Trong thời gian qua, người ta đã sử dụng nhiều phương tiện khác nhau để lưu trữ dữ liệu: đĩa cứng (hard disk), đĩa CD, đĩa DVD, flash drive…Chúng thường có tuổi thọ không cao lắm, chừng 10 năm, và mỗi loại đều có ưu và khuyết điểm riêng. Mới đây, các nhà nghiên cứu ở University of Twente đã phát minh ra một kỹ thuật hết sức tân kỳ giúp dữ liệu có thể được lưu lại tới hàng tỉ năm mà không bị hủy hoại. Dụng cụ này được làm bằng tungsten có đặc tính chịu nhiệt rất cao, và được bọc lại bằng một chất liệu rất khó bị bể hay thay đổi hình dạng dưới bất cứ điều kiện nào: silicon nitride. Đĩa này, theo lời nhóm sáng chế, có thể dùng để trữ lại dữ liệu quan trọng của nhân loại để phòng hờ trường hợp loài người bị hành tinh khác tấn công chỉ còn một ít người sống sót. Một đặc điểm nữa là thông tin chứa trong đĩa này có thể phục hồi lại dễ dàng, ngay cả khi dữ liệu bị hư tới 7% nhờ sử dụng kỹ thuật QR codes. Một số thử nghiệm mô phỏng (simulation) được tiến hành cho thấy dữ liệu hoàn toàn không hư hại gì khi nung đĩa lên tới 400độ F trong 1 tiếng và chỉ bị thoái cấp một chút khi bị nung nóng tới 820độ F. Nhưng ngay cả ở nhiệt độ cao này, đĩa vẫn còn có thể đọc được và chất tungsten vẫn không bị hủy hoại. Trong điều kiện ổn định, ví dụ như trong kho chứa chất liệu nguyên tử, đĩa này có thể “sống” được tới hàng chục triệu năm. Tuy ít có cơ hội để sử dụng đĩa này trong đời sống bình thường hiện nay, có thể chúng cần cho việc lưu trữ những tài liệu ghi lại lịch sử văn minh của loài người hoặc dùng để lưu trữ các tài liệu của các thư viện lớn.
Mùa đông, một người thấy lạnh, có khi phải… hun nóng cả căn nhà để thấy ấm hơn. Như vậy tốn nhiều điện quá. Bốn sinh viên trường kỹ thuật nổi tiếng nhất Hoa Kỳ MIT đã tìm cách loại bỏ việc tiêu thụ điện hoang phí này và chế ra một loại máy điều hòa nhiệt độ cho cơ thể với tên gọi là Wristify. Wristify hoạt động dựa trên nguyên tắc là việc làm ấm hay mát một bộ phận cơ thể sẽ làm cho toàn bộ cơ thể thay đổi theo cùng hướng. Máy này trông giống như một chiếc đồng hồ đeo tay trong đó có chứa một bộ tản nhiệt làm bằng hợp kim-đồng. Bộ phận này được kết nối tới một hệ thống điều khiển tự động có nhiệm vụ điều chỉnh cường độ và thời gian của xung nhiệt được phân phối tới bộ tản nhiệt dựa trên số đọc từ nhiệt kế đo nhiệt độ trên da. Máy điều hòa nhiệt độ này có thể chạy trong 8 tiếng nếu sử dụng loại pin điện loại lithium polymer. Các nghiên cứu cho thấy nhiệt độ phải thay đổi ít nhất 0.1 độ C (0.18 độ F) trong 1 giây để có thể làm cho cơ thể ấm hoặc mát đi tới vài độ. Hiện nay, các hệ thống máy sưởi và máy lạnh tiêu thụ chừng 16.5% tổng số năng lượng hàng năm của toàn quốc trong khi máy điều hòa kiểu này tiêu thụ không quá 1% năng lượng các máy điều hòa hiện có nên chắc chắn sẽ giúp tiết kiệm rất nhiều năng lượng. Sáng chế này đã từng đoạt giải thưởng ở trường MIT và đang được xem xét để cải thiện và áp dụng.