Trong cuộc sống, đôi khi chúng ta, có lẽ vì không để ý, đã không phân biệt rõ giữa trả công và trả ơn. Thậm chí có khi trả công sòng phẳng rồi… vẫn mang ơn. Thí dụ như bị một căn bệnh hiểm nghèo mà được bác sĩ chữa lành, không phải trả tiền hết là… xong! Điều đó dễ thấy. Có những trường hợp khó thấy hơn, như đi ăn tiệm chẳng hạn. Thông thường khi thanh toán tiền ăn, chúng ta trả thêm tiền cho người phục vụ. Tiền này trên danh nghĩa là trả công người ấy đã phục vụ cho bữa ăn chúng ta được ngon miệng hơn. Tuy nhiên, khách hàng không phải trả thêm số tiền này nếu, vì bất cứ lý do gì, họ không muốn. Thành ra, nói chính xác đấy là tiền trả ơn vì được phục vụ (tốt). Dĩ nhiên, có những sự phục vụ làm bữa ăn kém ngon hơn. Những trường hợp như vậy mà khách vẫn trả tiền thêm thì chính người phục vụ phải mang ơn khách của mình khi nhận số tiền ấy. Những sự biết ơn ấy, tuy nhỏ, nhưng nếu ai cũng quan tâm thì cuộc đời này sẽ đẹp thêm. Chứ không xấu đi như mới xảy ra ở nhà hàng Gallop Asian Bistro tại thành phố Bridgewater ở tiểu bang New Jersey.
Cô Dayna Morales là một tiếp viên tại nhà hàng này. Hôm đó có một cặp vợ chồng với hai đứa con đến ăn. Khi cô đến tự giới thiệu mình sẽ phục vụ bữa ăn tối cho họ, người vợ có vẻ sửng sốt nhìn mái tóc cắt rất ngắn của cô mà nói: “Ô, tôi tưởng cô sẽ giới thiệu tên mình là Dan chớ!” Dan là tên dành cho đàn ông. Ăn xong, họ không cho một đồng tiền tip nào mà còn viết thêm mấy chữ trên hóa đơn tính tiền: “Tôi tiếc là không thể cho cô tiền tip vì tôi không đồng ý với lối sống và cách sống của cô.” Hàm ý của người khách này là vì họ thấy cô Dayna là dân đồng tính và cố ý biểu lộ lối sống đồng tính nên không muốn cho tiền tip.
Cô Dayna Morales
Tờ receipt
Ngay sau đó Dayna chụp hình tờ hóa đơn với hàng chữ ấy của khách rồi về nhà đăng lại trên mạng với lời nhận xét: “Tôi thiệt là bực mình và đau buồn thấy mấy đứa con của bả bị nuôi dạy kiểu đó và tôi từng đi lính Thủy Quân Lục Chiến để giữ gìn tự do cho hạng người ngu xuẩn như vậy. Xin lỗi bà chớ tôi cũng không đồng ý với lối sống cũng như cách dạy con của bà, và bà đã không thấy tôi đã chửi thẳng vào mặt bà như thế khi tôi phục vụ bữa ăn cho gia đình bà như… cứt. Xin bà câm cái họng bà lại mà cầu nguyện từ rày về sau tôi và bà không bao giờ có cơ hội gặp lại nữa.”
Giá như sau câu nói của bà khách, cô Dayna vẫn phục vụ tận tình gia đình của bà thì sự việc có thể sẽ khác. Bà sẽ hối hận vì lời nói vô duyên của mình. Có lẽ một phần cũng vì thái độ hằn học muốn trả đũa của Dayna nên bà khách muốn… chơi cho lại gan. Nói như Đức Phật là lấy oán báo oán thì oán oán chất chồng, lấy ân báo oán thì oán oán tiêu tan. Dĩ nhiên, dân Mỹ mấy ai mà biết Phật là ai, nói chi chuyện Phật dạy thế này thế kia. Tuy nhiên, đa số người Mỹ đều biết đến câu nói của Đức Chúa Jesus khi bị treo trên thánh giá: “Xin Cha tha cho họ vì họ không ý thức được việc mình đang làm!” Cho dù, theo quan niệm của mình, đồng tính luyến ái là trái với đạo lý, nhưng nếu nhớ đến câu nói ấy của Chúa Jesus thì bà khách không thể thốt ra lời lẽ ấy với cô Dayna. Về phần mình, cô Dayna cũng không lấy thế mà bực tức với bà khách vì bà không ý thức được lời nói và thái độ ấy của bà. Suy cho cùng, cả hai đều không có lòng nhân ái mà Chúa Jesus mong muốn ở nhân loại. Đấy là lòng thương yêu và tha thứ cho dù bị người khác làm gì mình đi nữa. Chúa Jesus đã làm nhiều chuyện thể hiện tình thương của Ngài đối với con người. Tuy nhiên, chính câu nói ấy của Ngài trên thánh giá đã toát lên tình nhân ái bao la nhất. Người phàm trong cảnh ngộ như thế khó có thể nghĩ ra mà nói được một câu như vậy.
Có lẽ, sự nhân ái là cách thể hiện ở mức cao nhất của lòng biết ơn đối với Thượng Đế, với Trời Đất đã tạo ra con người chúng ta.
HNH – chuyenkhongdau@gmail.com