Vào tháng 6/2013 một du khách Nga đã bị bạn thân của mình đâm chết ngay trên bãi biển Nha Trang sau khi đã nốc vô số Vodka vào người. Trước đó vào tháng 11/2012 cũng lại là một du khách Nga sau khi đã quá xỉn, không làm chủ được tốc độ, lao thẳng chiếc xe máy vào cột điện rồi tử vong ngay sau đó. Còn rất nhiều trường hợp khác nhưng báo chí chưa nói đến.

Nguồn lợi từ Khách Nga
Có đến hơn 1/3 du khách nước ngoài đến Nha Trang là người Nga. Không những vậy, để khai thác thêm nguồn du khách từ Nga, hãng Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) từ hồi Tháng 4 đã cho mở đường bay trực tiếp Moscow-Nha Trang. Và mới đây hồi 28 tháng 10 đã nâng số lượng chuyến bay là 2 lần/tuần. Song, lượng khách Nga chủ yếu mà Nha Trang đón nhận vẫn là từ vùng Viễn Đông của Nga. So với những sân bay Quốc tế quy mô hơn như: Hà Nội, Sài Gòn thì Cam Ranh lại là nơi đón lượng du khách Nga nhiều nhất. Trung bình mỗi ngày nhân viên hải quan ở đây làm thủ tục nhập cho 2 chuyến bay từ Nga với trung bình khoảng 400 khách.
Năm 2012 Nha Trang đón một lượng khách Nga kỷ lục lên đến hơn 80 ngàn lượt khách. Thì chỉ trong vòng 9 tháng, năm 2013 kỷ lục đó đã bị phá vỡ bởi con số du khách Nga đến Nha Trang đã lên đến 120 ngàn. Theo dự đoán, cả năm nay số khách sẽ lên đến hơn 160 ngàn khi nhu cầu tránh đông của người Nga ngày càng tăng dần vào những ngày cuối năm. Đó là những con số hết sức lý tưởng, kích thích phát triển du lịch ở Nha Trang.

Công viên Phù Đổng trước đây đã được bán cho người Nga để kinh doanh du lịch, dịch vụ.
Đồng Rup của Nga thả sức vung vãi ở Nha Trang. Tất cả những trung tâm mua sắm, cửa hàng, tạp hóa bán trái cây trên các con đường Phố Tây như: Nguyễn Thiện Thuật, Hùng Vương, Biệt Thự… đều trả phất lên nhờ sự hào phóng của người Nga. Theo những con số thống kê, khách Nga chi tiêu nhiều nhất ở Nha Trang, vượt xa những vị khách từ các nước khác. Hầu như trên khoảng 50% thu nhập của những cửa hàng này đều từ những du khách Nga.
Bước ra đường chỉ thấy toàn khách Nga. Số lượng nhiều đến nỗi, nếu trước đây những ông chạy xe Xích-lô, chạy xe ôm thường chào bằng “Hello” thì nay lại chào bằng tiếng Nga cho dù chẳng cần biết ấy là khách Nga hay không. Người Nga nhiều đến độ hầu như biển hiệu nào của các con đường phố Tây đều thấy treo chữ Nga bên chữ Việt. Tiếng Anh dần dà đang bị tiếng Nga đẩy vào hàng thứ yếu. Để làm vui lòng những vị khách đến từ Đông Âu rất nhiều cửa hàng chỉ treo biển bằng tiếng Nga mà không có tiếng Anh. Chị Lam, nhân viên của một quầy bar trên đường Hùng Vương cho biết: “Khách Nga khi vào cửa hàng đem menu bằng tiếng Anh họ liền quay đi”. Sở dĩ có điều này là do khách Nga đại đa số không biết nói tiếng Anh. Tiếng Nga là ngôn ngữ giao tiếp duy nhất của họ đối với người bản địa. Mặt hàng mà du khách Nga đặc biệt ưa chuộng là Vodka, trái cây vùng nhiệt đới và các mặt hàng làm từ da cá sấu.

Hàng loạt biển hiệu tiếng Nga trên đường Trần Quang Khải của các công ty du lịch và dịch vụ.
Trên những con đường gần biển, nơi thường lui tới của du khách nước ngoài. Chỉ độ khoảng một năm nay đã có sự thay đổi rất khác so với trước. Nhiều những sạp nhỏ bày bán những loại trái cây, nước trái cây chủ yếu là để phục vụ khách Nga. Bên cạnh đó, nhu cầu uống rượu của người Nga rất cao, rất nhiều những hàng quán đã bày bán thêm các loại rượu nặng để kiếm thêm thu nhập. Và thực sự những cửa hàng này đã kiếm được rất nhiều tiền từ số lượng rượu bán cho khách Nga.
Nền kinh tế đang bết bát, lượng khách Nga đã giúp cho chính quyền kiếm được khá nhiều ngoại tệ. Theo những con số thống kê, cứ mỗi du khách Nga ở lại Nha Trang từ khoảng 7-10 ngày. Và trong quá trình lưu trú đó họ tiêu xài từ 1600-3000 đô. Không chỉ chính quyền và công ty du lịch được hưởng lợi từ khách Nga, mà ngay cả những người dân buôn bán nhỏ lẻ cũng vui mừng từ những du khách này.
Anh Hoàng, trước đây là một nhạc công, công việc của anh là đánh đàn guitar trong những nhà hàng vào buổi tối. Anh đã bỏ nghề vì tuổi cao, cũng như không thể phục vụ những vị khách trẻ tuổi nhiều tiền nhưng lại thiếu sự lễ phép. Ấy vậy mà kể từ khi người Nga trở lại Nha Trang, trước sự lôi kéo của đồng tiền, anh đã quay trở lại nghề cũ. Cứ mỗi show diễn trong khoảng 30-60 phút chủ nhà hàng phải trả cho anh 500 ngàn đồng. Có đêm anh phải diễn cả 2 shows. “Khách Nga có thể chia làm hai giới, già và trẻ. Lớp già thì thường yêu cầu đánh những bài của thời Xô-Viết. Nhưng lớp trẻ hơn thì tuyệt nhiên không. Họ rất ghét phải nghe những tàn dư còn sót lại từ thời Cộng Sản. Ngay cả bản nhạc rất du dương là “Đôi Bờ” nhưng họ cũng không thèm nghe chỉ vì nó có từ thời Cộng Sản”. Anh Hoàng nói thêm.

Chữ Nga xuất hiện nhan nhản trên đường, kể cả những quầy hàng nhỏ.
Ăn theo khách Nga
Tiếng Nga tưởng chừng như đã chết ở Nha Trang khi năm 2002 chính quyền Putin quyết định không còn mướn Cam Ranh làm nơi đặt căn cứ quân sự. Kể từ đó, người Nga dần dần vắng bóng ở Nha Trang. Song song với đó là những biển hiệu tiếng Nga dần dần bị tháo dỡ khỏi những hàng quán. Người nói tiếng Nga cũng không còn biết dùng ngôn ngữ ấy với ai. Thì nay tiếng Nga được hồi sinh theo bước chân ồ ạt của những du khách Nga.
Anh Cường, trước đây là chủ của một cửa hàng bán đồ lưu niệm ở Mỹ Ca. Khách hàng thường xuyên lui tới một thời của anh là người Nga. Lẽ dĩ nhiên anh biết nói tiếng Nga một cách thành thạo. Chính những quân nhân Nga đã giúp cho gia đình anh một thời sung túc, giàu có ở Mỹ Ca. Từ khi người Nga về nước, anh loay hoay tìm cách thay đổi phương thức kinh doanh nhưng vẫn không biết làm gì. Ấy vậy, cách đây hai năm, một công ty du lịch ở Nha Trang mời anh về làm hướng dẫn viên tiếng Nga với mức lương 1200đô/tháng. Như đang chết đuối vớ phải được tấm ván anh bèn nhảy vào nghề hướng dẫn du lịch cho dù chưa bao giờ được đào tạo cũng như không còn thuận lợi về tuổi tác.
Từ sau năm 1975 sau khi quản chiếm miền Nam, tiếng Nga đã trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong nhà trường. Chỉ được một thời gian ngắn rồi cũng phải bãi bỏ mà nhường lại vị trí cho tiếng Anh. Tuy vậy, cũng chẳng đào tạo được bao nhiêu học sinh miền Nam biết nói tiếng Nga. Khi lượng du khách Nga vào Việt Nam, một số trung tâm ngôn ngữ ở Nha Trang đã nhanh chóng kiếm bộn tiền nhờ vào việc mở lớp dạy tiếng Nga. Dạy tiếng Nga đang trở thành thịnh hành và cũng là phương thức kiếm kiền cho những thầy cô giáo người Bắc. Chẳng những mở lớp cho học sinh, nhiều thầy cô còn mở lớp cho những người buôn bán nhỏ lẻ ở các chợ để họ biết cách giao lưu với người Nga.
Anh Dưỡng, một tài xế của hãng Taxi Mai Linh nói: “Khách Nga coi vậy chứ tính toán rất kỹ. Họ nghe đâu đó nói xe taxi 4 chỗ có giá cước rẻ hơn xe 7 chỗ. Vậy là những du khách Nga qua Nha Trang đại đa phần đi xe 4 chỗ, cho dù với 4 cái thân bồ tượng của người Nga, chiếc xe như muốn chở không nổi”. Ở Nha Trang hiện tại rất nhiều xe taxi dù xuất hiện. Trên xe ghi vài hàng chữ tiếng Nga, vì với họ khách Nga là mục tiêu phục vụ. Những loại taxi này đồng hồ tính cước đều bị thay đổi để móc tiền từ du khách Nga nhiều hơn. Anh Dưỡng cho chúng tôi biết.
Trước đây, cả Nha Trang chỉ có mỗi một chợ đêm để phục vụ cho du khách. Đó là một đoạn đường ngắn nối từ đường Hùng Vương đến quảng trường (trước đây là đường Duy Tân). Ngoài những hàng ăn uống, du khách có thể tìm thấy ở đây vài món hàng lưu niệm. Cho dù, hàng lưu niệm ở chợ đêm có thể tìm thấy ở bất cứ nơi đâu. Kể từ khi người Nga sang Việt Nam, lượng khách quá lớn, chính quyền cho phép mở thêm một khu chợ đêm ở đoạn đường nối từ Tuệ Tĩnh đến Trần Quang Khải để chuyên phục vụ cho họ.

Rắc rối từ người Nga
Khách Nga không phải chỉ mang tiền đến cho Nha Trang mà họ còn mang theo cả những rắc rối. Là chủ quầy rượu ở đường Hùng Vương, chị Sương cho biết: “Trước đây khi người Nga chưa qua, tủ rượu của tôi luôn ế ẩm. Vậy nà nhờ khách Nga, các loại rượu trong tủ lúc nào cũng phải nhập mới”. Chính vì chuyện uống rượu đã làm cho người Nga trong con mắt Nha Trang không được thân thiện.
Ông Bình là một người sống trong hẻm Tuệ Tĩnh nói: “Người già thường khó ngủ. Vậy mà hằng đêm tụi Nga uống rượu xong lại hò hét ầm ĩ. Có khi tụi nó còn đánh nhau, rượt chạy làm huyên náo cả con đường”. Người dân chẳng thể nhớ hết bao nhiêu trận đánh nhau giữa người Nga với nhau, mà nguyên nhân thường bắt đầu từ rượu. Người Nga tiêu thụ rượu mạnh nhất trong tất cả những du khách đến Nha Trang.
Khách Nga thường được biết đến với sự thô lỗ, bất lịch sự họ không tôn trọng không gian riêng của người khác. Chỉ với một nhóm nhỏ cũng đủ làm ồn ào cả một góc đường. Bên cạnh đó, họ thường vứt xả rác rất bừa bãi. Trong nhà hàng buffet thường họ chẳng xếp hàng mà cứ chen nhau để gắp thức ăn. Đó là lời nhận xét của chị Lan một người làm phục vụ ở nhà hàng.
Không phải người dân nào cũng được lợi từ người Nga, chị Hương là một ví dụ điển hình nhất. Có quầy bánh mì chuyên bán vào buổi tối trên đường Hùng Vương, đoạn gần Quân Trấn. Tay vừa gắp thịt bỏ vào bánh mì, vừa nói: “Khách Nga đến Nha Trang thì khách Tây giảm lại. Người Tây họ đâu có thích khách Nga. Ngày trước mỗi tối mình bán được khoảng 2 triệu, thì nay chỉ còn lại khoảng hơn 1.5 triệu mà thôi. Ngày trước, điện thoại mình đổ chuông liên hồi. Bây giờ thì thưa lại”. Khách của chị thường sử dụng tiếng Anh để giao tiếp. Họ còn lưu cả số điện thoại để mỗi khi cần bánh mì sẽ gọi cho chị và chị mang đến tận khách sạn. Người Nga đến Nha Trang chẳng những đã làm cho khách Tây ít hơn mà còn làm cho nguồn thu của chị bị tụt giảm hẳn vì họ không ăn vặt, mà chỉ ăn trong những nhà hàng sang trọng.
Những rắc rối do người Nga mang lại chẳng thể nào kể hết. Song, một điều cần ghi nhận là Nha Trang đổi khác rất nhiều. “Nha Trang bây giờ cứ như là một tỉnh của Nga vậy”, chị Quỳnh một hướng dẫn viên tiếng Anh nói. Dẫu không thích người Nga nhưng chị cũng phải công nhận rằng, nguồn lợi mà người Nga mang lại cho Nha Trang là rất lớn.
