Menu Close

Âm nhạc trong cuộc sống chúng ta

Hằng ngày, chúng ta mải mê với công việc, để kiếm nhiều tiền nhất có thể, để chống chọi với cuộc sống đầy những bận rộn lo toan. Rất nhiều người trong chúng ta phải đối mặt với tình trạng căng thẳng hằng giờ, thậm chí là từ ngày này qua ngày khác. Đó gần như là căn bệnh nan y của thời đại này.

alt

Thanh niên Hà Nội trong buổi giao lưu âm nhạc Việt Hàn. Con cháu tôi có thể dùng thứ âm nhạc này để bồi dưỡng tuổi thơ của chúng?  – nguồn yume.vn

Từ lẽ đó, một nhu cầu hiển nhiên được đặt ra là phải làm cách nào để rũ bỏ căng thẳng đó nếu không muốn sống chung với nó. Nhưng làm cách nào để rũ bỏ sự ức chế triền miên đến mãn tính này, hoặc chí ít có thể giảm bớt nó? Không! Chúng ta giật mình nhận ra nó hiện hữu bên ta từng giờ một cách nguyên vẹn đến đau đớn mà không làm gì được. Quen dần, nó tự nhiên trở thành một phần của ta và rồi chúng ta tự tìm cách thỏa hiệp.

Trong sự thoả hiệp khôi hài ấy, âm nhạc trở nên một kẻ trung gian thành công. Âm nhạc xuất hiện trong nền văn minh nhân loại vì nhu cầu cảm thụ thẩm mỹ của con người. Nhưng trong thời đại này, nó còn đóng vai trò lớn hơn thế. Nó là một phương tiện để giải tỏa căng thẳng và khôi phục sự tươi mới trong tâm hồn chai sạn của chúng ta. Đối với những người say mê âm nhạc, thật khó cho họ để tưởng tượng về một thế giới không có âm nhạc.

Trong một xã hội mà việc kiếm miếng cơm manh áo cho gia đình cũng khó khăn như ở Việt Nam thì tình trạng quẫn bách, trạng thái tâm lý căng thẳng còn nan giải hơn nữa. Khi ấy, ngoài những nhu cầu thiết yếu, người ta không thể nghĩ đến thứ gì khác. Khác với xã hội phương Tây, cái căng thẳng của họ là căng thẳng công nghiệp, stress trí thức, xã hội Việt Nam là không gian của những giằng xé tâm can, xói mòn tâm trí vì miếng ăn, vì nỗi sợ cái đói. Khi cuộc sống con người đầy ắp những lo lắng cho nhu cầu thiết yếu, họ sẽ dành hết thời gian để cố gắng thoả mãn những nhu cầu ở dưới đáy tháp  Maslow. Khi đó, những nhu cầu tinh tế trên đỉnh tháp sẽ bị bỏ ngỏ dài dài.

Tất cả những thứ đó đẩy tâm hồn người Việt Nam vào trạng thái xơ cứng, bất động, thiếu sự nhạy cảm và ít tính sáng tạo.

Đọc một truyện ngắn hay một thiên tiểu thuyết khiến nhiều người thấy dễ chịu.Với cách hành văn trau chuốt, đầy tính sáng tạo tác giả đưa người đọc vào một trạng thái ngoài thực tại hay vượt lên thực tại. Khi tư tưởng vượt lên khỏi trạng thái đời thường thì tính sáng tạo có mảnh đất màu mỡ để đâm chồi. Tuy vậy, có những nơi mà ngôn từ không thể diễn đạt một cách trọn vẹn mà người ta hay gọi: Ý tại ngôn ngoại, thì một dạng thức khác của nghệ thuật có thể bổ sung.

Khi ngôn từ không lột tả hết được vẻ đẹp của hình ảnh thì hội họa sẽ thay thế cho điều đó. Cái nhìn trực quan đầy biểu cảm thỏa mãn được nhu cầu cảm thụ thế giới thông qua sự thể hiện của nét bút, màu sắc hay độ sáng tối. Hội họa có thể đạt đến trạng thái tột cùng trong thế giới hình ảnh nhưng cũng như ngôn từ, hội họa tự thân nó không thể diễn đạt sống động và khái quát hóa triệt để phạm trù âm thanh.

Không một ngôn từ nào có thể biểu thị sự trong sáng tinh khiết của tiếng chim, không có hình ảnh nào hữu hiệu giúp cho một cá nhân truyền tải cảm xúc để người khác cảm nhận được về âm thanh của dòng suối. Sự tác động mà âm thanh mang lại cho mỗi cá thể phụ thuộc vào sự trải nghiệm thực tế của từng cá nhân. Muốn đem âm thanh để gởi đến người khác như một thông điệp mạnh mẽ cần có một sự kết tinh vừa đủ, đó chính là âm nhạc. Âm nhạc, một thứ âm thanh đặc biệt được kết tinh ở trình độ cao sẽ giải quyết thấu đáo sự thiếu sót không thể bù đắp từ văn chương và hội họa.

Âm thanh mang con người đến đỉnh cao cảm xúc và là chất kích thích vô hình khơi dậy khả năng sáng tạo tiềm ẩn trong mỗi cá nhân. Có những dạng sóng âm đưa trí não đến gần hơn và khai mở tiềm thức. Ngược lại, âm thanh có thể khiến con người bực bội, khó chịu và trì độn. Khoa học đã chứng minh sự tác động của âm thanh đến bộ não con người với những tác năng cụ thể.

Con người biết cách tạo ra âm thanh thông qua các nhạc cụ cho nên âm nhạc là một loại âm thanh đặc biệt. Đem thứ “âm thanh đặc trưng” ấy hòa trộn với ngôn từ có thể tạo cho con người một loại cảm xúc thăng hoa và có thể chuyển tải một thông điệp mạnh mẽ hơn hẳn so với bất kỳ một dạng thức nào khác của nghệ thuật.

Nhận biết tầm quan trọng của âm nhạc và sự tác động của nó đến đời sống văn hóa và xã hội để chúng ta có cách đánh giá đúng đắn hơn, nhằm nâng cao đời sống tinh thần của người Việt. Qua đó chúng ta sẽ có sự hiểu biết tường tận nguyên nhân và hệ lụy của thứ âm nhạc mà người Việt Nam hiện nay đang thụ hưởng.

Giống như các bộ môn nghệ thuật khác, nền âm nhạc của nhân loại có nét đặc trưng gắn liền với phong tục và vị trí địa lý từng khu vực. Thế kỷ XV, XVI, âm nhạc phương Tây nở rộ qua phong trào Phục hưng và đạt đến đỉnh cao so với tất cả các nền văn minh khác. Hầu hết các loại nhạc cụ hiện đại cho đến các nhạc phẩm cổ điển đều xuất phát từ Văn minh Phương Tây. Nền âm nhạc cổ điển phương Tây đã trở thành nền móng và là chuẩn mực cho âm nhạc của nhân loại trong những thế kỷ sau đó.

Sau năm 1975, tại miền Nam “âm nhạc tự do” bị bóp chết để thay thế vào đó bằng một kiểu “âm nhạc chiến tranh” được định hướng bởi ý thức hệ chính trị. Sư kiện này đánh dấu sự tàn lụi của nền âm nhạc chân chính và cũng là điểm kết thúc của nền âm nhạc Việt Nam.

Vài thập kỷ trở lại đây, khi rào cản về văn hóa đang có xu hướng co lại để nhường chỗ cho một sự cộng hưởng mới. Âm nhạc Việt Nam du nhập thêm những hình thái khác đó là “âm nhạc thương mại”. Thứ âm nhạc được viết bởi bộ óc của số đông đã không để lại chút giá trị nào đáng kể dù là nhỏ nhất.

Năm lên 3 tuổi tôi bắt đầu nghe nhạc, Nhạc tiền chiến và những bản nhạc được sáng tác thời VNCH là thứ âm nhạc duy nhất nuôi dưỡng và nâng đỡ cuộc sống tinh thần chị em tôi trong suốt tuổi thơ cho đến khi trưởng thành. Hơn 3 thập kỷ, chúng tôi không tìm thấy một thứ âm nhạc nào đáng giá trong chế độ cộng sản.

Cháu tôi, rồi con tôi sẽ dùng đến thứ âm nhạc của quê hương nào để bồi dưỡng tuổi thơ của nó?

HTH