Menu Close

Vài kỹ thuật và sản phẩm mới đáng chú ý trong năm 2013

Năm 2013, thế giới chào đón nhiều kỹ thuật và sản phẩm mới. Có những kỹ thuật có thể mang lại thay đổi lớn lao, ảnh hưởng nhiều người; cũng có những sản phẩm lại mang tính thực tế đời thường: giúp tạo ra điện cho những làng mạc hẻo lánh, giúp người khiếm thị nhìn rõ ràng, báo chỗ tìm hành lý trên đường đi xa… Sau đây là vài sáng chế thú vị trong năm qua đã được nhiều khách hàng ưu ái khen tặng.

alt

Tổng Thống Barack Obama thử Soccket Energy Ball ở Tanzania, Phi Châu, có mặt CEO Uncharted Play Jessica Matthews và Tổng Thống Tanzanian. Ảnh White House photo/Pete Souza

1. Tròng mắt nhân tạo

Tháng Hai 2013, cuối cùng thẩm quyền y tế Hoa Kỳ chuẩn thuận hệ thống thị giác nhân tạo mang tên “Argus II Retinal Prosthesis System” mặc dù nó đã được dùng rộng rãi bên Âu Châu từ gần 3 năm qua. Đây là sáng chế của ông Robert Greenberg, người Mỹ, CEO hãng sản xuất y cụ Second Sight Medical Products đặt tại California. Greenberg bỏ ra 20 năm mày mò để đạt đến thành công. Tại Hoa Kỳ, có chừng 100,000 người mắc chứng bịnh gọi là “Retinitis Pigmentosa” (RP) — khi các tế bào nhạy sáng trong tròng mắt bị chết, gây khiếm thị. “Argus II Retinal Prosthesis System” là một kiểu “tế bào điện tử”, cũng nhạy sáng, biết thu nhận hình ảnh. Hệ thống “tròng mắt nhân tạo” gồm có mắt kiếng phía ngoài với camera — có nhiệm vụ thu nhận hình ảnh. Thông tin được đưa về bộ xử lý hình ảnh rồi chuyển về não bộ thông qua các mạch điện tử tinh xảo. Kết quả phục hồi một phần thị giác cho bịnh nhân. Có thể ví “Argus II Retinal Prosthesis System” như âm bản phim của máy quay phim chụp hình — không phải là hình ảnh thật nhưng có thể cho người ta “thấy” ra sự vật. Hiện một ca phẫu thuật gắn hệ thống tròng mắt nhân tạo này khoảng $140,000. Chương trình Medicare đã đồng ý trả, và nhiều nhà bảo hiểm cũng vậy. Đây là một kỹ thuật cao, dựa vào máy tính computer, mà kỹ nghệ máy tính phát triển rất nhanh, nên triển vọng cải thiện của “Argus II Retinal Prosthesis System” rất sáng sủa — tin vui cho nhiều người bị khiếm thị.

 

alt

2. Phụ xế plastic

Với đà tiến triển kỹ thuật, trong một tương lai chưa rõ bao xa, người ta sẽ đi xe tự động lái, trong khi có thể ngồi đọc sách, xem phim, làm việc… Nhưng hiện tại cũng đã có vài kỹ thuật được áp dụng có thể ví như… phụ xế, giúp các bác tài lái xe gần như bán tự động. Một trong các kỹ thuật xuất hiện trong năm 2013 là “Automatic”. Đây là chiếc “hộp” nhỏ nhưng không kém phần… lợi hại. Bạn có thể gắn “Automatic” bên dưới tay lái, nối kết với điện thoại Smartphone bằng Bluetooth. “Hộp Automatic” biết ghi nhớ hành trình, đo đếm khoảng cách và mức xăng cần có, nhớ chỗ bạn thường đậu xe, thậm chí có thể nhận biết nếu khổ chủ bị tai nạn. Dùng hệ thống định vị GPS và  các số điện thoại gài đặt trước, điện thoại Smartphone sẽ tự động gọi cảnh sát và thân nhân của người bị tai nạn. Khi bác tài vượt tốc độ, tăng tốc quá nhanh, hoặc thắng gấp, “Automatic” cũng sẽ… nhắc nhở thông qua chiếc điện thoại. Chiếc hộp này cũng thu thập dữ liệu về chiếc xe và cách lái xe của khổ chủ, chấm điểm tài xế… Kết hợp lại, những kỹ thuật nho nhỏ này có thể thêm tiện lợi cho tài xế, giúp tiết kiệm, và ngay cả an toàn hơn. Có thể đặt mua phụ xế plastic này tại trang https://www.automatic.com/order/ giá $99.95.

3. Đèn tự sáng

Khác “Automatic” đậm nét kỹ thuật cao, nhiều chuyên gia kỹ thuật lại theo đuổi sứ mạng đem những kỹ thuật… sơ đẳng nhất đến với những nơi xa xôi, nghèo khổ. Năm nay, các kỹ sư của hãng Deciwatt bên Anh Quốc chế ra một bóng đèn đơn giản gọi là “GravityLight”, tốn kém khoảng $10, có thể tự thắp sáng mà không cần có điện. Chiếc bóng đèn cũng không cần pin, xăng dầu, hay quay tay để phát sáng. Cách hoạt động của “GravityLight” (nghĩa đen là “đèn trọng lực”) thật đơn giản mà lại hiệu quả: dùng chính sức hút của mặt đất để thắp sáng. Đèn có một sợi dây nối với chiếc túi chứa đầy đất đá hoặc bất cứ vật gì. Túi nặng trì xuống, làm lăn hệ thống bánh răng cưa, kéo chạy một máy phát điện mini bên trong. Nguyên tắc khá giống cách quả lắc chiếc đồng hồ chim “cúc-cu” hoạt động. Mỗi lần có thể thắp sáng bóng đèn LED chừng 30 phút, thậm chí dùng cho radio. Phát minh này tuy có vẻ… thô sơ với xứ văn minh như Hoa Kỳ, nhưng có thể là bứt phá  ý nghĩa cho nhiều phần khác trên thế giới. Một phần ba dân số thế giới ngày nay vẫn sống trong cảnh thiếu điện, nhất là những vùng hạ sa mạc Sahara bên Phi Châu, nhiều nơi chỉ dưới 1/4 dân số có điện. Nhu cầu điện năng thắp sáng là rất lớn, để thay thế đèn dầu nguy hiểm, dễ phát hỏa, thường được sử dụng rộng rãi tại các nước kém phát triển.

4. Banh nảy tạo điện

Một sáng chế kỹ thuật khác của năm 2013 cũng giúp tạo điện năng, góp thêm vào các kỹ thuật xưa nay như thủy điện, nhiệt điện… nhưng cùng có chung với đèn tự sáng “Gravity Light” yếu tố đơn giản đáng ngạc nhiên. “Soccket Energy Ball” hình dạng một trái banh, khác một điều là người chơi có thể tạo ra điện thắp sáng nhà của mình khi bóng chiều buông xuống. Khi trái banh di chuyển tạo ra điện, cứ mỗi 30 phút đá banh có thể thắp sáng một bóng đèn LED trong 3 giờ. Một trái banh nạp điện đầy sẽ thắp sáng bóng đèn 3 ngày đêm liên tiếp cần 16 giờ đá banh. Cũng áp dụng nguyên tắc này, người ta sẽ làm thêm các loại banh khác như banh rổ (basketball), banh chuyền (volleyball), v.v… “Soccket Energy Ball” là sản phẩm của hãng Uncharted Play, do 2 sinh viên Đại Học Harvard University thành lập năm 2008. Đầu năm nay đã tổ chức ra mắt thu hút nhiều chú ý khen ngợi, trong đó có tỉ phú Bill Gates và tài tử Ashton Kutcher. Các nhà sáng chế đã thử nghiệm thành công “Soccket Energy Ball” nhiều nơi trên thế giới. Hiện nay, đã rao bán trái banh này giá $99 tại trang web http://www.unchartedplay.com/new-products/.

5. Máy tạo thiết kế hình nổi 3 chiều

Trong làng kỹ thuật, nhất là tại Hoa Kỳ, mấy năm vừa qua, kỹ thuật in hình nổi 3 chiều “3-D Printing” khá cuốn hút. Sản phẩm mới hấp dẫn nhất năm 2013 trong kỹ nghệ này là MakerBot Digitizer. Đây là một máy “scan” hiện đại, có thể tạo dựng thông tin hình ảnh nổi 3 chiều của các vật có đường kính tối đa 8 inch. Người sử dụng chỉ cần đặt nó lên chiếc đĩa, bấm nút xoay vòng, chỉ trong vòng vài phút “MakerBot Digitizer” dùng 2 tia laser và máy quay phim tạo xong một phiên bản điện tử cho vật đó, sẵn sàng đưa sang máy in 3-D để… in ra bản copy y chang. Máy này rất dễ sử dụng, không cần phải là kỹ sư. Dư luận đánh giá những phát kiến kỹ thuật tương tự như “MakerBot Digitizer” có thể là những bước đầu tiên của cuộc cách mạng kỹ nghệ mới, khi mà bất cứ ai cũng có thể trở thành những nhà sản xuất một cách mau lẹ. Giá bán “MakerBot Digitizer” trên trang web amazon.com là $1,400.

 

alt

6. Cây biết nói

Một trong những sản phẩm được nhận giải phát minh danh giá “CES Award” trong năm 2013 là chiếc que “đo” cây cối mang tên “Parrot Flower Power” của một công ty Pháp Quốc. Không phải chiếc máy tí hon này đo chiều cao hay cân nặng của cây, mà các số liệu về môi trường sống như ánh sáng mặt trời, độ ẩm, nhiệt độ, phân bón, mức pH, v.v… Chiếc que điện tử này có thể dùng trong nhà lẫn ngoài trời (từ -10 °C đến 55° C), không bị thấm nước, tự biết… thăm chừng cây mỗi 15 phút, đo đạc rất chính xác, thu thập thông tin, phân tích, rồi chuyển kết quả vào điện thoại Smartphone của thân chủ. Với “Parrot Flower Power”, cây kiểng hầu như biết… báo động với chủ khi nào nó khát nước, cần thêm phân bón, cần dời ra chỗ có ánh sáng hoặc tránh thời tiết lạnh, v.v… Người ta đã thử nghiệm độ hiệu quả, kết quả rất đáng tin cậy tại hằng chục phòng thí nghiệm của Pháp, Hà Lan, Hoa Kỳ… Giá bán $59.99 có thể đặt mua tại trang www.amazon.com.

7. Ảo thuật gia trong nhà bếp

Xưa nay mỗi đầu bếp khéo léo thường có những mẹo vặt riêng trong nghệ thuật nấu nướng. Một trong những mẹo vặt thường được áp dụng trên thực tế là cách tách lấy lòng đỏ trứng. Có nhiều phương pháp khác nhau, nhưng kết quả thường không đồng đều, được 1 lòng đỏ thì 2 trứng bị bể, rồi phải lau chùi dọn dẹp mỏi tay, v.v… Sản phẩm “Pluck Egg Yolk Extractor” hiệu Quirky sẽ giúp người nấu ăn hút lòng đỏ khỏi lòng trắng một cách dễ dàng, mau lẹ, gọn gàng. Nhiều khách hàng đã thử dùng qua nhận xét đây là dụng cụ không thể thiếu trong các nhà bếp. Giá bán $12.99 tại trang Quirky.com.

8. Chiếc nĩa thông minh

Theo chiều hướng ngôn ngữ kỹ thuật cao ngày nay, “HapiFork” của công ty Hong Kong HAPILABS Ltd. có thể gọi là chiếc nĩa thông minh “Smart Fork” đầu tiên trên thế giới, ra mắt năm 2013. Chiếc nĩa tự động rung lên mỗi khi người ta gắp thức ăn nhanh hơn 10 giây mỗi lần, có thể thay đổi thói quen ăn uống, giúp chủ nhân ăn uống khoan thai từ tốn hơn, giúp ăn ít đi, ít nhất là trên lý thuyết. Người sử dụng cũng có thể gài các chương trình theo dõi trên điện thoại Smartphone các thông tin như: thời lượng một bữa ăn, số lần bạn đưa thức ăn vào miệng trong mỗi phút (nghĩa đen). Các “app” này cũng biết phân tích, đề nghị cách cải thiện thói quen ăn uống. Chưa biết khi nào HAPILABS áp dụng tương tự cho muỗng, đũa… nhưng riêng chiếc nĩa “HapiFork” không chỉ có thể giúp… thực sĩ lịch lãm hơn, mà còn có thể trở nên bồ tèo thân thiết của nhiều người có nhu cầu ăn uống kiêng khem hơn. Đã có bán tại trang Hapilabs.com giá $99.

9. Túi xách biết kêu cứu

Miêu tả chính xác hơn, không phải chính túi xách, mà là một thiết bị nhỏ gắn kèm theo, sẽ biết phát tín hiệu báo vị trí hiện thời của nó. Đây là sản phẩm ra mắt năm 2013 của hãng GlobaTrac, LLC tên “TrakDot Luggage”. Với các du khách thường đi đó đi đây, “TrakDot Luggage” có thể là… người bạn mới rất đắc dụng, giúp giảm bớt lo âu hồi hộp không biết hành lý của mình đi đâu về đâu. Khi phi cơ hạ cánh, hành khách chỉ việc mở điện thoại, “TrakDot Luggage” tự động chuyển thông tin nơi đi nhận hành lý. Ngay cả trong trường hợp xui xẻo, bị lạc hành lý, thì hành khách cũng biết hiện nó đang chu du nơi nào vì hệ thống này nhận biết các thành phố và phi trường, rồi liên tục gởi tin nhắn về điện thoại Smartphone. “TrakDot Luggage” cũng ghi nhớ những nơi nào bạn và hành lý đã đi qua. Đây là loại sản phẩm có thể rất hữu ích và không thể thiếu cho du khách trong tương lai. Giá bán $49.99 thêm $8.99 lệ phí khi ghi danh và tiền niên liễm $12.99, có tại trang TrakDot.com.

 

alt

 

alt

TD