Menu Close

Huế, mùa xưa

“Lòng ta là những hàng thành quách cũ”
(Vũ Đình Liên)

1.

Nỗi nhớ khởi đầu từ quán cà phê một thời nổi tiếng trong giới học sinh sinh viên, nằm trên đường Chi Lăng. Đó là nơi, tôi thường lui tới những đêm cuối tuần, cùng một vài người bạn thân thiết. Cà phê không ngon, quán bài trí đơn giản đến mức bình dân, nhạc cũng bình thường. Nói chung, quán cà phê chẳng có gì đặc biệt nhưng rất đông khách, phần lớn là sinh viên, học sinh. Đông khách, đơn giản chỉ vì… cô gái ngồi trong quầy.

Tôi đến đây, lần đầu tiên, vì bạn tôi mê cô gái đến độ điên khùng. Những lần sau với vài người bạn khác cũng si mê cô chủ nhỏ này. Lúc đó, tôi không hề biết là không lâu, tôi sẽ được gặp cô ấy thường xuyên… trong lớp học. Một cô gái được nhiều người tự nguyện mang cây si tới trồng chắc chắn phải là một cô gái đẹp. Mà đúng là cô đẹp thật! Đẹp kiểu Huế (dù tôi không sao giải thích được vẻ đẹp Huế khác gì với vẻ đẹp Quảng quê tôi hay vẻ đẹp Sài Gòn, nơi tôi sống sau này). Dáng dong dỏng cao, mái tóc đen huyền buông dài tha thướt, gương mặt thanh tú và hơi buồn buồn nhưng nhìn kỹ lại thấy có vẻ gì đó… bất an (!). Thực tình, lần đầu tiên chạm mặt với cô trong lớp học, tôi cũng hơi mất bình tĩnh. Mất bình tĩnh vì bất ngờ và ngạc nhiên. Đó cũng là lần đầu tiên nhìn thấy gương mặt cô không phải dưới ánh sáng điện vàng ở quầy tính tiền. Một gương mặt ngây thơ hơn, học trò hơn và cũng xinh xắn hơn rất nhiều.

Nỗi nhớ lại dẫn tôi về một quán cà phê khác, trên đường Mai Thúc Loan, gần ngay cửa Đông Ba đi vào. So với quán cà phê trên đường Chi Lăng, quán này trông khá hơn trong cách bài trí nhưng diện tích lại khiêm tốn hơn. Nhạc ở đây khá hay và khách uống cà phê cũng đa dạng hơn. Những chiều nghỉ học, tôi thường đến đây một mình, ngồi bên ly cà phê để trí tưởng rong chơi. Tuy nhiên, tôi thích nhất là ngồi uống trà lipton ở Lam Sơn hay Góp Gió. Từ trong quán, nhìn qua màn mưa bụi thấy Huế ở một góc cạnh khác: không ồn ã như chợ Đông Ba; cũng không rêu phong như đại nội; càng không lãng mạn như cảnh chiều chiều nữ sinh Đồng Khánh xuống bến đò Thừa Phủ qua sông Hương hay tha thướt trên đường Lê Lợi. Và càng không phức tạp như các phong trào của sinh viên bấy giờ.

Huế của tôi, từ quán cà phê, dù ở Chi Lăng hay bất cứ  nơi nào mà tôi, của một thời trai trẻ, hay ghé đến đều mang một vóc dáng, hình hài riêng. Đằng sau bức bình phong có thể là một hồ sen, có thể là một khu vườn, có thể là một gương mặt và cũng có khi là tất cả trong một chớp mắt. Huế là vậy, trong mắt tôi, một cơn bão ngầm, một trái phá chực chờ một cái chạm tay là vỡ toang. Phải không em?

2.

Tôi đến Huế và nơi trú ngụ đầu tiên là Vỹ Dạ. Vỹ Dạ không như trong thơ Hàn Mặc Tử. Cũng vườn nhưng không xanh như ngọc; cũng có trúc nhưng chẳng có gương mặt chữ điền nào cả. Trời mưa rả rích. Mưa thu ở Huế không nên thơ. Trái lại, nó khiến con người ta dễ bực mình. Thà mưa to một trận rồi tạnh hay như mùa đông mưa dầm dề cho cam. Đằng này mưa như trêu ngươi, làm tôi cứ phải ngọ nguậy như mặc phải bộ áo quần chưa khô vậy. Từ trong căn phòng nhỏ nhìn qua chấn song gỗ của chiếc cửa sổ bé tí, vườn xanh một cách ủ ê, buồn bã. Trong tâm trạng bức bối của kẻ bị giam chân và không biết làm việc gì cho hết thời gian, tôi nghĩ quẩn quanh và tự nhiên hình dung khoảng hơn một thế kỷ trước, các bà hoàng, các cung tần mỹ nữ bị vây hãm trong các bức tường xám xịt của vương triều chắc phải buồn thê thiết lắm, cho dẫu ngoài kia là vườn thượng uyển muôn sắc hoa phô bày.

Huế trong tôi là vậy!

Những ngày trọ học ở Huế, lúc rảnh rỗi, tôi thích lang thang trên đồi Thiên An hoặc thơ thẩn trong đại nội. Thiên An là nơi tôi đắm mình trong cảnh thiên nhiên để quên cái xô bồ, nóng bỏng của không khí chiến tranh đang dần lan tới phố phường, mon men vào giảng đường đại học. Những chiếc xe nhà binh lao ầm ầm trên đường, băng qua cầu mới Tràng Tiền để hướng về phía bắc, kéo theo bao nỗi ưu tư khắc khoải của thế hệ chúng tôi. Ngược lại, đại nội là không gian hoàng hôn của riêng tôi. Ở đó, tôi nhận ra lẽ hưng phế của một vương triều, của một đời người. Có nhiều buổi chiều, tôi ngồi trước sân điện Thái Hòa, chăm chú nhìn từng dấu rêu xanh, từng viên gạch vỡ mà nghe đâu đây vọng về tiếng nỉ non của biết bao con người sống giữa nhung lụa, giữa lầu son gác tía mà trong lòng lại cứ não nuột tiếng thở dài bi ai…  Tôi nghe đâu đây, trong bóng chiều chạng vạng, tiếng oan hồn tức tưởi u u minh minh, lướt qua những hàng cây, bay lên mái điện rồi hòa lẫn vào cỏ dại, “phất phơ buồn tự thời xưa thổi về” (Huy Cận).

Huế trong tôi là bề sâu của các cung điện, là phía sau của hào quang? Phải chăng vì thế mà điệu Nam ai, Nam bình cứ mang mang nỗi u hoài, nghe như lời thở than của kiếp người? Không hiểu vì đâu, Huế trong tôi hiển hiện một hình hài khác, một gương mặt khác. Ngay cả nữ sinh Đồng Khánh tan trường về, áo dài bay trắng cả đường Lê Lợi hay dập dìu qua sông Hương vẫn mang mang một cái gì đó trầm mặc, buồn buồn khác hẳn với bạn bè đồng lứa ở Sài Gòn, Đà Lạt hay Đà Nẵng. Hoặc, người phụ nữ bán cơm hến thường dạo qua mỗi ngày trước cư xá, mặc chiếc áo dài màu khói hương, dù hết sức đon đả mời chào nhưng sao nụ cười vẫn phảng phất vẻ cam chịu, an phận.

Và khi xa Huế, tôi mới hiểu ra điều này.

3.

“Rét mướt mùa sau chừng sắp ngự…”
(Quang Dũng)

Tháng 10, Huế đã bắt đầu những ngày mưa gió lê thê và lạnh tê tái. Từ phía tả ngạn sông Hương, tôi băng qua cầu Tràng Tiền để đến trường luôn phải đón chịu những cơn gió quật mưa rát cả mặt. Buổi chiều, nhìn mưa tạt qua cửa Đông Ba, lòng tự nhiên dâng lên một nỗi buồn tựa như nỗi buồn vạn cổ trong thơ ngày xưa của Huy Cận vậy. “Dấu xưa xe ngựa…” là một lẽ nhưng nỗi tang thương không còn là vật thể qua những vết đổ nát, màu rêu xanh bầm tím trên tường gạch mà đã là một ám ảnh. Một cảm giác mất mát, một nỗi lo lắng mơ hồ cứ theo mưa đan xéo qua tâm hồn, tạo thành vết sẹo suốt một thời gian dài, kể cả sau này, khi tôi đã rời xa Huế.

Đó là một Huế còn khá nguyên vẹn, sau khi không còn là kinh đô của nước Việt nữa. Huế may mắn hơn nhiều cố đô khác. Ở nước ta, sau khi thay đổi vương triều hay chế độ thì hầu như dấu tích xưa thường bị đập phá hoặc bị bỏ phế. Thông thường, thay vì thể hiện sức mạnh của đương triều bằng cách tôn tạo, gìn giữ những giá trị của thời trước; thời sau lại chọn cách thể hiện quyền uy một cách yếu thế là nỗ lực xóa đi dấu ấn của đời trước (!). May mắn vậy mà Huế vẫn ảm đạm, vẫn choàng lên khắp đại nội rồi lan ra cả Huế một nỗi niềm u uẩn, tiếc nuối vàng son cũ.

Tôi chưa kịp yêu Huế thì Huế đã có tình yêu với tôi. Một điều đáng để vui nhưng cũng lấy đi bao điều thi vị khác có thể tôi sẽ có trong những ngày trọ học. Tình yêu của Huế bề ngoài đơn sơ, bình dị như ở nhiều nơi khác nhưng lại ẩn chứa một thứ nham thạch đủ sức đốt cháy tất cả mọi thứ trên đường nó đi qua. Sức sống tiềm tàng hay đúng hơn, tình yêu đó bị hào quang của một thời hoàng kim, của sông Hương thơ mộng, thôn Vỹ đằm thắm hoặc của một Kim Long kiều diễm, một Bao Vinh nền nã kìm hãm nên tự nó đè nén, cháy âm ỉ và chờ dịp bùng phát.

Huế không có 4 mùa. Với tôi, Huế chỉ có mỗi mùa xưa. Một mùa xưa viết hoa với một thời tuổi trẻ đẹp đẽ, đầy ước mơ. Sau này, khi có dịp trở lại Huế, dù Huế đã được sơn son thếp vàng nhưng Huế vẫn không đủ sức sống dậy và tiếc thay, vẻ đẹp thâm trầm, xưa cũ của Huế lại phôi pha rất nhiều.

Huế của tôi đã không còn…

alt

Thắm Nguyễn

LVB – OKC