Joyce Poole đồng sáng lập của ElephantVoices. Bà có bằng tiến sĩ của Đại học Cambridge University, và đã nghiên cứu về những “hành vi xã hội và giao tiếp” của loài voi. Suốt hơn 30 năm cống hiến cuộc đời để bảo tồn loài động vật to lớn này; bà đã đóng góp cho khoa học về việc phát hiện ra loài voi ở Nam Phi; và mô tả việc sử dụng bối cảnh và phát âm của loài voi.

Tiếng… voi gọi đàn
Tại Công viên Quốc gia Amboseli của Kenya năm 1985 và 1986. Trong hai tháng rưỡi, đoàn nghiên cứu về hạ âm của loài voi đã ghi âm hơn một ngàn tiếng kêu từ những con voi mà Tiến sĩ Joyce và Cynthia Moss đã rất thân thuộc. Những tiếng gọi như có vẻ để lôi cuốn những voi khác từ xa, giàu tính chất hạ âm và đủ mãnh lực để vang xa hơn một dặm.
Nhưng làm thế nào để những nhà nghiên cứu có thể chứng minh rằng loài voi đã “hưởng ứng” qua những khoảng cách như vậy? Và làm thế nào họ có thể nghiên cứu cách loài voi liên lạc khi con người không thể nghe thấy hầu hết những tiếng gọi đó? Một nhà nghiên cứu khác, Bill Langbauer, đã “mò” ra một cách để giải quyết vấn đề này. Sự chuẩn bị của ông ta đã dẫn dắt đoàn nghiên cứu qua hai chuyến thám hiểm dài bốn tháng ở Tây Nam Phi Châu trong năm 1987. National Geographic Society đã bảo trợ cả hai chuyến đi. Và họ đã chọn một vùng bán sa mạc mênh mông ở Namibia gọi là Etosha. Mùa khô ở Etosha thì khô kinh khủng, nguồn nước uống nằm ở vài tá vũng nước cách xa nhau. Xung quanh chẳng có màu xanh. Và khó thể hình dung làm sao hàng ngàn thú ăn cỏ như bò, sơn dương, ngựa vằn, hươu cao cổ – và voi – lại tồn tại được.

Cynthia Moss – reportages.pictures.com
Câu trả lời, cho loài voi, dường như nằm trong lối sống của sự chuyển động không ngừng. Những con voi đến vũng nước đôi khi chỉ đến một cách hối hả, chẳng phải có gì ghê gớm phía sau lưng, nhưng đơn giản chỉ vì nước đang ở… trước mặt.
Loài Voi ở Etosha thì ốm hơn loài voi ở Đông Phi. Và có nhiều cạnh tranh hơn ở những vũng nước, tỷ lệ tử vong của voi con cũng cao hơn; có thể vì khoảng cách xa giữa nước và thức ăn. Đoàn nghiên cứu đã tính toán rằng, nếu loài voi có khả năng liên lạc nhau qua những khoảng cách lớn, thì chúng chắc sẽ dùng khả năng đó ở những vùng đất như Etosha. Những đàn voi từ xa đến, có thể giảm cơ hội của sự quyết định sai lầm, và cái chết vì sự kiệt sức, bị ăn thịt, hoặc cơn khát.
Từ trên thềm của tháp quan sát 20 feet cao khỏi mặt đất, đoàn nghiên cứu có tầm nhìn tốt bao quát cả một khu vực rộng khoảng nửa dặm vuông.
Mỗi người có 4 cái microphone đặt xa nhau cho phép họ biết chính xác địa điểm của tiếng voi gọi, dù chính họ có khi nghe hoặc không nghe. Những đoạn thu hình (video recordings) tiết lộ chính xác con voi nào phát ra tiếng kêu và cung cấp tư liệu về những con voi ở gần vũng nước.

Rowan Martin – nguồn Facebook.com
Một lần nữa, đoàn nghiên cứu lại rất kinh ngạc trước sự phối hợp tập thể “nín thinh” của loài voi. Thường, khi họ nhìn thấy sự đồng tiến của vài ‘tiểu đoàn voi’ đến từ nhiều hướng khác nhau. Đôi lúc, họ quan sát thấy cả tiểu đoàn lại bất ngờ lên đường hành quân; mà chỉ trước đó, tất cả có vẻ yên tịnh. Và những con voi, vẻ như đang nghỉ ngơi rất thư giãn.
Đôi khi quan sát, đàn voi vẻ như đang “một phút mặc niệm”. Và bất ngờ- cả trăm con voi đột ngột như ngưng bất động, như có ai bấm nút Pause trên cái máy DVD. Những lúc khác, một vài nàng “thượng cái” cất tiếng kêu cùng lúc. Và sau này thì họ hiểu rằng khi có một tiểu đoàn mới đến thì được chào đón bởi những con voi khác đã có mặt ở vũng nước.
Mặc dù mấy chàng voi đực cũng đến vũng nước thường xuyên như voi cái, phần nhiều những tiếng gọi họ thâu được là của voi cái. Và họ bắt đầu hình dung được một hình ảnh về một hệ thống liên lạc mà giới đực và giới cái đóng hai vai trò khác nhau.

Các phổ trên đây cho thấy một số phát âm cổ điển của voi rừng. Tần số (hoặc âm) quy mô chạy 0-420 Hertz (giữa C rung động ở khoảng 262 Hz.). Đường trắng là giới hạn dưới của độ nhạy thính giác của con người – nguồn birds.cornell.edu
Những động tác của voi cái thì được minh họa rõ ràng bởi tiếng kêu – voi mẹ, voi con, và những voi chị em đang baby-sitting. Các ‘bà’ dàn xếp với nhau về thời gian cho con bú hoặc khoảng cách lảng vảng bao xa… Nhưng các voi cái cũng đối phó với những sự kiện từ xa. Và làm sao chúng đạt được sự im lặng cần thiết để nghe những tín hiệu yếu ớt từ xa? “Freezing” (đứng lặng như đá), sẽ đảm bảo khoảng thời gian lắng nghe đồng bộ, dường như giải quyết ‘vấn đề’ này.
Voi đực (giống con người) thì “ít nói” hơn voi cái, nhưng vẫn hưởng ứng những hoạt động của ‘phái nữ’. Có thể sự ồn ào của những nhóm voi cái giúp voi đực học hỏi về vị trí và tình trạng sinh dục của voi cái chỉ bởi lắng nghe.
Những khám phá sơ khởi của đoàn nghiên cứu về đặc tính thanh âm của voi cái cũng khá thú vị, khi so với một nghiên cứu dài hạn bởi một nhà nghiên cứu khác, Rowan Martin tại miền Nam Châu Phi. Martin gắn những vòng cổ có phát tín hiệu lên những voi cái trong những nhóm gia đình khác nhau tại Trại Nghiên cứu thú Hoang dã Sengwa ở Zimbabwe. Ông ấy theo dõi những con voi đó trong một thời gian dài – lên đến mười năm – và khám phá rằng những chuyến “đi rong” có vẻ ngẫu nhiên của các “nhóm gia đình” không phải bừa ẩu nhưng có sự phối hợp kéo dài nhiều tuần, ngay cả khi những nhóm đó cách xa nhau.
Các tiểu đoàn voi giám sát, sẽ đi hướng đi song song nhau, giữ khoảng cách một dặm hoặc hơn giữa nhau, và đổi hướng cùng lúc. Đôi khi, mấy nhóm sẽ tụ lại từ những điểm cách xa nhau hơn ba dặm để đến một nguồn có nước trong vòng vài phút. Ngoài tầm nhìn và tầm nghe bình thường, những con voi rời rạc đồng bộ hóa động tác của chúng một cách tài tình, ngay khi hướng gió ngăn cản việc dùng khứu giác để biết vị trí của nhau.
Để tìm hiểu nếu loài voi có thật sự nhận được và đối đáp với những tiếng gọi từ xa, họ đã thiết kế một cuộc thí nghiệm tại vũng nước ở Etosha. Phần còn lại của đoàn đang quay phim những động tác của voi gần tháp quan sát, mở băng phát ra vài giây âm thanh đã thâu tiếng rền của loài voi từ chiếc xe van đậu ở xa. Sau đó, khi họ xem/nghe lại những đoạn thu hình/thu âm; họ mới so sánh những hoạt động của đàn voi vừa trước khi và vừa sau khi mở âm thanh đó, để xem những âm thanh đó có thay đổi cá tính của chúng hay không.

Voi có thực sự nghe được không?
Thí nghiệm thứ 16.
Hai người trong đoàn, Loki và Russ đang trong xe van một dặm về phía Tây Nam kể từ tháp. Hai con voi đực khổng lồ, Mohammed và Hannibal, đã uống nước và tắm ở vũng nước nãy giờ. Qua máy liên lạc họ đã báo hiệu cho Loki để ông ta và Russ có thể chọn một âm thanh kích thích mà trước giờ chưa phát ra cho hai voi đực này. Ở một thời điểm họ sẽ mở băng ở một cường độ nhất định. Và họ chủ tâm không được báo về thời gian chính xác, vậy để sự quan sát của Loki và Russ không bị ảnh hưởng.
Họ không nghe gì hết, nhưng đột ngột cả hai con voi nhấc đầu lên, cứng đơ, mở rộng đôi tai, và giữ yên vị trí. Từ từ con voi có tên Mohammed lắc đầu qua bên trái, trở lại giữa, qua bên phải, và trở lại giữa lần nữa. Bây giờ con Hannibal cũng làm như vậy. Đến lúc này đoạn ghi âm chắc cũng đã hết, vì không một đoạn âm thanh nào của họ dài hơn 40 giây.
Con voi Mohammed đã có một quyết định. Hắn quay lại một vòng 180 độ để đối mặt về hướng Tây Nam, nơi chiếc xe van đang đậu, ngoài tầm mắt. Rồi cả hai con voi đực bước tiến về hướng đó. Không anh nào ngừng lại để chơi với nước khi đi ngang qua vũng nước – chưa bao giờ nghe tới chuyện đó! Lâu lâu một con dừng lại để ngóng và lắng nghe; con kia cũng ngừng; cả hai “freeze” khoảng 30 giây. Và rồi, đu đưa hai cái vòi một chút, chúng tiếp tục bước đi.
Năm phút sau chúng vẫn còn tiếp bước. Mười phút sau, hai chàng lướt ngang chiếc xe van và tiếp tục di chuyển. Bên trong xe, Russ và Loki thở phào một hơi khi thấy hai con voi đực khổng lồ biến dần vào khu rừng thưa, vẫn theo hướng Tây Nam. Tiếng kêu mà họ đã phát ra cho hai chàng Mohammed và Hannibal là “bài ca động dục” của Zita, một trong những nàng voi cái ở Amboseli.

Mohammed quay lại một vòng 180 độ để đối mặt về hướng Tây Nam, nơi chiếc xe van đang đậu – nguồn cherylmerrill.com