Nghề trang điểm người chết cũng giống bao nghề khác trong cuộc mưu sinh. Người đã trót mang cái nghiệp vào thân phải vượt lên những định kiến xã hội với nghề mình chọn. Ở xứ này, người Việt hiếm ai chọn nghề này. Có chăng, họ đến với công việc này từ sự tình cờ bằng công việc khác đưa đến hoặc không có cơ hội lựa chọn. Khi chạm tay vào công việc mang yếu tố tâm linh, họ có tâm niệm đó cũng là cách làm phúc và tích đức cho con cháu.
Nghề trang điểm cho người về bên kia thế giới thường qua trường lớp đào tạo ngành Mortuary Science (Kỹ thuật khoa học tang lễ)
Tình cờ trở thành chuyên gia trang điểm
Qua sự giới thiệu của một người quen, chúng tôi tìm đến nhà ông T.T. ở khu Lancaster, Dallas. Những phút ngần ngại ban đầu trôi qua nhanh chóng. Ông bảo đừng có đăng ảnh và dùng tên khác giùm ông. Ông T.T. không muốn bà con đồng hương biết ông làm nghề trang điểm cho người đã khuất. Một phần vì sợ người ta dị ứng, phần khác ông chẳng thấy vinh hạnh gì nói về công việc mình làm. Chẳng qua là ông không phải người chuyên nghiệp trang điểm được đào tạo mà xuất phát từ công việc vệ sinh thi thể trong nhà quàn cách nay hai mươi lăm năm.
“Tôi đến Dallas năm 1989, hội World Relief đưa tôi về định cư ở Lancaster đến giờ. Thời đó công ăn việc làm rất dễ tìm. Ngặt chân trái tôi bị thương có tật nên không làm công việc nặng nhọc hay phải đi đứng di chuyển nhiều được. Vả lại tiếng Anh biết được mấy chữ nên Hội giới thiệu tôi vào làm dọn dẹp trong nhà tang lễ gần nhà. Đến khi phỏng vấn họ đề nghị tôi làm công việc vệ sinh thi thể. Công việc khỏe hơn, và không phải làm đêm. Nghe đề nghị tôi đồng ý tỉnh bơ không chút ngần ngại. Hồi trước trong lính, tôi từng có dịp mai táng cho đồng đội. Nhiều thi thể không nguyên vẹn, lau chùi, vá víu để thân nhân đến nhận xác không nhìn thấy khiếp. Chẳng bù công việc ở đây có đầy đủ tiện nghi thiết bị để làm nên tôi thấy không chút gì khó nhọc và ghê sợ. Tôi làm việc này được vài tháng, thu nhập ổn định, có bảo hiểm sức khỏe cho gia đình rất tốt nên theo luôn. Lúc đầu tôi giấu biệt, không nói cho người nhà biết cụ thể mình làm công việc gì. Sau này mọi chuyện ổn định tôi mới nói thật mọi chuyện. Nghe xong vợ tôi càu nhàu, bảo tôi nghỉ việc, xin làm clean up trường học cho an lòng. Nhưng tôi phớt lờ. Hình như càng làm tôi càng thích công việc không ai thích này. Vậy mà năm tới tôi về hưu rồi đó”.
Đúng như người ta nói, những người làm việc trong nhà xác thường ốm o, xanh xao. Ông T.T. xanh trắng do suốt ngày trong phòng lạnh, nhưng dáng đi rất nhanh nhẹn khỏe mạnh. Và theo ông T.T. do hồi còn trong lính từng có dịp khâm liệm người tử trận nên ông có chút “khiếu” về công việc nhìn tưởng đơn giản nhưng thật phức tạp này. Ông kể: “Tôi làm vệ sinh thi thể suốt mấy năm. Rồi phụ việc sử dụng các loại hóa chất, học tên các loại, cách sử dụng kỹ thuật tiêm chích chất bảo quản thi thể. Thấy tôi làm việc siêng năng, cô chuyên gia trang điểm dần dần dạy tôi cách đánh phấn, trang điểm làm sao cho thi thể trông như người đang ngủ. Tôi thử một vài ca, thấy tốt, cô cho tôi theo phụ công việc trang điểm luôn. Nhờ vậy lương tôi được nhiều hơn. Nhiều khi nghĩ lại thấy chắc do phần số của mình được đồng đội khuất mặt phù hộ”.
Vài dụng cụ trang điểm dành cho khuôn mặt.
Trái với công việc trang điểm người chết chưa qua trường lớp, cô con gái ông M. ở Austin xem như một trường hợp cá biệt. Nghe tôi nói chuyện phiếm về nghề trang điểm cho người bên kia thế giới, ông M. hãnh diện cho biết con gái ông nhận học bổng ngành giải phẫu pháp y tận bên xứ chuột túi. Ba năm trước con gái ông học ngành sinh hóa mong sau này làm bác sĩ. Cô tự tìm tòi học hỏi những chương trình dính dáng với công việc như giải phẫu cơ thể, hóa học, luật, nhân chủng học và cả kỹ thuật ướp xác. Là con gái đương nhiên có khiếu trang điểm nên có lần cô “nghiên cứu” cách trang điểm cho người chết. Một lần cô nhận trang điểm cho một thân chủ. Khi mang ra nhà quàn, thấy thân nhân mình trông rất tự nhiên như người còn sống. Gia chủ cảm ơn thưởng món tiền hậu hỉ ba ngàn đô la.
Xem ra những người Việt mình đến với công việc trang điểm cho người bên kia thế giới chẳng qua là sự tình cờ. Ngay cả người Việt mình làm trong ngành tang lễ cũng đã là hiếm hoi. Ngoại trừ làm chủ cơ sở mai táng, nghĩa địa hoặc làm quản lý nhà quàn của Mỹ. Nói chung là con số rất ít.
Thành công của cô là cố gắng làm sao cho người quá cố trông như đang ngủ.
Buồn hơn vui với nghề trang điểm tử thi
Công việc trang điểm cho tử thi tương đối phức tạp như tắm rửa, mặc quần áo, sửa lại tư thế nằm, trang điểm đầu tóc, phải “make-up” khuôn mặt người mất sao cho hồng hào rạng rỡ như còn sống. Đối với các tử thi còn nguyên vẹn thì còn đơn giản, chứ nếu gặp phải những xác chết bị tai nạn giao thông, thân xác bị thiêu cháy đen thì việc trang điểm càng khó khăn hơn nhiều. Chấp nhận theo nghề, đồng nghĩa phải xác định rõ những rủi ro nghề nghiệp có thể mắc phải. Tử thi vốn đã rất độc hại nhưng tiếp xúc với những xác người mang căn bệnh truyền nhiễm thì còn rủi ro hơn nhiều. Theo như lời kể của bà Mỹ hàng xóm làm công việc cứu hộ ở cạnh nhà tôi, những tử thi mắc phải những căn bệnh hiểm nghèo nhất là AIDS, thường mang đến những rủi ro lây nhiễm cao cho người trang điểm.
Bà Lola không làm nghề trang điểm tử thi nhưng công việc của bà nhiều khi đi nhặt xác người vô gia cư hoặc người đột tử ngoài đường phải rất cẩn thận. Hồi trước bà có ý định làm việc trong ngành y tá nhưng vào bệnh viện làm được vài tuần rồi xin nghỉ. “Tôi thấy máu là hai cái chân muốn run. Nhưng người chết nằm bất động lại là chuyện khác. Tôi thích nghề trang điểm cho người chết, ông xã nói tôi quái đản. Trang điểm làm đẹp cho người sống không làm, ai lại đi trang điểm chỉ có một lần cho người chết. Không khéo còn gặp độc hại rủi ro. Tôi cãi lại, chính vì vậy người ta trả tiền rất cao. Bốn năm trăm đô cho một ca trang điểm. Cuối cùng tôi xin vào ngành cứu hộ cho ổng khỏi càm ràm”.

Ông T.T cho biết, với người đột tử bình thường thì việc trang điểm tương đối dễ dàng và sau khi trang điểm xong trông giống như người đang nằm ngủ. Còn người bệnh lâu năm, khi chết da dẻ xám xanh, phải dồi phấn màu nhiều nên trông không còn tự nhiên như ý muốn. Tôi thử tìm cách để trang điểm tốt hơn nhưng không bao giờ thành công. Tương đối thôi, nhiều khi tôi thấy có lỗi với người quá cố. Còn chuyện gặp rủi ro lây nhiễm trong quá trình công việc, tất nhiên phòng ngừa an toàn vẫn là tốt, nhưng cũng không nghiêm trọng như mình tưởng tượng. Từ bệnh viện, chuyển qua nhà xác, giải phẫu nội tạng, rút máu, tiêm chích formol bảo quản. Cuối cùng là ướp xác trang điểm, đầu tóc, khuôn mặt… là xong. Người làm công việc chỉ đảm nhiệm phần cuối cùng, nên vẫn rất an toàn”.
Hỏi chuyện buồn vui trong nghề trang điểm cho người bên kia thế giới, ông T.T nói: “Nghề này có gì vui, toàn là buồn. Người ta mất đi người thân, bạn bè buồn thúi ruột, mình làm nghề trang điểm cố gắng sao mang lại giờ phút cuối cùng cho họ nhìn thấy người quá cố như còn rạng rỡ nhưng nào có được. Vui là vui trong suy nghĩ khi mình hết sức làm tròn trách nhiệm, chứ bụng dạ rầu cho kiếp người ngắn ngủi. Có khi nhìn những người ra đi còn quá trẻ mình lại thấy chạnh lòng.
Hoàn tất công việc trang điểm xong rồi đưa ra nhà quàn.
NL