Trên đa phần lãnh thổ Hoa Kỳ, hôm Chúa Nhật 3-11-2013 vừa qua, người ta đã đồng loạt vặn đồng hồ ngược lại một giờ. Sự kiện này gọi là “Daylight saving time -DST” dựa trên căn bản đạo luật liên bang hẳn hoi. Điều ít người biết hơn là nhiều nơi khác trên thế giới cũng thường đổi giờ như vậy, thí dụ ở Anh Quốc gọi là “Summer Time”, còn dân chúng Đức Quốc thì nói “Sommerzeit”.
Điều chỉnh đồng hồ tại Freiburg, Đức Quốc (Germany). Ảnh Patrick Seeger/dpa/Corbis
Mục đích của việc thay đổi nhằm tận dụng ánh sáng mặt trời cuối ngày vào thời điểm đầu xuân, ngược lại sang mùa thu thì kéo lùi kim đồng hồ vì trời mau tối. Hiện tượng thời tiết thiên nhiên thay đổi này khá thường gặp, kể cả với nước Việt Nam ở vùng khí hậu nhiệt đới biển. Người Việt từ rất lâu đã truyền khẩu: “Tháng Năm chưa nằm đã sáng; Tháng Mười chưa cười đã tối”.
Tuy nhiên, người Việt đến nay chưa có lệ đổi giờ trên tầm mức quốc gia. Với nhiều nơi khác trên thế giới, đây là sự thường. Đức Quốc (Germany) và Đế Quốc Áo-Hung (Austria-Hungary) là những nước đầu tiên áp dụng kỹ thuật đổi giờ từ năm 1916. Ngày nay, chừng một tỉ dân chúng tại 70 quốc gia trên khắp địa cầu đã quen với việc đổi giờ mỗi năm. Gần trọn Âu Châu thêm 1 giờ mùa xuân rồi… trả lại 1 giờ lúc thu sang, tận dụng tối đa nguồn nắng mặt trời. Chỉ vài nước riêng lẻ không áp dụng như Iceland, Belarus, và Nga Quốc (Russia). Tại Bắc Mỹ, bộ ba Canada, Hoa Kỳ, và Mexico áp dụng đổi giờ rộng rãi. Phần Hoa Kỳ bắt đầu dùng hệ thống DST từ dạo thập niên 1950.
Một postcard cũ vận động cho luật đổi giờ.
Cũng ngoại trừ một số ít tiểu bang, tỉnh bang, khu đặc trị không chịu đổi giờ theo số đông. Tại Hoa Kỳ, tiểu bang Hawaii và đa phần tiểu bang Arizona không đổi giờ. Cả Phi Châu (Africa) hầu như không có thói quen đổi giờ, trừ vài nước như Ai Cập (Egypt), Libya, Morocco, Tunisia… Á Đông cũng không đổi giờ, ngoài khoảng chục quốc gia vùng Trung Cận Đông (Mid East).
Xét về hệ thống giờ giấc, Hoa Lục là một ngoại lệ. Từ năm 1986, chánh quyền trung ương Bắc Kinh (Beijing) thử nghiệm đổi giờ DST nhưng không thành công nên bỏ cuộc năm 1992. Ngày nay, dân Hoa Lục chỉ dùng 1 giờ duy nhất, gọi là giờ Bắc Kinh, mặc dù lãnh thổ xứ này rất lớn, trải khắp 5 múi giờ khác nhau. Vì quy định này, đời sống của dân chúng càng vào sâu trong đất liền càng gặp nhiều trở ngại (khi mặt trời lên 6 giờ sáng ở Bắc Kinh thì trên cao nguyên Tây Tạng dù chánh thức là “6 AM” nhưng trời còn tối mù mịt và lạnh thấu xương.
Nam Cực (Antarctica) là một trường hợp thú vị khác. Nơi này nằm ở… đáy địa cầu, mùa hè đêm trắng, trong khi mùa đông đêm đen bất tận, và lúc nào cũng buốt giá vô biên. Cư dân lèo tèo đa phần là các khoa học gia nghiên cứu trong các phòng thí nghiệm chìm trong lòng đất. Vì ngày cũng như đêm không khác biệt, tại mỗi trạm nghiên cứu này, người ta dùng giờ giấc của quốc gia mình, để có thể làm việc, liên lạc nhịp nhàng, hiệu quả.
Cũng có một số quốc gia từng đổi giờ giấc DST, nhưng ngày nay thay đổi luật. Brazil đi trước, áp dụng phương pháp đổi giờ từ 1931 trên khắp xứ, nhưng đến 2011 thì bỏ. Từ năm 2009, Argentina ngừng thay đổi giờ, một thói quen họ thử áp dụng từ 2007 đến 2009. Trong năm 2011, xứ Bolivia đã chuẩn bị đổi giờ vào ngày 1-9, nhưng vào đúng giây phút cuối cùng 31-8, kế hoạch bãi bỏ vì bị chống đối mạnh. Xứ Trung Á Kazakhstan cũng bãi bỏ áp dụng đổi giờ DST lấy lý do ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe dân chúng, quá bán dân Kazakhstan than bị cảm sốt nhức đầu sổ mũi đủ kiểu mỗi khi giờ giấc bị xáo trộn.
Trên thực tế, quan ngại cho sức khỏe là một trong những lý do chánh nhiều người đưa ra khi không thích việc đổi giờ DST, mặc dù chưa có nhiều khảo sát y khoa xác nhận. Người khác than phiền phải nhớ đổi giờ nhọc óc. Lại có những người không thích vì thuộc nhóm sanh sống đi lại thường xuyên giữa các vùng giáp giới múi giờ, khiến dễ bị lẫn lộn. Kỹ nghệ vận chuyển rất ghét chuyện đổi giờ vì nó xáo trộn lịch trình của họ. Giới nông phu cũng rất kỵ việc đổi giờ vì xáo trộn giờ giấc ảnh hưởng trực tiếp thời lượng ánh nắng mặt trời mỗi ngày, ảnh hưởng công việc thu hoạch của họ. Việc lấy sữa bò cũng nhiêu khê hơn vì loài bò rất nhạy cảm với giờ giấc, khi đổi giờ, nhân viên bắt đầu sớm hoặc trễ hơn 1 giờ nhiều khi vắt sữa… không ra. Lịch họp, du lịch, lịch phát thanh truyền thông, hệ thống giấy tờ hành chánh.. cũng dễ bị ảnh hưởng bất lợi.
Về lợi ích của việc đổi giờ, trước kia người ta nghĩ rằng giúp tiết kiệm năng lượng, vì thêm ánh sáng, bớt 1 giờ mở đèn. Tuy nhiên, trong trường kỳ hầu như… huề vốn, vì ngày kéo dài thì máy lạnh hoạt động nhiều hơn, người ta cũng chạy xe đi chơi nhiều hơn, tiêu tốn năng lượng. Đây cũng là lý do vì sao kỹ nghệ dầu hỏa và các cây xăng luôn ủng hộ hệ thống DST, vì họ được thêm khách hàng. Lợi ích đáng kể là giảm nhiều tai nạn xe cộ, kỹ nghệ bán lẻ, giải trí, thể thao, và nhiều kỹ nghệ khác hoạt động nhờ ánh sáng mặt trời.
Kỹ nghệ xe hơi ưng ý luật DST nhất vì trời lâu tối giữ người ta đi chơi nhiều.
Riêng tại Hoa Kỳ, lợi ích của việc đổi giờ có vẻ vượt xa mặt thất lợi, vì trong hơn 50 năm, hệ thống DST đã được kéo dãn từ 6 tháng lên 7 tháng và nay lên 8 tháng. Một trong những lý do là sự thúc đẩy của các đại diện kỹ nghệ. Năm 2005, cựu Tổng Thống George W. Bush ký ban hành đạo luật liên bang tên “Energy Policy Act of 2005”, hiệu lực thực tế từ 2007. Luật cho kéo dài Daylight Saving Time tại Hoa Kỳ thêm 4 tuần lễ, bắt đầu từ ngày Chúa Nhật thứ hai trong Tháng Ba đến Chúa Nhật đầu tiên của Tháng Mười Một. Nhờ có thêm giờ buổi chiều, giới bán lẻ được lợi nhất vì có dịp mở cửa nán, đón thêm khách hàng. Riêng hệ thống tiệm 7-Eleven đã ước lượng thời gian 4 tuần thêm vô mỗi ngày 1 giờ đã giúp họ thêm lợi nhuận $30 triệu. Kỹ nghệ chơi đánh golf cũng thu thêm từ $200 triệu đến $400 triệu. Ngay cả kỹ nghệ thịt nướng “barbecue” ngoài trời cũng tăng thu nhập khoảng $150 triệu.
Tổng Thống George W. Bush ký ban hành đạo luật liên bang tên “Energy Policy Act of 2005”, hiệu lực thực tế từ 2007.
Một trong những kỹ nghệ bất ưng chuyện đổi giờ mạnh mẽ nhất là TV giải trí. Theo thống kê, trong tuần đầu tiên sau khi đổi giờ (tăng lên hoặc tuột xuống), ngay cả những chương trình TV đông khách nhất cũng thình lình mất 10% đến 15% lượng khán giả thường ngày. Cũng có ước lượng mỗi người mất trung bình 10 phút để chỉnh sửa đủ loại đồng hồ từ nhà riêng đến công sở, gây mất mát mỗi năm $1.7 tỉ. Cứ mỗi 1 trong 3 người dân Hoa Kỳ thừa nhận đã từng lâm cảnh dở khóc dở cười khi đi làm sớm hoặc trễ cả tiếng đồng hồ vì quên đổi giờ. Thống kê xã hội cho thấy chỉ 37% thích đổi giờ, trong khi 45% muốn giữ nguyên giờ giấc.
Ngày nay, công việc đổi giờ diễn ra tại nhiều quốc gia, tuy nhiên không phải cùng ngày hay giờ, khiến gây nên không ít cảnh dở khóc dở cười, gây lộn xộn cho hành khách du lịch quốc tế, cho các cuộc họp hành, v.v… Có thể nhắc lại 2 thí dụ. Tháng Chín 1999, bờ Tây (West Bank) thuộc Palestine vẫn yên tĩnh, trong khi kề bên Do Thái (Israel) vừa kéo giờ ngược lại. Cùng lúc khủng bố Hồi Giáo khệ nệ ôm bom gài giờ nhưng chưa đến mục tiêu thì bom nổ giết hết 3 khủng bố. Thám tử điều tra thì lòi ra là bom nổ sớm 1 giờ, do khủng bố quên đổi giờ – cứu mạng 2 chiếc xe buýt đầy hành khách. Tháng Ba năm 2007, một học trò ưu hạng của tiểu bang Pennsylvania bị cảnh sát bắt vì tội dọa nổ bom trường học. Sau khi mọi sự rõ ràng, thì em này chỉ gọi điện thoại ghi danh cho lớp học mới. Còn một kẻ khác gọi điện thoại nặc danh dọa nổ bom trường học sau đó một tiếng.
TD