Menu Close

Ông cha xứ và bữa cơm rau của những người mù

“Thóc ở đâu bồ câu về đó.” là câu Linh mục Đa Minh Nguyễn Thanh Liêm thường nói với những người thân quen khi họ hỏi về những công tác từ thiện do ông thực hiện trong Giáo xứ Đức Hoà, nơi ông làm Linh mục chánh sở.

Lần đầu gặp ông, tôi không ngờ ông trẻ vậy, như một anh thanh niên vừa trưởng thành, ông chạy chiếc xe Cub 50 cà tàng, vượt cả 40 km, từ Long An về nhà thờ Thanh Đa làm lễ cưới cho Phương, em trai tôi. Ông và Phương là bạn học thời phổ thông. Tháo cái túi xách ra khỏi yên xe, anh thanh niên giản dị đi vào phía sau nhà thờ, một lát sau trở ra trong áo lễ trang trọng, thành vị Linh mục oai nghiêm, chủ trì buổi lễ hôn phối với bài giảng thật hay.

alt

Cha Liêm, “Cẩn thận kẻo kẹt tay nha anh!”

Tôi thầm mến phục tinh thần dấn thân, khả năng làm việc và tấm lòng bác ái của vị Linh mục trẻ này. Cha Liêm sanh năm 1974, thụ phong năm 2004. Mấy năm trước, ông trông coi một giáo xứ nhỏ cũng ở Long An. Năm 2011, Đức Cha Phaolo đã bổ nhiệm Đaminh Nguyễn Thanh Liêm làm Cha sở Giáo xứ Đức Hoà.

Giáo xứ thành lập năm 1925, do thầy Vincentê Nguyễn Văn Hanh, là một tu sĩ trường La San Huế, khi Thầy về quê nhà tại Đức Hòa đã mở điểm truyền giáo, nay thuộc Giáo xứ Đức Hòa. Thầy đưa 1 số giáo dân người Huế vào miền Nam lập nghiệp, đời sống gia đình làm nghề chằm nón và làm rẫy. Hiện nay, Giáo xứ nằm trên địa bàn khá rộng gồm 3 xã và thị trấn Đức Hòa, có 912 giáo dân, 268 gia đình Công giáo.

Cha Liêm với gia đình chúng tôi là chỗ thân thiết, thỉnh thoảng ông rủ tôi xuống nhà thờ chơi. Từ Sài Gòn, ra Phú Lâm, rồi theo Tỉnh lộ 10 chạy miết, sẽ thấy nhà thờ Đức Hoà nằm bên tay phải. Dân vùng này tuy không đói ăn nhưng còn nghèo, tiền làm ra ít, sinh sống khó khăn (nói cho cùng, nơi nào ở Việt Nam mà không nghèo cơ chứ! Sau bề mặt hào nhoáng thì ngay các thành phố lớn cũng nham nhuốc theo kiểu thành phố.)

Năm 2008, Cha Liêm đã giới thiệu với ABAMAE (một nhóm thiện nguyện trẻ, xem website: abamae.org) về hoàn cảnh của ông Võ Thành Trang; ông là một thương phế binh VNCH bị mù mắt trước năm 1975, hai vợ chồng kiếm sống bằng cách đi đàn ca mướn cho các đám tang đám cưới. Rồi bà Trang qua đời, ông lại đột quỵ, liệt nửa người bên trái. Chúng tôi và Cha Liêm, cùng sự giúp đỡ của những người hảo tâm là độc giả của báo Trẻ, đã xây tặng ông Trang một ngôi nhà tươm tất, và tặng ông 3 sổ tiết kiệm để lấy tiền lãi hằng tháng sống qua ngày.

alt

Mời Cha ăn bữa cơm rau!”

Năm 2010, Cha Liêm cùng chúng tôi quyên góp quà cùng các suất học bổng cho khoảng 100 học sinh nghèo trong vùng, và thành lập thư viện TERESSA NGUYEN THI HOAN để các em vui chơi, đọc sách.

Lần này, Cha Liêm đưa chúng tôi đến thăm vài gia đình tiêu biểu trong số mấy chục gia đình thuộc hội người mù mà ông đang tận tình giúp đỡ. Theo Cha Liêm, những người mù trong vùng này khá đông, họ sống rải rác, nhiều phần sinh sống bằng nghề bán vé số và ăn xin. Nhiều người hằng ngày phải đi xe buýt về Sài Gòn để hành nghề, vì “… Ở đây ai cũng xơ xác như nhau thì có bán buôn, xin xỏ chi được!”, Hùng – một ông mù – nói với tôi như vậy. Ngoài sự vất vả, mỗi ngày phải đi bộ cả 20 km bất kể nắng mưa, thì đối với người mù việc bán vé số còn nguy hiểm hơn người sáng mắt do thường bị kẻ xấu giật tiền, giật vé số, hay gạt trả bằng tiền giả, và phải “ôm sô” số vé bán không hết trước giờ xổ. Chị Nuôi – người đang rửa rau trong hình – rưng rưng nói rằng, “Tui bị giật miết, hết vốn, còn mang nợ bạc triệu mà không cách gì trả nổi!”. Người mù còn có một nghề khá phổ biến là làm mát-xa (massage), nhưng chỉ hành nghề được ở thành phố, do không có khách hàng ở vùng quê.

Chính quyền địa phương chỉ có thể cấp cho mỗi người mù trong vùng 240.000 / tháng, rồi thôi, họ phải tự lực cánh sinh. Tuy nhiên, có nhiều người không được nhận số trợ cấp này vì họ không có giấy tờ chứng minh hoàn cảnh do ở vùng hẻo lánh xa xôi, thủ tục hành chánh rất nhiêu khê. Thấy vậy, Cha Liêm liên lạc và đề nghị họ thành lập Hội Người Mù với mục đích tương trợ lẫn nhau để mưu sinh, bất kể thuộc tôn giáo, hay xuất thân như thế nào. Trong hội không chỉ toàn người mù, mà còn có những người tàn tật khác nữa, có cả vài người là thương phế binh. Ông vận động những người hảo tâm tài trợ tiền, mọi thứ vật dụng cũ, áo quần cũ… rồi phân phát cho ai trong hội đang cần. Họ không tụ lại một chỗ, nhiều người ở tận trong vùng sâu, không giữ được liên lạc thường xuyên, nhưng vẫn được Cha Liêm giúp như những người khác. Họ gặp nhau hàng tháng để sinh hoạt, gặp gỡ các người giúp đỡ, và nhận gạo do Cha Liêm chia. Ông cố gắng giúp cho mỗi người 10kg gạo/tháng, với những người gặp tình huống ngặt nghèo bất ngờ như bệnh hoạn hay cần tiền cho con đóng học phí… thì ông giúp trực tiếp theo từng hoàn cảnh. Biết được điều này, dần dà nhiều người mù ở các nơi xa như Tây Ninh, Miền Đông tìm về tham gia vào hội và nhờ giúp đỡ.

Hiện nay Cha Liêm cùng vài người trong hội đang thử nghiệm sản xuất thảm bằng nguyên liệu là vải vụn. Họ xin và mua rẻ vải vụn ở các cơ sở may mặc trong vùng, dự tính với năng suất của mỗi người là 8 tấm/ngày, mỗi tấm có giá khoảng 15 ngàn đồng, bán ở các nhà thờ hay chợ, hoặc nhờ các anh em trong hội người mù bán hộ. Tôi thấy trước mắt quá nhiều khó khăn, nhưng họ rất tha thiết tin tưởng và cố gắng.

Chúng tôi theo Cha Liêm ghé thăm ba gia đình trong hội. Tình cảnh của họ đều đáng thương; tương lai của họ tăm tối đã đành, tương lai của con của họ, thế hệ tiếp theo, cũng không có chút ánh sáng nếu không cải thiện được hoàn cảnh hiện tại. Cha Liêm nói, “Mình không thể giúp họ mãi bằng cách cho cơm, mà phải tìm cho họ cái cần câu – cái phương cách để họ tự kiếm sống về sau.”

alt

Mày mò chế tạo khung dệt thảm

Chúng tôi đưa thông tin này với mong ước được quan tâm và chia sẻ. Quý độc giả có thể chia sẻ bằng hiện kim, vật dụng cũ, và cả những phát kiến tuyệt vời để giúp những anh em bất hạnh của chúng ta cái cần câu, theo địa chỉ liên lạc trực tiếp sau đây:

Linh mục Đa Minh Nguyễn Thanh Liêm

Quỹ Hội Người Mù Nhà thờ Đức Hoà, ấp Bình Tả 1, xã Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa, Long An.

Số điện thoại: (+84)97.674.1819
ACCOUNT NAME: NGUYEN THANH LIEM
ACCOUNT NUMBER: 063 100 041 2322
VIETCOMBANK LONG AN, VIETNAM

ND