Menu Close

Tưởng chồng xa hóa ra chồng gần – Kỳ 1

Đổi họ

Một số bạn bè thân cũng như sơ phản ứng khá quyết liệt khi tôi đi lấy chồng. Người thì… giận mà không nói gì. Những người bạn chí thân thì hụt hẫng ra mặt. Họ chẳng hiểu tại sao tôi lại chọn một tấm chồng xa (tuy sau khi cưới thì anh trở thành ‘chồng gần’ vì ‘theo nàng về quê’) với một cái họ quá khác. Đã vậy, anh còn nhất quyết đòi ghép họ với tôi, nên cái họ kép của tôi bây giờ lại có thêm chiếc cầu liên văn hóa, gắn vào một cái họ rất dễ tan (Glassey có nghĩa là tảng băng) trong văn hóa nhiệt đới Việt Nam. Có lẽ vì vậy nên anh đã ‘tan’ khi gặp tôi chăng? Một người bạn rất thân hỏi thách tôi:

– Chỉ đổi họ thôi à? Sao không đổi tên luôn đi!

Thực ra, tôi chẳng bao giờ nghĩ đến chuyện thay họ đổi tên ngoài lần tôi kết hợp họ Mẹ với họ Ba khi nhập tịch Hoa Kỳ. Tôi ghép họ, để tỏ lòng biết ơn Mẹ tôi đã lo lắng cho gia đình trong suốt thời gian Ba tôi ở tù cải tạo và đi vượt biển, cho mười chín năm mẹ một mình nuôi năm đứa con dại. Sau khi ghép họ, tôi tâm đắc là họ của tôi có đến hai cái họ phổ biến nhất của người Việt. Chắc tôi sẽ không cần phải đổi họ nữa. Cái xác suất người yêu tương lai của tôi mang một trong hai họ này rất cao. Ngay cả những người không phải là người Việt cũng nói: mở Phonebook ra, là thấy họ Trần với họ Nguyễn làm vua hai cõi. Một lần đổi họ, là thay đổi cả cuộc đời – từ mặt pháp lý cho đến mặt tâm lý. Có họ của Mẹ trong tên mình, tôi hạnh phúc lắm, nhưng cũng khá vất vả đi đến hàng chục cơ quan văn phòng hành chánh để làm giấy tờ đổi họ, từ nhà băng cho đến trường học, từ sở di trú cho đến sở lưu thông.

Khi đổi họ lần đầu, tôi cũng gây thắc mắc cho nhiều người. Tôi ghép họ Trần với họ Nguyễn, viết hai họ dính vào nhau, nhập hai chữ N làm một. Chữ cuối của họ Ba là chữ đầu của họ Mẹ – vậy thì Ba Mẹ nên một trong chữ ‘N’ đó cũng tốt mà. Khi tôi đi làm giấy tờ đổi họ tại Sở Di Trú, cô tiếp viên người Mễ Tây Cơ trợn mắt ngó tôi, rồi phán:

– Cái họ này đâu phải Việt Nam!

Tôi tỉnh bơ. Họ của tôi, việc gì đến cô ấy? Tôi đã suy nghĩ nhiều ngày mới quyết định dứt khoát cách viết họ đôi của mình. Tôi đã quyết, và tôi là người duy nhất có quyền quyết định trong việc này. Có nhiều người Việt… sốt sắng thêm vào một chữ ‘N,’ cũng có lúc làm tôi bất bình. Nhưng có lẽ ai nấy đã quen cách viết tiếng Việt. Đối với tôi, cái họ kép này là nhân diện Việt Mỹ của tôi, nên nó không cần phải thuần Việt và cũng không thể thuần Việt được. Sau này, tôi hay đùa khi có người định thêm mắm giặm muối vào cái họ của tôi:

– Chớ có chen thêm chữ ‘N’ vô giữa nghe! Bị khẻ tay đó!

alt

Chú rể Thụy Sĩ mang sính lễ hỏi cưới cô dâu Việt Nam

Giơ cao đánh khẽ. Tôi dọa thế, nhưng có bao giờ khẻ tay ai đâu. Rồi dần dà, nhiều người Việt cũng quen với cách viết họ của tôi, không thắc mắc nữa. Dĩ nhiên những ai không phải là người Việt thì chấp nhận họ kép của tôi một cách bình thản. Cho đến khi tôi đổi họ lần thứ hai. Họ của tôi bây giờ trải từ đỉnh núi Alps, xuyên Đại Tây Dương, lướt qua Mỹ Quốc, vượt Thái Bình Dương, và chạm vào lòng đất đồng bằng sông Cửu Long. Tôi trêu chồng, bảo là vì anh, tôi đã ‘bơi ngược’ mười hai mẫu tự từ T đến G để gặp anh.

Sau khi tôi mới đổi họ lần đầu, tôi được mời nói chuyện về kinh nghiệm của một nữ sinh cao học gốc thiểu số trong Ngày Phụ Nữ tại Viện đại học Fullerton năm 2002. Tôi nói về cái họ mới của mình, và nhiều người trong khán giả đã chúc mừng tôi sau buổi nói chuyện. Có người còn nói nên có một truyền thống như vậy, để con cái được thừa hưởng cả họ cha lẫn họ mẹ. Thật ra, sau một thế hệ, thì đã bắt đầu có sự khó khăn khi con cái lập gia đình. Lúc ấy, có đến bốn họ để ghép, vậy thì ghép thế nào cho cân đây?
Nói đúng ra, thì tôi đã muốn đổi họ từ khi ra trường cử nhân, để làm món quà tinh thần cho Mẹ, nhưng khi tôi lên văn phòng để nộp giấy ra trường và yêu cầu họ Mẹ được ghi trên văn bằng, thư ký văn phòng đã từ chối:

– Cô phải có giấy đổi họ hợp pháp thì mới được. Chúng tôi không thể cấp bằng và ghi họ khác với họ trên giấy tờ của cô.

Tôi buồn bã ra về. Ước nguyện duy nhất của tôi trong ngày tốt nghiệp cử nhân cũng không thành. Trên tấm bằng, chỉ ghi cái họ Trần đơn độc. Khi tôi nhập tịch, luật sư giám định hỏi:

– Cô có thay đổi họ tên gì không?

– Dạ có.

– Đọc tên mới đi.

– Trangđài Trầnguyễn.

– Sao giống tên cũ vậy?

– Dạ, tên thì giống, nhưng họ thì khác, thưa ông.

Tôi hí hửng ra về. Mẹ đang ở trong bếp. Tôi đến bên Mẹ:

– Bây giờ, không chỉ người ta sẽ khổ sở khi đọc tên con, mà họ cũng sẽ khổ sở khi đọc họ của con nữa đó Mẹ.

– Sao vậy?

– Tại vì là họ Trầnguyễn. Dài hơn, rắc rối hơn.

Mẹ dừng tay, quay lại hỏi tôi:

– Con có mắc mớ gì với họ Nguyễn đâu!

Định chế vợ theo họ chồng, con theo họ cha đã làm Mẹ tôi quen với sự thật là chúng tôi mang họ cha. Như thể đó là một định luật bất biến. Mẹ không nghĩ đến việc con gái lại muốn mang họ của mình. Vâng, tôi đèo bòng quá.

– Mẹ không biết à? Mẹ của con họ Nguyễn đó!

Mẹ ngẩn người. Mẹ không nói gì. Tôi chỉ mong điều tôi làm sẽ mang đến cho Mẹ một niềm vui. Cái họ ghép của tôi là một tuyên ngôn về công lao của Mẹ và lòng biết ơn của tôi. Tôi viết thư cho Ông Ngoại, báo với Ông rằng kể từ lúc đó, tôi cũng mang họ của Ông nữa. Đúng ra thì cả Ông Bà Ngoại đều mang họ Nguyễn, nên nếu tôi muốn tính luôn họ Bà Ngoại, thì chắc cũng không ai hẹp hòi gì mà cản. Sau khi thay đổi tất cả các giấy tờ, tôi về nhà, chọc Mẹ:

– Con trả hiếu cho Mẹ xong rồi đó nghe! Đổi họ cũng nhiêu khê quá đi!

Lại chuyện đổi họ

Tôi cảm ơn chồng tôi đã đi ngược lại với văn hóa của anh để tuyên bố tình yêu anh dành cho tôi một cách thiết thực. Chuyện chúng tôi ghép họ chắc cũng khiến họ hàng bên chồng ngạc nhiên lắm. Có lẽ vì họ thương anh và tôn trọng tình yêu của chúng tôi, nên không ai phản đối. Tôi không biết anh có bị giằng co nhiều khi quyết định đổi họ không, vì khi thay họ đổi tên, một cách nào đó, anh đã nhích một bước ra khỏi dòng tộc vốn hằng trăm năm nay theo chế độ phụ hệ. Tôi yêu cầu để họ của anh trước. Anh hân hoan, khi gặp bạn bè người Việt của tôi, đều khoe là mình là người Việt, vì anh có đến hai họ Việt Nam trong tên của mình.

Anh làm cho tôi vui và cảm động. Ngay sau ngày cưới, tuy chúng tôi còn chờ giấy tờ để chính thức ghép họ, cả hai chúng tôi đã bắt đầu dùng họ mới. Một nhân diện mới cho một quãng đời mới. Thói thường, một người thiếu nữ khi xuất giá thì mất họ. Tôi thì chẳng những giữ họ mình, mà còn được thêm họ của chồng. Nhưng cái gì cũng có cái giá của nó. Họ kép đôi hay kép ba thì… hơi mất thời gian để viết và để đọc. Nhưng giống như những phần thân thể không thể thiếu của nhân diện văn hóa và bản sắc cá nhân, tôi (và có lẽ chồng tôi cũng thế) sẽ không thể nào nghĩ đến việc chiết bỏ một phần của cái họ ba này.

Khi nhận lời quen anh, tôi cũng đoán trước những phản ứng từ bạn bè về mối tình dị chủng này. Ở thế kỷ 21 của một thế giới toàn cầu hóa, hôn nhân dị chủng đã từ lâu không còn là chuyện mới. Trong trường hợp của tôi, vì tôi sinh hoạt văn hóa nhiều năm, có nhiều bạn thân coi tôi như một phần ‘vốn liếng’ văn hóa của họ. Tôi cũng có nghĩ đến việc một số bạn bè sẽ không vui khi được tin tôi lấy chồng dị tộc. Nhưng tôi không thể quyết định chuyện hôn nhân của mình theo ý thích của bạn bè được. Hơn một năm sau ngày cưới, có nhiều người bạn vẫn hỏi tôi:

– Sao lại lấy chồng ngoại quốc? Thiệt tình là không hiểu á!

Ngay từ đầu, tôi đã đoán trước sự tình, nên dặn anh là nếu bạn bè có quan tâm đặc biệt đến tôi, thì anh nên hiểu là vì họ quý những công việc tâm huyết của tôi. Sau khi gửi thiệp cưới đi, tôi nhận được nhiều điện thư và điện thoại từ bạn bè, chất vấn tôi về… lý lịch của vị hôn phu. Có một người bạn, tuy nói chuyện qua điện thoại, nhưng tôi có thể hình dung khuôn mặt của anh bừng đỏ và nổi gân:

– Sao em dấn thân cho văn hóa Việt Nam, hoạt động trong cộng đồng Việt Nam, yêu mến văn hóa Việt Nam, tự hào là người Việt Nam, đi dạy Việt ngữ mười mấy năm nay, mà em lại đi lấy người ngoại quốc?

Bạn tôi còn nói nhiều lắm, và tôi điềm tĩnh lắng nghe. Tuy những điều anh bạn nói cũng làm cho tôi bất bình và đau lòng, nhưng tôi hiểu vì sao bạn tôi lại phản ứng như vậy. Sau khi anh đã ‘trút bầu tâm sự,’ tôi nhẹ nhàng đáp:

Anh khờ quá! Vì em yêu văn hóa và tiếng Việt, cho nên em mới thu nhận một học trò dài hạn. Anh không thấy sao: bây giờ có thêm một người yêu tiếng Việt và thưởng thức văn hóa Việt Nam cả đời.

alt

Mối tình sinh viên