Menu Close

Các cụ bà vẫn sống vui vẻ trong cấm địa Chernobyl

Cuối tháng 10 vừa rồi chương trình TED Talks (*) có một bài nói chuyện ngắn chưa tới 10 phút song có một sức lôi cuốn mãnh liệt và khá cảm động của nhà làm phim tài liệu Holly Morris về một cộng đồng khoảng 200 bà già (**) sống trong vùng Chernobyl thuộc Cộng hoà Ukraine, nơi 27 năm về trước, khi quốc gia này còn nằm trong khối cộng sản Liên Bang Sô Viết,  xảy ra vụ nổ lò nguyên tử lực lớn nhất thế giới, thả vào không gian số lượng chất phóng xạ nhiều gấp 400 lần lượng phóng xạ gây ra bởi quả bom nguyên tử thả xuống Hiroshima vào năm 1945.

alt

Nhà làm phim Holly Morris tại khu vực cấm Chernobyl, với hậu cảnh là lò nguyên tử bị nổ nay bỏ hoang, để thực hiện phóng sự nhân dịp kỷ niệm 25 năm ngày xảy ra nhân tai nổ lò nguyên tử Chernobyl vào ngày 26 tháng 4 năm 1986 đã làm rúng động thế giới, đặc biệt Âu châu vốn nằm trong vùng ảnh hưởng phóng xạ. (Ảnh thebabushkasofchernobyl.com)

Cách đây ba năm Holly Morris đến vùng Chernobyl để làm phóng sự nhân kỷ niệm 25 năm nhân tai nổ lò (reactor) số 4 của Trung tâm Nguyên tử lực Chernobyl vào ngày 26 tháng 4 năm 1986, tiếp theo là một đám cháy kéo dài tới 11 ngày cuối cùng được dập tắt do đấy đã không lan sang ba lò còn lại mà tai hại cho cả Âu châu và thế giới sẽ không thể lường được. Biến cố kinh hoàng này đã biến nguyên thành phố Pripyat với dân cư 49,360 người và chỉ cách lò số 4 có 3 km thành một thành phố ma. Số người chết trực tiếp vì phóng xạ ước tính khỏang 4,000, nhưng có cơ quan cho là cả hàng nhiều chục ngàn. Đấy là chưa kể di hại về lâu về dài, đặc biệt là chứng ung thư giáp tuyến (thyroid). Số người phải di tản sau khi lò nguyên tử nổ lên tới từ trên 100,000 tới trên 300,000. Chính quyền cộng sản Liên Bang Sô Viết hồi đó đã thiết lập một vùng “cấm địa” có tên gọi là “The Chernobyl Nuclear Power Plant Zone of Alienation” có đường kính là 30 km. Muốn đến vùng này phải có giấy phép của giới hữu trách. Kể từ năm 2011, chính quyền Ukraine (độc lập từ sau khi Liên Bang Sô Viết tan rã vào năm 1991) đã chính thức cho phép du khách tới viếng khu vực này, qua các hãng du lịch trong các tua có người hướng dẫn.

alt

Trong lúc đang thu hình cách lò số 4 khoảng 300 feet (91 mét) và chiếc máy đo phóng xạ cầm tay của chị kêu tít tít rối rít, Holly bồn chồn tính thu hình mau mau cho xong đặng chuồn cho lẹ, thì chị chợt nhìn ra xa và thấy một làn khói bốc lên từ một ngôi nhà thuộc một trang trại. Holly tự hỏi ai lại sinh sống ở nơi này như vậy khi mà đất đai, nước nôi và không khí trong vùng thuộc loại bị nhiễm chất phóng xạ nặng nhất trên trái đất, và lò nguyên tử nằm trong vùng cấm địa bị kiểm soát gắt gao nhất bởi cảnh sát nguyên tử lực và lính gác biên giới ở khắp nơi. Mỗi người được phép vào đây phải đem theo một cái máy đo phóng xạ cầm tay và người của nhà nước đi kèm với đủ các thứ luật lệ. Tóm lại, Holly nói, “không một ai được sống gần vùng của tử thần này hết. Vậy mà họ đang sống ở đây đấy.”

alt

Holly kể lại với khán giả TED Talks cuộc gặp gỡ với cộng đồng gồm khoảng 200 cụ bà babushkas sinh sống trong vùng nhiễm xạ Chernobyl mặc dù bị ngăn cấm, bởi vì đó là nơi quê cha đất tổ của họ. (Ảnh Trùng Dương)

“Họ” đây là một cộng đồng khoảng 200 bà lão, tuổi từ 70 tới ngoài 80. Họ nằm trong số trên dưới 1,000 người đã lẻn trốn về đây sống từ nhiều năm qua, và là những người cuối cùng còn lại nhất định chống bị cưỡng buộc rời khỏi vùng cấm địa, để được sống những ngày cuối cùng nơi quê hương, bất chấp tất cả, như một bà lão đã bảo một người lính khi anh ta buộc bà phải di tản lần thứ hai: “Cứ bắn tôi đi rồi đào hố chôn. Bằng không, tôi về nhà tôi.”

Họ ở rải rác tại vài ngôi làng còn lại chưa bị san bằng bao quanh trung tâm nguyên tử lực nay hoang phế, cây cỏ dại mọc tràn lan, cũng vậy là các loài thú hoang như chó sói, heo rừng. Toàn thể vùng im lắng một cách ma quái, đồng thời đẹp một cách dị kỳ, và hoàn toàn ô nhiễm. Có làng chỉ có vài ba bà, có làng có sáu, bảy bà, và họ dựa vào nhau sinh sống. Cũng có một số ông già cũng hồi cư, nhưng họ yểu thọ hơn các bà và đã qua đời. Người ta gọi mấy bà là “babushka”, tiếng Nga và Ukraine có nghĩa là bà nội hay ngoại. Holly dùng cụm từ “biệt lập một mình với nhau” – “isolated alone together” – để tả tình trạng của các bà.

 “Khi tôi tiến về nơi có đám khói vươn lên từ một ống lò sưởi, tôi gặp bà cụ Hanna Zavorotnya, và tiến tới hỏi chuyện,” chị Holly kể. “Bà cụ này tự phong mình là thị trưởng của làng Kapavati, dân số tám người cả thảy”. Khi tôi hỏi về tình trạng nhiễm phóng xạ, bà bảo tôi, ‘Phóng xạ không làm tôi bận tâm. Nhưng đói thì có.’”

alt

Trái, khu Cấm Địa (Exclusion Zone) rộng khoảng 1,600 dặm vuông gồm những phần đất bị nhiễm xạ nhiều hay ít. Từ năm 2011,chính quyền Ukraine cho phép du khách vào viếng vùng bị phóng xạ nhẹ bên ngoài vòng tròn đường kính 6 miles bao quanh lò số 4 nằm giữa vòng tròn nhỏ màu xanh rêu. Tạp chí Wired, tác giả của hình trên, cảnh báo du khách không nên píc-níc tại trung tâm của vòng tròn màu rêu. Phải, lò nguyên tử số 4 (giữa) sau nhân tai nổ lò nguyên tử. Tòa nhà chứa các ống turbine nằm ở góc dưới bên trái, và lò số 3 nằm giữa phía bên phải. (Ảnh Wikipedia )

“Các bà cụ này là những người đã từng kinh qua những bất hạnh lớn nhất của thế kỷ thứ 20 – nào là nạn đói kinh hoàng vào thập niên 1930 dưới thời Stalin đã giết hại hàng triệu người Ukraine, rồi cuộc xâm lăng của quân Đức quốc xã vào thập niêm 1940 đã đốt phá, hãm hiếp và một số trong các bà cụ này đã từng bị bắt đem về Đức và bị cưỡng bách lao động,” Holly kể trước một số khán giả say sưa theo dõi câu chuyện của chị.“Do đấy khi sau khoảng hai thập niên dưới chế độ Nga Sô, vụ Chernobyl xảy ra, và họ không còn thấy muốn di tản trước một kẻ thù vô hình [chất phóng xạ]. Họ đã hồi cư, đã bị cảnh báo là họ sẽ bị đau và rồi chết. Thế nhưng họ lý luận là thà sống năm năm sung sướng còn hơn là bị kẹt 10 năm ở trong một cao ốc ngoại ô thành phố Kiev [nơi chính quyền định cư các nạn nhân vụ nổ lò nguyên tử], cách biệt với mồ mả của mẹ cha, con cái, và tiếng vỗ cánh như thì thầm vào một buổi trưa mùa xuân của loài cò (stork). Với họ, môi trường nhiễm phóng xạ có thể không phải là một tai ương gì ghê gớm…”

Và các mẹ babushkas đã sống những ngày vui vẻ bên nhau vào tuổi xế chiều. Họ tự tay trồng trọt, chia sẻ với nhau những thu hoạch tự vùng đất đai nhiễm xạ, giúp nhau mổ heo gà họ nuôi, kéo nước từ giếng lên (vì không có nước máy), chia nhau những gì họ có, những câu chuyện giễu, những tràng cười từ những chiếc miệng móm mém. Cũng như cây cỏ và các thú hoang trong vùng nay không còn con người săn đuổi ngăn cản, và chúng mặc sức phát triển và bành trướng. Các cụ bà babushkas cũng vậy, và có thể nói họ là những người tự do nhất trên đời nhờ đã chẳng còn biết sợ hãi gì nữa. “Vùng đất chết lại hoá ra là đầy sự sống,” Holly nói.

alt

Một đàn ngựa xổng khỏi chuồng nơi chúng bị giam giữ và chạy vào vùng cấm địa Chernobyl, tại đây chúng sinh sôi nẩy nở ngày một nhiều.

Là một người đã từng dọn nhà cả mấy chục lần, ý niệm về quê cha đất tổ là một ý niệm xa lạ, Holly tâm sự. Chị nói là chị cảm thấy liên hệ sâu xa với cái laptop của chị hơn là với một nắm đất nào đó, khiến một số người trong khán giả, kể cả tôi, không khỏi bật cười.
“Thế nhưng ý niệm quê hương chính là vũ trụ của các bà cụ quê mùa này, và mối gắn bó với đất đai là điều hầu như có thể sờ thấy được,” Holly nói. “Và có lẽ vì các cụ bà Ukraine này được nuôi dưỡng trong chế độ Sô Viết và thấm nhuần thơ phú của Nga, những câu châm ngôn — như ‘Nếu bạn bỏ ra đi, bạn sẽ chết’, hoặc ‘Những người lưu vong là những người không may. Họ sẽ chết vì phiền muộn’, hoặc ‘Quê mẹ là quê mẹ. Ta sẽ không bao giờ bỏ đi’ – là những câu nói đầu môi chót lưỡi của các cụ.”

Điều mà thoạt tưởng là niềm tin, một cách để giúp nâng đỡ tinh thần trước nghịch cảnh, hoá ra lại có vẻ trở thành dữ kiện. Holly cho biết tuy chưa có một nghiên cứu chính thức nào song dựa vào một số quan sát thì các bà cụ hồi cư sống trên mảnh đất quê hương dù là bị ô nhiễm xem ra lại có vẻ sống lâu hơn, có khi cả chục tuổi, so với một số người đồng lứa định cư tại những cao ốc ở ngoại ô Kiev từ sau tai nạn lò nguyên tử nổ.

“Sao lại như thế được?” Holly đặt câu hỏi, và tự trả lời, “Đây là giả thuyết: Có thể nào những ràng buộc với quê hương phản ảnh qua những câu châm ngôn của họ đã ảnh hưởng tới tuổi thọ? Sức mạnh của quê mẹ quan trọng tới độ đã giúp xoa dịu họ. Quê hương và cộng đồng là những động lực mạnh ngang với phóng xạ.”

“Phóng xạ hay không, các cụ bà này đang ở chặng cuối của đời mình. Trong chục năm tới loài người trong vùng cấm địa sẽ không còn và vùng đất này sẽ trở về với hoang dã, đầy chất độc, chỉ còn thú hoang sinh sôi nẩy nở và thỉnh thoảng là các nhà khoa học liều lĩnh và lạc lõng,” nhà thực hiện “The Babushkas of Chernobyl” kết thúc bài nói chuyện. “Thế nhưng tinh thần và sự hiện hữu của các cụ bà babushkas – đã hao mòn hết một nửa kể từ ngày tôi quen biết họ — sẽ để lại trong chúng ta những khuôn mẫu để suy ngẫm, về sự tương đối của hiểm nguy, về sự gắn bó muôn hình dạng đối với quê hương, và về sức mạnh của sự tự làm chủ lấy đời mình.”

Ảnh Trùng Dương, chụp từ “trailer” phim tài liệu “The Babushkas of Chernobyl” do Holly Morris thực hiện. Những phụ đề Anh ngữ là các lời phát biểu của các cụ bà babushkas.

alt

 “Một số hồi cư như những kẻ nổi loạn. Họ đào đất bên dưới hàng rào và lẻn vào bằng cách đó.”

alt

“Các ông sếp Chernobyl không thích tụi tôi sống ở đây.”

alt

“Suốt 27 năm qua họ nói hoài là sẽ đuổi tụi tôi đi.”

alt

“Tôi sẽ không đi đâu hết dù có ai gí súng vào đầu.”

alt

“Sự sống không bao giờ ngưng lại ở đây cả, thiên nhiên cứ thế chiếm lãnh.”

alt

“Khắp khu này là của già này đấy!”

alt

“Tụi tôi đâu có chất phóng xạ trong người!”

TD – 11/2013