Chị Út Đẹt ngồi buồn thiu khi lôi mấy tờ giấy khai sinh đã ố vàng mà chị cẩn thận mang từ Việt Nam sang, nhìn hàng chữ Trích Lục Khai Sinh, Họ và Tên: Lê Thị Út Đẹt, Cha: Lê Văn Quýt, Mẹ: Phạm Thị Mèn, chị thở dài. Tía má đặt tên Út Đẹt vì chị là con út trong gia đình. Nghe nói hồi mới sinh ra chị cân nặng có 1kg2, vóc dáng nhỏ bé lại bệnh hoạn hoài, hết giựt kinh phong tới sốt cấp tính, hết ho gà tới đau ban khỉ, thân thể gầy gò èo uột khó nuôi, cho nên cái tên Út Đẹt ra đời từ dạo ấy.

Thắm Nguyễn
– Ê, Út Đẹt, tao với mầy ra Lăng Hoàng Gia chơi. Thằng Cu hỏi.
Út Đẹt trợn mắt:
– Ở đó mồ mả không mà chơi cái gì?
-Thì mình leo lên thành mả thả diều.
– Có ngày mấy ông Thần đó vặn cổ mầy chết, đồ khùng.
Thằng Cu cười hý hửng chạy lại gần Út Đẹt:
– Đố mầy biết lịch sử của Lăng Hoàng Gia này?
– Xời ơi, bản mặt mày cũng hông biết nữa, bày đặt đố tao.
– Con nhỏ này hỗn quá, lớn lên ế chồng là cái chắc. Con gái như mầy cho vàng biểu tao đi cưới tao cũng ngơ thèm.
Út Đẹt đùng đùng nổi giận đứng lên chống nạnh hất hàm nói:
– Ê, tao thà ống chề, chớ ai dại gì đi lấy cái thằng mặt mốc đen thùi lùi, ốm nhom ốm nhách như cây sậy, đứng gần hôi sình hôi bùn, đã vậy còn sún răng, sún răng, sún răng…
– Tao sún răng còn đỡ hơn mầy ghẻ ngứa.
Thằng Cu cười toe toét nắm tay Út Đẹt.
– Buông ra ông nội. Út Đẹt vừa nói vừa rút tay lại, thằng Cu nói lớn:
– Đố mầy mấy thằng lái buôn đi mua vịt, nó sẽ lựa vịt tốt hay vịt xấu?
– Mầy ngu quá, vậy cũng bày đặt đố, dĩ nhiên họ sẽ lựa vịt tốt, mập mạp, bự con.
– Còn mấy con vịt đèo đẹt?
– Có ai khùng bỏ tiền ra mua vịt đèo đẹt bao giờ.
Thằng Cu vừa chạy vừa la lớn:
– Mầy là vịt đẹt, lo ế chồng đi con.
Út Đẹt lượm nhánh cây ven đường rượt thằng Cu chạy thục mạng:
– Mồ tổ mầy, đồ âm binh…
Chị Út cười khi nhớ lại tuổi thơ của mình, hơn mười năm rồi chị chưa về thăm lại quê hương Gò Công, là nơi chị sinh ra và lớn lên. Chị nhớ con đường làng dẫn về nhà rợp bóng cây sơ ri, hàng mãng cầu sau hè nặng oằn trái, hai thứ này là đặc sản của Gò Công. Chị thèm món mắm tôm chà, mắm còng lột. Cứ đến mùng 5 tháng 5 âm lịch là còng kéo nhau về, nằm lớp lớp ở ao nước cạn để lột vỏ, người ta nói đó là ngày hội còng lột, nên mọi người đổ xô đến để bắt còng về làm mắm. Lâu lắm rồi chị chưa ăn lại món mắm còng lột, hương vị của quê nhà.
Chị Út xếp giấy tờ lại gọn gàng rồi mở tủ để vào cẩn thận, bước đến bàn học của hai thằng con trai; ôi thôi tập vở ngổn ngang, viết, thước nằm lển nghển dưới sàn nhà. Sang Mỹ, chị sanh đựợc hai đứa con trai, Trương Văn Linh 10 tuổi và Trương Văn Long 8 tuổi; hai ông trời con này liến khỉ và phá phách giống ba của chúng hồi nhỏ. Bỗng tiếng nhạc vang lên xập xình làm chị giựt mình, chị ngó sang phòng của đứa con lớn:
– Linh, vặn âm thanh nhỏ lại, điếc tai quá.
– Sorry, sorry.
Chị Út bực mình la lên:
– Nói tiếng Việt.
– Xin loi.
Chị lắc đầu chán nản, mấy đứa nhỏ nói tiếng mẹ đẻ lơ lớ nghe khó chịu quá nhưng biết làm sao bây giờ, thằng Long kêu lên:
– Mama, I am hungry.
– Cái gì? chị gằn giọng.
– Mama, I am hungry. Long vỗ bụng.
– Con đau bụng hả?
– No, no đoi pung.
Chị Út hiểu, mấy đứa nhỏ biết nghe tiếng Việt nhưng chúng vẫn cứ trả lời bằng tiếng Anh, mặc dù chị và chồng chị là anh Hai Củ cố gắng dạy con nói tiếng mẹ đẻ. Ở nhà phải nói ngôn ngữ Việt Nam, phải học tiếng Việt.
Làm sao cho chúng hiểu hết ý nghĩa của hai chữ quê hương, làm sao cho chúng biết dòng sông, con rạch quê nhà, chúng có xúc cảm khi nhìn khói lam chiều bay lãng đãng trên mái tranh nghèo nơi vòm trời quê ngoại? Chắc chắn sẽ là không, nhưng chị vẫn hy vọng sau này lớn lên chúng phải nhớ cội nguồn, nhớ quê hương xứ sở, nhớ quê nội, quê ngoại Gò Công dạt dào tình nghĩa. Phải biết dòng Sơn Quy lững lờ, êm ả cho nhiều cá tôm. Biết thưởng thức trái sơ ri chua chua ngọt ngọt, biết hương vị ngọt ngào của trái mãng cầu dai nơi biển Tân Thành. Và, chúng sẽ tự hào khi biết** Gò Công là vùng Địa Linh Nhơn Kiệt của miền Nam, nơi có nhiều nhân vật làm vẻ vang quê hương, có di tích hào hùng của những anh hùng dân tộc như Đức Bình Tây Đại Tướng Quân Trương Công Định, như Hoài Quốc Công Võ Tánh, như Đức Quốc Công Phạm Đăng Hưng, v.v… Gò Công cũng là nơi chào đời của hai bà Hoàng Hậu dưới triều Nguyễn như Hoàng Thái Hậu Từ Dụ (thường được gọi là Từ Dũ) chánh cung của Hoàng Đế Thiệu Trị và Hoàng Hậu Nam Phương chánh cung của vua Bảo Đại, và còn nhiều nữa, văn nhân thi sĩ xuất thân ở Gò Công như cụ Hồ Biểu Chánh, như…
– Mama, anh Linh no good, no good. Thằng Long la lớn.
Chị Út cau mày:
– Nói tiếng Việt, nói tiếng Việt nghe chưa.
– Mama, anh Linh lấy book đè lên đầu con.
– Linh, sao con chơi gì kỳ vậy? Lấy sách đè lên đầu em con, không được làm như vậy nha.
– Sorry, sorry.
– Nói tiếng Việt.
– Xin loi, xin loi.
– Tại sao anh con làm vậy hả? Chị Út hỏi.
Thằng Long mếu máo:
– Con ăn cơm với fish tắm nước mắm, anh Linh nói con ăn cái no good, rồi ôm mũi đuổi con đi, con không đi nên lấy book đè lên đầu con.
Chị Út ngồi lặng người, đứa nhỏ thì ăn được nước mắm, khô cá, những món thuần tuý Việt Nam, còn đứa lớn chuộng thức ăn Mỹ hơn, có lần anh chị thèm nồi mắm kho, đang lui cui nấu, thằng Linh bịt mũi chạy vào phòng đóng cửa cái rầm như trời giáng, hai vợ chồng đưa mắt nhìn nhau buồn bã, nồi mắm kho hôm đó cũng mất ngon.
Sáng sớm chị Út bưng rổ ra sau nhà hái bông bí, chị trồng hơn 10 dây bí rợ người ta còn gọi là bí đỏ. Hái đọt và bông xào lẫn lộn với nhau, chấm nước cá kho ăn rất ngon. Chuẩn bị món ăn buổi trưa để chiều nay chị cùng anh Hai Củ đi họp Hội đồng hương Gò Công, hiện tại Hội do anh Mãng Trần người xã Thạnh Trị, Gò Công Tây làm Hội Trưởng. Chị Út mong muốn Hội ngày càng vững mạnh, phải ra sức vun bồi đóng góp cho Hội, tương trợ lẫn nhau, vì sự chung sức chung lòng sẽ đem lại sự ấm áp, thân tình cho người Gò Công ở hải ngoại.
Anh Hai Củ đứng nhìn bức tranh đồng quê mà người bạn đã vẽ tặng, anh rất thích bức tranh này, cảnh ruộng đồng vào buổi sớm bình minh, căn nhà lá ẩn mình dưới hàng cau, phía sau là hàng trâm bầu bên cầu ao xanh mướt. Anh nhớ quê nhà, anh thường chỉ cho hai đứa con biết “Đây là nhà của ông bà nội, mặc dù ba chưa có tiền dẫn các con về thăm xứ sở, các con cứ nhìn hình ảnh căn nhà lá trong tranh, nhà nội đó, tuy đơn sơ nhưng đầy tình thương, tình nghĩa xóm làng’’. Trong chiến tranh căn nhà ba gian cháy rụi, đồ vật, giấy tờ và hình ảnh cũng đi theo ngọn lửa. Ba má anh cất lại căn nhà lá với cái chái bếp giống hệt căn nhà trong hình vẽ, anh làm lại giấy khai sanh, Trương văn Cu thêm dấu hỏi thành Trương Văn Củ, nhưng người ta vẫn quen miệng kêu thằng Cu, tới lúc trưởng thành thì được kêu Hai Củ vì anh là con trai lớn trong gia đình. Anh muốn về thăm lại quê xưa, hơn mười năm rồi còn gì, anh nhớ rặng trâm bầu mà anh thường hay bắt trứng kiến vàng về câu cá rô, cá sặt. Anh nhớ Lăng Hoàng Gia nơi mà anh đã từng thả diều thuở nhỏ, nơi mà anh đã từng bị Út Đẹt rượt chạy thí mạng vì dám chọc nó nổi xung thiên. Hai Củ vẫn còn nhớ chuyện đã hơn mười tám năm trời…
Nhà Út Đẹt và nhà thằng Cu cách nhau có mấy liếp hành, ba má nó chuyên canh trồng hành để mang ra chợ bán, thằng Cu và con Út Đẹt như mặt trời với mặt trăng, chửi bới nhau tối ngày, có bữa Út Đẹt nằm trên võng trước hiên nhà ca nghêu ngao mấy câu vọng cổ, thằng Cu đi ngang qua nói:
– Ca nghe mắc địt quá mà ca hoài.
Út Đẹt bật dậy lượm trái dừa mõ chọi trúng chân nó sưng vù, nó vừa chạy vừa chửi con quỷ cái, con ngựa trời…
Thời gian sau thằng Cu theo chú nó lên Sài Gòn học nghề sửa xe gắn máy. Vừa học vừa làm nên nó cũng kiếm được chút tiền bỏ túi, nhờ lên chốn đô thành ăn uống đầy đủ, tắm nước ngọt quanh năm nên thằng Cu không còn đen đúa như lúc trước nữa, lại ăn mặc bảnh bao, dáng cao cao ra vẻ một thanh niên. Cuối tuần nó ra tiệm hớt tóc, ngồi vào ghế cho người thợ làm việc, nó có thời gian nhìn vào khuôn mặt của nó trong tấm kiếng rộng lớn một cách kỹ càng, nó vô cùng hài lòng, nhủ thầm- mình cũng bảnh trai quá đi chứ, rồi cười, một nụ cười nửa miệng coi cũng có duyên. Thằng Cu ra về đi tà tà trên vỉa hè, thọc tay vào túi quần vừa đi vừa huýt sáo, nó không ngờ cuộc đời của mình thay đổi nhanh như vậy. Mê mải ánh sáng đô thành nên thằng Cu không còn nhớ ánh đèn dầu leo lét trong những buổi tối mưa dầm, không còn nhớ một chút gì về miền quê nghèo khổ nữa. Cho tới lúc gia đình nhắn thằng Cu về có việc gấp, nó sửa soạn đi, mặc quần áo chỉnh tề và không quên đeo vào cổ tay cái đồng hồ mới mua. Về tới đầu làng gặp mấy đứa trong xóm hồi đó đi soi ếch chung, sao đứa nào đứa nấy đen thui, xấu hoắc, câu nói đầu tiên làm nó hãnh diện:
– Anh Hai Củ đẹp trai quá ta.
Thế là cái tên thằng Cu kể như cho lui vào quá khứ. Hai Củ mỉm cười vẫy tay chào rồi đi thẳng vô con đường đất đỏ, gió đồng mát rượi. Hai Củ ngó ven bờ, đi năm năm không về mà cảnh vật vẫn như xưa, chỉ có hàng so đũa bên bờ ruộng nhà Bác Sáu Hơn là cao vút. Trước khi lên Sài Gòn học nghề, Hai Củ đã trồng cho Bác Sáu hàng cây này để làm thức ăn cho dê. Hai Củ đi qua cây cầu tre dẫn vô xóm rồi đứng lại nhìn quanh quẩn, bông điệp vàng rực trước sân nhà con Út Đẹt đẹp quá vậy ta, hồi đó mình nhớ nó trồng có hai cây, sao bây giờ nhiều quá vậy, chắc nó trồng thêm chớ gì. Hai Củ lẩm bẩm một mình rồi chợt thấy người con gái xõa tóc ngang lưng đứng sau hàng bông điệp.
– Ai lạ hoắc vậy cà?
Hai Củ ngó chăm bẳm, người con gái đưa tay bẻ mấy nhánh bông rồi ngó ra ngoài:
– Ủa… ủa… Cu…Củ, Hai Củ phải hôn?
Hai Củ gật đầu, nhìn Út Đẹt ngạc nhiên:
– Tui… tui… thấy Út.. Đ.. ẹt…
– Tui lớn rồi đâu có đẹt như hồi đó nữa đâu.
Hai Củ ngó Út Đẹt không chớp mắt, cô gái thẹn thùng quay mặt, mái tóc dài ôm bờ lưng thon thả, đôi mắt u hoài, xa xăm. Hai Củ không ngờ rời quê có năm năm mà Út Đẹt đã thành cô gái mỹ miều như vậy, khuôn mặt dịu hiền đằm thắm, nói năng nhỏ nhẹ không còn bốp chát, bặm trợn như ngày xưa. Hai Củ bỗng thấy lòng mình rung động một cách lạ thường. Đứng lặng một hồi, Út Đẹt quay lại, Hai Củ vẫn còn nhìn, cô gái đang tuổi dậy thì mắc cỡ cúi đầu, ánh mắt như hớp hồn cô, bóng dáng chàng thanh niên đứng cạnh mình sao mà thanh tú phong nhã quá, mái tóc bồng bềnh trên khuôn mặt điển trai. Út Đẹt thầm nghĩ, sao tự nhiên mình cảm thấy thích dáng dấp này, ánh mắt này, cái miệng cười có duyên, nhưng vái trời cái miệng đó đừng có nói mình là ngựa trời như ngày xưa nữa.
Lý do gia đình kêu Hai Củ về là lo chuyện vượt biên, ba anh em Hai Củ cùng với bốn anh em Út Đẹt lên tàu ra biển khơi, nhờ trời nên chuyến đi được thành công, thuận lợi và gặp nhiều may mắn.
Bây giờ anh Hai Củ sống hạnh phúc bên chị Út Đẹt với hai đứa con trai, thỉnh thoảng hai vợ chồng nhắc lại chuyện cãi nhau lúc còn nhỏ mà ôm bụng cười lăn. Có lần chị Út hỏi anh Hai Củ:
– Lúc ở Sài Gòn về, sao anh ngó em trân trân vậy?
– Anh ngó coi em có còn ghẻ ngứa không.
Chị Út đấm yêu vào lưng chồng:
– Xạo hả, xạo hả… chớ không phải thấy người ta là mết liền.
– Còn em, lúc đó đứng sát vào anh chi vậy?
– Em đứng gần anh, coi anh còn hôi bùn không?
– Chớ không phải thấy anh đẹp trai nên xáp lá cà.
– Xáp con khỉ, ý… ý… anh nhóng coi, thằng Linh với thằng Long nói cái gì kìa.
Thằng Long chỉ bức tranh nói:
– That was grandma’s house in the painting. Dad told me.
Thằng Linh trề môi:
– That one ugly house.
– Chị Út hỏi chồng?
– Anh biết các con nói gì không?
– Biết chết liền, còn em?
– Em thấy các con chỉ vào bức tranh treo tường, chắc chúng nó khen nhà nội của chúng đẹp, các con bắt đầu biết cội nguồn rồi đó.
– Ờ há.
Cả hai vợ chồng muốn nghe cảm xúc của các con khi nhìn về quê hương nên đồng thanh:
– Nói tiếng Việt !
** Theo tài liệu “Gò Công những dấu ấn nổi bật” của Hội Ái Hữu Gò Công Nam California