Vào mùa đông năm 1984, nhiếp ảnh gia Steve McCurry tháp tùng phóng viên Debra Denker của tạp chí National Geographic thăm một trại tị nạn Nasir Bagh ở Paskistan gần biên giới với Afghanistan (A Phú Hãn), nơi chứa hàng ngàn dân tản cư từ Afghanistan chạy tránh chiến tranh giữa các lực lượng kháng chiến Afghan chống lại quân Nga Sô xâm lăng thời bấy giờ. Tại đây McCurry đến thăm một lớp học và bị lôi cuốn bởi một cô bé khoảng 12 tuổi có đôi mắt mầu xanh nước biển trong suốt rất lạ. Cô giáo của cô, một phụ nữ bị mất một chân vì đạp phải mìn, cho biết cô bé tới trại sau hai tuần cùng người bà và mấy người anh em vượt núi phủ đầy tuyết tại biên giới tới Pakistan sau khi cha mẹ bị máy bay Nga Sô dội bom chết. McCurry xin phép chụp hình cô bé và hoàn tất trong vòng có vài phút.

“Cô Bé A Phú Hãn”, người mà nhiếp ảnh gia Steve McCurry của tạp chí National Geographic đã mất 17 năm để tìm ra tông tích. Hình bên trái, chụp năm 1984, cô bé Sharbat Gula lúc 12 tuổi, sau khi cha mẹ bị chết trong một trận dội bom của quân Nga Sô, cô cùng người bà và mấy người anh em đi bộ suốt hai tuần vượt biên giới giữa mùa đông tới lánh nạn tại trại tị nạn Nasir Bagh trong lãnh thổ của Pakistan. Hình bên phải là chị Gula ở tuổi khoảng 30, đã có chồng và ba con gái, chụp vào năm 2002. Cả hai hình cùng do nhiếp ảnh gia Steve McCurry chụp, đánh dấu hai lần duy nhất trong đời chị được chụp hình. (Ảnh Nat Geo)
Một trong những tấm hình chụp cận ảnh cô bé trong tấm khăn mầu đỏ quấn hững hờ trên đầu viền quanh khuôn mặt nhếch nhác với đôi mắt mầu lục nước biển trong suốt nhìn thẳng vào ống kính đã được Nat Geo chọn dùng làm bìa cho số báo ra tháng 6 năm 1985 để nói lên thảm cảnh dân tị nạn ở biên giới Afghanistan và Pakistan.
Bức chân dung của Cô Bé A Phú Hãn không tên với cái nhìn như xoáy vào lòng người đã trở thành biểu tượng của vấn đề dân tị nạn khắp thế giới, kể cả vấn nạn thuyền nhân Việt đang ở vào cao điểm vào giữa thập niên 1980 bấy giờ. Cái nhìn khiến có người ví với cái nhìn bí ẩn mê hoặc, ai-muốn-giải-thích-sao-cũng-được, của Mona Lisa trong bức tranh nổi tiếng La Joconde của danh họa Leonardo da Vinci.
Nhiều độc giả đã gọi điện thoại hay viết thư tới Nat Geo hỏi thăm về cô bé. Có người muốn biết cái gì đã xảy ra cho cô bé; có người muốn biết làm thế nào để gửi tiền giúp cô bé; có người muốn nhận cô bé làm con nuôi; lại có vài thanh niên muốn tìm ra tông tích của cô bé và nói sẵn sàng kết hôn với cô nữa. Những câu hỏi, cũng như ánh mắt nhìn như xoáy vào lòng người của Cô Bé A Phú Hãn khiến McCurry cảm thấy một thôi thúc phải đi tìm cho ra tông tích của cô bé mà khi chụp, McCurry không ngờ là bức hình có một sức mạnh khiến ai nhìn cũng cảm thấy như bị thu hút vào chiều sâu trong suốt vô đáy ấy.

Sharbat Gula chụp với cuốn tạp chí Nat Geo số ra tháng 6 năm 1985 có in hình của chị khi mới 12 tuổi. Suốt 17 năm bức hình đã trở thành nổi tiếng khắp nơi, và là biểu tượng của những người tị nạn trên thế giới; song chính chị không hề hay biết gì đến sự hiện diện của nó, cũng như không biết rằng Steve McCurry, tác giả của bức hình, đã cất công truy tìm tung tích chị trong suốt thời gian đó. (Ảnh Steve McCurry) Bên mặt, hình bìa của số Nat Geo tháng 4 năm 2002 trong có đăng bài về việc Steve McCurry cuối cùng đã tìm ra chủ nhân của hình ảnh Cô Bé A Phú Hãn sau 17 năm. (Ảnh Nat Geo)
Suốt thập niên 1990 A Phú Hãn, sau khi thoát khỏi cuộc chiến với quân đội Nga Sô, rơi vào sự cai trị hà khắc của chính phủ Hồi giáo cực đoan Taliban. McCurry đã có những nỗ lực tìm kiếm tông tích của Cô Bé A Phú Hãn song không thành công vì Afghanistan đóng cửa biên giới không cho báo chí Tây phương lai vãng.
McCurry cho biết tuy thế, “không một tuần nào qua đi mà chúng tôi lại không nhận được nhiều câu hỏi về Cô Bé A Phú Hãn đã ra sao, còn sống hay đã chết, và nếu còn sống thì ra sao.”
Sau khi chính quyền Taliban bị quân Hoa Kỳ và đồng minh đánh đổ sau vụ khủng bố 9/11 năm 2001 của quân al-Qadea mà Taliban dung dưỡng tại Afghanistan cùng với chùm khủng bố Osama bin Laden, vào đầu năm 2002, khi nghe tin Pakistan sắp sửa đóng cửa trại tị nạn Nasir Bagh nơi McCurry đã chụp hình Cô Bé A Phú Hãn gần hai chục năm về trước, ông hướng dẫn nhóm làm phim Explorer thuộc Nat Geo lên đường đi tìm cô bé. Qua nhiều ngày thăm dò với một số người còn trong trại, trong đó có cả cô giáo cụt chân đã dạy cô bé dạo nào, cuối cùng McCurry được một người nhận ra cô bé trong hình và giúp phái đoàn tới gặp người anh của cô bé. Người anh, với cặp mắt giống như mầu mắt của cô bé trong hình, cho biết cô em gái đã cùng với chồng con hồi hương từ năm 1992 sau khi quân Nga Sô rút lui. Anh ta tình nguyện về kiếm cô em và đem cô tới gặp McCurry và phái đoàn Nat Geo.
Cuối cùng, McCurry được tái ngộ với Cô Bé A Phú Hãn, có tên là Sharbat Gula, lúc ấy vào khoảng 30 tuổi (bởi chính chị cũng không biết tuổi thực của mình). Mặc dù khi thấy Gula, McCurry nhận ra ngay nhờ cặp mắt không thay đổi bao nhiêu. Dù vậy Nat Geo cũng nhờ chuyên viên nhận diện con ngươi phân tích và so sánh cặp mắt trong tấm hình chụp năm 1984 với bức hình Gula chụp năm 2002, cũng như nhờ FBI làm một cuộc nhận diện khuôn mặt bằng máy vi tính. Cả hai thử nghiệm cùng xác quyết Gula và cô bé trong bức hình 1984 là một.

Trái, hình ảnh mở đầu của phim tài liệu “Search for ‘The Afghan Girl’”. Giữa, bích chương có hình của “Cô Bé A Phú Hãn” trên đường phố. Và phải, nhiếp ảnh gia Steve McCurry đưa hình của Cô bé A Phú Hãn cho dân phố xem, hy vọng họ nhận ra một nét thân quen nào đó. (Ảnh trích phim tài liệu “Search for ‘The Afghan Girl’”)
McCurry đã xin phép chồng của Gula để phỏng vấn chị. Gula cho biết chị còn nhớ rất rõ hôm ở trại tị nạn được McCurry chụp hình vì đấy là lần đầu tiên chị được chụp hình, và nhớ cả cái khăn đỏ nhiều lỗ vì bị bén lửa trong lúc nấu ăn. Lần thứ hai trong đời Gula được chụp hình là khi McCurry muốn có hình của chị để thử nghiệm và so sánh với hình của năm 1984. Là chủ nhân của hình ảnh trong bức hình Cô Bé A Phú Hãn nổi tiếng khắp thế giới, thế nhưng Gula hoàn toàn không hay biết tí gì về việc bức hình của mình đã trở thành nổi tiếng khiến nhiều người muốn biết chị đã ra sao, có còn sống và đời sống như thế nào, cũng như ngỏ ý muốn giúp đỡ, đồng thời đã khiến nhiều người động tâm đóng góp giúp các nạn nhân chiến cuộc không chỉ ở Afghanistan mà còn ở các nơi khác.
Gula cho biết chị không có gì phàn nàn về đời sống dưới chế độ của Taliban, vì ít ra không còn chiến tranh. Đối với chị, cái áo burka phủ từ đầu tới chân mà người phụ nữ phải mặc dưới chế độ Taliban thực ra đã giúp “che chở” chị khỏi nhiều phiền toái. Chị ước ao các con gái của chị có dịp đi học để có một cái nghề cho đời sống khá hơn là đời chị. Chị cũng ngỏ ý mong muốn các nhà từ tâm trên thế giới giúp đỡ dân tộc chị xây dựng lại đời sống sau các tai ương chiến tranh.
Cuộc tìm kiếm Cô Bé A Phú Hãn đã được nhóm thực hiện phim Explorer thuộc Nat Geo Society làm thành phim tài liệu phát hành năm 2003, với tựa đề “The Search for the ‘Afghan Girl’,” (Cuộc truy tìm Cô Bé Afghan) dài 53 phút, hiện có thể xem trên YouTube (*). Và Nat Geo đã đăng tải câu chuyện liên hệ trong số báo ra tháng 4 năm 2002. Sau khi phim phổ biến, gia đình Gula đã phải thay đổi chỗ ở. Theo yêu cầu của gia đình Gula, nơi ở của họ được giấu kín vì họ muốn sống một cuộc sống bình thường.
Để ghi nhớ Gula, National Geographic đã thành lập một ngân quỹ gọi là Afghan Girls’ Fund, với mục đích giúp học bổng cho các bé gái có cơ hội học hành. Đến năm 2008 thì tổ chức này đổi thành Afghan Children’s Fund để giúp cả các em trai có phương tiện theo đuổi việc học vấn.

Một phụ nữ, ngồi bên phải trong hình bên trái, mang những nét giống Cô Bé A Phú Hãn, song sau khi thử nghiệm bằng phương pháp nhận diện bằng con ngươi (iris recognition) thì không phải. Nhóm thực hiện phim cuối cùng gặp được người anh của Cô Bé A Phú Hãn, đứng ở hậu cảnh trong hình giữa, và được phép chụp hình Sharbat Gula. Họ cẩn thận nhờ một bác sĩ mắt ở địa phương so sánh cặp mắt của Cô Bé A Phú Hãn trong hình bìa Nat Geo với cặp mắt của Gula, hình bên phải. Vị bác sĩ cho biết hai cặp mắt ấy là có nhiều điểm tương đồng và ông tin chắc là thuộc về một người. (Ảnh trích phim tài liệu “Search for ‘The Afghan Girl’”)
Bên dưới là vài hình ảnh trích trong phim tài liệu “Search for ‘The Afghan Girl’,” tức “Cuộc Truy Tìm ‘Cô Bé A Phú Hãn’,” của chương trình truyền hình Explorer thuộc Nat Geo, do Lawrence Cumbo thực hiện (*):
Chuyện trò với phóng viên Kara Cutruzzula của Newsweek hồi tháng 8 năm nay nhân dịp ông cho xuất bản cuốn sách thứ 11, “Steve McCurry: Untold – The Stories Behind the Photographs,” khi được hỏi về bức hình “Cô Bé A Phú Hãn” đã được Nat Geo đưa lên bìa và từ đó trở thành nổi tiếng và là biểu tượng của dân tị nạn khắp nơi, McCurry, năm nay 63 tuổi, cho biết ông không hề nghĩ về các tác phẩm nhiếp ảnh của mình trong khuôn khổ bìa báo.
“Tôi thường kiếm tìm những hình ảnh có thể nói lên được một câu chuyện về người trong hình ở một chỗ nào đó và vào một thời điểm nào đó,” McCurry, người đã từng được nhiều giải thưởng nhiếp ảnh sáng giá, đặc biệt là Mề Đay Vàng Robert Capa, McCurry cho biết nếu có dịp chụp hình “Cô Bé A Phú Hãn” lại thì ông cũng sẽ chụp. Tuy nhiên, theo ông nên để cho chị Gula và gia đình sống trong sự an bình như họ mong muốn. Được biết lâu nay Nat Geo và McCurry vẫn tiếp tục trợ giúp gia đình Gula.
Nhân kỷ niệm sinh nhật thứ 125 năm của National Geographic, số tháng 10 năm nay, 2013, mang chủ đề “The Photo Issue,” một lần nữa, bức hình Cô Bé A Phú Hãn với cái nhìn như xoáy vào lòng người, lại được sử dụng làm bìa. Và người đọc không thể không dừng lại một chút lâu hơn nhìn vào đôi mắt trong suốt thăm thẳm…

Tuy vậy, để cho thật chính xác, nhóm thực hiện phim gửi các hình ảnh liên hệ về Hoa Kỳ để nhờ chuyên viên kiểm chứng lại bằng cả hai phương pháp nhận diện bằng con ngươi và phương pháp nhận diện bằng nét mặt, hình bên trái. Cuộc kiểm chứng cho thấy người phụ nữ có tên Sharbat Gula cũng chính là cô bé trong hình bìa của số báo Nat Geo tháng 6 năm 1984. Giữa, gia đình Sharbat Gula trước ống kính của Steve McCurry, người đã bỏ ra 17 năm đi tìm tông tích của Cô Bé A Phú Hãn. Chị Gula, phải, ngỏ ý là gia đình của chị xin Nat Geo giữ kín tông tích của họ vì họ muốn sống một đời sống bình thường trong vô danh. (Ảnh trích phim tài liệu “Search for ‘The Afghan Girl’”)
Chủ đề về nhiếp ảnh của số Nat Geo tháng 10 này nhằm nói về sức mạnh của những bức ảnh đã đưa đến những thay đổi quan trọng, như việc một số quốc gia đã cấm buôn bán vây cá mập vốn được coi như món ăn ngon và bổ sau khi những bức hình cá mập mắc lưới vùng vẫy trong Vịnh California thuộc Mexico được Nat Geo phổ biến trong bài nói về hàng năm cả 40 triệu cá mập bị lưới bắt chỉ để cho con người cắt lấy vây cá nấu súp. Hoặc việc một số quốc gia đã đặt ra hệ thống chỉ mua bán đá và quý kim có chứng nhận của giới chức địa phương là đã không do trẻ em bị cưỡng bách vào làm trong các hầm mỏ ở Congo sau loạt hình ảnh lam lũ của các em này được Nat Geo phổ biến; hoặc cuộc điều tra của các phóng viên Nat Geo về việc loài voi và tê giác đã bị giết lần và đang đi tới chỗ tuyệt chủng chỉ để cho con người cắt lấy sừng về chế các đồ trang trí bằng ngà hoặc mài ra thuốc uống vì tin sẽ bổ dương, vv. đã và đang tạo nên một phong trào tẩy chay những món đồ bằng ngà voi trong khi các chính phủ địa phương nơi các loài vật này sinh sống thắt chặt thêm vòng đai bảo vệ môi sinh của chúng.
Và đặc biệt khoảng một thập niên trở lại đây, theo Nat Geo, nhiếp ảnh gia James Balog đã, để chứng minh là hiện tượng băng rã có thật, mà hậu quả là nước biển ngày một dâng cao đang đe dọa nhiều quốc gia hải đảo và các thành phố đông dân cư, như Manhattan, Miami, London, và cả Sàigòn, khởi xướng một chương trình thống kê hiện tượng băng rã mà ông gọi là “The Extreme Ice Survey” (Cuộc thống kê băng đá tột cùng) bằng cách dùng kỹ thuật nhiếp ảnh time-lapse để thu cảnh từng tảng băng rã tại các băng hà (glacier) ở Alaska, Greenland, Iceland, trên rặng Alps và Rocky Mountains, và trong tương lai cả ở Nam Mỹ và Nam Cực nữa. “Những bức ảnh này cho thấy các băng hà đang rơi rụng và tan rã nhanh hơn là ta đã tưởng,” Balog nói.
“Hình ảnh là một bằng chứng mạnh mẽ. Nó là một chứng cớ khiến không ai có thể chối cãi được,” nhiếp ảnh gia Brian Skerry, người đã lập hồ sơ về kỹ nghệ buôn bán vây cá mập bất hợp pháp, cho biết.
(*) Phim tài liệu “The Search for the ‘Afghan Girl’,” hiện có trên You Tube, tại http://www.youtube.com/watch?v=kQyTgIWQbiU&list=PL6839B65DB79FF302&index=1