Menu Close

Môn thể thao mới – “Electronic Sport”

Ba bốn thập niên trước, lúc người ta bắt đầu làm quen với các loại trò chơi điện tử, ngày càng phổ biến nhất là qua tên tuổi anh khổng lồ của kỹ nghệ trò chơi điện tử Nhật Bổn Nintendo. Lúc ban đầu, nếu có dự báo một ngày kia trò chơi này sẽ trở thành một môn thể thao, có lẽ rất ít người tin.

 

 

alt

 

World Cyber Games 2004 tại San Francisco – nguồn wilipedia

 

 

Song thực tế ngày nay, ảnh hưởng trò chơi và các cuộc tranh tài được tổ chức càng lúc càng quy mô, khác hẳn buổi đầu với các “game thủ” chỉ miệt mài bấm nút để đạt điểm cao hơn đối phương. Nếu sơ khai trò chơi điện tử chỉ toàn các màn đấm đá vô nghĩa, thì các “game thủ” thời nay tranh hơn thua bằng đấu pháp, chiến thuật, chiến lược hẳn hoi. Ngày nay, thuật ngữ môn “thể thao điện tử” (“Electronic sport” hoặc “eSport”) ngày càng được dùng rộng rãi, đặc biệt trong các khung cảnh tranh tài cao thấp có tổ chức, có tài trợ, giải thưởng. Những tên gọi thường gặp khác gồm có “thi chơi game” (Competitive Gaming), “chơi game nhà nghề” (Professional Gaming), hoặc môn “thể thao trên mạng ảo” (Cybersport). Cái tên cuối cùng có từ thực tế chơi game lẫn các cuộc tranh tài ngày nay đa phần diễn ra trên mạng lưới toàn cầu Internet. Các trò chơi nổi tiếng nhất gồm có: Starcraft II, Age of Empires, World Cyber Games, StarCraft, Halo 3, Halo: Reach, Call of Duty 4: Modern Warfare, League of Legends, Call of Duty: Black Ops, v.v…

 

 

alt

 

Cảnh tranh hùng căng thẳng.

 

Cùng với sự phát triển của trò chơi, hình ảnh những “game thủ”  cũng phải thay đổi. Không chỉ là hình ảnh những anh chàng đầu bù tóc rối, suốt ngày trốn trong phòng, chui xuống tầng hầm basement, ăn mì gói quên cơm, và quần áo vì chỉ ở trong phòng, ít dơ, nên có thể… mặc đi mặc lại bao lâu cũng được… Nhiều tay chơi game ngày nay rất “pro”, ăn mặc bảnh bao chải chuốt, nghề nghiệp đa dạng, có những tên tuổi “game thủ” nhà nghề, có thể sanh sống bằng nghề chơi game thắng tiền thưởng. Điểm đặc biệt các “game thủ” thường kết hợp thành các nhóm, các cộng đồng khá gắn bó với nhau. Khác đa phần lực sĩ thể thao, các “game thủ” dù cũng có tinh thần cạnh tranh cao độ, nhưng sau khi xong trận thư hùng, dù thắng dù thua, thường tỏ ra rất mã thượng. Kẻ thắng người bạn dễ dàng mau chóng ngồi lại để chỉ nhau những mẹo, kỹ thuật mới… Dường như, trong môn thể thao này, người không phải chỉ chống lại nhau, mà đối thủ đáng gờm nhất chính là cái máy… computer.  

 

 

alt

 

Trò chơi hấp dẫn mọi giới.

 

Mới mùa hè vừa qua, Sở Di Trú Hoa Kỳ (U.S. Immigration and Citizenship Services – USCIS) và Bộ Ngoại Giao (U.S. State Department) đã đồng thuận cấp một loại chiếu khán đặc biệt cho các “game thủ” nhập cảnh vào Hoa Kỳ tranh tài. Loại visa này vốn lâu nay chỉ dành cho giới chơi thể thao nhà nghề. Đó là lần đầu tiên các “game thủ” ngoại quốc có thể nhập cảnh Hoa Kỳ để làm việc… chơi game. Quy định mới này nhằm thỏa mãn nhà tổ chức giải đánh game tên “League of Legends Season 3 World Championship (LCS)”. Nhờ vậy, các đội có thể ghi danh những “game thủ” ngoại quốc, không khác bất cứ đội thể thao nhà nghề nào khác.

Mặc dù ngày càng trở nên nhà nghề hơn, các “game thủ” vẫn còn ít nhiều nét… lãng tử riêng, khiến họ trông nhiều phần màu sắc và “fun” hơn lực sĩ các môn thể thao khác. Một phần vì tính chất riêng của trò chơi này cho phép các tay chơi giàu sáng tạo bộc lộ cá tánh: có khi họ mặc trang phục giống như các nhân vật trong trò chơi, có khi họ vẽ, sơn hình, hoặc “trang điểm” cho chiếc cần gạt hoặc bàn phím chơi game. Đây là những món đồ nghề đặc biệt, bất ly thân đối với các game thủ thượng thặng. Nhiều tay chơi còn tự chế các đồ nghề cho hợp với ý mình – gọt đẽo từ gỗ, cắt ra từ hộp bánh pizza, thậm chí chế lại từ các lon nước giải khát, v.v…

 

 

alt

 

Các cô gái ăn mặc như các nhân vật trong game – nguồn  deviantart.net

 

Riêng về các cuộc tranh tài ngày càng phổ biến mạnh mẽ khắp thế giới. Một trong những cuộc tranh hùng sớm nhất có lẽ là cuộc thi trò chơi “Spacewar” mùa thu 1972 tại Đại Học Stanford University (California). Lần đó, giải thưởng tượng trưng là một năm tạp chí Rolling Stone. Giải “Space Invaders Championship” của Atari năm 1981 tại Hoa Kỳ có lẽ là màn thi tài lớn đầu tiên, thu hút trên 10,000 “game thủ” trên khắp nước – mà nhiều người xem là cột mốc phát triển mạnh mẽ các cuộc tranh tài “video game”. Đến đầu thập niên 1990, chính hãng Nintendo đứng ra bảo trợ tổ chức các giải vô địch thế giới, xoay vòng vừa biểu diễn vừa tranh tài xuyên qua các thành phố khắp Hoa Kỳ. Về sau, các giải tranh hùng ngày càng lớn, với giải thưởng ngày càng cao. Việc tổ chức cũng ngày càng phức tạp, thuê mướn trọng tài nhà nghề, v.v… Ngày càng thêm nhiều nhà tài trợ để mắt đến các cuộc tranh tài. Mùa hè năm 1997, giải “Cyberathlete Professional League” ra mắt, sau này có lúc giá trị tổng cộng giải thưởng lên trên $1,000,000.

 

 

 alt

 

Giải vô địch Châu Âu – nguồn sl.world.net

 

Trong thế giới thể thao điện tử, trò chơi phổ biến nhất tại Đông Á, đặc biệt là Nam Hàn (South Korea). Có đài TV chiếu suốt ngày đêm các cuộc thi tài video game. Ở Anh Quốc có đài “SKY channel 208”, Pháp Quốc có đài “Game One” chiếu trò thể thao điện tử. Tại Hoa Kỳ, giải “Halo 2 Pro Series” được đài USA Network trình chiếu, có lúc thu hút trên 500 “game thủ” từ trên 50 quốc gia, tranh nhau giải thưởng $400,000. Đài ESPN cũng có một show cố định tên “Madden Nation” chuyên chơi các game NFL điện tử. Thể thao điện tử phát thịnh đến mức ngày càng có thêm nhiều đòi hỏi Ủy Ban Olympic công nhận trò chơi này như là một môn thể thao, và chánh thức đưa vào chương trình tranh tài thế vận hội trong tương lai.

TTD

  

World Cyber Games 2004 tại San Francisco – nguồn wilipedia