Hôm Thứ Tư 11-12-2013, tuần báo Time danh tiếng công bố người được vinh danh “Nhân Vật Của Năm” (Person of the Year) là Đức Giáo Hoàng Pope Francis. Trang báo chánh thức đánh số ngày 23-12. Vào đầu năm, Pope Francis vẫn còn là một Tổng Giám Mục ít người biết đến của Argentina. Song đến cuối năm, ông đã trở thành Đức Thánh Cha thân thương của 1.2 tỉ tín hữu Công Giáo và vị Giáo Hoàng đáng kính đối với hằng tỉ người khác trên khắp thế giới.
Vinh danh Đức Giáo Hoàng (ĐGH) Francis là “Nhân Vật Của Năm” là chọn lựa chính xác và xứng đáng. Trong lời giới thiệu, tờ Time đề cao việc chỉ trong thời gian chóng vánh, 9 tháng trên ngôi vị Giáo Hoàng, mà ĐGH Francis đã kịp thu hút sự chú ý lẫn thu phục nhiều triệu người có đạo hoặc không đạo. Đây là những người lâu nay từng hồ nghi, thậm chí rời bỏ Giáo Hội Công Giáo, sau những tai tiếng kéo dài suốt nhiều năm. Điều thú vị là ông chinh phục thế giới không bằng cung cách của một chánh trị gia hoặc nguyên thủ quốc gia quyền lực hơn người. Tờ Time cũng ghi nhận trong năm qua Đức Tân Giáo Hoàng Francis đã giúp nâng đỡ tâm hồn nhiều người, làm thay đổi Giáo Hội và cả thế giới. Sự vinh danh của tuần báo Time, một trong những tờ báo thế giá nhất thế giới, cũng có thể phát đi một tín hiệu khả quan: giữa thời đại ê hề vật chất và khoa học kỹ thuật thay đổi như chớp mắt, vẫn có sự thừa nhận giá trị tinh thần của một nhân vật tôn giáo, người đề cao các giá trị tâm linh, đức hạnh, cổ súy hòa bình và công lý cho mọi người.
Trẻ con dạn dĩ tự nhiên bên ĐGH Francis.
Trước khi lập triều đại Giáo Hoàng Francis, ông là Hồng Y Jorge Mario Bergoglio, sanh trưởng tại Buenos Aires, Argentina, xuất thân từ một gia đình người Ý di cư. Thời sinh viên ông theo học hóa học trước khi đi tu. Tu sĩ Bergoglio trở thành Linh Mục Công Giáo năm 1969. Đến năm 1998, ông được chỉ định làm Tổng Giám Mục cai quản Tổng Giáo Phận Buenos Aires. Trở lại cuộc Mật Nghị Hồng Y đã bầu Giáo Hoàng Francis vào tháng 3-2013, có điều thú vị là trước đó ít người dự báo Hồng Y Jorge Mario Bergoglio của Argentina sẽ đắc cử. Lý do vì tuổi ông đã cao (76). Tuy nhiên, ngay khi kết quả bầu Giáo Hoàng được loan báo, ít người ngạc nhiên: Hồng Y Jorge Mario Bergoglio – tân Giáo Hoàng Francis hôm nay – từng về thứ nhì trong lần bầu Giáo Hoàng năm 2005, chỉ xếp sau Hồng Y người Đức Joseph Ratzinger (sau thành Giáo Hoàng Benedict 16). Đầu năm nay, Giáo Hoàng Benedict 16 nghiêm trang, kín đáo, cẩn mật, đã bất ngờ tuyên bố thoái vị. Đây là lần đầu tiên trong khoảng 600 năm có một vị Giáo Hoàng còn sống mà ngôi Giáo Hoàng bỏ trống. Thế là sau một cuộc Mật Nghị Hồng Y hai ngày ngắn gọn, người ta đã bầu ĐGH Francis, với những tính cách hầu như hoàn toàn ngược lại: thoải mái, cởi mở, thích tiếp xúc công chúng…
ĐGH Francis tiếp chuyện ký giả giữa chừng một chuyến bay. Ảnh Luca Zennaro, Pool/AP
Đức Tân Giáo Hoàng Francis lập tức chứng tỏ là người có thể mang lại nhiều thay đổi đầy bất ngờ. Trong khi Giáo Hội Công Giáo còn chưa hết bàng hoàng, ĐGH Francis từ bỏ một truyền thống cũ ngay lần đầu tiên ra mắt con chiên trên Quảng Trường Thánh St. Peter’s Square tối 13-3-2013. Thay vì vị tân Giáo Hoàng chúc lành dân chúng trước, thì ĐGH Francis ngỏ lời xin cộng đoàn khoảng 150,000 người hiện diện cùng cầu nguyện cho ông. Đức khiêm nhường của ĐGH Francis cũng bộc lộ ngay từ những giây phút đầu tiên, khi ông thông báo Mật Nghị Hồng Y đã “chỉ định” mình làm Giáo Hoàng (không phải “bầu chọn”).
Hai cử chỉ mang tính biểu tượng này là báo hiệu nhiều sự thay đổi lớn lao hơn trong đời sống Giáo Hội Công Giáo mấy tháng kế tiếp. ĐGH thúc đẩy cải tổ Giáo Hội nặng nề hành chánh, khuôn phép, xa lánh thế gian, chuyển mình trở nên một Giáo Hội khiêm nhường và độ lượng hơn. Vatican dưới triều đại ĐGH Francis bắt đầu chuyển trọng tâm chú ý từ thuyết giáo sang dấn thân phụng sự tha nhân.Năm 2014 có thể sẽ còn nhiều thay đổi hơn nữa. ĐGH Francis đã nói ông không muốn thấy một Giáo Hội kín cổng cao tường, mà hàng giáo sĩ phải xả thân cứu đời, thậm chí có phải chịu bị tơi tả, tổn thương, “tay lấm chân bùn”…
Thời gian chưa đầy 1 năm sau khi lên ngôi, ĐGH Francis đã lên tiếng về nhiều vấn đề đa diện khác nhau, đôi khi cả những xung khắc, trong đời sống nhân loại hiện nay: về sự giàu có và nghèo khổ, về công bằng và công lý, sự hiện đại hóa, toàn cầu hóa. ĐGH Francis hứa hẹn mở rộng vai trò của nữ giới trong Giáo Hội tương lai. Ông cũng cho cải tổ hệ thống nhà băng Vatican. Đặc biệt, hơn một lần ĐGH Francis lên án tệ sùng bái đồng tiền thái quá trong xã hội hiện đại. Đến tháng 11-2013, ĐGH Francis chánh thức công bố một chỉ dụ dài 50,000 chữ, đề tài chú trọng giới tư bản toàn cầu. ĐGH Francis chỉ ra kinh tế thế giới vẫn còn âm ỉ những khủng hoảng còn lớn hơn hiện tại, khi chênh lệch giàu nghèo quá lớn, khi đồng tiền lên tuyệt đỉnh, và khi người ta lầm lẫn hạnh phúc, ý nghĩa cuộc sống đồng nghĩa với số lượng tiền bạc và sự hưởng thụ.
Có nhiều việc khác của ĐGH Francis, dù mang tính cách cá nhân, vẫn là hấp lực cao, gây chú ý, thu phục rất nhiều cảm kích. Khi mới lên ngôi kế vị ĐGH Benedict 16, ông không dọn vào ở trong khu dinh thự rộng rãi, sang trọng dành riêng cho vị Giáo Hoàng. Thay vì vậy, ông tiếp tục lưu lại trong một căn phòng nhỏ tại nhà tiếp khách của Vatican cho đến ngày nay. ĐGH Francis thay chiếc công xa Mercedes sang trọng bằng một chiếc Ford Focus đơn giản. Để đi lại bên trong vòng thành Vatican, ĐGH tự tay lái một chiếc xe Renault già 30 năm, đã chạy trên 190,000 mile. (Các vị GH tiền nhiệm như John Paul II hay Benedict 16 đều dùng xe đặc biệt gọi là “popemobile” có kiếng chắn đạn.
Giản dị và khiêm nhường, ĐGH Francis tự tay mang túi xách lên phi cơ tại phi trường Rome. Ảnh Reuters
Khác vị Giáo Hoàng cũ uyên thâm sách vở, Giáo Hoàng Francis lại thích hòa mình giữa đám đông, ôm các em bé, hôn người dị tật, chơi đùa với trẻ em mồ côi, rửa chân cho bịnh nhân bịnh liệt kháng AIDs, v.v… Ông điều Tổng Giám Mục Konrad Krajewski, người chịu trách nhiệm các vụ cứu trợ nhân đạo, ra khỏi Vatican, sống gần các khu vực nghèo quanh thành Rome. Cũng có tin hành lang tiết lộ, có thể ĐGH Francis hơn một lần lặng lẽ rời Vatican vào buổi chiều tối cùng vài cận vệ. Những dịp như vậy, ông mặc trang phục tu sĩ bình thường, viếng thăm và hỏi han người vô gia cư của Rome. Nếu tin này được xác nhận, nó cho thấy ĐGH Francis vẫn giữ nhiều thói quen và phong cách bình dân từ những ngày còn coi sóc Tổng Giáo Phận Buenos Aires.
Pope Francis rửa chân cho tù nhân dịp Lễ Phục Sinh 2013 tại khám đường Casal del Marmo bên Ý. Ảnh AFP/Getty Images
Có lẽ không quá ngạc nhiên khi Giáo Hoàng Francis được rất nhiều người mến chuộng. Chưa một ai từng thu hút đám đông lên đến 3 triệu người kéo về một bãi biển. Thăm dò xã hội mới nhất của hai hãng truyền thông lớn ABC News và Washington Post cho thấy 92% tín hữu Công Giáo và 69% dân chúng Hoa Kỳ yêu thích ĐGH Francis. Một kết quả thú vị là các đồ vật lưu niệm có liên quan đến ĐGH Francis bán chạy không kịp sản xuất.
Thế giới internet, “Pope Francis” được tìm kiếm nhiều nhất trên mạng lưới không gian ảo trong năm qua. Thật hiếm khi có một yếu nhân lần đầu ra mắt công chúng thế giới và lập tức thu hút chú ý, chinh phục trái tim hằng tỉ người trong năm 2013 như ĐGH Francis — dù bất cứ giới nào – trẻ hay già, người Công Giáo hay không, thậm chí cả những người chỉ trích.
Pope Francis ôm một người dị tật bẩm sanh hôm 6-11-2013. Ảnh Claudio Peri/EPA/Landov
TD