Nuôi tôm hùm đã từng là nghề hái ra tiền cho rất nhiều gia đình nông dân trên địa bàn Cam Ranh. Nó đã giúp cho nhiều gia đình trở nên giàu có, đời sống sung túc. Những tòa nhà khang trang, bề thế. Những chiếc xe gắn máy đắt tiền được mua phần nào nhờ vào con tôm. Những ngày êm đềm với con tôm hùm nhanh chóng qua nhanh. Ngày nay, người dân ở vùng này chẳng còn chút mặn mà gì với nó. Chẳng những vậy, nhiều người đã lâm vào cảnh nợ nần do con tôm hùm gây ra.

Tôm rớt giá, khan hiếm tôm giống, cũng như giá tôm giống quá cao, người dân đành vớt lồng lên bờ để chờ cho lứa thả sau
Nghề sinh nhiều lợi nhuận
Nếu đến Cam Ranh vào thời điểm này, trên rất nhiều bãi biển mà trước đây người dân thả nuôi tôm hùm, cái đập vào mắt mọi người sẽ là hình ảnh những chiếc lồng tôm rỉ sét nằm phơi mình trên nước. Những chiếc lồng tôm trước đây được dùng để nuôi tôm hùm, nay lại nằm chỏng chơ hàng loạt tạo ra một bãi rác khổng lồ trên bãi cát.
Tại phường Cam Phúc Bắc của thành phố Cam Ranh, nghề nuôi tôm hùm trước đây đã tạo công ăn việc làm cho rất nhiều người. Trong một giai đoạn ngắn, việc nuôi tôm hùm lồng đã làm cho cuộc sống của họ khấm khá lên. Có giai đoạn, giá tôm lên trên 2 triệu đồng cho một ký, người nuôi tôm hùm hăm hở, thả sức mua sắm cho gia đình. Có gia đình còn tậu cả xe hơi. Chỉ bỏ một đồng vốn, nhưng thu lại đến hai, ba đồng lời đã làm cho nhiều gia đình thay đổi phương thức làm ăn. Từ những người nông dân không kinh nghiệm về nuôi thủy sản, họ cũng bỏ nghề làm nông để chuyển sang nuôi tôm hùm. Cũng từ đó kéo theo rất nhiều gia đình khác cũng chuyển đổi theo để mong đổi đời. Vì công việc nuôi tôm hùm vừa nhẹ, nhàn lại có sẵn đầu nậu thu mua nên người dân không phải lo.
Theo những thống kê từ chính quyền, số lượng lồng tôm được thả ở Cam Ranh trên dưới 8000 lồng. Con số khổng lồ đó không phải chỉ tập trung tại một vùng mà rải rác trên nhiều địa bàn trong thành phố. Trên những phường xã nào tiếp giáp với bờ biển, đều có người dân nuôi tôm hùm.

Hàng loạt lồng tôm nằm chỏng chơ trên vịnh thuộc phường Cam Phúc Bắc
Đảo Bình Ba được xem là thủ phủ nuôi tôm hùm ở Cam Ranh. Tôm hùm ở Bình Ba nổi tiếng từ trước khi chưa có nghề nuôi tôm. Nó đi cả vào phương ngữ của người dân Khánh Hòa “Yến sào Hòn Nội / Vịt lội Ninh Hòa / Tôm hùm Bình Ba / Nai khô Diên Khánh…”. Thế nhưng nghề nuôi tôm hùm ở Bình Ba chỉ thực sự bắt đầu từ hồi năm 1996. Từ đó đến nay, nuôi tôm hùm đã trở thành nghề chủ lực ở nơi này. Nếu trước đây, số gia đình nghèo của đảo này chiếm đến 40% vì tập tục sinh sống chỉ quanh quẩn trong việc đánh bắt hải sản. Thì nay nhờ con tôm hùm mà đời sống dân đảo đã trở nên trù phú. Bộ mặt của đảo được thay đổi cũng nhờ con tôm hùm. Trong thời điểm cao trào nuôi tôm hùm ở đây, có đến 95% số gia đình thu lợi từ nó.
Không dừng ở đó, các công ty lữ hành mở ra những tour du lịch cho du khách đến Bình Ba để tìm hiểu cuộc sống của những người nuôi tôm. Song, cốt yếu vẫn là dựa trên cảnh đẹp mà hòn đảo này sở hữu. Chính sự giàu lên nhanh chóng của Bình Ba đã làm cho nhiều gia đình nông dân ở những nơi khác thèm muốn. Họ học theo ngư dân ở Bình Ba để mong đổi đời. Đã có một thời điểm, rất nhiều gia đình đã giàu lên.
Hầu hết tôm hùm ở Cam Ranh được thu mua để rồi sau đó bán sang Tàu. Chính quyền dù biết có người Trung Quốc sang làm bè tôm hùm ở ngay trên vịnh Cam Ranh nhưng cũng làm ngơ. Vì, nhờ những người Trung Quốc này mà ngư dân mới có nơi xuất đi những con tôm của họ. Đó chính là thời hoàng kim của người nuôi tôm hùm ở Cam Ranh.
Nhưng chỉ khoảng một vài năm trở lại đây, nuôi tôm hùm đã trở thành mối canh cánh lo âu của ngư dân.
Môi trường ô nhiễm ngư dân bỏ nuôi tôm.
Anh Tâm chỉ mảnh đất đang rao bán với giá 300 triệu, nói: “Năm vừa rồi tôi thả 1600 tôm hùm giống. Vậy mà chết hơn 50%. Tôi tính vay ngân hàng để tiếp tục đầu tư, nhưng số nợ cũ vẫn chưa giải quyết, thành ra ngân hàng không cho vay tiếp. Đành phải bán miếng đất này, sử dụng tiền đầu tư cho lứa mới”. Anh Tâm không phải là ngư dân duy nhất phải bán đất để có tiền đầu tư tôm hùm. Việc tôm hùm với nhiều gia đình ở Cam Ranh hiện nay đang trở thành áp lực.
Anh Quốc, người sở hữu 10 lồng tôm ở Bình Ba cho biết: “Chả hiểu vì sao mà mấy năm nay tự dưng tôm hùm thường xuyên bị dịch bệnh mà toàn là những chứng bệnh làm cho tôm chết hàng loạt. Năm trước nhà tôi bỏ 3 lồng thì chết gần 2 lồng”. Anh Quốc có kinh nghiệm nuôi tôm 4 năm nay. Thông thường, những người nuôi tôm tự truyền đạt kinh nghiệm nuôi tôm cho nhau chứ chẳng qua trường lớp đào tạo. Do vậy, trước những chứng bịnh lạ của tôm, họ đành phải phó mặc cho may rủi.

Bãi rác do người dân vứt ra trong vịnh, nơi những hộ nuôi tôm thả lồng
Khi được hỏi, vì sao người dân Bình Ba lại bớt mặn mà với nghề nuôi tôm. Hầu hết đều trả lời là do môi trường nước ô nhiễm. Số tiền, công sức họ bỏ ra không tương xứng với thu nhập mang lại. Cam Ranh là một vịnh kín. Khi nước thải đổ vào vịnh sẽ không có đường thoát ra bên ngoài. Trước đây, hầu như rác thải trên đảo đều quăng xuống dưới biển. Đến mùa biển động, rác lại ập vào trên đảo tạo ra một biển mênh mông với những bịch ny-lông và lềnh bềnh rác thải gia đình. Hằng ngày, vẫn rất nhiều gia đình làm sò, ốc cho tôm ăn ngay trên bờ biển. Chất thải cứ như thế ra trực tiếp biển. Dần dà đã tạo nên những mầm bệnh nguy hiểm và tác động trở lại đến những con tôm mà họ nuôi.
Thức ăn của tôm thường là các loại sò, ốc, cá mà phải còn tươi. Bè tôm thường được neo cố định một nơi trên mặt biển. Do vậy sau khi cho tôm ăn, lượng rác thải này ngư dân thường đổ tháo xuống biển, thức ăn của tôm tích tụ lâu ngày tạo ra những dịch bệnh.
Không chỉ duy nhất biển Cam Ranh phải hứng chịu rác thải từ những hộ dân sinh sống tại đây, mà nó còn “đón nhận” lượng chất thải độc hơn từ phía nhà máy đường Cam Ranh. Vào tháng 5/2011, hàng loạt cá, tôm nuôi trong vịnh bị chết.
Lượng chất thải mà Nhà máy đường thải ra cao cấp mấy lần cho phép. Đó chính là nguyên nhân dẫn đến việc tôm, cá chết hàng loạt trong vịnh.

Nhà máy đường Cam Ranh ngày đêm nhả khói. Bên cạnh đó là thải ra những chất thải độc hại ra vịnh. Điều này đã xảy ra hiện tượng tôm, cá chết hàng loạt trước đây. Hiện nay, các hộ nuôi tôm hùm ở Cam Phúc Bắc, Cam Thành Bắc đã không còn dám thả tôm hùm trong vịnh nữa
Những nguyên nhân khác.
Hầu hết tôm hùm ở Bình Ba được thu mua và bán lại cho những đầu nậu người Trung Quốc. Từ khi chính quyền mạnh tay dẹp bỏ những bè tôm của người Trung Quốc trên vịnh đã làm cho giá tôm giảm một cách trầm trọng. Có thời điểm chỉ còn khoảng 900 ngàn/kg. Chính việc giá tôm lên-xuống thất thường, không ổn định cũng làm cho ngư dân bớt mặn mà với nghề này.
Chính quyền dù biết những vướng mắc, khó khăn của ngư dân, nhưng cũng không tìm được thị trường nào khác cho ngư dân ngoài Trung Quốc.
Một nguyên nhân khác là liên tục trong khoảng hai năm trở lại đây, tình trạng khan hiếm tôm giống đã đến hồi báo động. Nếu trước đây, giá tôm hùm giống chỉ có khoảng 12 ngàn/con. Thì nay, có thời điểm giá lên đến 400 ngàn/con.
Tình trạng khan hiếm tôm giống đã làm cho giá tôm giống tăng mạnh. Trong khi giá tôm thành phẩm vẫn giậm chân tại chỗ ở mức giá 1,5 triệu/kg. Trong khi đó, kể từ lúc thả tôm đến khi tôm trưởng thành phải mất đến 15-18 tháng. Chính vì vậy mà ngư dân vẫn không mặn mà để thả tôm trong thời điểm này.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng khan hiếm tôm hùm giống là do ngư dân đánh bắt vô tội vạ. Đánh bắt theo kiểu tận diệt mà không hề suy nghĩ đến những tác hại sau này. Họ đánh bắt bằng cách dã cào, bất cứ tôm lớn nhỏ, rong rêu…đều bắt tuốt. Bên cạnh đó, hiện nay vẫn còn có những người đánh bắt theo kiểu sử dụng xung điện, mìn…đã làm cho loại tôm này bị tận diệt.
Giá tôm hùm thành phẩm hiện nay không còn được cao như những năm trước đây, cũng như giá thức ăn cho tôm tăng cao, cộng thêm chi phí xăng dầu đã làm cho người dân dần dần từ bỏ nghề nuôi tôm, một nghề mà đã làm cho họ trở nên giàu có trước đây.