(Tặng Nam Hưng)
Cơn giông làm tôi giật mình. Tôi co người, kéo mền trùm kín đầu. Từ khi thiên lôi xóa sổ bác Hai ngay trước mắt tôi khi bác cháu đang câu trộm, tôi bị chấn động. Nỗi ám ảnh rằng một ngày nào đó mình sẽ bị trời đánh nhuộm đen tâm hồn rỗng tuếch của tôi, ngấm vào tận xương tủy tôi. Ba mươi tuổi đầu, tôi vẫn sợ tiếng sét.
Ngán ngẩm, tôi cầm điện thoại, lồm cồm bò dậy. Tôi đã chờ nàng hơn ba tiếng và thiếp đi khoảng chục phút. My sẽ chờ K. ở đây, không gặp không về. Nhắn lại mẩu tin cũ, tôi ném niềm hy vọng vào giường, mở toang cửa sổ nhìn xuống con phố buồn.
Phan Thiết mùa này trời thường mưa về chiều. Những con đường nhỏ nhạt nhòa mưa làm ta có cảm giác trống vắng, nao lòng. Tôi thấy nàng che dù dìu tôi ra khỏi quán bánh xèo. Phía bên kia là khách sạn nhưng tôi vờ say chân thấp chân cao lừng khừng. Cuối cùng nàng nhượng bộ bằng nụ hôn – dính mỡ, thơm mùi bánh xèo. Tôi thấy tôi theo sau nàng, ôm đầu cố bảo vệ cái bằng chứng xác thực thánh thiện và quá mong manh ấy. Tâm hồn tôi choáng ngợp như bất ngờ sét đánh. Không phải sét trời tôi ba mươi còn sợ, tiếng sét mang tên “Minh Khanh” chói sáng thằng tôi hiu hắt, thăng hoa thằng tôi trần tục.
Từng cơn gió thơm nồng hương nắng, hơi đất, mùi biển cả và mát đến lạnh người. Ngày dần xa cùng tiếng rao của cụ già bán ngô luộc. Mưa tạnh. Chút nắng còn sót lại trôi thành một vệt mờ về phía ngoại ô. Với góc bấm này, nếu đem theo chiếc Canon EOS 50D chuyên dụng, tôi có thể chụp vài pô hình ưng ý đại thể như Về thời quá vãng.
Tôi ườn ra giường. Mất kiên nhẫn, tôi quờ tay cầm nỗi ê chề lên, nhắn lại mẩu tin cũ, My sẽ chờ K. ở đây, không gặp không về!… (sau khi nóng nảy thêm dấu than rồi chênh chao làm tiếp dấu ba chấm). Tới giờ này tôi hầu như trong trạng thái vô vọng. Nàng không đến. Nàng không nghe hoặc trả lời điện. Mà phải xa xôi cách trở gì cho cam, biệt thự – văn phòng của nàng chỉ cách khách sạn nửa giờ đi bộ. Lỡ ngoéo tay, không can thiệp vào công việc riêng tư của nhau, tôi biết làm gì hơn? Trái tim rướm máu bị bóp nghẹt bởi lực nén vô hình, tôi xót đau rồi thấy ngộp thở. Gian phòng đầy ắp hình bóng giọng nói thân quen của nàng. Đây, nàng chải mái tóc mây. Kia, nàng trang điểm, chợt buồn dấu chân chim đuôi mắt, lý giải sự vĩnh cửu nhỏ nhoi kiếp người. “Thơ là đời chứ đời không phải là thơ”, nàng quay ra nhìn tôi với đôi mắt u hoài, buồn bã kết luận.
Chúng tôi lẻn ra ban công để lại các vị văn nghệ sĩ tự do trong phòng nàng ăn nhậu bình phẩm.
– Cứ như bị tra tấn
Nàng bảo – Kệ họ đi.
Tranh: Thắm Nguyễn
o O o
Choàng tay qua vai tôi, nàng nói tiếp sự khốn khó, tủi nhục. Giọng nàng đều đều, nàng như đang kể cho chính mình. Nàng dừng lời nhìn tôi. Tôi nắm chặt tay nàng, không nói gì. Tôi được biết thêm nỗi truân chuyên nàng đã trải giai đoạn con mọn và thành lập công ty. “Dạy con nên người, vực công ty đứng được – My à – nhiều khi quá sức chịu đựng… nghĩ không đủ sức đứng dậy được nữa…” Tôi giấu mặt vào tóc nàng, mắt cay cay. Trời đã khuya lắm, có lẽ là gần sáng. Ngọn đèn đường lạnh lẽo đơn côi hiu hắt hất ánh vàng vọt trên đầu.
Chúng tôi chia tay lúc 4 giờ sáng. Thay vì để tôi ngủ lại, nàng lấy khăn ấm lau sạch bằng-chứng-phạm-tội-ngọt-ngào nơi má tôi rồi mời tôi ra. Tôi nghe tiếng chốt cửa lạnh tanh. Đứng đấy một hồi lâu, tôi thất thểu xuống phòng 404, ngửa ra giường, mắt nhìn trân trân lên trần nhà, lịm đi, tôi mơ mình đưa đám bác Hai. Buồn.
Tôi, Phan My, là con một. Năm tôi hai tuổi, cha tôi chết khi cuốc đất đụng phải bom mìn. Buồn đau khốn khó đồng hành với tuổi thơ tôi. Năm lên bảy, tôi bị sét làm cháy sém một nửa tâm hồn, may mà thoát chết. Tôi khóc như mưa khi đưa tang bác Hai, người cha thứ hai. Mẹ tôi lo làm mướn sống qua ngày, không có thời gian dạy dỗ chỉ bảo tôi. Chưa hết trung cấp, tôi nghỉ học làm ở phân xưởng đông lạnh. Có lẽ trái tim bé bỏng của tôi đóng băng từ đó. Tôi né tránh mọi giao tiếp, lao vào học đêm này qua đêm khác. Năm 17 tuổi kiến thức của tôi đã rất vững. Tôi còn biết tiếng Tàu, khá về ngôn ngữ Tây Ban Nha, sử dụng Anh ngữ thành thạo trôi chảy. Cho đến giờ người thầy lớn nhất của tôi là sách vở. Và người thầy lớn nhì của tôi là tôi. Kết luận này khiến mẹ tôi buồn. Mẹ bảo, con đủ lông cánh rồi, hãy bay đi. Tôi tin lời mẹ… nhưng thôi, đó là chuyện sau này. Hãy quay lại năm tôi 17 tuổi, lần đầu quan hệ… lần đầu nghe nói tới bệnh lãnh cảm trong đợt công ty khám sức khỏe định kỳ. Tôi đã bỏ hết lương tháng ấy vào cái khe ngực em ca-ve miền Tây nõn nà. […]
Tôi làm “phóng viên ảnh”. Một đêm nhậu say ngủ tại bè cá, tôi mơ thấy mặt trời bị mặt trăng đánh chảy máu ròng ròng. Kinh. Đen sệt cả dòng sông La Ngà. Khi huyết đen của mặt trời ngập tới mũi tôi thì tôi tỉnh dậy. Trong trạng thái say, tôi chụp được bức ảnh mây xám nuốt chửng mảnh trăng gầy.
Tôi về Phổ Châu chịu tang mẹ. Ông trời khắt khe, ban phát cái này, lấy đi cái nọ. Suốt đời tôi là thằng bất hiếu. Ảnh mẹ tôi lúc trẻ mắt giống hệt mắt nàng. Gặp nàng lần đầu ở phòng tiếp tân khách sạn, tôi đã giật mình, tim đập loạn xạ.
Tôi nhớ. Một người đàn bà đẹp ngồi đọc báo tại cái bàn gần thang máy. Nhà thơ Minh Khanh, “nữ hoàng” trong giới văn nghệ sĩ cũng như giới doanh nhân. Nàng bị bao vây giữa đám đông. Các bà thì chanh chách còn các ông cứ leo lẻo. Tôi nháy mắt chào nàng. Tôi đánh liều – “Trông cô quen lắm”.“Chào em! Chị là Minh Khanh”- Nàng chìa tay. Tôi nắm lấy. Cứng miệng. Nàng vào thang máy là tôi thót theo ngay. Đẹp như mơ: chỉ có hai người. Tôi cố đứng thật sát nàng khi bấm số 4, chằm chằm nhìn đôi mắt hồ thu trong gương. Cửa mở. Tôi bước nhanh ra sau khi đặt nụ hôn vội lên tóc nàng, đùa nhưng người tôi cũng nóng ran. Khó nhọc lắm tôi mới vào được phòng 404. Tôi nằm úp mặt xuống giường, chẳng thèm bật điện, quạt hay máy lạnh…
Tôi điện thoại lên phòng 502, mời nàng cơm tối “để xin lỗi”. Nửa tiếng sau nàng mới xuống sảnh. Tôi có dịp ngắm kỹ nàng. Nàng trang điểm nhẹ, quấn khăn cổ màu hồng phấn.
– Chắc My chết mất. – Tôi vừa nói vừa nắm bàn tay nhỏ nhắn của nàng.
Nàng mua hai ổ bánh mì, đưa tôi một ổ, bảo: đi dạo nha. Chúng tôi vừa đi vừa ăn, nói chuyện tào lao. Sau đó vào quán cà phê cạnh bãi biển hóng gió, ngắm biển đêm. Nàng nép vào người tôi, nghe tôi kể thời thơ ấu, chuyện tôi tình cờ đến với nghệ thuật.
Bức ảnh được giải thưởng đầu tiên của My là cảnh mẹ chụm lá dương nấu cơm một chiều đông. Mẹ My đã không vui vì cho rằng My “kể khổ, mua lấy sự thương hại”. Bài thơ đầu tay của Khanh thì thế nào?
– Viết liền một đoạn khoảng ba bốn trăm từ gì đó về thân phận người phụ nữ. Nom cũng vui mắt, ngắn dài đủ kiểu.
– Khanh cứ đùa.
– Thật. Bây giờ vẫn viết kiểu ấy nhưng ngắn hơn, cô đọng hơn và lý sự hơn.
– Kính nể!
Hì, hì. Nàng đấm vào lưng tôi, cười hồn nhiên.
Chúng tôi về gần tới khách sạn thì trời đổ mưa nên ghé quán ăn bánh xèo. Nàng nhẩn nha ăn, cầm bánh nhẹ bằng hai ngón, chấm mắm in ít, ngón út chĩa ra nom dễ ghét. No bụng, tôi nhấm nháp vài ly rượu chuối, nhìn nàng… ăn.
Sáng hôm sau tôi đến dự hội thảo trễ. Nàng mặc áo dài tím, nom nghiêm nghị. Tôi đứng bên, áo sơ mi nhàu y bộ mặt, quên cà-vạt. Lúc ngồi xuống, tôi hỏi nhanh, Khanh đợi tôi có lâu không? Nàng im lặng. Nàng để tôi nắm tay, không nói gì, đột nhiên nàng bảo: “Mình ra ngoài đi”. Ra khỏi cửa, nàng nói nhỏ vẻ bí mật: “Đợi đây nha”. Chờ nàng, tôi không thể đứng yên. Tôi rít thuốc liên tục, đi tới đi lui, hình dung đủ thứ bậy bạ. Lâu thế, chắc nàng đang tìm một phòng… Điện thoại rung, tôi nôn nóng, “Ở đâu?”. “Dưới này… về lại khách sạn”. Tôi chạy bổ xuống lầu, đầu óc quay cuồng. Mặt nàng hơi tái đi khi chúng tôi lên taxi.
Trong thang máy tôi ôm chặt nàng; nàng đẩy ra. Tới phòng 502 nàng lại bảo: “Đợi đây nha”. Vẫn là tiếng chốt cửa lạnh tanh. Tôi đốt thuốc khi nàng tắm và trang điểm. Cửa mở. Tôi lao vào khóa miệng nàng bằng cái hôn thèm khát cưỡng chế phàm tục. Nàng ú ớ tôi càng hăng. Tiếng cell phone của nàng làm tôi khựng lại và bị đẩy ngay ra. Bốp! Tai tôi lùng bùng, má rát nhưng tôi vẫn sấn đến vật nàng xuống giường. Khi hạt nút áo đầu tiên của tôi bung ra thì câu hỏi lạnh tanh của nàng khiến tôi như bị dội gáo nước: “Tình cảm quý mến mà ta dành cho nhau là thế này sao?”. Tôi thấy tự ái. Tôi tỏ vẻ ta đây bất cần. Tôi gài khuy chiếc sơ mi, vuốt tóc đứng lên. Nàng nắm tay kéo lại, ghì chặt đầu tôi vào ngực nàng. Rồi nàng khóc. Tôi hoang mang, không hiểu gì và cũng không biết làm gì. Chúng tôi ở trong tư thế như vậy cũng khá lâu. Cuối cùng nàng hôn trán tôi, bảo: Tới hội thảo chúng ta không đi cùng nhau, không ngồi gần chỗ.
Bế mạc hội thảo là đến party. Vào phòng dự tiệc trưa tôi không thấy nàng, chạy tìm quanh cũng không thấy. Phone không được. Về khách sạn. Khách 502 đã trả phòng. Tôi nhắn, My sẽ chờ K. ở đây, không gặp không về, rồi trả phòng 404, đặt phòng 502.
Tôi mừng như chết đi sống lại khi có tin nhắn. Tôi đã tràn trề hy vọng khi thấy tin nhắn là của nàng. Nội dung khá dài, “… Về nhà đi My ơi! Cám ơn My thật lòng. Hãy là bạn tốt của nhau nhé.”
Tôi không hiểu gì và cũng không biết làm gì, chỉ biết chắc một điều: Nàng đang ở quá xa tôi.
N.T