Menu Close

Tại sao có Lúc áo quần co rút lại khi giặt?

Có nhiều lý do làm cho áo quần co rút lại, nhưng tất cả đều tùy thuộc vào vật liệu dùng để may mặc. Len chẳng hạn, là thứ lấy từ lông thú vật, mà chung quanh lông có bao phủ một lớp giống như vảy. Khi gặp nước, đám vảy này bắt đầu dựng đứng lên và khi áo len quay tròn trong máy giặt, các sợi dính chặt lại với nhau. Ta thường thấy những sợi dây dài mà xoắn lại với nhau nhiều hơn thì thành ngắn đi. Ở đây cũng vậy. Ngoài len ra, các vật liệu khác cũng co rút nữa.

Trong tiến trình làm ra vải vóc và áo quần, không có yếu tố nào làm chúng co rút lại, và thường lúc nào cũng được kéo dãn ra. Nhưng sức nóng trong máy giặt máy sấy làm cho các sợi len sợi vải di chuyển dễ dàng hơn, và khi chúng chuyển động như vậy dễ làm cho áo quần của bạn thay đổi.

 

alt

 

Tóc thẳng, tóc quăn vì đâu?

Chuyện tóc quăn, tóc thẳng hoàn toàn là do cha mẹ chúng ta, hay nói đúng hơn là do những gene di truyền từ các bậc sinh thành. Tóc quăn có thể là nét di truyền nổi trội. Có nghĩa là nếu một người trong cha mẹ cho bạn gene tóc thẳng, còn người kia cho gene tóc quăn mà gene này mạnh hơn nên thắng thế thì tóc bạn sẽ quăn. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng minh bạch như thế, mà còn tùy thuộc vào loại và cường độ của các gene, nên kết cuộc có thể ở trạng thái lưng chừng, và bạn chỉ có mái tóc hơi gợn sóng. Nét di truyền nổi trội như thế còn thấy nơi màu mắt xanh hoặc nâu, có tàn nhang trên mặt hay không, tóc hoe hay đậm màu.

 

alt

Với khoảng 100 ngàn sợi tóc, đầu chúng ta là một diện tích để tóc tha hồ xuất hiện. Tóc bắt đầu mọc trong các nang tóc (follicle) nằm dưới lớp da đầu. Nang tóc bằng phẳng dẫn đến tình trạng tóc thưa và thường quăn. Nang tóc tròn tạo ra những lọn tóc khó uốn cong, nên duỗi thẳng. Dĩ nhiên, một số người tóc thẳng thì muốn quăn, và ngược lại. Do đó họ tìm cách làm cho tóc quăn hoặc tóc thẳng ra bằng những dụng cụ uốn. Tuy nhiên, cách thức cưỡng lại di truyền này chẳng lâu được là bao, sau ít ngày tóc lại trở về trạng thái tự nhiên.

 

Khi ta giảm cân, chất béo đi về đâu?

Chất béo cần thiết cho cơ thể chúng ta. Nó dự trữ năng lượng, che chở cơ thể chúng ta khỏi những va chạm bên ngoài, ngăn cách cho khỏi bị lạnh, bị nóng quá mức. Đa số các chất béo được nằm trong những mô ở dưới lớp da. Một số chứa trong gan và các bắp thịt. Nam giới và nữ giới có những chỗ chứa mỡ khác nhau: nữ thường chung quanh ngực và hông, còn nam thì chung quanh bụng.

 

alt

Các acid béo là những khối chất lipid. Lipid là những phân tử chất béo được máu đưa luân lưu khắp cơ thể và có nhiều nhiệm vụ. Hầu hết con người chúng ta đều có một số các tế bào béo nhất định, thường không mấy thay đổi. Khi các acid béo được thẩm thấu vào cơ thể, chúng được chuyên chở trong dòng máu dưới tên chylomicrons. Gan là bộ phận chính kiểm soát sự tổng hợp, lưu trữ và phân tách các acid béo.

Khi mực độ đường glucose thấp và cơ thể cần thêm năng lượng, thì chất béo dự trữ được phân tách thành glycerol và các acid béo, tự do luân lưu trong mạch máu và được các tế bào nào cần thì hấp thụ lấy. Tiến trình này gọi là lypolysis, gây cho các tế bào béo co rút lại.

Như thế, các tế bào mỡ thực sự không đi đâu hết mà chỉ trương nở hoặc co rút lại tùy theo tình trạng ăn uống dinh dưỡng và nhu cầu năng lượng của thân thể vào một thời điểm nào đó.

 

Lỡ nuốt bã chewing gum?

Có chuyện kể rằng vì tính chất mềm dẻo, dễ dính và kết cấu giống như cao su (người Việt chúng ta vẫn quen gọi là kẹo cao su) nên chewing gum không tiêu hóa được trong bao tử con người. Trong thực tế, không có bằng chứng nào cho thấy gum dính trong bao tử, không tiêu hóa được. Các nhà khoa học cho biết trong đa số các trường hợp, gum đi qua hệ thống tiêu hóa bình thường như các thức ăn khác, chỉ chậm hơn (khoảng vài giờ).

Sở dĩ chewing gum có tính chất dính và thể dạng như cao su là do thành phần chính của nó, được làm từ chicle là một sản phẩm nhựa dẻo, hoặc polyisobutylene là một thứ cao su nhân tạo. Tuy nhiên, cả hai sản phẩm này không gây hậu quả phụ trên hệ thống tiêu hóa của con người.

 

Tại sao sữa trở thành chua?

Trong sữa có đường lactose. Ngoài ra còn có một loại vi khuẩn không độc hại gọi là lactobacillus, nó dùng lactose để làm năng lượng và tạo ra một thứ phẩm là lactic acid. Đây là thủ phạm làm cho sữa thành chua. Tiệt trùng (pasteurize) sữa sẽ giết các vi khuẩn độc hại và giảm thiểu số lượng lactobacillus để sữa lâu được tới 3 tuần lễ trong tủ lạnh. Lactobacillus là một vi khuẩn rất hữu ích nếu acid nó tạo ra trở thành một chất đạm sữa gọi là casein đông thành cục. Nếu không có tiến trình này,  ta sẽ không có cheese để ăn.

 

alt