Năm 75 gia đình ba má tôi gồm 12 người – ba má, 7 người con, 1 dâu, và 2 cháu ngoại ở trại tỵ nạn Thái Lan được chính phủ Mỹ cho đi định cư. Thời gian còn ở trại tỵ nạn, các bà mẹ những gia đình có danh sách được đi Mỹ lo rằng khi đến Mỹ sẽ không có nước mắm và thực phẩm Việt Nam nên ngày nào cũng lo chưng nước mắm và làm những thức ăn khô để mang theo.
Cuối Tháng Mười gia đình tôi được đi Mỹ. Tại sân bay Thái Lan, nhóm nhân viên kiểm soát hành lý của người tỵ nạn toàn là người Mỹ; họ vất hết những thực phẩm mà người tỵ nạn mang theo trước khi lên máy bay. Đoàn người tỵ nạn được đưa đến đảo Utapau, có lều dựng sẵn, mỗi bữa ăn được phát đồ hộp, ở đó 2-3 ngày thì máy bay lớn đến bốc đi Mỹ.
Chiếc máy bay chở đoàn người tỵ nạn thật to, bên trong có 3 hàng ghế, 2 lối đi, và có ba tầng. Các cô tiếp viên sắp gia đình có con nhỏ ngồi tầng thứ nhất, trẻ nhỏ được phát sữa và tã, ai không có con nhỏ ngồi tầng thứ nhì, còn tầng thứ ba chỉ dành cho phi hành đoàn. Hai chuyến bay đầu mỗi chuyến hơn 8 giờ bay, chuyến thứ ba ít hơn 8 giờ một chút. Máy bay đáp xuống phi trường Harrisburg International buổi sáng sau đêm Halloween; bước ra khỏi máy bay, tôi nhìn đâu cũng thấy những quả Bí, đủ cỡ. Có xe buýt đưa chúng tôi đến trại Indiantown Gap (trại lính Mỹ đã đóng cửa), Pennsylvania. Một barrack là nhà ăn (nhân viên trong nhà ăn không nói được tiếng Việt). Ba ngày đầu, mỗi bữa tôi vào nhà ăn pha một ly trà nóng (trà Lipton), lấy một quả táo và trở về barrack vì không quen thức ăn Mỹ; món làm tôi ngạc nhiên là Cole Slaw vì có trộn sữa trong rau bắp cải. Những người khác cũng không ăn nhiều. Đến ngày thứ Tư, nhà bếp làm cơm (instant rice) và đùi gà thế là khay thức ăn nào cũng hết sạch, không có dư.
Nhân viên làm việc văn phòng đa phần là người Mỹ trắng, có 1-2 người Mỹ đen; một số nhân viên nói thạo tiếng Việt, thạo cả tiếng và giọng của nhiều miền. Mọi người được phát áo lạnh và giầy loại (Loafers và Oxfords) vì đang mùa lạnh; vì kiểu giầy lạ, có mấy bà mấy cô ngắm những đôi giầy và ngần ngừ. Một ông (nhân viên) Mỹ nói, “Thì cứ lấy đi để mang cho khỏi lạnh; mai mốt ra trại đi làm có tiền rồi mua giầy khác đẹp hơn.” ông ấy nói đúng âm, giọng của người Việt. Các nhân viên xã hội (social worker) hỏi mỗi gia đình, hoặc là mỗi người độc thân theo tôn giáo nào và ý muốn định cư ở tiểu bang, thành phố nào để họ kiếm người bảo trợ. Mẹ tôi trả lời: “Vì không biết phong thổ và cuộc sống ở Mỹ như thế nào nên gia đình tôi không biết chọn tiểu bang nào. Chỉ muốn có người bảo trợ là người Công giáo để được đi Nhà Thờ.” Bảo trợ của chúng tôi là Cha xứ cùng những gia đình tại giáo xứ Thánh Giuse ở Jim Thorpe, Pennsylvania.
Nhân viên của trại cho chúng tôi biết tuần lễ sau Thanksgiving sẽ ra trại và ngày đó người bảo trợ sẽ đến đón. Ngày chúng tôi được ra trại có 2 xe Van và 1 xe nhà đến đón. Mấy ông đến đón nói cho chúng tôi biết lý do ít người đi đón vì muốn dành chỗ trống trong xe cho chúng tôi, còn nhiều người đang chờ chúng tôi ở nhà. Bảo trợ đưa chúng tôi về căn nhà đã thuê sẵn, các bà Mỹ đang chờ đón chúng tôi, bữa ăn chiều đã được mấy bà nấu sẵn, và trong tủ lạnh đã để sẵn bánh mì, sữa, trứng, và trái cây. Một bà đưa chúng tôi đi xem các phòng và hướng dẫn đủ mọi thứ. Mỗi phòng kê nhiều hơn một giường vì gia đình chúng tôi đông quá. Phòng nào cũng có tủ treo đầy quần áo, đủ cỡ cho tất cả thành viên trong gia đình tùy theo tuổi, đa phần là quần áo cũ nhưng cũng có cả quần áo mới. Các em tôi còn trong tuổi đi học và hai đứa cháu thì có cả quần áo đồng phục và bút vở để đi học. Các ông bà Mỹ dặn mấy em và hai cháu tôi chuẩn bị bút vở, bắt đầu tuần tới buổi sáng mặc đồng phục và chờ sẵn sẽ có xe đến đón chở đi học. Tôi bắt đầu học tiếng Mỹ khoảng cuối thập niên 1960s nên đối thoại với mấy ông bà bảo trợ không bị trở ngại. Mấy ông bà bảo trợ, mỗi người nói cho tôi biết là sẽ giúp gia đình chúng tôi trong lĩnh vực nào, và ai là người đại diện nhóm. Trước khi từ biệt, ông đại diện nhóm hỏi tôi cần ông giúp gì, tôi nói, “Tôi cần ông giúp kiếm việc làm.” Ông bảo tôi mỗi buổi sáng trên đường đi làm ông sẽ ghé ngang quăng trước cửa 1 tờ báo cho tôi, nếu tôi thấy chỗ nào cần người thì gọi cho ông biết, ông sẽ chở tôi đi xin việc và đi interview, và đồng thời ông cũng xem báo để giúp tôi kiếm việc. Ông là giám đốc ở bưu điện, mỗi khi gia đình tôi có thơ, lúc tan sở ông ghé qua đưa thơ cho chúng tôi mà đáng lẽ ra những thơ đó ngày hôm sau mới giao.
Chỉ trong vài ngày, tôi xem báo thấy một hãng đăng cần người, tôi gọi cho ông bảo trợ. Ông nói ông cũng thấy mẫu tin đó rồi, ông sẽ gọi phôn đến hãng đó xin một cái hẹn. Chiều đi làm về, ông ghé ngang cho tôi biết trưa mai ông sẽ chở tôi đi interview job. Trưa hôm sau ông bảo trợ chở tôi đi xin job; ông nói với người phỏng vấn nếu mướn tôi, làm ơn kiếm người nào làm trong hãng cho tôi quá giang đi làm và tôi sẽ hùn tiền xăng. Tôi điền đơn xong, người phỏng vấn xem rồi bảo tôi cứ về đi, nếu hãng mướn thì ông ấy sẽ gọi cho biết. Trên đường về, thấy tôi buồn ông bảo trợ của tôi nói, “Vì sắp đến là mùa lễ nghỉ hãng nào cũng không muốn mướn người mới để khỏi phải trả tiền ngày lễ.” Hoá ra người phỏng vấn tôi là general manager của hãng, mấy hôm sau ông ấy gọi cho ông bảo trợ của tôi, cho biết là ông ấy muốn tôi bắt đầu làm việc January 2nd, buổi sáng sẽ có người làm cùng hãng ghé cho đi quá giang.
Ngày đầu tiên các em và cháu của tôi đi học, một bà Mỹ có con học cùng trường đến đón hai em nhỏ và hai cháu của tôi. Cha Phó xứ đạo bảo trợ chúng tôi dạy học ở trường Marian Catholic High School cách Jim Thorpe khoảng 20 miles; mỗi ngày Cha ghé qua chở ba em lớn của tôi đi học và Cha đi dạy luôn. Ngày học cuối trước lễ Giáng Sinh, Cha Phó chở mấy em tôi về, trong cốp xe của Cha đầy nhóc toàn là đồ hộp, đủ loại; mấy em tôi kể lại rằng Cha Phó đã kêu gọi tất cả mọi học sinh của trường mang đồ hộp đến để giúp gia đình chúng tôi.
Hồi chưa sang Mỹ, nghề của ba tôi là thầu xây cất cơ sở thương mại và nhà tư gia. Ba tôi không làm việc ngày Chủ Nhật; một đôi khi, công việc bị chậm trễ, phải cho thợ làm phụ trội và làm ngày Chủ Nhật để cho kịp theo như hợp đồng đã thỏa thuận. Khi xong việc thì ba tôi ngồi tính sổ sách lại, và ông tính ra đã làm bao nhiêu ngày Chủ Nhật; số tiền mà ông kiếm được trong những ngày Chủ Nhật đó, ông đưa cho Cha xứ để Cha tùy nghi lo các việc Nhà Thờ, trường học, và giúp những gia đình nghèo trong xứ đạo. Đôi khi ba tôi bị má tôi cằn nhằn rằng ông cúng vào Nhà Thờ nhiều quá. Thời gian mới qua Mỹ gia đình chúng tôi được xứ đạo và mấy ông bà bảo trợ giúp đỡ. Ba tôi bảo chị em chúng tôi rằng, “Hồi xưa mỗi khi ba cúng Nhà Thờ má mày hay cằn nhằn. Bây giờ chính là Chúa trả lại cho chúng con những gì ba đã làm cho người khác lúc trước đó.” Ba tôi đặt ra một điều lệ: Mỗi buổi tối tất cả mọi thành viên trong gia đình phải đọc kinh chung để cảm tạ Chúa. Tối nào cũng phải lần hạt và đọc Kinh Cầu Đức Bà, mùa chay thì đọc Kinh Cầu Chịu Nạn.
Jim Thorpe thuộc tiểu bang Pennsylvania, rất lạnh, phần thì ba tôi không kiếm được việc làm nên hai năm sau ba má tôi dọn đi Fort Smith, Arkansas. Đến Fort Smith các em và cháu tôi học trường công; mấy em tôi đều nói rằng trường Marian Catholic High School tốt hơn và trình độ giảng dạy cũng cao hơn trường (công) này nhiều.
Gia đình chúng tôi đã mang ơn những ân nhân, bảo trợ của chúng tôi rất nhiều. We have deep gratitude to you, our sponsors. We still owe U.
Danh sách những những bài đã đăng:
1. Gã đầu trọc – Trương Hồ
2. Những ngày đầu tiên – Hương Ngô
3. Bão ơi! – DQ
4. Ông John hàng xóm – Dương Hồng Minh
5. Người bạn – Phương Lâm Ngôn Nguyễn
6. Cám ơn người đã cho tôi cuộc sống – Nguyễn Lan Anh
7. Những người tử tế – Đông Huỳnh
8. Tôi còn nợ you – Americans! – Hùng Cường Trần H.
9. Những người da đen tốt bụng – Liễu Trần
10. Hai quả trứng gà và ông hàng xóm – Diệp Khanh Trương
11. Chiếc điện thoại đầu tiên – Trường Sơn
12. Cháy nhà mà vui hơn Tết – Tino
13. Hai lá thư – Tammy
14. Họ là ai? – Nguyễn Phạm Minh Tâm
15. Ân tình của những người bảo trợ – Minh Tuyết
16. Chuyện nhỏ… – Thanhlap Le
17. Biết ơn – Thu Thủy
18. Bà Erika Redmond – Trương Mỹ Vân
19. Ông Sponsor – Trần Thị Lưu
20. Mùa thu Virginia – Emily Phúc Trần
21. Trở về – Thúy Vũ
22. Đi lãnh thực phẩm – Nguyễn T. Minh Trâm
23. Ăn quả nhớ kẻ trồng cây – Nguyễn Minh Cảnh
24. Cám ơn Người (bà mục sư đã thay đổi đời tôi) – Phương Trinh
25. Cám ơn U, người Tổng Giám Đốc của tôi – Quốc Thái
26. Một chai bia hai ly – Dan Volga
27. Cuộc sống mới – Trương Thùy Trang