Tôi không tin anh đã ra đi. Tôi bàng hoàng, nghĩ mãi về đốm sáng vừa tắt. Thỉnh thoảng, tôi mở điện thoại, đọc lại dòng tin nhắn của Đinh Yên Thảo, Nguyên Nhi đã vừa về gặp Chi Lan. Hãy cầu nguyện cho NN. Nước mắt tôi tràn ra. Tôi không tin anh đã ra đi. Tên anh vẫn còn hiện lên trên màn hình điện thoại của tôi. Như khi anh còn sống. Chỉ cần tôi bấm nút gọi, giọng anh sẽ vang lên bên kia đường dây.
“Anh khoẻ, Tường Vy. Tinh thần anh hôm nay tốt hơn hôm qua.”
Lúc nào anh cũng trả lời như thế. Anh không muốn ai lo lắng cho anh, không muốn làm phiền ai, ngay cả đến con cái của anh. Anh chỉ thừa nhận ở lần cuối cùng nói chuyện với tôi khi anh trong bệnh viện.
“Anh không được khoẻ. Anh vô bệnh viện từ chiều thứ bảy tới giờ mà không ai thèm gọi cho anh cả. Đời sống anh… chán thật, không biết anh còn sống để ăn hết hũ muối em gởi không nữa…hahaha…” Anh bật cười ở cuối câu. Giọng anh khàn và yếu, nhưng tiếng cười nghe vẫn sang sảng. Rồi anh bảo tôi gọi lại cho anh lúc chín giờ tối, anh sẽ kể cho nghe tình trạng bệnh của anh. Chín giờ tối, tôi gọi. Anh không nhấc điện thoại. Ngày hôm sau tôi gọi vài lần, và hôm sau nữa… Tôi vẫn đang chờ cuộc nói chuyện dở dang với anh.
Tôi mến anh ngay từ những dòng thơ đầu tiên. Bài thơ khóc vợ anh làm lúc chị mất, thì thầm với ngọn hải đăng vừa tắt. Tôi đọc từng chữ, từng dòng thương cảm. Và ao ước. Giá có ai làm thơ như vậy cho tôi, tôi chết cũng vui lòng.
Tôi bắt đầu biết anh nhiều hơn qua những truyện ngắn, tùy bút và những bài phiếm của anh. Tôi mê hình ảnh cô đơn cùng cực trong văn chương anh. Trong đêm mịt mùng bão biển, anh ta đốt lên một đốm thuốc nhỏ nhoi. Tôi yêu cái đốm sáng lẻ loi trong vùng biển đêm mênh mông đó. Tôi thích đọc về biển. Anh lại viết nhiều về sóng về đại dương về mảnh đời quá khứ của một gã thủy thủ lênh đênh làm thơ. Để khật khưỡng chiều say trên xứ lạ. Thấy mơ hồ một chiến hạm ra khơi… Nhưng hấp dẫn nhất vẫn là bài viết của anh về các loại mắm của miệt đồng bằng sông Cửu Long quê anh. Đã mấy lần anh tả cho tôi nghe phải nấu một lẩu mắm như thế nào mới ngon, mới đúng điệu. Tôi dốt làm bếp, nên nghe xong rồi quên ngay. Anh bảo khi nào có dịp sang Garland nữa, thì anh trổ tài làm lẩu mắm cho ăn. Tôi đã tưởng tượng ra lẩu mắm bốc khói nghi ngút, chưa ăn đã bắt nhớ.
Anh cưng chiều tôi như cô em gái. Sách báo nào tôi thích, anh sẵn sàng chạy ra bưu điện gửi liền cho tôi. Anh hay kể chuyện, nhưng nhiều nhất vẫn là những mẩu chuyện về chị. Anh vẫn còn yêu chị quá. Chị ra đi khi tình yêu vợ chồng đang độ nồng nàn. Có những cuộc điện thoại, giọng anh lòe nhòe, sũng ướt. Tôi biết anh đang say, say trong nỗi nhớ chị quắt quay. Mỗi sáng thức dậy, anh pha trà mời chị. Còn anh thì uống rượu, bất kể sáng tối. Anh bảo anh sống phất phơ và viết lơ tơ mơ lắm. Cái động cơ để sống và để viết bị tịt rồi. Tôi hỏi anh sống phất phơ là sống làm sao? Anh không có câu trả lời. Có phải là anh vẫn sống đấy, vẫn thở đấy, nhưng lơ mơ giữa những say, tỉnh, nỗi nhớ, kỷ niệm, quá khứ… Anh không sống cho tương lai. Anh không tính toán gì cho ngày mai. Anh chẳng muốn đi đâu ra khỏi thành phố Garland này… Rõ ràng là anh đang sống cuộc đời của người tiếp tục trong đợi chờ. Chờ ngày ra đi vĩnh viễn. Như anh đã từng hẹn hò với chị:
rồi một chiều nào đó
khi rũ hết rong rêu vướng trên vai áo bạc
khi sóng rửa sạch cát vàng bám gót đôi giày sờn rách
anh sẽ nằm xuống
thanh thản trên bãi vắng này
bên em
nghe gió vạn đại trườn qua miền lặng
để thì thầm với em
thôi, không còn gì quan trọng
Một năm nay, cuộc sống ảm đạm của anh vui lên đôi chút nhờ hai đứa con nuôi ở Việt Nam mà anh nhận chăm sóc. Hai chị em người dân tộc Mường, Đinh Thị Điển và Đinh Thị Thúy, cùng mắc chứng huyết tán bẩm sinh. Câu chuyện em Thúy “Nhường Cho Chị Sống” được phóng viên của đài RFA tường thuật làm anh mủi lòng. Hàng tháng anh gởi tiền về cho hai chị em trang trải chi phí bệnh viện và buôn bán tiệm tạp hóa nho nhỏ. Anh hay khoe với tôi về sức khoẻ hai đứa con anh. Hầu như ngày nào chúng cũng nhá anh gọi điện thoại về. Sinh nhật anh, Thúy hát tặng anh bài “Như có bác Hồ trong ngày vui đại thắng…” Anh cười ha hả. Chúng còn ngây thơ quá em à!
Cuối hè, bác sĩ phát hiện anh mang chứng xơ gan. Bệnh này chữa được. Quan trọng là anh phải tẩm bổ cho lên cân một tí. Anh vẫn lạc quan từ ngày đầu. Nhưng con bệnh tác oai quật ngã ý chí anh. Ôi, người lính chiến tử thủ Hoàng Sa không khuất phục ngoại bang, nhưng phải đầu hàng bệnh tật.
Tuần lễ đầu tháng mười, anh hỏi mơ màng. Hôm nay ngày mấy? Mồng bảy anh à. Chết thật, anh quên mất sinh nhật của Chi Lan. Anh mệt quá, không lái xe qua nhà thờ thăm chị được. Rồi anh than. Người ta đã quên chị rồi. Anh đọc bao nhiêu là email mà không một ai nhắc đến chị cả. Buồn thật…
Mới bệnh vài tuần mà sức khoẻ anh xuống thật nhanh. Anh yếu nhiều. Chân tay bắt đầu run rẩy. Anh bảo để nấu một bữa cơm chiều anh đã phải chuẩn bị từ sáng, mỗi thứ một chút. Anh cầm đũa rớt lúc nào anh không hay. Đôi lúc anh ao ước. Giá phải anh và Chi Lan có một đứa con gái, giờ nó đi chợ nấu cơm cho anh thì đỡ quá. Con trai chẳng biết gì, anh nhờ nó mua rau ngổ, nó mua về cho anh một bó ngò… hahaha. Anh vậy đó. Đầu câu anh than thở, nhưng kết câu bao giờ anh cũng cười to một cách sảng khoái.
Mùa thu về bàng bạc sương mai. Mùa này tháng này năm ngoái anh còn làm vườn, hí hửng khoe anh vừa vùi xong củ hoa. Thủy tiên, diên vĩ, uất kim hương. Anh trồng hoa vì chị thích hoa khi còn sống. Anh vùi củ trồng hoa chờ mùa Xuân, nhưng mùa Xuân sẽ chẳng bao giờ đến trên phố Ga của anh nữa.
Nghe tin anh hôn mê trong bệnh viện, tôi chập chờn cả đêm không ngủ. Tôi nghĩ đến anh, nghĩ đến cái chết. Và tôi hốt hoảng. Anh sẽ ra đi thật sao? Tôi ứa nước mắt. Mấy hôm nay không biết hai đứa con anh có nhá anh không? Ai sẽ trả lời cho chúng về người cha nuôi bên kia đại dương? Ai sẽ nấu bữa cơm chiều cho Hoàng Sa và Trường Sa? Lẩu mắm anh hứa tôi vẫn chưa được nếm vị thơm ngọt.
Mùa thu đang về trên phố Ga của anh. Chị cũng đã ra đi với mùa thu năm nào. Căn nhà nhỏ ở bìa rừng buồn tênh trong chiều gió. Bụi hồng bên hiên xơ xác. Khóm trúc bơ vơ nhớ chủ.
Và tôi vẫn không tin, anh vừa biến mất khỏi thế gian này.

Bảo Huân