Mẹ đi làm về vừa bước vào trong nhà, bé Brian méc: “Tụi nó lại ném nhau.” Mẹ hỏi: “Ném cái gì?” “Ném thức ăn ở cafeteria.” “Thôi con mặc kệ tụi nó.” “Con tức lắm mẹ ạ.” Đấy là một trong những cái bất bình của Brian từ khi về Việt Nam hồi kỳ nghỉ Giáng Sinh vừa rồi. Bé còn kể cái ngày đầu tiên trở lại học, sau khi ăn lunch xong thấy các bạn cầm cái khay trên đó có hộp sữa, bánh mì, ô thức ăn, quả táo còn nguyên, tất cả đổ ập vào thùng rác, bé cảm thấy rất bất mãn. Bé nói với mẹ: “Tự nhiên nước mắt của con chảy ra, con nhớ đến các đứa bán vé số, ăn mày ở VN. Chúng ước mơ được một ly sữa, một miếng bánh mì mà không có.” Mẹ của Brian ghẹo con: “Thế tụi nó có chọc con là ‘crocodile tears’ không.” “Không mẹ ạ! Tụi nó không có để ý. Chỉ có thằng bạn bên cạnh nhìn thấy rồi vỗ nhẹ lên vai con.” Nàng nghĩ giá ở VN mà như vậy, con của chị thế nào cũng bị đặt một cái tên rồi bị chọc ghẹo. Sống trong một chế độ phân biệt đối xử, không tôn trọng nhân phẩm, những em cà lăm, nói ngọng, cà thọt, lưng vẹo hay có chút dị tật gì đó đi học không khỏi bị chọc phá, bắt nạt. Còn những em khù khờ, tự kỷ, hội chứng down cha mẹ không dám cho chúng tới trường và nhà nước CS không có một chế độ gì giúp đỡ chúng. Trái lại ở đây ngoài những lớp bình thường, trường nào cũng có những lớp đặc biệt. Những lớp Special Education (SPED) một dành cho những em hội chứng down, một cho những em tâm sinh lý có vấn đề. Lớp English Language Learner (ELL) dành cho các em nói một thứ ngôn ngữ nào khác ở nhà không phải là tiếng Anh. Lớp sau các em không phải tập trung thành lớp riêng nhưng có thời khóa biểu đến phòng của các thầy cô phụ trách mỗi ngày một hai giờ gì đó để rèn luyện thêm Anh ngữ.
Có hôm bé về phàn nàn: “Mẹ ơi mấy đứa nó xài giấy phí phạm lắm mẹ ạ. Mới viết được mấy chữ bị sai, chúng không chịu gôm đi mà vo lại vứt vào thùng rác.” Các em từ Pre-School đến hết trung học không phải đóng một đồng nào, còn được cung cấp mọi thứ. Bút chì, giấy trắng, giấy thủ công, bút màu, hồ dán, thước kẻ vân vân được cô giáo chuẩn bị sẵn sàng cho chúng dùng. Sách học thì mượn, workbook phát ra, làm bài xong chỉ việc tách tờ giấy ra để nộp. Những cha mẹ có lợi tức thấp con em được xét ăn sáng, trưa miễn phí. Học đại học được chính phủ trợ giúp tài chính (Pell Grant) và mượn tiền ‘subsidized loan.’ Như vậy gần như free trừ phi là học ngành health science như bác sĩ, nha sĩ, dược sĩ mới phải đóng thêm. Ở VN nói trường nhà nước nhưng mọi cấp học cha mẹ phải đóng bao nhiêu thứ tiền. Nào là tiền mua trang thiết bị đồ dùng dạy học, sửa chữa cơ sở vật chất, hội phụ huynh, đến tiền bồi dưỡng, tổ chức lễ này lễ nọ. Có những gia đình nghèo quá đành để cho con thất học vì không có tiền đóng và mua sách vở giấy bút. Chi phí học đại học đối với người lao động là quá cao nên có em không dám đi thi hoặc thi đậu cha mẹ phải bán bớt tài sản hay vay mượn mới có đủ tiền cho con nhập học.
Bé Brian nhiều khi ở nhà ngồi tư lự, mẹ hỏi đến, bé trả lời: “Mẹ ơi sao VN khổ quá vậy. Bây giờ con không nhìn xem mấy đứa bạn xài đồ sang, ba mẹ nó đi xe mới, ở nhà đẹp. Nhà mình mà so với ở VN là hạnh phúc lắm rồi. Con cám ơn God, cám ơn nước Mỹ cho gia đình mình được như vậy.” Chỉ một lần về quê hương Brian đã thấy cái khập khiễng nếu so sánh hai đất nước. Người lớn còn hiểu nhiều hơn. Nhà nước tận thu thuế, tiền này để nuôi cái đảng độc tài, một chế độ đàn áp và tham nhũng, chỉ dành cho giáo dục rất ít nên trường ốc ở VN quá tệ. Ở bên này thuế nhà đất dành riêng cho giáo dục. Tiền lời xổ số cũng vậy. Cám ơn những người đóng thuế này và những người mua vé số đã xây dựng những ngôi trường tiện nghi, phục vụ con em chúng ta không phân biệt bản xứ, di dân hay tị nạn, ngay cả những em Mễ đến Mỹ chui (illegal) cũng được hưởng những tiện ích của giáo dục theo Luật ‘No Child Left Behind.’
Một câu chuyện nghe thật đau xót. Một em nhỏ học trường chuẩn ở Hà Nội, mỗi ngày mẹ chuẩn bị cho nước uống và bữa ăn trưa nhưng đến chiều lại thấy còn nguyên mang về. Mẹ hỏi, bé trả lời nó không đói không khát. Người mẹ để ý là vừa về đến nhà bé chạy vội vào nhà cầu. Mẹ bé điều tra, vào trường của bé vào giữa trưa. Nàng đi đến nhà vệ sinh thì biết nơi mà người Mỹ gọi là phòng nghỉ ngơi (restroom) thì quá dơ bẩn, mùi khai thối phải bịt mũi lại. Chiều về nàng nói với con mẹ đã vào trường, bé mới thú nhận lý do nhịn đói, nhịn khát để không phải đi vệ sinh ở đó. Chuyện thiếu trách nhiệm của nhà trường, các cháu không ý thức giữ gìn của công là hậu quả của một chế độ bịp bợm ‘đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ.” Điều cần nói thêm ở đây là một cái chuyện phải nói thật từ đầu nhưng một em bé Hà Nội không tin tưởng vào cha mẹ đã nói dối. Theo cuộc khảo sát của Trung tâm xã hội học VN, tỷ lệ nói dối cha mẹ của học sinh cấp I là 22%, cấp II 50%, cấp III 64% và sinh viên lên đến 80%. Đây là kết quả sững sờ, người ta tự hỏi cái thói nói dối này ở đâu ra. Câu trả lời rất đơn giản, ‘ở bầu thì tròn, ở ống thì dài’ sống trong môi trường nói dối, dưới chế độ ‘lời nói không đi đôi với việc làm’ thì làm sao không nhiễm bệnh dối trá.
Nói dối là anh em song sinh của không trung thực. Ông ngoại của Brian trước đây là thầy giáo, kể hồi thập niên 1980, ông đến một lớp 11. Ông hết sức tức giận vì trên bảng có dòng chữ ‘Thầy giáo méo.’ Ông khi giảng bài cái miệng có hơi sửa một chút và ông cũng biết ông bị đặt tên như vậy. Tụi nó có nói những từ này sau lưng, ông cũng chẳng chấp nhưng viết lên bảng thì thật là hỗn láo. Không biết mặt mày lúc đó như thế nào nhưng ông cũng từ tốn nói: “Em nào viết đứng lên.” Không ai đáp trả. Ông nhắc lại hai lần nữa. Chờ đợi nhưng vẫn không đứa nào nhận lỗi. Ông nghĩ phải tìm cho ra đứa viết không tụi nó sẽ lờn mặt khó giảng dạy. Ông ra lệnh: “Mỗi em lấy một mảnh giấy, ghi tên em nào viết.” Cả lớp răm rắp làm theo, xé tờ giấy làm hai hay làm bốn chia cho nhau. Ông đi lên bàn mình ngồi, hy vọng cách này sẽ tìm ra ‘thủ phạm.’ Đợi ít phút ông nói lớp trưởng đi thu những ‘tờ phiếu’ lại. Không khí không có gì căng thẳng, mặt đứa này thản nhiên, đứa kia đắc ý. Vài đứa còn nháy mắt cho nhau. Những mảnh giấy được gấp lại đang ở trên bàn ông. Ông bắt đầu giở từng miếng ra xem. Giấy trắng, giấy trắng, miếng cuối cùng cũng không có tên nào. Một dòng máu nóng chảy trong cơ thể ông. Không lẽ ma nó vào đây viết. Nhưng ông vội trấn tĩnh lại, đứng lên, lấy đồ chùi bảng lau sạch hàng chữ. Trở lại bàn, túm đống phiếu bỏ vào cặp-táp. Trước khi đi ra ông nói với cả lớp: “Các em sống phải biết chân thật.” Tiết đó ông bỏ không dạy. Ông đến phòng giáo viên ngồi, lòng băn khoăn tự hỏi: Tại sao học sinh giờ không còn trung thực, lại bao che điều xấu cho nhau. Hãy xem quy luật nhân quả, nói dối là một thói xấu, thể hiện ra hành động là gian tham, thủ đoạn của những người có chức có quyền, là xảo trá, lừa đảo trong giao tiếp, làm ăn của nhiều người khác.
Ở Mỹ các em không phải học chủ thuyết này hay tư tưởng nọ nhưng chúng luôn xử sự trung thực. Một em đi học ngang qua sân trước nhà có trải những viên đá màu. Nó cần một viên để đem vào lớp, nó bấm chuông gặp chủ nhà xin đàng hoàng. Cả lớp đang im lặng làm bài, có tiếng nói chuyện. Cô giáo hỏi: “Who’s talking?” Một loạt cánh tay đưa lên chỉ vào bạn làm ồn. Em này nhận lỗi không cãi chày cãi cối và sẵn sàng nhận hình phạt của cô. Cũng như bé Brian ba mẹ có biểu nó nói hay làm điều gì có tính cách khách sáo, không đúng sự thật, nó tỏ ra không thích hoặc hỏi lại: “Làm cái đó để làm gì?” Cám ơn xã hội Mỹ dạy cho các em sự trung thực, không biết ăn gian nói dối, ăn cắp vặt, biết giữ gìn của chung. Ông ngoại ở VN dạy lớp lớn như vậy mà còn phải xử nhiều vụ các em lấy hay giấu đồ của nhau. Ở đây không có chuyện này. Xã hội văn minh dân chủ làm cho mọi người niềm nở và chân thật với nhau. Những câu ‘Hi’, ‘How are you’, ‘Have a good day’, ‘Sorry’, ‘Excuse me’, ‘Thank you’ vang khắp mọi nơi. Cám ơn người Việt sống trên đất Mỹ cũng đã học được thói quen tốt lành này.
Dịp bé Brian ở VN, lần đầu tiên ra chợ với bác, về bị ‘mắng vốn’: “Cái thằng có cái miệng dẻo keo. Mắc mớ gì xem hàng xong cũng cám ơn, mua rồi cũng cám ơn.” Bé Brian là như vậy đó vì sống ở Mỹ. Ở nhà, cô chú bác cho phép hoặc làm cho cái gì, nó cũng không quên cám ơn nên mọi người nghe cũng lạ tai, đặt cho cái tên là “Thằng cám ơn.”
Lễ Tạ ơn đến gần, Brian về nói với mẹ là cô giáo của nó sẽ làm cây Thanksgiving trước cửa lớp. Cô phát cho mỗi em một miếng giấy màu green hình cái lá để viết về ngày lễ này rồi gắn lên cây. Nó hỏi mẹ: “Con viết cám ơn God, cám ơn ba mẹ, ông bà, các teacher đã dạy con từ P-K đến nay, cám ơn cô chú cleaner quét dọn cafeteria và restroom như vậy đủ chưa hả mẹ.” Mẹ của bé trả lời: “Con của mẹ giỏi quá, như vậy đủ rồi. ‘Ăn quả nhớ kẻ trồng cây’, dịp này ba mẹ cũng xin cám ơn nước Mỹ, cám ơn tất cả ân nhân của gia đình.”
Danh sách những những bài đã đăng:
1. Gã đầu trọc – Trương Hồ
2. Những ngày đầu tiên – Hương Ngô
3. Bão ơi! – DQ
4. Ông John hàng xóm – Dương Hồng Minh
5. Người bạn – Phương Lâm Ngôn Nguyễn
6. Cám ơn người đã cho tôi cuộc sống – Nguyễn Lan Anh
7. Những người tử tế – Đông Huỳnh
8. Tôi còn nợ you – Americans! – Hùng Cường Trần H.
9. Những người da đen tốt bụng – Liễu Trần
10. Hai quả trứng gà và ông hàng xóm – Diệp Khanh Trương
11. Chiếc điện thoại đầu tiên – Trường Sơn
12. Cháy nhà mà vui hơn Tết – Tino
13. Hai lá thư – Tammy
14. Họ là ai? – Nguyễn Phạm Minh Tâm
15. Ân tình của những người bảo trợ – Minh Tuyết
16. Chuyện nhỏ… – Thanhlap Le
17. Biết ơn – Thu Thủy
18. Bà Erika Redmond – Trương Mỹ Vân
19. Ông Sponsor – Trần Thị Lưu
20. Mùa thu Virginia – Emily Phúc Trần
21. Trở về – Thúy Vũ
22. Đi lãnh thực phẩm – Nguyễn T. Minh Trâm
23. Ăn quả nhớ kẻ trồng cây – Nguyễn Minh Cảnh
24. Cám ơn Người (bà mục sư đã thay đổi đời tôi) – Phương Trinh
25. Cám ơn U, người Tổng Giám Đốc của tôi – Quốc Thái
26. Một chai bia hai ly – Dan Volga
27. Cuộc sống mới – Trương Thùy Trang