Tôi theo gót gia đình bước chân vào cánh cửa nhỏ của con chim sắt khổng lồ, quay đầu lại nhìn dòng người tuần tự xếp hàng đi vào, giọt nước mắt mà tôi đã cố gắng dằn nén giờ thì lớn, bé lần lượt tuôn ra. Nước mắt lúc này thay cho lời chào vĩnh biệt nơi “chôn nhau cắt rốn” đầy khốn khổ cũng như đầy kỷ niệm của tuổi ấu thơ.

Thắm Nguyễn
Sau khi ổn định chỗ ngồi, phi cơ bắt đầu gầm rú, chuyển động rồi từ từ cất cánh. Tôi thấy cả thân người nhẹ bổng như chính mình đang bay. Thành phố nhỏ dần, nhỏ dần rồi mất hút sau làn mây trắng mịn, còn lại trong tôi buồn vui, lo lắng lẫn lộn. Một thoáng suy nghĩ bất chợt trong tâm trí, tôi thầm cảm ơn Thượng Đế, cảm ơn đất nước Hoa Kỳ đã ban ra một chương trình nhân đạo cho gia đình các tù cải tạo được đến bến bờ tự do theo diện HO.
Sau biến cố 1975, tôi còn quá nhỏ để suy xét tình hình chính trị thời bấy giờ, chỉ biết là đến một ngày trong nhà, tôi không thấy ba nữa. Tôi hỏi mẹ, với ánh mắt và giọng nói u buồn mẹ trả lời: “Ba đi làm xa”. Cuộc sống bắt đầu khó khăn chồng chất, một mình mẹ phải may đồ gia công để nuôi ba hàng tháng và còn phải lo cho năm miệng ăn. Và rồi mỗi bữa cơm dần dần thiếu đi thịt, rồi cá, chỉ còn rau chấm mắm; đến một ngày cơm có độn thêm khoai lang, mẹ nói: “để cho đẹp”. Và cứ mỗi đầu tháng, mẹ dành dụm tiền mua miếng thịt nhỏ với mớ tép, ram lên thơm lừng múc cho vào lon “ri-gô” để thăm ba; còn cái chảo mẹ cho cơm vào trộn lên rồi chia làm bốn chén cho anh em tôi, vậy mà tôi cứ trông đợi đến ngày đầu tháng.
Thời gian trôi nhanh, hết trại cải tạo này rồi đến trại khác, Mộc Hoá, Chi Lăng, Bắc Hoà, Vườn Đào. Sáu năm rưỡi, ba tôi được thả ra trong vòng quản chế. Người bà con gần thương hoàn cảnh gia đình cho ba và anh trai tôi đi ké vượt biên nhưng kế hoạch không thành; ba và anh tôi bị thêm ba năm tù nữa. Sau khi ra tù, ông hoàn toàn bị khủng hoảng tin thần, mẹ thì suy sụp, anh em tôi không vào đại học được với bảng lý lịch nhóm 4 (cha sĩ quan ngụy cải tạo, vượt biên), gia đình tôi hoàn toàn kiệt quệ.
Diện HO đến như một tia sáng nhiệm mầu cứu vớt chúng tôi thoát khỏi những tối tăm nhất trong cuộc đời.
Gia đình tôi đặt chân đến tiểu bang Oklahoma vào ngày 14 tháng 2 năm 1992 theo sponsor của người chú họ. Những ngày đầu chú đến chở đi chợ, hội USCC chở đi khám sức khoẻ. Chiều chiều cả nhà lội bộ ra trường học đầu đường để học ESL. Ba tôi hối thúc các con ráng học Anh Văn. Mẹ tôi là người học nhanh nhất, mẹ nói, mẹ có hai câu tủ để khi nói tiếng Anh chừng nào kẹt lắm thì lấy ra sử dụng.
Tôi hỏi mẹ: “Câu gì vậy mẹ”?
Mẹ nhanh nhảu đáp: “xích lô ly” (speak slowly) và : “u thót u hia ai thót ai hia” (You talk you hear I talk I hear). Mặc dù nghe cũng buồn cười nhưng tôi thấy cũng có lý. Còn riêng tôi học lóm được một câu từ bà chủ cho mướn nhà, đó là: “up to you” (tuỳ ý bạn).
Tôi cùng người chị sanh đôi tản bộ ra tiệm pizza gần nhà, thấy hình bánh đủ màu ngon quá mà không biết làm sao mua. Bước chân vào tiệm, cô bán hàng cười tươi:
“ Hi! May I help you”.
Cho dù không hiểu nhưng tôi đoán chắc cô ta hỏi tôi muốn mua gì. Tôi chỉ hình bánh pizza. Cô hỏi tiếp:
“What kind ?”
Tôi vui vẻ: “up to u”
Cô có vẻ ngạc nhiên nhưng vẫn tiếp tục: “what kind?”
Tôi đáp nhanh:”Up to u”.
Cô ngỡ ngàng hỏi: “What size?”
Tôi hơi ngần ngại nhưng vẫn còn ra vẻ tự tin: “Up to u”.
Cô hơi nhíu mày khó hiểu: “about 15 minutes do u want to wait?”
Bây giờ tôi bắt đầu ngượng ngùng đáp khẽ:” Up… to..u”.
May mắn sao bà Mỹ đứng sau dường như hiểu ý giúp chúng tôi, bà chỉ vào hình pizza cúi xuống bà chậm rãi nói: “this…is..a…pizza… how do you want to order?”, vừa nói bà vừa ra dấu, còn tôi cứ gật đầu lia lịa “yes yes” “xích lô ly” rồi “thank you”. Cuối cùng họ mang ra ổ bánh lớn với đầy đủ rau thịt phía trên.
Cầm ổ bánh hí hửng về nhà mẹ tôi khen: “con này giỏi ghê biết mua được bánh này về ăn nhưng sao mua được hay vậy?” .Tôi đáp nhanh: “Thì con xài chiêu của mẹ xích lô ly và chiêu của con up to u đó, họ hiểu liền đó mẹ”. Nói vậy cho oai chứ trong lòng thầm cám ơn bà Mỹ tốt bụng đã hướng dẫn ứng biến giùm một cách tận tình.
Sau sự việc đó tôi thấy tiếng Anh rất quan trọng không thể lơ mơ được. Tôi nhất định sẽ cố gắng học sinh ngữ cho khá hơn.
Anh chị em tôi ráng vừa làm vừa học thi lấy bằng lái, dành dụm tiền mua xe, ban ngày đi làm ban đêm học thêm ở trường South community college. Một năm sau chị em tôi đậu Toefl và ghi danh vào học accounting 1. Mọi việc đang tiến triển tốt đẹp thì bỗng dưng dông tố ập đến chị tôi. Sáng nọ, thức dậy chuẩn bị ôn thi final cho lớp accounting, chị bỗng kêu nhức đầu rồi té xỉu, gia đình đưa chị vào bệnh viện. Bác sĩ nói chị chỉ còn có 5% cơ hội sống sót. Chị bị “stroke”, chị “coma” cả tuần trong phòng bịnh. Bạn bè Việt, Mỹ, Mễ đến thăm rất đông. Kỳ diệu thay, sau đó chị tỉnh lại nhưng bị liệt nửa thân người phải nằm điều trị ba bốn tháng trời trong bịnh viện… Tội nghiệp anh rể và đứa con trai mười tuổi của chị. Nhìn chị nằm đó mà hai người lòng buồn thảm.
Sau đó tới nhìn cái “bill” bệnh viện ngày càng chồng chất với số nợ vượt quá ba trăm ngàn đô mà càng rầu rĩ… Và rồi anh cũng được các hội từ thiện của nhà thờ và bệnh viện trả giúp một phần, phần còn lại thì trả góp từ từ. Gia đình tôi một lần nữa lại phải nói lời cảm ơn đến các bạn Việt, Mỹ, Mễ và các tổ chức từ thiện, đã ân cần, an ủi, giúp đỡ khuyến khích an ủi gia đình trong lúc khó khăn.
Thấm thoát mà đã hai mươi mốt năm trôi qua, anh tôi thì tốt nghiệp ra trường Oklahoma University với mảnh bằng kỹ sư. So với xứ Mỹ, tuy nhỏ nhưng nó là thành quả to lớn so với sự cố gắng của anh trong hoàn cảnh khó khăn nơi xứ người. Còn tôi, sau cú sốc chị tôi, tôi không tiếp tục học nữa nhưng vẫn không ngừng trau dồi Anh Văn từng ngày. Đọc, viết, nói mặc dù không lưu loát lắm nhưng ít ra tôi cũng tự mình đi nhà băng, bác sĩ, bảo hiểm mà không cần xài “up to u” như ngày xưa nữa.
Cuộc sống tôi nay đã ổn định, ngày ngày đưa đón con đi học rồi đi làm, cuối tuần thì lo cho gia đình. Cuộc sống đơn sơ nhưng lúc nào tôi cũng cảm nhận được hơi ấm từ gia đình và bên người chị xấu số của tôi.
Trong cuộc sống đầy ắp lo toan bận rộn, người ta hình như chỉ xã giao mỗi ngày “How are u?”, “I’m fine thank you”. Chữ thank you ở đây như một điệp khúc bốn mùa nhưng đối với tôi chữ thank you mang một ý nghĩa sâu đậm. Tôi cám ơn Chúa, tôi cám ơn những tấm lòng nhân ái của các bậc cô chú đi trước đã khổ công vận động chính phủ Mỹ nhân từ ban bố cho một chương trình nhân đạo, để gia đình tôi và các gia đình có hoàn cảnh tương tự được có dịp đến thế giới tự do này, tự do đến trường, tự do học hỏi để sau này con cháu tôi có một tương lai xán lạn hơn.
Tôi cám ơn những tấm lòng vàng Việt, Mỹ, Mễ đã giúp đỡ gia đình tôi những lúc khó khăn cũng như lúc chập chững bước từng bước chân đầu tiên nơi đất khách.
Đã đến ngày lễ Thanksgiving 2013, người Mỹ tạ ơn gì tôi không cần biết nhưng riêng tôi, dạy con tôi, hãy dành ít nhất một phút để nói lời cảm ơn đến tất cả những gì đã mang đến cho mẹ chúng cơ hội “đi một ngày đàng học một sàng khôn”! Cảm ơn U…AMERICA … quê hương thứ hai của tôi!
Danh sách những những bài đã đăng:
1. Gã đầu trọc – Trương Hồ
2. Những ngày đầu tiên – Hương Ngô
3. Bão ơi! – DQ
4. Ông John hàng xóm – Dương Hồng Minh
5. Người bạn – Phương Lâm Ngôn Nguyễn
6. Cám ơn người đã cho tôi cuộc sống – Nguyễn Lan Anh
7. Những người tử tế – Đông Huỳnh
8. Tôi còn nợ you – Americans! – Hùng Cường Trần H.
9. Những người da đen tốt bụng – Liễu Trần
10. Hai quả trứng gà và ông hàng xóm – Diệp Khanh Trương
11. Chiếc điện thoại đầu tiên – Trường Sơn
12. Cháy nhà mà vui hơn Tết – Tino
13. Hai lá thư – Tammy
14. Họ là ai? – Nguyễn Phạm Minh Tâm
15. Ân tình của những người bảo trợ – Minh Tuyết
16. Chuyện nhỏ… – Thanhlap Le
17. Biết ơn – Thu Thủy
18. Bà Erika Redmond – Trương Mỹ Vân
19. Ông Sponsor – Trần Thị Lưu
20. Mùa thu Virginia – Emily Phúc Trần
21. Trở về – Thúy Vũ
22. Đi lãnh thực phẩm – Nguyễn T. Minh Trâm
23. Ăn quả nhớ kẻ trồng cây – Nguyễn Minh Cảnh
24. Cám ơn Người (bà mục sư đã thay đổi đời tôi) – Phương Trinh
25. Cám ơn U, người Tổng Giám Đốc của tôi – Quốc Thái
26. Một chai bia hai ly – Dan Volga
27. Cuộc sống mới – Trương Thùy Trang