Dùng chung thuốc với đồ ăn thức uống cũng quan trọng không kém như chính dược phẩm trị bệnh. Lý do là vì một số thực phẩm có thể làm giảm hiệu quả của thuốc, hoặc tệ hơn, có thể gây ra những phản ứng nghiêm trọng, kể cả chết người.
Sau đây là danh sách 7 thực phẩm không dung hợp với một số thuốc thông dụng. Đừng lo khi bạn thấy trong danh sách này có những thứ bạn ưa thích, vì không cần phải cữ ăn cữ uống hoàn toàn mà chỉ giảm bớt hoặc đợi ít giờ mới ăn sau khi dùng thuốc. Danh sách này chỉ đưa ra một số ít thực phẩm thôi, nên hỏi bác sĩ hoặc dược sĩ về sự tương tác giữa thực phẩm và thứ thuốc bạn đang dùng, hoặc đọc bảng chỉ dẫn kèm theo với thuốc. Đối với những dược phẩm bán tự do, nên đọc kỹ nhãn (label) về những cảnh báo nếu có.
Chuối
Đừng dùng chung với các loại thuốc như captopril (Capoten), enalapril (Vasotec), và lisinopril (Prinivil, Zestril) là những dược phẩm để hạ huyết áp hoặc trị bệnh suy tim. Cũng đừng dùng chung với một số thuốc lợi tiểu và trị cao huyết áp như triamterene (Dyrenium),
Lý do: Những dược phẩm nói trên có thể làm tăng lượng potassium trong cơ thể. Quá nhiều potassium gây cho nhịp tim đập không điều hòa hoặc đập nhanh gây ra hồi hộp. Do đó khi dùng các loại thuốc này nên tránh đừng ăn nhiều những thực phẩm giàu chất potassium như chuối, cam, các rau lá xanh, và sản phẩm thay thế muối như Morton Lite Salt.
Cải kale
Đừng dùng chung với các dược phẩm làm loãng máu như warfarin (Coumadin).
Lý do: Kale và các rau xanh khác như broccoli, cải bắp, spinach và Brussels sprout đều giàu vitamin K, có thể làm giảm tính chất chống máu đông cục của thuốc. Ăn uống nhiều rau trái hàng ngày là điều tốt, nhưng đừng bỗng dưng bắt đầu mỗi ngày đều uống một ly smoothie xay bằng cải kale mà không cho bác sĩ biết.
Cam thảo đen (Black licorice)
Đừng dùng chung với Digoxin (Lanoxin) là dược phẩm trị suy tim và nhịp tim đập bất bình thường.
Lý do: Glycyrrhizin, một thành phần có trong black licorice, có thể tạo cho nhịp tim đập không bình thường và có thể gây tử vong nếu kết hợp với dixogin. Licorice cũng làm cho một số dược phẩm kém hữu hiệu, như thuốc trị huyết áp, thuốc làm loãng máu, thuốc trị đau nhức và thuốc ngừa thai.
Sữa
Đừng dùng chung với thuốc trụ sinh Tetracycline (Sumycin)
Lý do: Calcium – có trong các sản phẩm từ sữa, như sữa, yogurt, cheese, và các phụ chất calcium – có thể ngăn cơ thể không hấp thụ được thuốc. Nói chung, tetracycline hữu hiệu hơn nếu uống 1 giờ trước hoặc 2 giờ sau khi ăn.
Nước bưởi
Đừng dùng chung với thuốc về cholesterol như atorvastatin (Lipitor) và lovastatin (Mevacor).
Lý do: Uống nước bưởi có thể làm tăng mức độ thuốc trong mạch máu và tăng nguy cơ của tác dụng phụ như đau bắp chân.
Salami
Đừng dùng chung với metronidazole (Flagyl) và linezolid (Zyvox) là thuốc để trị nhiễm trùng.
Lý do: Nếu bạn ăn hoặc uống quá nhiều những thứ có chứa amino acid tyramine, huyết áp có thể tăng cao. Tyramine có trong những thực phẩm để lâu ngày, ngâm giấm, lên men hoặc hun khói, như các loại cheese đã chế biến, anchovie, và xúc xích khô. Chất này cũng có trong avocado, chuối, chocolate và các thức uống có chất cồn (alcohol).
Walnuts (trái óc chó)
Đừng dùng chung với thuốc về tuyến giáp trạng, như levothyroxine (Levothroid, Levoxyl, Synthroid).
Lý do: Hạt trái óc chó, bột đậu nành, và các thực phẩm nhiều chất xơ có thể ngăn không cho cơ thể hấp thụ những thuốc nói trên. Vì thế nếu bạn ăn uống nhiều chất xơ, phải dùng các dược phẩm trên với liều lượng cao hơn. Tuy chỉ dẫn nói nên uống nửa giờ trước khi ăn sáng, nhưng theo kết quả một cuộc nghiên cứu thì thuốc dễ hấp thụ hơn nếu uống lúc đi ngủ.
Rượu
Nên chú ý đến những cảnh báo về rượu. Nhiều loại thuốc có kèm theo chỉ dẫn là trong thời gian dùng thuốc không được uống rượu. Đó là một cảnh báo quan trọng, dù chỉ là một ly rượu vang nhỏ.
Lý do: Chỉ nguyên rượu cũng có thể làm ta thờ thẫn, ít tập trung; khi dùng chung với một số thuốc có thể gia tăng các hậu quả đó. Tệ hại hơn, có thể gây ra những biến chứng như xuất huyết nội tạng, khó thở và các bệnh về tim. Rượu còn có thể làm cho thuốc kém hiệu quả, có khi còn vô hiệu nữa, hoặc biến thành độc hại. Chẳng hạn, khi uống chung với acetaminophen (Tylenol) có thể làm hại gan.
Phụ dược (supplements)
Tương tự như những thức ăn thức uống nói trên, một số phụ dược, như vitamin, khoáng chất, dược thảo, có thể gây ra vấn đề khi dùng chung với một số thuốc.
Ngay cả một viên multivitamin có thêm chất sắt cũng có thể làm vô hiệu hóa nhiều thứ thuốc. Mà dược thảo còn tệ hơn nữa, đặc biệt là St John’s wort. Chẳng hạn khi dùng thứ này với thuốc ho bán tự do hoặc thuốc theo toa chống suy nhược (antidepressant) hoặc thuốc trị nhức đầu, có thể gây ra hội chứng serotonin, làm cho huyết áp thay đổi mau, tâm trí lẫn lộn, co giật bắp thịt, có khi chết người nữa.
Những dữ liệu thu thập suốt 10 năm về 1,500 trường hợp tương tác giữa 509 loại thuốc và 213 phụ dược cho thấy đây là một vấn đề lớn. Thuốc thông dụng nhất liên quan đến sự tương tác là warfarin (Coumadin), insulin, aspirin, digoxin (thuốc bệnh tim), và ticlopidine. Các phụ dược liên quan nhiều nhất là St. John’s wort, magnesium, calcium, iron, và ginkgo biloba.
Khi cho bác sĩ hoặc dược sĩ biết những thứ thuốc bạn đang uống, đừng quên kể thêm cả những phụ dược. Chúng không phải hoàn toàn vô hại.