Menu Close

Tơ tình vương vấn (11-28-2013)

Câu hỏi kỳ này

Em và ảnh quen nhau hơn 2 năm rồi. Ban đầu em không để ý ảnh nhưng ảnh rất khéo léo chiều chuộng, chăm sóc nên em đáp lại tình cảm của ảnh một cách say đắm. Bây giờ ảnh không còn như trước, lơ là hơn và không còn quan tâm đến em như xưa, chận chí nhiều lần ảnh còn lớn tiếng với em. Em rất buồn và để duy trì tình yêu em luôn là người xuống nước hoặc im lặng hoặc chủ động làm hòa. Thậm chí lễ lộc em cũng tặng quà cho ảnh chứ ảnh hầu như chẳng mua gì cho em. Đôi khi em đoán ảnh bí mật có bạn gái khác hoặc là ảnh hết yêu em. Hiện ảnh và em đang giận nhau, em rất muốn làm hòa vì tình trạng này luôn làm em hoang mang, đau khổ. Theo TTVV em nên nén lòng để hòa giải với ảnh không?

(Ngọc Linh, Washington Grove)

Vừa rồi em đưa bạn trai của em về nhà giới thiệu. Ảnh vì hoàn cảnh phải nghỉ học khi đang học đại học năm thứ hai. Ảnh thông minh, học giỏi, nhưng hồi đó ba mẹ ảnh ly dị, ảnh buồn rồi việc học lơi dần, mấy em của ảnh tán loạn hết, ảnh đi làm mướn cho McDonald, sau lên “chức”  manager, nuôi các em. Nhờ sự “hy sinh” của ảnh mà bây giờ mấy em của ảnh thành tài hết, ai cũng có bằng cấp cao, cô Út cũng chuẩn bị ra trường Bác sĩ. Mấy anh em nào có chuyện rối trí ở gia đình hay ở sở làm đều nhờ ảnh “cố vấn”. Bề ngoài ảnh không có gì nổi bật nhưng em yêu ảnh vì ảnh rất “care” cho người khác và cho… em.

Khi nghe em kể chuyện về cuộc đời của ảnh, Mẹ em bảo ảnh “ra đời sớm”,  và khen ảnh là một người có trách nhiệm, có bản lãnh. Em hỏi mẹ em nói “ra đời sớm” nghe giống như sinh thiếu tháng vậy. Mẹ em cười sửa lại là ảnh “vào đời sớm”. Lâu nay em học tiếng Việt từ Bố và Mẹ, Mẹ em rất giỏi tiếng Việt, từng viết bài đăng báo nữa, tại sao vẫn dùng chữ không đúng hả TTVV?

(Nguyên Trịnh, Ledgewood-NJ)

Vẫn đúng đấy chứ em! Muốn hiểu chính xác ý nghĩa của một từ ngữ, phải đặt nó trong một ngữ cảnh cụ thể, nghĩa là trong một tình huống mà nó được sử dụng. Không chỉ với tiếng Việt mà nó là nguyên tắc chung cho tất cả các ngôn ngữ khác.

Nếu em nói, em gái em sinh “ra đời” vào ngày lễ Tạ Ơn, thì chữ “ra đời” ở đây đồng nghĩa với “chào đời”. Còn nếu nói anh bạn của em “ra đời sớm” thì có hiểu ảnh… “vào đời sớm”. Ở đây, “ra đời” đồng nghĩa với “vào đời”, mặc dầu chữ “vào” và chữ “ra” hoàn toàn trái nghĩa nhau.

Em có thể thấy trường hợp tréo ngoe này trong nhiều ví dụ khác ở tiếng Việt. Chẳng hạn “áo ấm” lại đồng nghĩa với “áo lạnh”. Hay em chia tay với người bạn sau một bữa tiệc, em có thể nói “Tui về nghen” hay “Tui đi nghen” đều được. Cả hai cách nói đều cùng một nghĩa, bởi “đi” hay “về” thì em cũng đã chén… no nê rồi, phải không?

Em và Q quen nhau được 3 tháng nay. Tính em kín đáo, hay mắc cỡ nên dặn Q không được tiết lộ chuyện tình cảm của em và Q.

Q cũng vậy, Q hứa là sẽ không nói với ai hết. Vậy mà không hiểu sao mọi người đều biết  hết. Cả bạn bè trong nhóm cũng như trong gia đình.

TTVV có biết tại sao không? Mấy hôm nay em không dám đi đâu, kể cả mấy cái hẹn đi ăn tiệc Thanksgiving của các bạn trong lớp…

(TiTi, email)

Người ta có thể giấu một con voi hay bức Vạn lý trường thành nhưng không giấu được… tình yêu. Bởi vì nó là thứ không thể… giấu. Người ta ví von tình yêu như khói vậy. Muốn không ai trông thấy, chỉ có cách đừng đốt…“lửa”.

alt

Bảo Huân