Menu Close

Chính trị và thời cuộc

Tôi không phải là người chuyên viết chính luận, nhưng những năm gần đây có quá nhiều biến cố chính trị xảy ra trên thế giới, khiến tôi không thể nào không lưu ý đến thời sự. Bắt đầu từ Cuộc Nổi Dậy Ả Rập tại Tunisia, sau đó là Ai Cập. Sự bùng nổ nhanh chóng và dữ dội của cao trào cách mạng tại hai quốc gia thuộc khu vực Bắc Phi và vùng Cận Đông trong những ngày đầu năm 2011, đã vượt qua biên giới lan tràn sang các nước đồng cảnh ngộ như Algérie, Bahrain, Jordan, Libya, Yemen, Syria. Cho đến nay sự bất ổn và bế tắc chính trị của Ai Cập cũng như của Syria vẫn kéo dài, khiến cõi người ta bàng hoàng chóng mặt. Chưa bao giờ trang sử của nhân loại, phải ghi cùng một lúc nhiều sự kiện tệ hại như vậy. Nhìn về cố hương, tôi nhận ra xã hội Việt Nam cũng đang chớp đèn đỏ báo động. Nạn tham nhũng, sự suy thoái đạo đức của một số cán bộ đảng viên, đường lối điều hành trắng đen tốt xấu không minh bạch, nên những bậc thang giá trị về nhân cách và phẩm giá bị đảo lộn.Vụ Đặng Ngọc Viết bắn chết cán bộ rồi tự sát, vì đất đai của gia đình bị thu hồi mà chỉ được bồi thường với giá thấp hơn giá thị trường, khiến lòng dân sững sờ chấn động. Báo chí Việt Nam gọi Đặng Ngọc Viết là “hung thủ.” Nhưng nguyên nhân khiến một người bình thường như anh bị đẩy vào bước đường cùng, làm cho những ai có lương tâm phải tự hỏi: Vì đâu nên nỗi? Hiện nay trên Facebook của các bloggers người Việt, và trên các trang báo điện tử lề trái đều đăng hình Đinh Nhật Uy, loan tin ngày 29 tháng 10 năm 2013 Viện Kiểm Sát Thành Phố Tân An xét xử anh về tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân.” Bức tranh toàn cảnh đầy bi kịch của thế giới vô hình trung đưa ra nhiều vấn nạn, xui giục lòng tôi tự hỏi: Phải chăng con đường chính trị ở khắp mọi nơi đều không hoàn hảo như ý nguyện, nên thời cuộc điên đảo, nên lòng dân chẳng thể quy về một mối. Vậy chính trị là gì?

Trong tác phẩm “Chính Trị – Politics” triết gia Aristotle cho rằng con người theo bản năng tự nhiên đã có tính chính trị, nên ông khẳng định “Con người tự bản chất đã là động vật chính trị – Man is by nature a political animal.” Chính trị – hiểu theo nghĩa hẹp – là những hoạt động có liên quan đến giai cấp, dân tộc, và quốc gia. Các đảng phái, phe nhóm trong xã hội luôn tìm cách tranh giành, gìn giữ và sử dụng những hoạt động này để thực thi quyền lực. Hiểu theo nghĩa rộng, chính trị là hàng loạt hoạt động của nhân loại nhằm tạo ra luật lệ chung, đồng thời tìm cách gìn giữ và điều chỉnh những luật lệ ấy sao cho phù hợp, bởi vì chúng tác động trực tiếp đến đời sống của người dân. Chính trị còn được hiểu là trị nước giúp đời bằng con đường chính nghĩa, lấy dân làm gốc. Người Hy Lạp gọi chính trị là politikos, là kết quả của một hành động bắt đầu từ sự suy nghĩ. Người Anh và người Mỹ gọi chính trị là politics – một việc làm đòi hỏi phải thận trọng và thật khôn khéo. Tóm lại: Chính trị là quá trình được thành hình và được thể hiện từ sự suy nghĩ chín chắn, thận trọng, khôn khéo, quang minh chính đại, cho đến khi đạt được kết quả tốt đẹp nhất.

Thể chế chính trị của một quốc gia không những chỉ định đoạt số phận hiện tại, mà còn chi phối cả tương lai của quốc gia đó, đặc biệt ảnh hưởng mạnh mẽ đến quyền lợi thiết thực của người dân. Để có thể xây dựng một đất nước phồn vinh muôn dân no ấm, nhà cầm quyền phải có biện pháp và nguyên tắc cai trị. Việc thiết lập triều chính, phân bổ các chức danh trong tổ chức xã hội ngày xưa, chịu ảnh hưởng của các nhà tư tưởng như Khổng Tử, Plato, Aristotle…Quan điểm chung của các triết gia thời cổ đại là quyền lực chính trị tốt nhất cần được đặt vào tay các vị vua “anh minh thần võ.” Vì thế chính trị được hiểu là nghệ thuật cai trị và điều hành đất nước, hay còn gọi là khoa học tranh giành nắm giữ vương quyền trong thiên hạ. Hiểu theo nghĩa này tuyệt đại đa số dân chúng bị gạt ra khỏi guồng máy chính trị, không hề biết và cũng không được tham dự chính trường. Nếu vua hiền tôi trung thì thiên hạ thái bình. Chẳng may gặp bạo chúa và gian thần thì sơn hà nguy biến. Một khi quyền bính ở trong tay hôn quân và quan lại tham ô, sẽ tạo ra bộ máy cai trị hà khắc, chính sự mục nát, tha hóa, gây ra nhiều vấn đề tệ hại mà dân chúng là những người phải gánh chịu hậu quả nặng nề nhất. Từ đó chính trị mặc nhiên được xem là công cụ đáng sợ, là đặc quyền của kẻ thống trị, đối kháng với lợi ích và đời sống dung dị của những người dân thấp cổ bé miệng.

Lịch sử nhân loại bắt đầu mở ra những trang mới, khi nhiều luận thuyết cổ võ cho chủ nghĩa tự do dân chủ xuất hiện, đặc biệt ghi dấu ấn mạnh mẽ nhất khi người Mỹ lập quốc. The United States of America là quốc gia dân chủ có hiến pháp đầu tiên trên thế giới, đã tuyên bố: “Chúng tôi khẳng định một chân lý hiển nhiên rằng mọi người sinh ra đều bình đẳng, rằng Tạo Hóa đã ban cho họ những Quyền tất yếu và bất khả xâm phạm, trong đó có Quyền Sống, Quyền Tự Do và Quyền mưu cầu Hạnh Phúc. We hold these truths to be self-evident, that all men are created equal, that they are endowed by their Creator with certain unalienable Rights, that among these are Life, Liberty and the pursuit of Happiness.” Bản Tuyên Ngôn Độc Lập của Hoa Kỳ (The Declaration of Independence) mời gọi nhân loại làm quen với một lý thuyết hoàn toàn mới về nguồn gốc và bản chất của chính phủ. Chính phủ không phải do một ông vua chuyên chế hay một nhà độc tài thống trị. Chính phủ cũng không còn là vương quyền để cha truyền con nối, hay là đặc quyền của giai cấp quý tộc. Chính phủ là một tổ chức trong đó có tư pháp, hành pháp, lập pháp, được người dân bầu chọn trao cho quyền lực, để họ được sống dưới sự bảo vệ của nhà chức trách, theo trật tự pháp luật không trái với đạo đức và luân lý mà chính phủ ban hành. Dưới lăng kính dân chủ quyền lực chính trị xuất phát từ dân, được thành lập để phục vụ xã hội, và không thể là quyền lực tuyệt đối, bởi vì theo Lord Acton, “quyền lực dẫn đến tha hóa, quyền lực tuyệt đối thì tha hóa tuyệt đối – Power corrupts, and absolute power corrupts absolutely.” Triết gia Thomas Hobbes cũng đồng quan điểm với Lord Acton khi nói đến Lý Thuyết Khế Ước Xã Hội (Social Contract Theory). Năm 1851 trong tác phẩm “Leviathan” ông đã đưa ra mô hình phát triển sớm của nhân loại, nhằm làm hậu thuẫn cho việc xây dựng các chính thể sẽ trở thành guồng máy của nhà cầm quyền. Ông mô tả trạng thái tự nhiên lý tưởng, ở đó mỗi người có quyền lợi như nhau đối với nguồn tài nguyên thiên nhiên, và được tự do sử dụng các công cụ để khai thác. Rồi ông khẳng định hiện tượng này sẽ gây ra cuộc chiến từ mọi phía (war of all against all). Sau đó ông giải thích rằng, nhân loại sẵn sàng ghép mình vào một khế ước của xã hội, từ bỏ những quyền tuyệt đối để đổi lấy sự ổn định lâu dài.
Trong chế độ dân chủ, quyền lực của chính phủ bị luật pháp hạn chế. Dân chúng là người giám sát thông qua các tổ chức xã hội, tổ chức công đoàn, và tổ chức tôn giáo. Dân chúng thuộc mọi thành phần có đủ tư cách gián tiếp tham gia vào nền chính trị của đất nước, bằng những hoạt động xã hội cụ thể kể trên. Ngoài ra những công dân hội đủ điều kiện theo quy định của pháp luật, đều có thể tham gia trực tiếp vào guồng máy điều hành của chính phủ, bằng cách ứng cử và tranh cử. Ở đâu Quyền Sống, Quyền Tự Do và Quyền mưu cầu Hạnh Phúc của người dân được tôn trọng, ở đó sẽ có hòa bình và hạnh phúc. Nhìn lại các quốc gia đang có đấu tranh xung đột

– cụ thể là ở Việt Nam –  cõi người ta dễ dàng nhận ra đó là những đất nước mà nhà cầm quyền luôn “bịt miệng,” hay bắt giữ những người bất đồng chính kiến. Lòng dân không thể nào quy về một mối, vì luật pháp phát sinh từ khế ước xã hội trong các nước bị áp bức không bảo đảm mang lại sự ổn định lâu dài cho họ. Muốn chấm dứt mọi đối kháng, điều kiện ắt có và đủ là chính phủ buộc phải thay đổi đường lối chính trị, buộc phải tôn trọng quyền sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc của mỗi một công dân. Có như vậy quá trình quyết định và thực thi quyết định trong xã hội của chính phủ, mới đích thực là vì dân và lấy dân làm gốc. Một khi nhà chức trách áp dụng đường lối chính trị dân chủ ôn hòa, sẽ không còn những người liều mình đi vào cõi chết như Đặng Ngọc Viết, sẽ không còn cảnh dân oan mất nhà mất đất nằm giữa đường biểu tình, và cũng sẽ không còn những thanh niên đầy niềm tin vào công lý và sự thật như Đinh Nhật Uy phải vướng vòng lao lý.

HV – 3am Thứ Hai ngày 28 tháng 10 năm 2013