Menu Close

Rập khuôn

Trời đang vào Hạ, nên mới 4 giờ, đã sáng trắng, chim chóc bay chuyền hót vang từ sân trước đến sân sau. Có muốn ngủ nướng cũng khó, vì con chim Kookaburra tỉnh ngủ hơn ai hết, hót vang trong sương sớm, có lúc tôi tưởng nó đang đậu ngay cửa sổ và chõ mỏ vào phòng gọi tôi dậy.  

Vạn vật đã thức giấc, bình minh như muốn ló dạng bên bờ rừng đối diện.

Tôi mở cửa sổ, làn gió mát rượi ùa vào phòng, ngoài đường đã có xe chạy ngang.

Con Kookaburra đậu trên cành Phượng cao bên hàng xóm, bỗng ra sức hót dồn dập, và lạ thay không gian như hốt hoảng, sáng nhanh hơn, chỉ một loáng, mặt trời đã đỏ ửng, vội vã đậu lơ lửng trên ngọn cây.

Tôi ra phòng bếp  đặt ấm nước, sau đó kéo màn cửa để đón nắng sớm vào nhà, và quét nhà phủi bụi bàn ghế. Đây là những việc chúng tôi được mẹ dạy từ lúc còn bé. Đến khi lớn, có nhà riêng, chúng tôi vẫn cứ làm như thế.  Đôi lúc tôi thử  quét nhà sau bữa cơm tối, vì nghĩ sau bữa cơm, thức ăn có thể bị vương vãi xuống sàn nhà gỗ, quét ngay như thế thì tốt hơn. Nhưng chỉ vài lần, tôi lại theo thói quen, quét nhà vào buổi sáng. Tôi cảm nhận được việc quét dọn nhà mỗi sáng sớm, căn nhà sạch sẽ hơn, quang đãng hơn và chính mình cũng sẽ có một ngày mới tươi tắn, đầy đặn hơn.

Hôm nay, tôi vừa dọn dẹp xong nhà cửa, ông cụ tôi đã dậy tập thể dục, ông cụ bảo:

– Gớm cái con Kookaburra mới sáng sớm mà nó đã quang quác quang quác!

Tôi cười bảo:

– Vâng, con đang ngủ, cũng giật mình dậy vì nó đấy. Nó hót mà cứ như tiếng người cười khanh khách.

Ông cụ vui giọng:

– Ngày xưa ở Việt Nam có con quạ, nhất là ở miền quê của những năm thanh bình ngắn ngủi, chúng nó bay từng đàn cũng quang quác quang quáng nghe vui tai lắm. Sau này chiến tranh bom đạn, chim chóc quạ quiếc chẳng còn con nào.

– Con thấy bên này có con Magpie cũng giống loài quạ, nhưng chúng nó dữ dằn quá, ai vô tình đi dưới tàn cây “giang sơn” của chúng nó, là bị tấn công đến nơi đến chốn. Con thích Kookaburra, nó ồn ào nhưng vui và hiền lành.

Bố tôi ừ à, và chăm chú với phép tập Dịch Cân Kinh. Tôi nhớ hồi còn mẹ tôi, ông bà cụ thỉnh thoảng ngừng ăn cơm một tuần, chỉ ăn trái cây, uống nước thật nhiều và tập Dịch Cân Kinh.

Hồi đó, tôi chỉ nghe mẹ tôi giảng giải đơn giản là cách tập rất dễ dàng chỉ cần đứng tấn hai chân xuống sàn nhà, đóng hậu môn, thở đều, và khởi động nhẹ nhàng hai tay đưa ra trước, ra sau, một lúc, tay sẽ tự đung đưa như quả lắc đồng hồ.

Ông cụ tôi bị gai cột sống cổ đè vào dây thần kinh, chỉ giơ tay lên cũng đau nhức, thế mà cụ tập Dịch Cân Kinh, đau nhức biến đi lúc nào không biết, chụp phim cũng chẳng còn thấy gai đốt sống cổ. Vì thế cha tôi tin môn tập này lắm.

Tập xong, bố tôi lại nói tiếp câu chuyện:

– Người ta nói đất lành chim đậu cũng đúng. Cái xứ Úc này họ hiền lành, nhân ái không những với con người, mà còn với cả chim chóc súc vật. Hôm nọ bố đọc bản tin: có một người lấy ná bắn con chim chích, nó bị thương rớt xuống đất, người đi đường dừng lại nhặt con chim lên, phản đối kẻ bắn ná, và đưa anh chàng này ra tòa về tội hành hạ và có ý giết hại chim muông.

Tôi nói:

– Vâng, càng được tự do, con người càng có cơ hội đóng góp, nâng cao đời sống, tâm hồn càng thanh thản, nên càng nhân ái.

Bố tôi gật đâu, nhưng nhớ một chuyện khác:

– Ừ, vùng nhà mình chắc cũng sắp đến lúc thành phố họ thu dọn những đồ vật phế bỏ rồi đấy. Nhưng trước đó, họ phát cho từng nhà một bao nylon to, để đựng quần áo vật dụng còn tốt, nhưng không dùng nữa, để sung vào các hội từ thiện như  St. Vincent De Paul. Sau đó, họ mới tới chở những thứ được người ta bỏ ra đường như máy móc giường tủ.

– Con nhớ hồi tụi con mới tới, một hôm hình như gần Noel, tự nhiên cứ thấy từng nhà họ lôi đủ thứ từ bàn ghế giường tủ, quạt máy… ra đường. Một lát, lại có vài người đến lấy vài món, con hỏi thăm, mới biết đây là đồ người ta vất đi, không dùng. Và ban vệ sinh thành phố sẽ đến chở đi. Thế là con đi một vòng các đường khác, nhặt được cái bàn học, ba cái ghế dựa còn rất tốt, cái quạt máy, hình như có cái ghế salon nữa. Con dùng cũng mấy năm mới hư.

Bây giờ thì đến phiên mình bỏ đồ đạc đi. Con thấy nhà mình có nhiều thứ lắm, mà chẳng xài, chắc phải dọn dẹp một lần.  

Bố tôi giơ hai tay lên trời lắc đầu:

– Nhiều lắm, nhiều lắm, không thể nào dọn được con ơi. Nhà mình giống như cái kho chứa đủ thứ, từ quần áo, đồ đạc mới cũ, cả chục thùng ở dưới nhà. Sở dĩ bố nói không dọn được là vì nó khổ thế này này…

Ông cụ ngừng nói, kéo ghế ngồi rồi chậm rãi từng tiếng:

– Nó khổ là mình không… dám vất bất kỳ một thứ gì!. Con xem mấy cái túi giấy đựng hộp bánh Trung Thu, túi giấy quần áo cứng cáp, còn mới nguyên. Như người ta, nếu muốn giữ lại, thì cũng vài cái khi cần thôi, còn thì vất hết vào thùng recycle cho nó khoẻ. Nhưng bố lại tích tụ hết năm này sang năm nọ. Bố xếp tất cả các bao để ở góc nhà kia kìa. Ở dưới garage nữa, mấy thùng quần áo cũ, từ mấy năm nay vẫn còn nguyên đấy.

Tôi cười phá lên khi nghe cha tôi kể, tôi hả hê nói:

– Con cũng vậy, con nghĩ chắc kiếp trước con làm nghề bán ve chai, vì cứ thích tích trữ tất cả chai lọ các loại, hộp lớn hộp nhỏ, bao lớn bao nhỏ. Ngay cả những đôi giày cũ, mòn đế, sứt gót, con cũng không vất. Con định hôm nào phải can đảm vất bớt.

Nhưng những thùng áo quần cũ, của bố, nếu không mặc được, bố đem cho St Vincent De Paul, chứ bố cất làm gì ạ?

Bố tôi cười nửa miệng:

– Những cái gì mà nhà mình đã không dùng được thì còn cho ai hở con? Áo thì sờn vai, đứt cúc, quần thì mòn cả túi sau, nói chung là mặc không được nữa, nhưng lại không dám vất đi. Hôm nọ bố soạn ra vài cái để lau nhà, lau xe, cầm lên cầm xuống lại cất vào thùng. Chán thế! Nó cứ tiêng tiếc thế nào!

Hai cha con tôi tiếp tục cười vui vì bản tính kỳ cục của mình.

Bố tôi lại tiếp:

– Con biết không, năm ngoái cái máy in của bố bị hư, không biết hư cái gì, nhưng in không được, giấy không chạy. Thế là phải mua máy mới, máy cũ đem xuống kho. Hôm thành phố thông báo sẽ lấy rác, bố quyết định dọn kho vất hết những bàn ghế cũ, gãy chân, long ốc, cả cái máy in đem để ngoài đường.

Buổi chiều bố đi bộ về, ngắm nghía cái máy in, thấy nó còn mới quá, nếu có người biết sửa thì thế nào cũng dùng được, thế là bố lại khệ nệ bưng vào. Khổ thế chứ!

Tôi vừa cười vừa hỏi:

– Cái máy in bây giờ đâu ạ?

– Còn ở dưới kho, nhưng bố đã bọc lại cẩn thận.

Hai cha con lại cười rũ ra.

Bố tôi nói:

– Bố nghĩ bố lây tính của mẹ mày. Ngày xưa bố đâu có tủn mủn tích trữ những thứ ấy.

Bố nhớ ngày ở Hà Nội, sinh viên trường thuốc, oách lắm. Bố với hai người bạn ở chung một nhà trọ. Bên cạnh nhà trọ có gia đình ông giáo, có hai người con gái, hai cô đều xinh. Bố không biết người ta có thích bố không nhưng một hôm, cô chị xách cái cà mèn đựng cháo gà sang và bảo: nghe anh ốm, em nấu cháo gà, anh ăn giải cảm. Bố ngớ ra bảo: Tôi có ốm đau gì đâu. Cô ta tủm tỉm bảo: Không ốm thì thôi, nhưng anh dùng xem em nấu có ngon không?

Tôi nói xen vào:

– Chà, hồi đó mà các bác gái dạn dĩ quá! Hơn cả thời tụi con.

Ông cụ tôi trợn mắt:

– Giời ơi, các cô ấy theo Tây học mà, hơn nữa, tại bố có cái mác là sinh viên trường thuốc, nếu không thì đừng hòng các cô í thí cho cái nhìn.

Tôi lại được một phen cười đau bụng, nhưng vẫn cố hỏi:

– Bố có nhận cháo không ạ?

– Phải nhận, vì lịch sự. Người ta đã đem đến tận nhà như thế, không từ chối được. Nhưng sở dĩ bố kể cho con nghe chuyện này là vì cái cà mèn. Sau khi bố cảm ơn, cô ta để cà mèn cháo trên bàn, bố bảo: Cảm ơn cô, để chiều tôi sẽ gửi lại cô cái cà mèn. Cô ta xua tay: “Ồ không, anh đừng bận tâm, anh cứ giữ lại.” Bố lính quýnh không biết nói gì, vì trả lại cà mèn ngay, thì không biết đựng cháo vào đâu nên bố nín luôn. Nhưng sau khi bố với hai người bạn ăn hết cháo, rửa cà mèn, bố nhất định đem sang trả lại. Vừa ra đến cửa, đã thấy cô ta bước sang với cà mèn khác.

Thế là, thỉnh thoảng cô ta hay nấu thức ăn đem sang. Cà mèn xếp đống, bố cho ông chủ nhà trọ,vì chẳng giữ làm gì. Ngày ấy mà có cái tính chắt chiu như bây giờ, thì chắc phải đóng cái tủ.

Tôi tò mò:

– Thế mối tình cháo gà ra sao ạ?

– Chẳng ra sao cả, vì lúc đó lo học, xanh cả người, léng phéng là rớt ngay. Còn cô ta thấy tốn bát cháo gà, mấy khoanh giò, rồi bánh dày, bánh khúc mà chẳng động tĩnh gì, nên cũng thôi.

Ngừng một lát, bố tôi kể tiếp:

Bố nghĩ ở với nhau lâu năm, sẽ lây tính của nhau, không lây nhiều cũng lây ít. Ngày xưa bố nói ít, mẹ mày nói nhiều, bây giờ bố nói nhiều. Ngày xưa bố không biết làm vườn chăm sóc cây cối, bây giờ bố cứ nhớ mẹ làm thế nào, bố bắt chước in chang là được. Ngày trước bố không thích đi shop, nhưng nay thì đi mãi cũng không chán. À! còn cái mục đi mua hàng sale nữa. Các cửa hàng bán sale tức là nó đánh vào thị hiếu “không mua thì uổng” của một số đông, trong đó có nhà mình.

Bố nhớ con Út nó tính như thế này: cái áo giảm giá $20,  nếu mua hai cái, mình sẽ… lời $40, nếu mua ba cái, mình…lời $60.

Cứ cuối tuần, sau khi đi thăm mộ của mẹ, cả nhà kéo đi shop, mỗi người thế nào cũng phải mua cái gì, nếu không thì… lỗ tiền xăng!

Bố thường kiếm cái áo hay cái quần sale $5 hay $10. Đem về lại cất vào tủ. Cứ thế mà cái tủ đựng quần áo bây giờ chật cứng, có cái chưa mặc lần nào, còn nguyên nhãn hiệu.

Bố nghĩ năm nay phải can đảm lựa đống áo quần mới, xem mặc đưọc cái nào thì mặc, còn bao nhiêu cho Vincent De Paul. Còn mấy thùng đồ cũ thì phải vất đi thôi.

Tôi nói:

– Vất uổng bố, mình làm khăn lau nhà, lau bàn ghế chứ.

Bố tôi lắc đầu:

– Tuỳ con, bố đã cầm lên hạ xuống so đo mãi rồi lại cất đi. Bây giờ bố không đụng đến nữa.

Còn cái máy in nữa, mày làm sao thì làm.

– Dạ, để con xem nó hị hỏng cái gì!

Bố tôi vừa cười vừa chán nản lắc đầu:

– Tưởng năm nay sẽ giải tỏa được cái kho, rốt cuộc… vũ như cẩn! Thôi bố đi bộ đây, con có đi không?

– Dạ không, hôm nay con có tí việc phải làm.

-T hế thì bố đi một mình vậy.

Tiếng chim Kookaburra rộn rã sau vườn, nắng đầu ngày vàng óng ánh, đang bắt đầu rọi vào phòng khách

PDH  – 12/13