hơn. Tôi luôn nghĩ đến những niềm vui, ơn phúc của những người khác mang đến cho mình, để từ đó tôi cho đi một tí, nhịn nhau một tí. Tôi sẵn lòng giúp đỡ và san sẻ với mọi người xung quanh những gì mà tôi có thể làm được. Những điều này tôi không cần phải dùng tiền để đạt được, mà chỉ cần một tấm lòng. Đơn giản, một tấm lòng biết yêu thương, giúp đỡ con người.
Danh sách những những bài đã đăng:
1. Gã đầu trọc – Trương Hồ
2. Những ngày đầu tiên – Hương Ngô
3. Bão ơi! – DQ
4. Ông John hàng xóm – Dương Hồng Minh
5. Người bạn – Phương Lâm Ngôn Nguyễn
6. Cám ơn người đã cho tôi cuộc sống – Nguyễn Lan Anh
7. Những người tử tế – Đông Huỳnh
8. Tôi còn nợ you – Americans! – Hùng Cường Trần H.
9. Những người da đen tốt bụng – Liễu Trần
10. Hai quả trứng gà và ông hàng xóm – Diệp Khanh Trương
11. Chiếc điện thoại đầu tiên – Trường Sơn
12. Cháy nhà mà vui hơn Tết – Tino
13. Hai lá thư – Tammy
14. Họ là ai? – Nguyễn Phạm Minh Tâm
15. Ân tình của những người bảo trợ – Minh Tuyết
16. Chuyện nhỏ… – Thanhlap Le
17. Biết ơn – Thu Thủy
18. Bà Erika Redmond – Trương Mỹ Vân
19. Ông Sponsor – Trần Thị Lưu
20. Mùa thu Virginia – Emily Phúc Trần
21. Trở về – Thúy Vũ
22. Đi lãnh thực phẩm – Nguyễn T. Minh Trâm
23. Ăn quả nhớ kẻ trồng cây – Nguyễn Minh Cảnh
24. Cám ơn Người (bà mục sư đã thay đổi đời tôi) – Phương Trinh
25. Cám ơn U, người Tổng Giám Đốc của tôi – Quốc Thái
26. Một chai bia hai ly – Dan Volga
27. Cuộc sống mới – Trương Thùy Trang