Kính gởi Bs NY Đức,
Xin Bs vui lòng giải thích cho tôi được rõ phương cách trị chứng táo bón tôi học được trên internet do một người bạn chuyển tới như sau:
Mỗi khi khó đi đại tiện do táo bón (lý do tôi uống thuốc tây nhiều, nhất là calcium và vesicare), thì uống nước PRUNE NECTAR trộn với SỮA TƯƠi mỗi sáng khi bụng đói, sau vài ba giờ thì đi cầu thoải mái. Nhưng tôi đọc được đâu đó trên báo nói rằng khi uống nước trái cây với sữa tươi thì không tốt cho bao tử. Không biết là tôi có nên tiếp tục dùng phương pháp trị táo bón này hay không? Xin nói thêm là nếu chỉ uống PRUNE NECTAR thì tôi không giải quyết được bầu tâm sự cho thông suốt. Cũng như nhiều loại thuốc nhuận trường mà BS cho cũng khó mà đi thông suốt được. Kính mong Bs hồi âm, xin cám ơn. hc.Pham.
Đáp
Thưa ông
Cả hai loại thực phẩm mà ông đang dùng đều có tác dụng nhuận tràng.
Prune juice là một loại nhuận tràng tự nhiên nhờ có một vài chất như:
– Mấy loại đường Sorbitol, sucrose, fructose không bị tiêu hóa cho nên khi xuống ruột, nó hút nhiều nước khiến cho chất bã của sự tiêu hóa làm phân mềm hơn, nhưng chất này cũng là món ăn thích thú của vi khuẩn trong ruột, cho nên sẽ tạo ra nhiều hơi, khiến cho đau bụng ngầm ngầm và đi cầu luôn.
– Chất dihydroxyphenylisatin có tác dụng kích thích sự co dãn và tiết ra nước của ruột khiến cho phẩn mềm và di chuyển dễ dàng.
– Chất magnesium cũng có tác dụng kích thích chuyển động và tiết nước của ruột, do đó phân mềm, dễ đại tiện.
Thông thường uống một ly 8 oz nước prune là vài ba giờ sau đi cầu được ngay.
Về sữa tươi: Trong sữa có đường lactose. Nhiều người không có men lactase để tiêu hóa đường lactose, cho nên khi uống sữa tươi, đường lactose được thải ra và đi tiêu chảy.
Uống chung prune juice với sữa: Tìm hiểu thì chúng tôi thấy kinh nghiệm của các bà mẹ là khi con bị táo bón, họ đều cho vào sữa một chút nước prune, và rất công hiệu.
Trong trường hợp của ông, ông đã dùng chung hai thứ này từ lâu, rất tốt để đi cầu mà không có rủi ro gì, thì há chi ta lại để ý tới một lời bình luận vu vơ “uống chung không tốt cho bao tử”. Có thể là với một số người nào đó, khi uống chung sẽ irritate bao tử một chút, thì ta uống cách xa nhau mươi mười lăm phút, đâu có sao.
Chúc ông mọi sự hạnh thông, kể cả bài tiết phân và nước tiểu.
Kính gửi bác sĩ Nguyễn Ý Đức
Vợ chồng chúng tôi năm nay cũng gần 70 tuổi, sức khỏe cũng tạm được. Mới đây, gặp mấy bạn già ở trung tâm cao niên, nghe họ kháo nhau về việc chích ngừa bệnh phổi. Chúng tôi không rõ là bệnh gì, ở tuổi chúng tôi liệu có mắc phải không và có cần chích ngừa không. Xin bác sĩ vui lòng chỉ dẫn. Chúng tôi rất cảm ơn. Linh Đỗ- Sachse-TX
Đáp
Chào ông bà Cổ Lai Hy Linh Đỗ
Trước hết xin mừng ông bà, ở tuổi cổ lai hy mà sức khỏe “cũng tạm được”, không phải đi xe lăn, vẫn còn dắt nhau tới trung tâm người già, gặp gỡ một số bạn xưa, làm quen với một số đồng tuế mới, “vô tư” ôn lại chuyện cũ khi còn VN Cộng Hòa với nhau, rồi chia sẻ vui buồn tâm sự là nhất rồi đấy nhị vị ơi. Chúc mừng! Chúc mừng!!! và xin cứ tiếp tục cho tới khi nào hết tham gia nổi.
Bây giờ xin trở lại với câu hỏi của nhị vị, kẻo nhà báo họ lại bảo mình lạc đề, câu giờ.
Thắc mắc của ông bà về chích ngừa bệnh nhiễm trùng phổi này cũng là thắc mắc của nhiều vị cao niên, vì thường thường tới mùa này, người ta cứ nói tới chích ngừa cúm nhiều hơn. Mà quên đi một một “hung thần” luôn luôn rình rập gây bệnh cho mọi người.
Bệnh nhiễm trùng phổi tiếng Anh gọi là Pneumonia, gây ra do những vi khuẩn thuộc nhóm Pneumococcus Pneumoniae. Bệnh có vào bất cứ thời điểm nào trong năm, nhiều hơn vào mùa lạnh, nhiều khi lại sánh vai với anh cúm để hành hạ con người.
Bệnh gây ra rối loạn trầm trọng cho sức khỏe như nóng sốt, ho ra đàm, mệt mỏi, ớn lạnh, đau nhức mình mẩy, tim đập nhanh, hơi thở khó khăn, nôn ói… và cũng gây ra nhiều tử vong.
Viêm nhiễm phổi được chữa bằng thuốc kháng sinh và chỉ trong vòng một tuần lễ uống thuốc, bệnh đã thuyên giảm. Thường thường sau khi khám biết bệnh, bệnh nhân có thể chữa tại nhà mà không phải vào bệnh viện. Những trường hợp sau có thể nhập viện điều trị:
– Lão niên trên 65 tuổi, sức chịu đựng kém,
– Người đang bị bệnh khí thủng phổi, hen suyễn, suy tim, tiểu đường, suy thận, suy gan…
– Người mà sức khỏe không có đủ để tự chăm sóc, uống thuốc.
Bệnh có thể phòng ngừa bằng chích ngừa với vaccine.
Có hai loại vaccine.
– Loại thứ nhất có tên viết tắt là PPSV 23 dành cho người lớn và có thể bảo vệ được đối với 23 loại vi trùng gây bệnh nhiễm trùng phổi.
– Loại thứ 2 gọi là PCV13, dành cho trẻ em, nhưng từ năm 2011 cũng được dùng cho người từ 50 tuổi trở lên.
Người lớn tuổi có thể chích bất cứ lúc nào trong năm, nhất là vào mùa cảm lạnh, cúm. Công hiệu của chích ngừa kéo dài 5 năm. Người hút thuốc lá, đang có một số bệnh như về tim, phổi, thận, hen suyễn lại càng cần phải chích.
Chích ngừa không gây ra phản ứng trầm trọng, đôi khi hơi sốt nhẹ, hơi đau đau ở chỗ chích…
Cũng xin nói thêm là, ngoài nhiễm trùng phổi do vi khuẩn thì còn mấy loại nữa như:
– Nhiễm phổi do virus gây ra như trong bệnh cúm, cảm lạnh, thủy đậu. Kháng sinh không công hiệu để điều trị nhưng có thuốc kháng virus.
– Nhiễm phổi do nấm độc có trong đất hoặc phân chim muông. Bệnh thường thấy ở người có sức đề kháng yếu hoặc đang mang bệnh kinh niên.
– Và trường hợp hi hữu là khi ăn uống ho sặc sụa thực phẩm chạy vào phổi, khi ói mửa chất ói trào ngược vào khí quản hoặc uống nhiều rượu…
Ngoài chích ngừa, phòng ngừa bệnh nhiễm phổi gồm có:
– Giữ gìn vệ sinh cá nhân, không tiếp xúc quá gần với người bị bệnh.
– Đừng hút thuốc lá, vì thuốc lá gây tổn thương cho phổi và giảm sức đề kháng cơ thể.
– Bị bệnh nghỉ ngơi điều trị tới nơi tới chốn.
Và khi đang bị bệnh thì tránh tới nơi đông người để không truyền bệnh cho người khác.
Cần thêm chi tiết gì về vấn đề này, xin hai vị cứ cho biết. Báo Trẻ và chúng tôi sẵn sàng góp ý kiến. Chúc nhị vị an vui tuổi vàng.
NYD