Giải Nobel do nhà kỹ nghệ Thụy Điển, ông Alfred Nobel, tài trợ và khởi đầu năm 1895 để vinh danh các công trình khám phá của nhân loại về vật lý, hóa học, văn chương và hòa bình. Giải Nobel về kinh tế được bắt đầu từ năm 1969.
Giải Nobel về Sinh Lý Học / Y Học (physiology / medicine)
Năm nay, ba chuyên gia (2 người gốc Hoa Kỳ và 1 người gốc Đức) chia chung giải Nobel về Sinh Lý Học / Y Học.
Cả ba chuyên gia đã góp phần vào công trình tìm hiểu và chứng minh hệ thống vận chuyển của tế bào. Họ khám phá ra rằng tế bào trong cơ thể có phương cách hoạt động riêng, tự chọn lựa khi nào và nơi nào thì vận chuyển các phân tử đã chế tạo.
Mỗi tế bào là một “xưởng” chế tạo và vận chuyển các phân tử sinh hóa tố. Thí dụ, insulin được chế tạo từ một loại tế bào đặc biệt và chuyển vào máu; chất dẫn truyền thần kinh hay “neurotransmitter” được chuyển từ thần kinh này sang thần kinh khác… Các phân tử này được vận chuyển trong các “bong bóng” li ti (vesicle).
Công trình khám phá của các chuyên gia kể trên nhắm đến những “bong bóng” bên trong tế bào. Các bong bóng này vận chuyển nội tiết tố và những phân tử khác bên trong và bên ngoài tế bào.
Ngoài huy chương, giải Nobel bao gồm 8 triệu Swedish kronor (khoảng 1.2 triệu Mỹ kim).
Tiến Sĩ James Rothman, Randy Scheckman, và Thomas Sudhof – Hình ảnh của AFP
Giải Nobel Vật Lý
Giải Nobel về vật lý được trao tặng hai khoa học gia Âu Châu, Tiến Sĩ Peter W. Higgs, 84 tuổi, the University of Edinburgh, Scotland, và Tiến Sĩ François Englert, 80 tuổi, the Université Libre de Bruxelles, Bỉ (Belgium) qua lập thuyết “Higgs boson” hay “God particle”.
Năm 1964, hai nhà vật lý kể trên lập ra giả thuyết một biển mênh mông năng lượng đã tạo ra một khối tên “the Higgs Boson” và những vật thể khác nhau trong vũ trụ. Từ giả thuyết này, các nhà vật lý khác đã bỏ công tìm kiếm ròng rã mấy chục năm và sau cùng đã khám phá vật thể này vào ngày 4 Tháng Bảy, năm 2012, tại The Large Hadron Collider từ trung tâm CERN, the European Organization for Nuclear Research, Thụy Sĩ. Vật thể ấy có những tính chất đã được mô tả như the Higgs Boson.
TS Peter W. Higgs & TS Francois Englert
Tạm hiểu là 50 năm sau khi giả thuyết kể trên ra đời, cả ngàn khoa học gia thế giới đã khổ công tìm kiếm và chứng minh được rằng vũ trụ có khối Higgs boson. Nói một cách khác, giả thuyết kể trên là sự thật. Và giải Nobel là cách nhìn nhận cao đẹp của nhân loại về công trình khám phá của họ.
Giải Nobel là một sự khuyến khích rất lớn cho các nhà nghiên cứu trẻ tuổi và sự chờ đợi ấy đã được đáp ứng như mong muốn.
Khi công bố giải Nobel về vật lý năm nay, Hội Đồng Tuyển Chọn đã tìm cách nhìn công trình khám phá của 10 ngàn khoa học gia khác, những người đã tạo dựng The Large Hadron Collider và đã khảo sát trên dưới 2,000 trillion đốm lửa li ti để tìm kiếm vật thể có tính chất của the Higgs boson!
The Higgs là chi tiết sau cùng của mô thức “the Standard Model”, giúp ta giải thích các hiện tượng xảy ra trong vũ trụ, từ hương thơm của đóa hoa hồng đến âm thanh từ chiếc máy điện toán khi ta bật nút mở. Theo mô thức ấy, vũ trụ tràn đầy năng lượng, từa tựa một biển mạch nha, thấm đẫm các vật di chuyển ngang qua, tạo thành vật thể.
Thiếu môi trường năng lượng the Higgs, các điện tử (electron) sẽ không trở thành vật thể và chỉ xẹt qua trong vũ trụ theo vận tốc của ánh sáng. Sẽ không có vật thể, không có nguyên tử và không có cả con người.
Khi nghe tin đoạt giải Nobel, Tiến Sĩ Englert nói rằng ông rất vui mừng vì công trình nghiên cứu suốt một đời làm việc được thế giới nhìn nhận.
Nhưng Hàn Lâm Viện Hoàng Gia Thụy Điển chưa tìm ra Tiến Sĩ Higgs để báo tin; ông này chọn việc vắng mặt, ngao du sơn thủy trong thời gian tuyển chọn.
Theo Tiến Sĩ Alan Walker, một đồng nghiệp và cũng là bạn thân, Tiến Sĩ Higgs không dùng điện thoại di động cũng như không dùng máy điện toán, đã hẹn với bạn bè rằng ông ấy sẽ trở về vào cuối tuần và không cho ai biết nơi rong chơi của mình. Ông cụ Higgs là một người khiêm tốn, thích ẩn dật, rong chơi khi muốn và ngại đám đông.
Giải Nobel Hóa Học
Ba khoa học gia, Tiến Sĩ Martin Karplus, Michael Levitt và Arieh Warshel đoạt giải Nobel năm nay qua chương trình nghiên cứu dẫn đến việc thiết kế các thảo trình điện toán trình bày một cách chi tiết các cấu trúc hóa học phức tạp.
Các thảo trình này giúp khoa học phỏng đoán chính xác các phản ứng hóa học có thể sẽ xảy ra khi pha trộn hóa chất.
Theo ông Gunnar Karlstrom, viện Hàn Lâm Khoa Học Hoàng Gia Thụy Điển, trong thiên nhiên, các phân tử hóa học rất lười biếng, nằm nguyên một chỗ, nhưng bất ngờ, chúng phản ứng, và khi phản ứng thì sự việc xảy ra rất nhanh chóng, trong tích tắc.
Phản ứng hóa học xuất hiện nhanh chóng như thế nên rất khó để ta hiểu biết cặn kẽ chi tiết những gì đã xảy ra khi trong các phản ứng hóa học này từ phòng thí nghiệm. Thảo trình (thảo chương?) điện toán giúp ta tạo dựng mô thức (model) của các phản ứng hóa học sấm chớp kể trên và tìm hiểu chúng ở mức độ chậm rãi hơn.
Tiến Sĩ Karplus (gốc Áo) làm việc tại Harvard University và the University of Strasbourg, Pháp. Tiến Sĩ Levitt (gốc Nam Phi) làm việc tại Stanford University Medical School, và Tiến Sĩ Warshel (gốc Do Thái) làm việc tại the University of Southern California.
Cả ba chuyên gia đều là người ngoại quốc đến Hoa Kỳ để làm việc, sinh sống. Đất lành cưu mang vun trồng nhân tài nên khả năng của họ được phát triển toàn mỹ và nhân loại cùng thừa hưởng cây trái kết tinh từ các tài năng ấy.
Giải Nobel trị giá 8 triệu Swedish kronor (1.2 triệu Mỹ kim) được chia đều cho cả ba vị.
Giải Nobel Văn chương
Nhà văn Canada Alice Munro, 82 tuổi, đoạt giải Nobel về văn chương năm nay. Hội đồng tuyển chọn của Hàn Lâm Viện Hoàng Gia Thụy Điển đã so sánh bà Munro với Anton Chekhov, một văn hào người Nga trong thế kỷ XIV được tôn vinh là người viết truyện ngắn hay nhất và gọi bà Munro là “the master of the contemporary short story”, bậc thầy của truyện ngắn đương thời
Nhà văn Canada Alice Munro
Hàn Lâm Viện Hoàng Gia Thụy Điển cũng nói thêm rằng họ đi kiếm bà Munro để báo tin nhưng không gặp nên đành để lại tin nhắn trong điện thoại của bà ấy!
Nhà văn Alice Munro nổi tiếng qua những truyện ngắn với văn phong giản dị, viết như kể chuyện, câu chuyện từ các thôn làng nhỏ; cũng những va chạm vì khác biệt giữa các thế hệ, sự tranh đấu không ngừng để được chấp nhận giữa những con người. Tình tiết trong các câu chuyện được mô tả khéo léo và khơi dậy nhiều câu hỏi cho người đọc về sự hiện diện của con người.
Bà Munro sống tại Clinton, phía Tây Nam của tỉnh bang Ontario, Canada, bắt đầu viết rất sớm, ngay trong tuổi dậy thì. Năm 1968, tác phẩm đầu tiên được phát hành có tựa đề “Dance of the Happy Shades,” một tuyển tập truyện ngắn.
Năm 2001 phát hành tuyển tập nổi tiếng khác, “Hateship, Friendship, Courtship, Loveship, Marriage”. Tuyển tập này được viết thành truyện phim “Away from Her” do đạo diễn Sarah Polley thực hiện vào năm 2006.
Tính đến năm nay, Hàn Lâm Viện Hoàng Gia Thụy Điển đã trao giải Nobel văn chương 106 lần kể từ năm 1901. Nhà văn trẻ tuổi nhất đoạt giải là Rudyard Kipling, nổi tiếng qua cuốn “The Jungle Book”, 42 tuổi, năm 1907. Người đoạt giải lớn tuổi nhất là bà Doris Lessing, 88 tuổi.
Có tất cả 13 phụ nữ đoạt giải Nobel về văn chương.
Giải Nobel Hòa Bình
Năm nay giải Nobel Hòa Bình được trao tặng Tổ Chức Chống Vũ Khí Hóa Học (The Organisation for the Prohibition of Chemical Weapons hay OPCW), một tổ chức quốc tế có mục đích thăm dò, thẩm định và tiêu diệt vũ khí hoá học. Hiện nay tổ chức này đang tham gia vào việc giải giới và huỷ diệt vũ khí hóa học của quân đội Syria.
Theo hội đồng tuyển chọn giải Nobel, việc trao giải Nobel Hòa Bình cho tổ chức kể trên nhằm mục đích ủng hộ, cổ võ các chuyên viên trong nhóm, họ đang thi hành một sứ mạng vô cùng khó khăn và nguy hiểm.
Bá tánh cũng có thể hiểu ngầm là cuộc nội chiến tại Syria đang nằm trong tầm quan sát của người thế giới, cuộc chiến ấy quan trọng đủ để mọi người quan tâm và theo dõi các biến chuyển.
Ông Thorbjorn Jagland, chủ tịch hội đồng tuyển chọn, cho biết OPCW không chỉ đoạt giải Nobel Hòa Bình vì họ đang làm việc truy tìm vũ khí hóa học trên chiến trường Syria mà vì cả một quá trình hoạt động lâu dài trong mục đích loại bỏ vũ khí hóa học, loại vũ khí giết người hàng loạt.
The Organisation for the Prohibition of Chemical Weapons, trụ sở đặt tại The Hague, Hòa Lan, là một tổ chức độc lập, thành lập theo các điều khoản của the Chemical Weapons Convention (Hiệp Ước Vũ Khí Hóa Học), một hiệp ước quốc tế, để hoạt động.
Giải Nobel Hòa Bình thường được trao tặng các tổ chức. Năm ngoái, giải Nobel Hòa Bình được trao cho Liên Âu vì tổ chức này đang loay hoay giải quyết các vấn nạn kinh tế tài chánh đe dọa toàn Âu Châu trong tinh thần đoàn kết và dân chủ.
Các tổ chức khác cũng đoạt giải Nobel Hòa Bình là tổ chức Bác Sĩ Không Biên Giới (Doctors Without Borders), Liên Hiệp Quốc (the United Nations), đoàn quân Chiến Binh Hòa Bình của Liên Hiệp Quốc (U.N. peacekeeping forces), the U.N. atomic energy agency, Hội Hồng Thập Tự (the Red Cross) và the International Campaign to Ban Landmines.
Cà mèng và tệ hại nhất là việc đoạt giải Nobel Hòa Bình của Henry Kissinger và Lê Đức Thọ; họ hè nhau bức tử Việt Nam Cộng Hòa để chấm dứt chiến tranh Việt Nam và của Yasser Arafat, thủ lãnh quân đội giải phóng Palestine (PLO) chuyên môn đánh bom khủng bố!
Giải Nobel Kinh Tế
Ba chuyên gia kinh tế Hoa Kỳ Eugene F. Fama, Lars Peter Hansen và Robert J. Shiller đoạt giải Nobel Kinh Tế năm nay qua công trình khám phá cách ước tính trị giá của cổ phần (stock) và trái phiếu (bond).
Hàn Lâm Viện Hoàng Gia Thụy Điển công bố rằng các chuyên gia kể trên đã đặt nền tảng cho việc tìm hiểu và phân tích trị giá của các tài sản “luân chuyển” (liquid asset, loại tài sản có trị giá luân chuyển theo thị trường); mô thức ước tính này dựa trên sự thay đổi của thị trường, các rủi ro và các phản ứng cũng như cách hành xử của thương gia trước những rủi ro ấy.
Tiến Sĩ Eugene F. Fama, Robert J. Shiller và Lars Peter Hansen
Tiến Sĩ Fama, 74 tuổi, được xem như “cha đẻ” của ngành tài chánh đương thời, hiện là giáo sư kinh tế tại the University of Chicago. Từ giữa thập niên 60, ông Fama đã đưa ra lập thuyết về sự dao động không thể dự đoán (unpredictable) của thị trường cổ phần, và vì sự dao động ấy, người đầu tư cũng như các chuyên gia kinh tế khó lòng “thắng thế”. Nói giản dị là mọi người tham gia trong thị trường cổ phần đều chịu rủi ro như nhau, không nhờ một tài năng nào để “thắng thế”. Nhà kinh tế này cũng chứng minh được rằng các loại cổ phần như “value stock” và “small-cap stock” mang lại nhiều lợi nhuận hơn so với loại cổ phần như “growth stock”.
Tiến Sĩ Shiller, 66 tuổi, giáo sư kinh tế tại Yale University, là người đã tìm hiểu về trị giá bất động sản. Làm việc chung với ông Karl Case, hai chuyên gia tài chánh này đã thành lập chỉ số “the S&P/Case-Shiller home price indexes”. Áp dụng mô thức ấy, họ đã nhận diện việc giá nhà cửa gia tăng gấp đôi vào những năm 2000 – 2006, và sập tiệm sau đó dẫn đến cuộc khủng hoảng tài chánh lớn nhất của thế giới kể từ cuộc khủng hoảng kinh tế (Great Depression) trong thập niên 30 của thế kỷ trước.
Trong thập niên 80, dựa trên mô thức Fama, Tiến Sĩ Shiller chứng minh rằng việc ước tính trị giá cổ phần có phần dễ dàng hơn khi đầu tư lâu dài vì trị giá cổ phần dao động cao hơn cả mức lãi suất (divident) một công ty trả cho người đầu tư. Mô thức này cũng có thể áp dụng cho việc ước tính trị giá trái phiếu. Ông Shiller cũng khám phá ra cách hành xử có phần nông nổi, không tính toán và dựa trên cảm tính của người đầu tư vào thị trường cổ phần
Tiến Sĩ Hansen, 60 tuổi, là một trong những người thành lập the Becker Friedman Institute tại University of Chicago và cũng là giáo sư kinh tế tại đại học này, trên căn bản của nhà kinh tế Milton Friedman. Ông Hansen góp phần tạo ra các mô thức toán học, áp dụng vào việc ước tính xác suất của các biến chuyển tài chánh. Các chuyên gia kinh tế có thể dùng các mô thức toán thống kê này để ước tính mức tiêu thụ, mức đầu tư vào trương mục tiết kiệm và trị giá của tài sản.
Từ năm 2008 khi nền kinh tế toàn cầu rơi vào cuộc khủng hoảng vì thị trường địa ốc, tài chánh và cổ phần đều đồng loạt sập tiệm thì bá tánh xem ra chú trọng đến những đề tài về kinh tế tài chánh nhiều hơn. Năm nay, đúng vào lúc cư dân Huê Kỳ đang chăm bẳm ngó đến việc đóng cửa công sở liên bang và việc lưỡng viện quốc hội đang cãi cọ dùng mức nợ quốc gia để làm áp lực với ngành hành pháp; nôm na đang lo vàng mắt về kinh tế thì giải Nobel Kinh Tế năm nay được loan báo.
Sự phức tạp của ngành Kinh Tế dẫn đến việc tặng giải Nobel Kinh Tế không “thuần nhất”. Có năm Hàn Lâm Viện Hoàng Gia Thụy Điển trao giải cho chuyên gia khám phá ảnh hưởng từ chính sách của nhà cầm quyền và tiêu chuẩn xã hội trên nền kinh tế (chú trọng đến xã hội nhiều hơn là kinh tế) như năm 1974. Vào lúc khủng hoảng tài chánh, năm 2008, giải Nobel Kinh Tế được trao cho ông Paul Krugman qua công trình phân tích việc người thế giới cùng nhập cảng hàng hóa từ một vài nguồn sản xuất (kinh tế xính vính vì bá tánh tham hàng rẻ [thiển cận] mà xóa sổ ngành sản xuất địa phương [cái hại lâu dài]).
Giải Nobel Kinh Tế không nằm trong danh sách Nobel nguyên thủy khi ông Alfred Nobel thành lập giải thưởng này. Bắt đầu từ năm 1969, ngân hàng trung ương Thụy Điển (the Sveriges Riksbank) đặt ra giải thưởng the Sveriges Riksbank Prize in Economic Sciences in Memory of Alfred Nobel và được gom chung với giải Nobel.
Tính đến năm nay, 2013, có 71 giải Nobel Kinh Tế đã được trao tặng, 40 lần cho các chuyên gia Hoa Kỳ.
Về các bộ môn khoa học thực nghiệm như Hóa Học, Vật Lý, Y Học, việc trao tặng giải Nobel khá thuần nhất, dễ dàng để ước đoán qua các công trình khám phá vĩ đại của khoa học gia đoạt giải. Các giải thưởng kể trên cũng như giải thưởng về kinh tế và văn chương đều do Hàn Lâm Viện Hoàng Gia Thụy Điển tuyển chọn.
Riêng giải Nobel Hòa Bình lại do hội đồng tuyển chọn từ Na Uy, một hội đồng thành lập bởi quốc hội Na Uy.
TLL