Menu Close

Bông hoa của đất

Thị trấn Gruene nhỏ xíu giữa xa lộ I-35 từ thành phố Marcos và San Antonio rẽ vào đường làng FM 306 độ mươi dặm. Ngôi làng này cũng giống những ngôi làng khác nếu không có “Ngày hội đất sét” hằng năm. Chúng tôi đến trễ ngày hội cuối Tháng Mười, do tình cờ thấy biển quảng bá còn giăng bên vệ đường. Muộn nhưng vui vì còn biết được vài ba lò sành nhỏ bé đỏ lửa đón chào du khách vãng lai đi qua thị trấn.

alt

Đất sét Gruene không tốt, thế nhưng nơi đây khi xưa từng là một làng nghề làm ra bông hoa của đất.

Gruene mang vẻ trầm tư của một làng gốm dưới bàn tay tài hoa của người nghệ sĩ. Mỗi con đường, mỗi lò nung là một hình ảnh bình dị lưu giữ cả một câu chuyện dài về đất trong cái hồn của cuộc sống hiện đại.

Ngày hội dường như còn tưng bừng trên đường vào thị trấn Gruene với từng cụm hoa cỏ vàng nở rộ trên những vạt đất nâu. Nhìn cảnh hoang sơ dễ khiến tâm hồn nhớ về vùng quê hẻo lánh của làng gốm Chăm Phan Rang quê nhà. Có khác chăng vùng đất bạt ngàn này vẫn còn nứt nẻ dưới sức nóng mùa hè chưa kịp liền lạc sau vài trận mưa thu. Tôi dừng xe. Bước ra hít thở khí trời, cúi người xuống bóc một cục đất, bóp mạnh cho nó vỡ ra. Tự dưng trong đầu hiện ra câu đố dân gian: “Đục rồi cất, cất rồi đục”. Cứ tưởng thai đố hỏi nghề nghiệp chi, hóa ra nói láy. Nhưng đúng thật “cục đất” ở Gruene không quan hệ đến nghề thợ mộc mà lại liên quan đến nghề gốm sứ. Tuy rằng đất sét Gruene không phải tốt lắm có thể làm ra những sản phẩm gốm cao cấp. Ấy vậy nơi đây khi xưa từng là một làng gốm nổi tiếng miền Nam Texas.

alt

Nghệ nhân say sưa nặn cốt tượng.

Khi nghe tôi hỏi chuyện gốm đẹp là do nguyên liệu, do thổ nhưỡng mà thành. Ông chủ lò người gốc Mexico chỉ cười: “Có những đất nước không hề có nguyên liệu làm gốm, thổ nhưỡng xấu nhưng vẫn nổi tiếng về gốm. Vậy thì chỉ có thể nói rằng: điều kỳ diệu nhất là đôi bàn tay của con người mà thôi!”. Ông nói tiếp: Nhiều người hết lời khẳng định gốm của mình là đẹp nhất hoặc ra sức “đắp” thêm cho gốm những công dụng tuyệt vời nhằm mục đích thương mại. Còn tôi, là người thợ, người làm ra gốm, tôi không nói được những điều ấy. Tôi chỉ có thể cảm được nét đẹp của xương gốm, men gốm và hoa văn trên đó.

Chúng tôi cũng là người mê gốm. Người Việt mình có câu “Nhất sứ Giang Tây Trung Quốc, nhất gốm Chu Đậu Việt Nam”. Nhưng theo tôi, đó chỉ là đánh giá của một thời kỳ nhất định. Hiện nay, Việt Nam hay bất kỳ ở đâu trên thế giới có nhiều nơi làm gốm rất đẹp, khó có thể đánh giá nơi nào là nhất!”. Tuy nhiên, “gốm Gruene” (tôi tạm định danh, chứ người dân làng Gruene không cho là vậy) bởi làng nghề xưa đã đi vào dĩ vãng, không còn là vùng đất sản xuất gốm bán đi khắp nơi hay thậm chí bước ra quốc tế. Các lò gốm làm ra sản phẩm chỉ phục vụ đời sống địa phương bằng nguyên liệu có sẵn và không chế biến theo mục đích thương mại cao cấp.

alt

Đồ gốm Raku ở Gruene khác về kiểu dáng lẫn màu sắc.

Tiếc là cuộc sống hiện đại đã thay đổi tất cả. Những lò gốm nung củi ngày xưa không còn. Những lò gốm quy mô hiện đại bằng khí đốt cũng chẳng thể xuất hiện khi thị trấn Gruene nhỏ bé ngày nay không còn là một làng nghề truyền thống chuyên sản xuất gốm nữa. Chỉ còn những hình ảnh trưng bày ở khu nhà Gruene History District. Nhìn những bức hình làng xưa với mái nhà xưởng hoen úa đưa ta hoài niệm về cuộc sống xa xưa. Bóng dáng của gốm tràn ngập khắp nơi. Từ những dãy chum vại, bình nước chén bát gốm đỏ, gốm màu xếp dọc bên tường rào. Tất cả tạo nên một không gian tiếc nuối.

Thật may, những nghệ nhân làm gốm đời sau đã tiếp tục gìn giữ làng nghề nâng lên ở tầm công nghệ mới. Họ làm lại những lò nung khí đốt nho nhỏ biến những thớ đất vô tri thành những bông hoa của đất. Họ thỏa sức sáng tạo trên mỗi sản phẩm với sắc thái riêng và trao đổi nghề nghiệp với bất kỳ ai yêu thích, muốn tìm tòi học hỏi về gốm. Tôi gặp một vị khách tên Browning cũng là chủ lò gốm nghiệp dư lặn lội từ Oklahoma đến để xem phương thức hình thành gốm Raku. Và tôi chợt hiểu ra vì sao người làm gốm ở Gruene không nhận cái tên gốm sứ do địa phương mình sản xuất thành một trường phái riêng cho mình.

alt

Một trong bộ sưu tập gốm Raku của họa sĩ Người Mỹ gốc Việt Khưu Đức.

Gốm Raku ở Gruene

Mặc dầu ra đời từ Nhật Bản rất lâu nhưng gốm Raku đến Mỹ chỉ mới đây thôi, vào khoảng bảy mươi năm trước thông qua Bernard Leach một họa sĩ làm gốm người Anh. Cuốn sách “Book of Potter” xuất bản bằng tiếng Anh vào năm 1940 đã giới thiệu gốm Raku ra toàn thế giới. Từ đó những lớp nghệ nhân gốm Raku nổi tiếng của Mỹ ra đời và phát triển qua từng giai đoạn. Hal Riegger, Paul Soldner, Rick Hick, Jean Griffith thường tổ chức những bữa tiệc Raku từ truyền thống nặn đất bằng tay đến sự cách tân sử dụng bàn xoay cho hình dáng cân đối một cách hoàn hảo. Ngay cả những nghệ nhân Nhật Bản cũng quan tâm đến sự cách tân kỹ thuật mới và nung nóng trong lò khí đốt làm chín sành có ưu điểm hơn cách truyền thống nung bằng củi lửa.

alt

Một trưng bày gốm dân dụng hình tượng các vị Tổng Thống Bush và Obama.

Ông Browning ngạc nhiên khi nghe tôi nói về Khuu Tai Duc một họa sĩ làm gốm Raku hiếm hoi người Mỹ gốc Việt ở Virginia. Ông từng xem triển lãm Raku của Khưu Đức ở Washington và rất thích phong cách tạo dáng đậm chất Á Đông. Tôi may mắn quen biết họa sĩ Khưu Đức từ nhiều năm trước khi anh trở về Sài Gòn sáng tác gốm Raku dưới sự tài trợ nghiên cứu của trường Đại học Mỹ thuật Virginia. Và sau này tôi có dịp nhiều lần đến phòng trưng bày gốm Raku của anh ở quận Gò Vấp. Cái lò nung bằng khí đốt của anh to hơn thùng nước lèo bán phở cho ra từng sản phẩm Raku sáng tạo một cách rất nghệ thuật. Anh có phòng trưng bày không chỉ ở Mỹ mà cả Canada và Pháp.

Chúng tôi ghé một lò gốm Raku xem qua cho biết. Hầu hết phương tiện làm việc của nghệ sĩ gốm Raku ở Gruene không khác là mấy. Vẫn cái lò nung đốt gas nho nhỏ, cái bàn xoay và những thớ đất sàng lọc mịn màng. Chủ lò cho biết: “Mỗi một họa sĩ là một nghệ nhân gốm sáng tác tác phẩm của mình tùy theo cảm hứng. Nhưng nói chung chúng tôi chú trọng mẫu mã phương Tây hơn Á Đông. Men màu nhạt tông hơn để tạo riêng một kiểu thức mới về Raku. Raku nghệ thuật độc bản, không thể dùng củi (Mộc) để nung chín. Làm thế vừa tốn kém vừa ô nhiễm môi trường”.

Người ta nói, gốm Raku là sự kết hợp hài hòa Ngũ hành (Mộc, Hỏa, Thổ, Kim, Thủy) trong quy trình làm ra tác phẩm, kể cả màu men phải hội đủ chàm, đỏ, nâu, vàng và xanh theo nguyên tắc Ngũ hành. Vì thế nhìn những sản phẩm bình dĩa Raku của các nghệ nhân Gruene chỉ có hai ba màu lạnh, tôi thấy không hạp nhãn cho lắm. Có lẽ tôi quen nhìn những tác phẩm Raku một cách nghệ thuật hơn và màu sắc hơn. Ông Browning đồng ý với tôi như vậy.

Chúng tôi lại ghé tiếp qua một lò gốm đất dân dụng. Trong ngôi nhà ngập tràn hơi thở của gốm, người nghệ nhân cặm cụi đắp cốt tượng. Anh ta say mê thổi hồn vào đất cho dù một số khách yêu gốm cũng ghé vào xem và muốn mua một vài sản phẩm ưng ý.  Khách có yêu cầu được tự tay vọc đất xoay bàn thì cứ tự nhiên thử tài sáng tác. Nhìn những người thợ thủ công thoăn thoắt vuốt nặn gốm bên bàn xoay một cách say sưa, tôi chợt hiểu tình yêu tha thiết với gốm đã thổi vào tâm hồn mỗi một người nghệ sĩ làm ra bông hoa của đất.

alt

Khách vãng lai ghé xem một lò gốm ở Gruene.

TN