Khăn choàng cổ xuất hiện từ thời La Mã cổ đại, nhưng dùng để… lau mồ hôi. Đến nay thì khăn choàng cổ đã có quá nhiều loại, nhưng khó có loại khăn choàng nào giống như của nghệ sĩ Nate Hill. Khăn choàng có tên là “Những khăn choàng chiến tích” (Trophy Scarves) là các phụ nữ khỏa thân da trắng, với ngụ ý của Hill đặt ra vấn đề sắc tộc, khi một số đàn ông da đen xem các “em” da trắng vắt vai (qua đường) như là chiến tích, vai vế và quyền lực của mình. Mùa Đông có chiếc khăn da như vậy xem ra cũng ấm, có điều hơi nặng.
Nhảy lầu
Tao Hsiao tại tỉnh Từ Châu, Hoa Lục dắt bạn gái mua sắm cho lễ Giáng Sinh. Tay xách nách mang, khệ nệ đồ đạc cho “ẻm” gần sáu tiếng đồng hồ mà “ẻm” vẫn chưa thỏa ý, cứ muốn mua thêm áo kia, giày nọ. Những người chung quanh kể rằng, Tao mất kiên nhẫn và bắt đầu to tiếng với bạn gái khi cô cứ lải nhải anh là người keo kiệt, không chìu ý nàng. Quá giận, Tao quăng xách đồ và lao luôn từ tầng cao ngay trong shopping mall xuống đất. Tao hưởng thọ 38 tuổi, để lại một con (bồ quá quắt) và khoản nợ thẻ (tín dụng) đáng kể. Tang lễ cử hành trước lễ Giáng Sinh. Gặp người khác thì cáo phó này dành cho “ẻm” chớ mắc chi phải nhảy lầu. Xin phân ưu.
Nhà hàng bồn cầu
Mùa lễ này đưa em đi ăn ở đâu? Xin thưa đưa ngay vào nhà hàng bồn cầu cho mới lạ và thức ăn (không chừng) lại đậm đà mùi vị. Nhà hàng có tên gọi Magic Restroom Cafe tại Nam California được khai trương với phong cách… đậm đặc bồn cầu, từ trang trí, ghế ngồi cho đến tô dĩa cũng có hình dạng bồn cầu. Chủ nhân là YoYo Li, một người Hoa, đã nhái phong cách của những loại nhà hàng loại bồn cầu khá phổ biến và thành công tại Đài Loan để thử thời vận tại Mỹ, xem cách ngồi ăn này có ăn khách hay không. Tưởng tượng nàng (ngồi) trên một chiếc bồn cầu và chàng trên một bàn cầu, tay nắm tay, mắt đắm đuối. Lãng mạn hay lãng… xẹt?