Menu Close

Trần Thái Hòa và tấm lòng người nghệ sĩ

Hơn 10 năm từ tốn bước trên con đường âm nhạc, Trần Thái Hòa đã để lại trong lòng khán thính giả nhiều tình cảm ưu ái dành cho tiếng hát trầm ấm của anh.  Những ca khúc được người nghe trân trọng gọi là nhạc phẩm như “Cô Láng Giềng” của Hoàng Quý, “Cô Hàng Nước” của Vũ Minh, “Bến Xuân” của Văn Cao, “Dạ Khúc” của Nguyễn Văn Quỳ, v.v. được thể hiện qua tiếng hát Trần Thái Hòa như là những câu chuyện âm nhạc được kể lại một cách nhẹ nhàng mà sâu lắng. Chặng đường anh đã đi qua gắn liền với biết bao kỷ niệm từ ngày đầu tham gia ca hát ở trường Trung học, những buổi ca nhạc từ thiện, và các ca đoàn của trường Đại học và Cộng đồng. Thế rồi cơ duyên đã đưa anh đến với chương trình của một danh ca, từ đó anh bước lên sân khấu của một trong những trung tâm sản xuất âm nhạc hàng đầu tại hải ngoại. Và có lẽ kỷ niệm sâu sắc hơn cả đối với anh chính là sự yêu mến mà khán thính giả luôn dành cho anh.

alt

CD “Quên Đi Tình Yêu Cũ” gồm 12 tình khúc của nhiều nhạc sĩ­­ với tiếng hát của Trần Thái Hòa sắp được phát hành rộng rãi khắp nơi vào ngày 25 tháng 10 năm 2013…”

Vào cuối tháng 5 vừa qua, đêm nhạc “Cô Láng Giềng” tại Quận Cam với tiếng hát Trần Thái Hòa và một số bạn đồng nghiệp đã làm thỏa lòng tất cả khán thính giả đến tham dự.  Tôi chú ý nhiều đến cách chọn bài hát của Trần Thái Hòa vì trước khi hát, anh có phần giới thiệu ngắn gọn nhưng khá chi tiết dành cho một số nhạc phẩm có thể gọi là tiêu biểu cho nền âm nhạc Việt Nam.  Là một ca sĩ thuộc thế hệ đi sau, khi hát những ca khúc ra đời ở một thời vàng son của nền âm nhạc trước năm 1975, Trần Thái Hòa không những hát bằng niềm say mê âm nhạc bền bỉ mà anh còn ý thức được bản thân mình đang hát cho những kỷ niệm dấu yêu của đất nước một thời tự do. Chia sẻ niềm vui sau đêm nhạc “Cô Láng Giềng”, anh đã viết trên trang Facebook cá nhân: “Chương trình đã diễn ra thật như ý trong bốn tiếng đồng hồ với 20 bài hát (cho phần trình diễn) của Trần Thái Hòa, 4 bài của Phạm Sĩ Phú, 2 bài của Tam Ca 3 Con Dế, 4 bài của Thùy Mi trong khung cảnh thật ấm cúng và thân mật của Hội Quán Âm Nhạc Lạc Cầm! Quý khán giả đã ở lại đến tận phút cuối mới chịu ra về! Trần Thái Hòa xin chân thành cảm ơn các anh chị em ca nhạc sĩ và quý vị khán giả, Hội quán Lạc Cầm và nhạc sĩ Sỹ Dự!’’

Cũng tại Hội quán Lạc Cầm, một trong những điểm hẹn âm nhạc quen thuộc tại miền Nam Cali, Trần Thái Hòa sẽ trở lại với quý khán thính giả trong đêm nhạc “Thu Về Trong Mắt Em” vào lúc 8 giờ 30 tối Thứ Sáu, ngày 18 tháng 10 năm 2013.  Chủ đề cho chương trình dành riêng cho tiếng hát Trần Thái Hòa lần này được gọi theo tên của một tình khúc nổi tiếng của nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương. Khi được biết chương trình sẽ bao gồm những tình khúc mùa Thu do chính Trần Thái Hòa chọn, tôi nhớ ngay một trong những ca khúc của nhạc sĩ Trường Sa được Trần Thái Hòa hát thật trọn vẹn. Tôi không nhớ đã nghe ca khúc này lần đầu tiên vào lúc nào nhưng cảm giác lòng mình chùng buồn vì giai điệu chứa chan nỗi nhớ và lời ca thắm thiết niềm thương thì tôi không thể nào quên được. Tiếng hát Trần Thái Hòa như một cơn gió đầu Thu bất chợt thổi qua tình khúc “Những Mùa Thu Qua Trên Cuộc Tình Tôi”. Làn gió ấy mang hơi ấm của một ngày cuối hạ, bàn bạc chút se lạnh của mùa biệt ly và đong đầy cảm xúc âm nhạc như chính ân tình sâu đậm mà tác giả đã gửi gắm vào sáng tác của mình.

Lần đầu nghe Trần Thái Hòa hát “Những Mùa Thu Qua Trên Cuộc Tình Tôi”, tôi mơ hồ nghĩ đến một kỷ niệm nào đó mà nhạc sĩ Trường Sa đã ôm ấp trong “khúc tình buồn” của mình.  Từ những câu hát mở đầu “thôi còn đâu nữa Sài Gòn qua bao tháng ngày chung đôi – nỗi buồn phong kín những mùa Thu qua trên cuộc tình tôi”, lối hát tự nhiên và truyền cảm của Trần Thái Hòa đã làm lòng tôi đến thật gần với tình cảm da diết của tác giả. Lúc đó tôi chưa biết gì về câu chuyện đau buồn ẩn chứa trong từng lời ca nặng tình của một người đã vĩnh viễn mất đi một nửa của trái tim mình. Tôi đã tìm hỏi và được nhạc sĩ Trường Sa kể lại hoàn cảnh ra đời của ca khúc này: “Bài Những Mùa Thu Qua Trên Cuộc Tình Tôi được viết vào năm 1997 tại Canada gần một năm sau khi vợ của chú bị tai nạn xe, mất tại Long Thành, trong khi về thăm bà con ở Sài Gòn.  Do đau thương này đã thôi thúc chú viết về tình yêu của mình đối với người thương còn ở Sài Gòn sau khi chế độ miền Nam mất. Người ở lại Sài Gòn chính là vợ của chú, được tả như vẫn còn sống, vì ngày xưa vợ của chú cũng là một nghệ sĩ trong ban vũ thiết hài Nguyễn Thống tại Sài Gòn. Chú đã có một thời kỷ niệm yêu đương ở thành phố Sài Gòn với người vợ vắn số này. Cho nên, trong chuyến về thăm mồ mả người thân ở Sài Gòn, cảm tưởng của chú “ngơ ngác một sớm quê hương” mình, thật xa lạ …”  Là một thính giả sinh sau năm 1975, khi được nghe một nhạc sĩ thuộc thế hệ tài hoa đi trước như chú Trường Sa kể về hoàn cảnh ra đời của đứa con tinh thần, tôi nhận thấy thế hệ chúng tôi bị thiệt thòi quá nhiều vì những gì xứng đáng được gọi là tinh hoa của âm nhạc nói riêng và văn hoá nghệ thuật của Việt Nam nói chung đã bị che lấp trên chính mảnh đất đã sinh ra những tâm hồn nghệ sĩ thực thụ.  Làm sao thế hệ chúng tôi và sau này có thể biết được người nhạc sĩ đã viết nên một tình khúc in đậm vào lòng người như “Xin Còn Gọi Tên Nhau” từng tốt nghiệp sĩ quan hải quân Việt Nam Cộng Hòa (khóa 12) sau khi ông định cư tại Thủ Đức vào năm 1957?  Nhạc sĩ Trường Sa, tên thật là Nguyễn Thìn, còn là cựu Hạm phó tàu tuần duyên Trường Sa và bút hiệu Trường Sa được chọn trong thời điểm này.

alt

Chính vì ý nghĩa to lớn của hai tiếng tự do mà Trần Thái Hòa là một trong những ca sĩ hải ngoại không có ý định về hát trên quê hương, tuy có nhiều khán thính giả mong được nghe anh hát, vì anh không chấp nhận được chế độ cầm quyền Cộng Sản đương thời. Trong những lần trả lời phỏng vấn báo chí hay chia sẻ trên trang Facebook cá nhân với khán thính giả của mình, anh luôn khẳng khái nói lên tiếng nói của một người Việt yêu chuộng tự do. Thử hỏi có bao nhiêu quốc gia trên thế giới đưa ra những quy định buồn cười như Việt Nam hiện nay – kiểm duyệt và cấm lưu hành những bài hát của những nhạc sĩ, ca sĩ không cùng chính kiến với đảng cầm quyền. Đây là một trong những lý do khiến anh vẫn mong chờ một ngày mai khi đất nước có lại tự do cho dù ngày đó còn cách xa anh vài ba thế hệ. Ít ra thì suy nghĩ không về hát tại Việt Nam khi chưa có tự do của Trần Thái Hòa sẽ đặt ra câu hỏi “vì sao” trong nhận thức của những khán thính giả yêu mến tiếng hát của anh ở trong nước.

Đối với một người Việt ly hương biết nghĩ về cội nguồn đất nước, một tiếng hát biết nâng niu những giá trị của nền âm nhạc Việt Nam và một ca sĩ luôn tri ân tấm lòng khán thính giả dành cho mình như Trần Thái Hòa, tôi chân thành chúc cho mọi dự định và ước mơ của anh trong âm nhạc sẽ được các nhạc sĩ, các bạn đồng nghiệp, và nhất là khán thính giả khắp nơi tiếp tục ủng hộ.

TPTH – Cali, mùa Thu 2013