Menu Close

Cún và búp bê bằng bông

LTS: Chuyên mục Bên Tách CàPhê của tác giả Tim Nguyễn từng giới thiệu tiểu sử và tác phẩm của Nguyễn Thị Từ Huy. Cô sinh năm 1972, đậu tiến sĩ tại Pháp. Từng làm việc tại một số trường đại học và Viện nghiên cứu của Việt Nam. Hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu văn học và khoa học xã hội và nhân văn, đồng thời cũng tham gia các hoạt động báo chí, dịch thuật và sáng tác văn học.

 

Cún rất thích búp bê, nhưng phải là búp bê Việt Nam cơ, nghĩa là búp bê được làm ở Việt Nam. Cách đây ba năm bác của Cún hứa với Cún là sẽ tặng cháu một con. Lúc đó hai bác cháu ở Vinh, ở nhà ông bà nội của Cún. Bác đưa Cún đi một vòng quanh thành phố, nhưng chỉ có búp bê Trung Quốc. Bác đành thất hứa, hẹn Cún lần gặp sau sẽ mua cho Cún.

Hè năm ngoái bác ra Hà Nội, dẫn Cún vào một hiệu sách rất to ngay khu Bách Khoa, để Cún chọn búp bê. Giá trưng bày búp bê quả thật cũng rất phong phú, nhiều con đẹp, nhiều con dễ thương, ngộ nghĩnh, cũng có những con hài hước. Cún, với cá tính được bộc lộ từ rất sớm, sau một hồi cầm hết con nọ rồi con kia lên để xem, so sánh, cuối cùng cũng chọn một con. Bác thấy thẩm mỹ của Cún quả là không tệ. Con búp bê ấy đúng là đáng yêu nhất, xinh xắn nhất trong số các chị em của nó được đặt ở trên giá. Màu sắc dễ chịu, đường nét trên mặt búp bê vừa tinh nghịch vừa ngây thơ.

Bác nói: «Con để búp bê vào giỏ rồi mình đi xem sách.»

Đột nhiên Cún hỏi:

«Bác ơi, đây có phải búp bê Trung Quốc không? »

Quả thật là bác không biết. Bác cầm búp bê lên và tìm cái mác ghi nơi xuất xứ sản phẩm. Nhưng chẳng tìm thấy gì cả. Bác kiểm tra tiếp những con búp bê khác ở trên giá. Chẳng có con nào có nhãn mác gì hết. Bác quay sang những giá khác ở gần đó, kiểm tra những món hàng khác và những sản phẩm khác. Tìm mãi chẳng thấy cái gì có nhãn mác.

Bác đành phải gọi một cô nhân viên trong hiệu sách lại và nói:

«Cô ơi, cháu bé này muốn hỏi cô xem búp bê ở đây có phải là búp bê Trung Quốc không?»

Cô nhân viên, sau khi xem xét, lúng túng trả lời rằng cô ấy cũng không biết, nhưng cô cũng không thể khẳng định được đây là sản phẩm của Việt Nam. Bác để cho hai cô cháu nói chuyện và chạy sang một dãy hàng cách đó hơi xa, thì tìm được một số hàng đề xuất xứ Trung Quốc. Và thực ra, không hề có một sản phẩm đồ chơi nào là của Việt Nam trong hiệu sách đó cả.

 

alt

Thắm Nguyễn

Bác đành bảo Cún: «Bác không dám chắc, nhưng rất có thể đây là đồ chơi Trung Quốc, và chắc chắn không phải là đồ chơi Việt Nam.»

Cún liền để con búp bê trở lại trên giá. Mấy phút trước Cún vừa rất hào hứng, rất thích, mà lúc này mặt tỉnh khô, không một chút nuối tiếc, Cún nói: «Vậy thôi, cháu không lấy nữa.»

Hai bác cháu đi sang hàng sách, và Cún chọn 5 cuốn sách. Tự Cún chọn lấy sau khi đã nghe bác nói sơ qua nội dung câu chuyện. Lúc đó Cún chưa biết đọc, bác mua về để bà đọc cho Cún nghe.

Bác không muốn Cún kỳ thị đồ chơi Trung Quốc, nếu như đồ chơi đó không có hại cho sức khỏe. (Mà thật ra cả bác và cháu đều không thể nào biết được đồ chơi nào là có hại cho sức khỏe, đồ chơi nào thì không). Chỉ là vì Cún muốn một con búp bê Việt Nam mà thôi. Bác lại một lần nữa thất hứa với Cún.  

Đầu năm học mới của năm nay, bác lại có dịp ra Hà Nội. Bác rút kinh nghiệm, nên trước khi đi, bác bỏ thời gian đi tìm một con búp bê ở Sài Gòn cho Cún. Bác cũng ra những cửa hàng đồ chơi lớn và hiệu sách lớn ở trung tâm thành phố, trên đường Lê Lợi và khu chợ Bến Thành. Tìm kiếm một hồi lâu, đến lúc gần như tuyệt vọng thì bác tìm thấy trong nhà sách Fahasa một số đồ chơi trẻ em do các doanh  nghiệp Việt Nam sản xuất. Bác mua cho Típ một con chuột bông, mua cho Bông một con thỏ bông. Rồi tìm mãi cũng thấy một số búp bê nhưng rất nhỏ, và làm bằng gỗ, chứ không phải bằng bông. Bác nghĩ: thôi đành tạm vậy, dù sao đó cũng là búp bê. Bác mừng vì lần này như vậy coi như là thực hiện được lời hứa với Cún.

Khi bác gặp cả nhà và đưa quà cho mọi người, ai cũng vui mừng. Típ và Bông rất thích mấy con thú bông. Riêng Cún hơi thất vọng:

«Cháu muốn một con búp bê bằng bông mà bác ơi. Bằng bông cơ bác ạ.»

Vẻ thất vọng lộ rõ trên mặt Cún. Bác cũng thất vọng nữa, tưởng là đã có thể làm Cún vui. Bác đành phải giải thích:

«Bác chịu rồi Cún ơi. Người lớn Việt Nam không làm búp bê bằng bông cho trẻ con Việt Nam, bác đành phải xin lỗi Cún rồi. Sau này, nếu Cún muốn trẻ em Việt Nam có búp bê chơi, Cún phải tự sản xuất lấy, hoặc Cún làm nhà tạo mẫu búp bê nhé.»

May mà ngoài búp bê, bác còn mua sách nữa. Thế là ba chị em chúi đầu vào cuốn sách. Bây giờ Cún đọc được rồi, và rất mê đọc. Cún ngồi ở giữa, hai em ngồi hai bên, chụm đầu vào cuốn sách, vừa nghe chị Cún đọc, vừa nhìn tranh trong sách.

Vậy là coi như bác vẫn nợ Cún một lời hứa. Bác sẽ vẫn còn phải tiếp tục tìm kiếm xem búp bê Việt Nam được bán ở đâu.

NTTH