Thời kỳ cấm rượu ở đầu thế kỷ thứ 20 đặt lại một vấn đề lớn cho xã hội đó là mối quan hệ giữa luật pháp và đạo đức. Ở mức độ nào thì xã hội có thể dùng luật pháp để quy định đạo đức?
Từ thời hồng hoang, con người ăn lẫn ở lẫn với thú hoang dã. Khi con người biết sử dụng khí cụ để săn bắn canh tác, tổ tiên loài người đã làm cuộc cách mạng nông nghiệp đầu tiên. Đó là thuần hoá động vật hoang dã thành gia súc, và biết gieo trồng để chủ động nguồn cung cấp thực phẩm mà không phải tùy thuộc vào thiên nhiên. Quá trình đó được gọi là “tái sản xuất sản xuất của tự nhiên”. Trong quá trình tương tác giữa người và người mà gia đình được thành lập, đời sống bầy đoàn hoang dã trở thành gia đình xã hội. Đó là quá trình “tái thành lập thành lập của tự nhiên”. Nhân tính được thành hình trong quá trình giao hỗ đó và luật pháp được thành hình để bảo tồn cương thường của loài người để bảo vệ nhân tính và để mở ra đường sống người, đó là nhân đạo.
Vì vậy từ khởi thủy, luật pháp được sử dụng để bảo vệ giá trị của nhân tính, là những giá trị tách con ngưòi ra khỏi đời sống hoang dã man khai. Chẳng hạn không được giết người, không được ăn cắp, không được tham vợ người, v.v… Đó là những luật pháp căn bản để bảo vệ mạng sống, tài sản con người và định chế gia đình. Những bộ luật thời cổ đại đều phản ảnh những giá trị đó, và 10 điều răn trong Thánh Kinh là trường hợp điển hình.
Nhưng để làm cho xã hội ổn định và phát triển, luật pháp được dùng để điều tiết sinh hoạt xã hội, để quy định những thoả thuận chung mà mọi ngưòi cần phải chấp nhận. Chẳng hạn sự quy định giới hạn vận tốc lưu thông, cấm vượt đèn đỏ, là để bảo vệ an toàn cho mọi người. Những quy định nầy không có giá trị gì về đạo đức.
Như vậy có những điều luật pháp cấm đoán có giá trị đạo đức, có những điều luật không liên hệ với đạo đức, chỉ là luật pháp thuần túy. Từ đó nảy sinh ra mâu thuẫn giữa đạo đức và luật pháp. Trong thực tế, có những điều luật pháp cấm nhưng không vi phạm đạo đức, như luật về giao thông; và có những điều đạo đức cấm nhưng không vi phạm luật pháp, như đánh bạc, đĩ điếm, hôn nhân đồng tính, hay sử dụng cần sa, v.v… mà hiện nay đã được một số tiểu bang tại Hoa Kỳ hay tại một số quốc gia trên thế giới công nhận.
Luật về cấm rượu xuất hiện đầu thế kỷ 20 nằm trong bối cảnh mâu thuẫn giữa đạo đức và luật pháp. Bằng phương tiện luật pháp, nhà nước đã hình sự hoá hành vi vốn được coi là bình thường. Và như đã trình bày trong các bài viết trước đây, luật cấm rượu đã biến hàng triệu người dân lương thiện thành tội phạm và gây nhiều hậu quả khôn lường cho xã hội.
Thật ra, rượu đã xuất hiện lâu đời trong Kinh Thánh. Nô-ê, là người được Chúa cứu trên mặt đất sau cơn đại hồng thủy. Thời gian sau ông làm nghề trồng nho. Và có lẽ Nô-ê là người đầu tiên nghĩ ra cách chế biến nho thành rượu và tai nạn đầu tiên do rượu gây ra cũng xảy ra thời kỳ Nô-ê. Sách Sáng Thế Ký 6:20 có nói về việc ông Nô-ê say rượu như sau:
– Ông Nô-ê làm nghề nông, ông là người thứ nhất trồng nho. 21 Ông uống rượu say và nằm trần truồng giữa lều. 22 Ông Kham, cha ông Ca-na-an, thấy chỗ kín của cha mình và báo cho hai anh ở ngoài biết. 23 Ông Sêm và ông Gia-phét lấy cái áo choàng, cả hai đặt áo lên vai mình, rồi đi giật lùi mà che chỗ kín của cha. Mặt họ quay về phía sau, nên họ không trông thấy chỗ kín của cha.
Đến thời kỳ Tân Ước, Chúa Giê Su không những không cấm rượu mà còn hoá nước thành rượu để giúp vui cho tiệc cưới tại Cana. Câu chuyện được kể trong Kinh Thánh như sau:
– Khi ấy, có tiệc cưới tại Cana miền Galilê. Trong tiệc cưới có thân mẫu Đức Giêsu. 2 Đức Giêsu và các môn đệ cũng được mời tham dự. 3 Khi thấy thiếu rượu, thân mẫu Đức Giêsu nói với Người: “Họ hết rượu rồi”. 4 Đức Giêsu đáp: “Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và con? Giờ của con chưa đến”. 5 Thân mẫu Người nói với gia nhân: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo”.
– Ở đó có đặt sáu chum bằng đá dùng vào việc thanh tẩy theo thói tục người Do Thái, mỗi chum chứa được khoảng tám mươi hoặc một trăm hai mươi lít nước. 7 Đức Giêsu bảo họ: “Các anh đổ đầy nước vào chum đi!” Và họ đổ đầy tới miệng. 8 Rồi Người nói với họ: “Bây giờ các anh múc và đem cho ông quản tiệc”. Họ liền đem cho ông. 9 Khi người quản tiệc nếm thử nước đã hóa thành rượu (mà không biết rượu từ đâu ra, còn gia nhân đã múc nước thì biết), ông mới gọi tân lang lại 10 và nói: “Ai ai cũng thết rượu ngon trước, và khi khách đã ngà ngà mới đãi rượu xoàng hơn. Còn anh, anh lại giữ rượu ngon cho đến mãi bây giờ”.
(bản dịch Công Giáo)
Hai câu chuyện trong Thánh Kinh nói lên hai khía cạnh tiêu cực và tích cực của rượu để thấy rằng rượu, cũng như các thức ăn thức uống gây say hay không gây say khác, có tác dụng tốt hay xấu đều do sự chừng mực của cách sử dụng.
Bài học về cấm rượu cũng cho chúng ta có cái nhìn tích cực hơn đối với những người Việt Nam bị bắt (và nhiều người chưa bị bắt) về tội trồng cần sa di động một cách quy mô tại các nước Âu Châu hay Bắc Mỹ. Đứng dưới khía cạnh đạo đức nhiều người cảm thấy những người Việt nầy đang làm nhục đất nước Việt Nam nói chung và cộng đồng người Việt hải ngoại nói riêng. Nhưng thực tế qua bài học về thời kỳ rượu lậu, cho thấy các băng đảng mafia Ý, Ái Nhĩ Lan, Do Thái, v.v… đã đi trước thời cuộc đón đầu cơ hội làm giàu. Và khi luật cấm rượu được bãi bỏ, các bố già nầy trở thành những gương mặt huyền thoại.
Kinh nghiệm tiêu cực của việc dùng luật pháp để cấm rượu là một bài học vô cùng quý giá cho các nhà làm luật. Ngày nay các nhà làm luật đang từng bước cởi bỏ sự cấm đoán đối với cần sa, hay cho phép hợp pháp hoá hôn nhân đồng tính. Đây là những vấn đề đạo đức làm cho nhiều người khó chịu. Tuy nhiên, khi chúng ta thấy vấn đề trong sự phát triển của xã hội; và sự tôn trọng quyền sống của cá nhân trong đời sống riêng tư của họ, thì chúng ta hiểu được rằng luật pháp có thể được sử dụng để cởi bỏ sự trói buộc và giải phóng con người để giúp cho xã hội thăng tiến hơn.
NXP