Menu Close

Trận hải chiến Hoàng Sa

Lễ tiễn biệt nhà văn Nguyên Nhi, một Hải Quân Trung Úy từng phục vụ trên Khu Trục Hạm Trần Khánh Dư HQ-4 tham gia trận hải chiến bảo vệ Hoàng Sa năm 1974, đã diễn ra đầy trân trọng và cảm động với nghi thức phủ cờ của những chiến hữu Hải Quân. Để tưởng niệm các chiến sĩ Hải Quân  đã anh dũng hy sinh trong trận chiến này và sự hào hùng của binh chủng Hải Quân VNCH, chúng tôi trích đăng chi tiết trận hải chiến từ tài liệu Hải Chiến Hoàng Sa-Tài Liệu toàn tập của hai tác giả Vũ Hữu San & Trần Đỗ Cẩm

 

 

alt

 
Hình-ảnh những phút cuối cùng của hải-chiến. “Tàu radar” KTH Trần-Khánh-Dư HQ-4 (bên phải, phía xa) đang một mình tả-xung hữu-kích giữa Hạm-Đội Trung-Cộng: 271/274/396 “tập-trung cận-xạ”- nguồn haichienhoangsa.freetzi.com

 

 

Sáng sớm ngày 19 tháng 1, thấy các chiến hạm VNCH bất thần bao vây và dàn đội hình tác chiến để uy hiếp đảo, lực lượng Trung Cộng cũng chia thành hai nhóm để nghênh cản. Hai chiến hạm mới tới mang số 389 và 396 vận chuyển về hướng Tây Tây Bắc đảo để chận đường phân đội Bắc, trong lúc 2 Kronstadt còn lại mang số 271 và 274 đối đầu với phân đội Nam tại phía Nam đảo Quang Hòa.

Mặc dù phía Trung Cộng phản ứng mạnh, lực lượng VNCH vẫn tiến hành kế hoạch hành quân đổ bộ tái chiếm đảo Quang Hòa như đã dự trù. Hồi 6 giờ 48 sáng, toán đổ bộ cũng được chia làm hai cánh: cánh Biệt Hải trên HQ-4 được đổ bộ lên mặt Nam, trong khi cánh Hải Kích trên HQ-5 được đổ bộ lên mặt Tây Tây Nam đảo Quang Hòa. Tới 7 giờ 42 sáng, vì gió thổi quá mạnh khiến hai bè cao su chở toán Hải Kích bị dạt ra ngoài khơi nên HQ-5 phải thả xuồng máy để phụ giúp kéo tới điểm đổ bộ. Cũng trong lúc này, Trung Cộng cũng cho đổ thêm quân từ 2 tàu võ trang lên mặt Bắc đảo.

Tuy gặp khá nhiều khó khăn vì gió mạnh và sóng lớn sát bờ, cuối cùng toán Hải Kích cũng đổ bộ lên được mặt Tây Tây Nam đảo Quang Hòa vào lúc 7 giờ 45 sáng. Sau khi hoàn tất nhiệm vụ đổ quân, hai chiến hạm HQ-5 và HQ-4 thuộc phân đội Nam di chuyển trong vùng từ Nam Đông Nam tới Tây Tây Nam của đảo Quang Hòa, có lúc vào sát bờ chỉ cách chừng 1 hải lý để trợ chiến cho lực lượng đổ bộ.

Lực Lượng đổ bộ gồm những thành phần được huấn luyện tinh thục, thiện chiến nhất của HQVN. Lúc đầu, toán Biệt Hải do HQ Trung Úy Nguyễn Minh Cảnh (khóa 20 SQHQ Nha Trang) trách nhiệm, sau chuyển sang HQ Trung úy Nguyễn-Văn-Đơn chỉ huy, gồm những quân nhân “người nhái” thuộc Sở Phòng Vệ Duyên Hải. Toán Hải Kích chuyên về phục kích và đánh bộ do HQ Đại Úy Trần Cao Sạ (khóa 16 SQHQ Nha Trang?) chỉ huy. Ngay từ khi vừa đặt chân lên bờ đảo, cả hai toán bị quân Trung Cộng trên đảo đông hơn đàn áp. Địch quân trang bị vũ khí nặng dàn hàng ngang ngăn cản và uy hiếp, một số lớn khác ẩn núp trong các giao thông hào và công sự phòng thủ kiên cố để yểm trợ khiến lực lượng đổ bộ không thể nào tiến sâu vào trung tâm đảo. Tình hình lúc bấy giờ rất nguy cấp và thật bất lợi cho lực lượng VNCH, nhưng vì tuân hành thượng lệnh quyết tâm bảo vệ lãnh thổ nên vào khoảng 9 giờ sáng, SQ/CHCT ra lệnh cho toán Hải Kích vượt lên trước, di chuyển về mặt Tây Nam đảo. Thấy quyết tâm chiếm lại đảo của các chiến sĩ Việt Nam, quân Trung Cộng nấp trong các công sự phòng thủ nổ súng thượng liên vào toán Hải Kích khiến 1 sĩ quan là Trung Úy Lê Văn Đơn và 1 đoàn viên tên Long bị tử thương và 2 đoàn viên khác bị thương. Toán Hải Kích lập tức dùng hỏa lực cơ hữu gồm súng phóng lựu M.79 và súng cá nhân M.16 bắn trả. Còn toán Biệt Hải tuy cũng bị lính Trung Cộng đông hơn uy hiếp nhưng hoàn toàn vô sự. Lúc 10 giờ sáng, soái hạm HQ-5 ở vị trí cách đảo Quang Hòa 5000 yards (khoảng 3 hải lý) về hướng Tây Nam (245 độ).

Vào khoảng 9 giờ 30 sáng, trước tình hình bất lợi và áp lực địch quá mạnh có thể đưa tới nguy cơ toàn thể lực lượng đổ bộ bị địch quân đông hơn tiêu diệt hết, Chỉ-huy-trưởng Phân-đội 1 (gồm HQ-5 và HQ-4) quyết-định rút tất cả hai toán Hải Kích và Biệt Hải kịp thời về chiến hạm,[17] với sự đồng-ý của SQ/CHCT. Lực lượng đổ bộ về tới chiến hạm an toàn, không bị thêm một thiệt hại nào, mang theo được cả xác sĩ quan tử-thương. Hai đoàn viên bị thương được di tản qua HQ-4.

Trước những biến chuyển kém thuận lợi, SQ/CHCT ban hành chỉ thị mới. Trong khoảng thời gian từ 10 giờ 17 sáng cho tới 10 giờ 24 sáng, các chiến hạm Việt Nam vận chuyển chiến thuật để thiết lập một hình vòng cung ở phía Tây đảo Quang Hòa. Phân đội Bắc gồm hai chiến hạm HQ-16 và HQ-10 di chuyển về phía Tây Tây Bắc đảo trong khi phân đội Nam gồm hai chiến hạm HQ-5 và HQ-4 di chuyển từ Tây Nam tới vị trí phía Tây Đảo. Khi thấy các chiến hạm Việt Nam khai triển đội hình mới, bốn chiếc tàu Trung Cộng lập tức bám theo, một đối một. Theo phúc trình hậu hành quân của soái hạm HQ-5, tình hình lúc đó đã hết sức căng thẳng. Chiến hạm đôi bên có lúc chỉ cách nhau 300 hay 400 yards[18] đều ở trong tình trạng nhiệm sở tác chiến toàn diện với các nhân viên ngồi trong các ụ súng. Các khẩu hải pháo chĩa thẳng vào tàu TC trong tư thế sẵn sàng tác xạ tiêu diệt địch.  

Lúc đó, vị trí các chiến hạm đều nằm về hướng Tây và Tây Tây Bắc của đảo Quang Hòa. Hải đội VNCH bao vây phía ngoài, cách đảo khoảng 4-5 hải lý, các tàu Trung Cộng nằm hơi chếch về phía bên trong, cách đảo chừng 3-4 hải lý. Vị thế tác chiến của các chiến hạm Việt Nam thiết lập thành hình vòng cung phía bên ngoài, thứ tự từ Bắc xuống Nam được ghi nhận như sau:

– HQ-16 chiếm vị trí cực Bắc của đội hình, sau đó là HQ-10.

– Kế tiếp là HQ-4 và HQ-5 ở vị trí cực Nam.

Các chiến hạm Trung Cộng cũng ở vị thế nghênh cản một chọi một như sau:

– Kronstadt 274 đối đầu HQ-5.

– Kronstadt 271 đối đầu HQ-4.

– MSF[19] 396 đối đầu HQ-10.

– MSF 389 đối đầu HQ-16.

 

alt

alt

Hình-ảnh Kronstadt 274 và 271 của Trung-Cộng, chụp từ Khu-Trục-Hạm Trần-Khánh-Dư HQ-4 (khoảng cách chừng 400 – 450m, ngoài khơi đảo Duy-Mộng) ngay trước trận hải-chiến một giờ. Lưu-ý các Chiến-hạm Trung-Cộng đều chĩa tất cả hải-pháo nhắm thẳng vào một mình HQ-4. Tàu 274 “abroad side” trong khi súng sân sau chiếc 271  sẵn-sàng nhả đạn. **- nguồn haichienhoangsa.freetzi.com

 

Trên soái hạm HQ-5, SQ/CHCT chỉ định mục tiêu cho từng chiến hạm, đó là những tàu địch đối đầu. Lệnh tác xạ đồng loạt vào các chiến hạm địch được ban hành từ soái hạm HQ-5 vào lúc 10 giờ 22 phút sáng. Trận hải chiến tại Hoàng Sa khởi đầu.

Ngay sau khi nhận được lệnh tác xạ chuyển đi từ soái hạm HQ-5, các chiến hạm VNCH đồng loạt khai hỏa vào mục tiêu được chỉ định là các chiến hạm địch đối đầu. Các khẩu đại bác 40 ly và 20 ly tác xạ rất chính xác và hiệu quả vì có nhịp bắn nhanh và mục tiêu lớn lại nằm trong tầm tác xạ hữu hiệu. Các khẩu đại bác 76 ly trên Khu Trục Hạm Trần Khánh Dư tác xạ cũng rất chính xác nhưng nhịp bắn không được nhanh vì hệ thống radar kiểm xạ viễn khiển bị hỏng từ lâu. Những dàn đại pháo 127 ly trên các Tuần Dương Hạm Trần Bình Trọng và Lý Thường Kiệt có nhịp bắn chậm hơn trong lúc các chiến hạm đôi bên vận chuyển với vận tốc cao nên rất khó nhắm vào mục tiêu. Riêng Hộ Tống Hạm Nhật Tảo HQ-10 vì chỉ còn một máy chánh nên xoay trở rất khó khăn và chậm chạp, dàn radar bất khiển dụng, tình trạng kỹ thuật không được khả quan nên lâm vào tình thế rất bất lợi.

Với chiến thuật “tốc chiến, tốc thắng”, các chiến hạm VNCH chiếm được thượng phong vì bắn trước với cỡ súng lớn hơn. Các tàu Trung Cộng bị thiệt hại nhiều trong những phút đầu tiên này nhưng cũng chống trả mãnh liệt.

Trên Tuần Dương Hạm Lý Thường Kiệt HQ-16 thuộc phân đội Bắc, lệnh tác xạ của Hạm Trưởng, HQ Trung Tá Lê Văn Thự, được đáp ứng ngay bằng quả đạn đầu tiên của khẩu đại pháo 127 ly do Trung Úy Ðoàn Viết Ất làm trưởng khẩu. Sau đó, các khẩu đại bác 40 ly và 20 ly từ trước mũi đến sau lái thi nhau bắn vào tàu địch. Giống như như HQ-5, vũ khí chính của Tuần Dương Hạm Lý Thường Kiệt là khẩu đại pháo 127 ly (5 inch) đặt tại sân trước. Cũng ở sân trước, đàng sau của khẩu đại pháo là dàn đại bác 40 ly đôi (2 nòng) nằm một tầng cao hơn ngay dưới đài chỉ huy. Hai bên hông đài chỉ huy là các khẩu đại bác 20 ly đôi (2 nòng). Tại sân sau có các khẩu đại bác 40 ly đơn, một bên tả hạm, một bên hữu hạm.

 

alt

Vị trí Khu Trục Hạm Trần-Khánh-Dư HQ-4 giữa vòng vây 3 tàu Trung-Cộng – – nguồn haichienhoangsa.freetzi.com

(Còn 1 kỳ)