Menu Close

Tình và Tiền

Có ‘chú em’ Tây làm chung với người viết, một hôm vô sở ‘thút tha thút thít’. Hỏi: Chuyện gì vậy? Thì nó thổn thức, nức nở: Thúy đã đi rồi! Nghĩa là con vợ nó bỏ nó rồi! Hỏi: Chú em có nhậu xỉn, ghen tuông tầm bậy tầm bạ, hạ cẳng chân, thượng cẳng tay, đánh đập chửi bới gì nó hông? Hổng dám đâu! Chẳng qua là: “No money! No honey!” Không tiền thì không có anh yêu gì ráo trọi! Con vợ tui nói mạt rệp, không tiền, mà bày đặt yêu đương? Sao trước giờ nó hổng nói? Chẳng qua là em ẩn nhẫn chờ thời thôi! Bây giờ ‘bắt’ được một thằng ‘cổ tại’, mập ‘ví’ hơn… nên em ‘dông’!

Nghe xong, người viết thấy buồn, tội nghiệp cho chú em nầy quá vì người viết cũng nghèo thấy bà tiên tổ luôn mà con vợ nó có chịu bỏ mình đâu… để mình về Việt Nam mà cưới con vợ khác?!

Từ câu chuyện thương tâm: tình bỏ ta đi của ‘chú em’ Tây làm chung sở thì chữ tiền cứ đeo đẳng, quay vòng vòng trong đầu người viết mấy hôm nay chớ trước giờ đâu có. Khác với vợ Tây, mấy con đầm, em yêu của người viết ngoan lắm, rất sợ chồng, chồng nói gì là răm rắp nghe lời, chớ không bao giờ dám cãi. Lãnh lương về nói: “Nè! Cất đi!” Thì em yêu ngoan ngoãn lấy tiền bỏ vô túi áo khỉ gọn hơ! Vậy mà mấy tay bạn thân lại cười người viết là ‘thờ’ bà chớ! Tụi nó nói sau lưng nhưng vẫn tới tai người viết là: “Thằng chả ngu thấy thương luôn! Làm bao nhiêu cống nạp cho vợ hết bấy nhiêu chỉ chừa đủ tiền lỡ ra đường đạp bánh tráng thì có tiền đền mà thôi!”

Thì ra tiền quan trọng quá xá quà xa. Ai cũng binh đường thủ hết! Riêng với người viết chữ tình nó nặng hơn tiền! Vì có tiền đôi khi cũng chẳng có tình! Hổng tin hỏi mấy ông già về Việt Nam cưới vợ trẻ thì biết! Nó lấy mình vì tiền không hà! Cha! Tội nghiệp dữ hôn! Giờ mới biết sao huynh?!

Phần dù có tiền do cày cực như trâu chăng đi nữa mình cũng không lớn lối gì với em yêu đâu! Sao mà dám! Nó bỏ mình rồi ai nấu cơm đây? Nên vợ mình mình sợ. Đừng sợ vợ người dưng là được rồi! Nói cho cùng, xét bài ‘tẩy’ nhau, hổng có tay nào có ‘phé’ hết; cũng như tát đìa ăn Tết, lúc cạn đìa rồi thì hổng lóc thì trê, ông nào cũng vậy… bày đặt cười nhạo tui chi quý bạn!

Suy nghĩ mãi về tiền, người viết mới khám phá ra biết bao điều thú vị. Thú vị là ai cũng cần xài tiền. Ai cũng muốn có tiền. Muốn có tiền là phải làm việc. Phải đổ mồ hôi sôi nước mắt mới có. Không có nó là khó… khó lắm đó! Nên suốt ngày, suốt đêm, suốt tháng, suốt bốn mùa lá đổ, suốt cả đời người đều phải nghĩ tới nó. Nhức đầu muốn chết!

Tiền mới đầu bằng kim loại, bằng vàng, bằng bạc, bằng đồng, bằng kẽm cho nó lâu mòn… rồi bằng giấy… Vậy là có thằng ở không, làm biếng nhớt thây mà muốn sống như ông Hoàng Á Rập dầu lửa, bèn chế ra tiền giả. Tiền giấy muốn biết giả hay không thì dùng máy soi, dùng bút thử. Còn hồi xửa, hồi xưa muốn biết tiền kim loại thiệt hay giả thì người ta dùng răng cắn, coi cứng hay mềm, kim loại là thứ thiệt hay không nên mới có vụ anh chàng nầy: “Ví dầu nhà dột cột xiêu; muốn đi cưới vợ sợ nhiều miệng ăn!” Muốn quá đi chớ nhưng lại sợ hao. Sợ nuôi hổng nổi! Rồi thằng khác nó ‘rinh’. Tội nghiệp hôn?

Thôi muốn vợ thì đầu tiên, tiền đâu? Phải ráng cày thuê, ráng cuốc mướn, dư dư chút đỉnh, kiếm ông mai, bà mai (cái nầy cũng phải tốn một mớ, ít nhứt một cái đầu heo, để ổng bả tiếp thị, quảng cáo cho mình) để rước em về chòi. Nghèo sặc gạch, ai giàu thì rước em về dinh, còn tui nghèo thì rước em về chòi tranh hai quả tim vàng; ngặt có cái là vàng nầy đem đi cầm… mấy tay cầm đồ lắc đầu, nói: hổng có cầm đâu!

Mặc cái bộ bà ba đen bằng vải ú, chiến nhứt rồi đó, đi cẳng không vì có giày dép đâu mà mang, xớ rớ bước vô; nhà gái thấy thằng rể tương lai này coi bộ dạng không khá, coi rớt mùng tơi quá! Ngay cái mùng tơi, mùng rách tơi tả mà nó cũng trớt quớt, hổng có, thì làm sao nó nuôi con gái cưng của mình cho được đây? Cơm đâu mà ăn? Hổng lẽ sáng sắn khoai. Chiều khoai sắn! Tội nghiệp con gái mình tối ngủ mớ cứ kêu ‘cơm’ không… thời chết! Nên tìm cách thoái thác, thách cưới cho dữ, để mà từ chối. Chàng nhà nghèo nầy tim phèo tan vỡ, ôm mối hận lòng vì không cưới được em yêu; trở về nhà dột cột xiêu của mình mà thành thi sĩ. Chàng bèn sáng tác ra hai câu thơ lục bát như thế nầy để mà đá giò lái ông bà già vợ hụt một cái đau điếng chơi cho bỏ tức. Mà hai câu thơ chàng sáng tác hay quá xá là hay nên nó chui tuốt vô kho tàng ca dao mà nằm; nằm từ năm nẳm cho tới năm nay. Thơ hay nó sống dai như đỉa vậy! Còn thơ dở làm chưa xong là nó đã lặng lẽ từ trần rồi!  Hai câu nầy như vầy: “Tiếng đồn cha mẹ em hiền! Cắn cơm không bể, cắn tiền bể hai!” Tía Má em bộ nghi anh chơi tiền giả hay sao mà cắn tiền để thử? Chớ hột cơm mềm xèo vậy cắn còn không bể nên nghe thiên hạ đồn rằng ổng bả hiền lắm nha, hổng phải nhạc mẫu, nhạc phụ, nhạc gia “hắc ám” gì đâu?! Láng cháng tin thiên hạ đồn ‘thổi’ về Tía Má em là anh bán luôn lúa giống? Tới chừng chạm mặt, va vô cái thực tế phũ phàng, tiền cứng như vậy mà Tía Má em cắn ‘rốp rốp’ vậy ta?

Còn nếu may mắn hơn, vượt qua được vòng sơ tuyển, được thu nạp sính lễ xong, không phải là cho hai trẻ có quyền xáp vô liền, đôi ta nhảy ‘lambada’ để sản xuất ra một bầy con nít mà phải ở rể ba năm không công cho Tía Má em gỡ gạc lại chút nào hay chút đó vậy mà! Để che giấu cái việc bóc lột sức lao động của thằng ‘nhỏ’ thì phải chơi chữ gọi là ở rể. Bóc lột bằng công cày, công cấy, công gặt lúa vô bồ, công chăn trâu ngoài ruộng. Về nhà thì công gánh nước, công chẻ củi. Làm sao cuối ngày, nhà đã đỏ đèn lên thì nó hết xí quách, xụi lơ cán cuốc đi. Kẻo không thì: “Chuột kêu rúc rích trong rương! Anh đi cho khéo (kẻo) đụng giường má hay!” Mình phải gìn vàng giữ ngọc của con gái mình chớ; cho ‘thẳng’ thèm chơi. Thèm nhểu nước miếng tới rún, nó mới chịu cày chớ. Dễ quá, coi chừng nó ‘thư’ con gái mình bụng bự… rồi nó dông luôn! Đời mà tin người sao bằng tin mình phải không!

Mà nói thiệt lao động là vinh quang (nghe quen quen!). Vinh quang chừng nào đói dữ chừng ấy… đói dữ nên phải ăn nhiều; ăn nhiều thì hao! Nên phải tìm cách hà tiện, đỡ đồng nào hay đồng nấy! Xui cho Tía Má vợ tương lai nầy chàng rể nghèo tiền nhưng lại giàu chữ… là nhà thơ mới chết. Nên chú chơi luôn hai câu lục bát nữa: “Giếng đâu thì dắt anh ra. Kẻo anh chết khát vì cà nhà em!” Tía Má em hà tiện sợ hao cà; nên dộng vô cả tấn muối nè trời! Ai biểu mới đầu chú rao: “Bước qua nhà Má, cái tay con xá, cái cẳng con quỳ. Lòng thương con Má sá gì cái thân con!”

Chú muốn vợ quá… tình nguyện cho chúng lột thì than thở cái nỗi gì hả?

Do đó bài học rút ra ở đây làm thân nhạc phụ, nhạc mẫu tham tiền thì hổng có gì xấu đâu. Công tụi tao nuôi con vợ ‘bây’ hồi còn ẵm ngửa tới giờ mà ‘bây’ trả lại có chút xíu, lỗ sặc gạch, mà còn càm ràm bằng thơ thì thiệt là thằng rể này hổng có rể thảo gì hết mà là thằng ‘rễ đu đủ’ nhen!

Nên xin các bực cha mẹ vợ đừng gả con cho mấy cha nhà thơ chi cho nó mang tiếng. Cho nó sống cu ki suốt đời đi; ai biểu khoái… làm thơ!

Phần em là con gái đời nhỏng nhảnh, đừng có dại khờ mà yêu mấy nhà thơ nầy chi nhá! Lỡ em ham tiền, đá một phát thì nhà thơ chẳng chịu để yên đâu!

Hổng tin tui thì mấy em hãy đọc bài “Tiền và Lá” của nhà thơ Kiên Giang thử coi. Ổng rầy rà ‘em’ tham tiền phụ ngãi, tham đó bỏ đăng, thấy trăng quên đèn, nghe nó nhột, nó nhức luôn… cả xương sống!

“…Anh moi đất nắn “tượng người”,
Em thơ thẩn nhặt lá rơi làm tiền.
Mỗi ngày chợ họp mười phiên,
Anh đem “người đất” đổi tiền “lá rơi”.
Nào ngờ mai mỉa cho tôi,
Lớn lên em đã bị người ta mua rồi.
…Kiếp tôi là kiếp làm thơ,
Vốn riêng chỉ có muôn mùa lá rơi.
…Tiền không là lá em ơi!
Tiền là giấy bạc của đời in ra.
Người ta giấy bạc đầy nhà,
Cho nên mới được gọi là chồng em!”

Mấy chục năm rồi mà nhà thơ có chịu quên đâu? Người ta giấy bạc đầy nhà. Cho nên mới được gọi là chồng em! Chàng trách nàng tham phú phụ bần? Thì làm như vậy cũng phải thôi vì như một người đẹp chân dài trong nước từng tuyên bố một cách hùng hồn, đúng không chỗ nào chê, bất khả tư nghị, bất khả tranh cãi là “Hổng tiền cạp đất mà ăn à?” Khà khà! Đúng quá xá!  

Tóm lại nếu khoái tiền, có tiền rồi mới có yêu, thì người viết xin thành thật khuyên em là đừng léng phéng, đừng đá lông nheo, đừng thơ thẩn gì với mấy nhà thơ hết, đừng tặng khăn tay, đừng vay nước mắt, đừng gánh nước đêm trăng chi! Hổng có lợi cho tiếng tăm con nhà gia giáo của mình! Mấy tay xấu miệng nó nói mình là xí xọn! Cứ để cho y trụi lủi… cho nó biết cái thân nghèo! Đụng vô nó, nó cằn nhằn, cửi nhửi mang tiếng lắm!

Và cũng có bài học cho các nhà thơ, nhà văn, nhà báo, nhà giáo, là nhà nghèo hết ráo, hổng tiền, mậu lúi… thì đừng mong có vợ đẹp nhe em!

Nhưng dòm dáo dác xung quanh, anh bạn nhà thơ của người viết đứng đầu trong đám nhà nghèo đó mà cũng có vợ như thường đó sao? Hay ảnh là trường hợp ngoại lệ? Đem cái thắc mắc nầy về: “Sao như vậy được? Anh nghèo, em cũng chẳng cao sang; tay trắng cùng nhau dệt mộng vàng! Anh nghèo mà sao em chịu lấy anh vậy là sao hả?”  Em yêu bèn trả lời rằng: “Em cũng muốn lấy thằng giàu cho ‘phẻ’ tấm thân, được lên xe xuống ngựa lắm chớ nhưng ngặt cái là mấy thằng giàu hổng thằng nào chịu lấy em hết trơn, hết trọi! He he!”

Câu trả lời nghe thiệt là tự ái; nhưng bình tâm suy nghĩ lại thì đúng quá xá! Vì nếu em đẹp tầm cỡ Marilyn Monroe thì John F. Kennedy đã dành nhảy tango với em rồi; còn phận tui nghèo chắc phải chờ cho tới Tết Congo!

alt

Bảo Huân

DXT – melbourne