Menu Close

Phan Nhật Nam – phận người vận nước

Trong số những tác giả viết về cuộc chiến tại Việt Nam, về chân dung Người Lính của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, có thể nói nhà văn Phan Nhật Nam là cây bút “lửa,” người đã tái hiện lại nguyên vẹn hình ảnh hào hùng của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, và chiến trường khốc liệt mà bản thân ông từng chứng kiến. Ngày 12 tháng 10 năm 2013 vừa qua, tác giả “Dấu Binh Lửa” giới thiệu với độc giả hai quyển sách  mới  “Phận Người Phận Nước” và “Chuyện Dọc Đường.” Trong hai tác phẩm mới này, “Phận Người Vận Nước” được xem là dấu ấn đặc biệt sau 44 năm cầm bút của Phan Nhật Nam. Theo lời ông đây không phải là quyển sách, mà là hệ thống sách viết từ năm 1968 cho đến bây giờ. Có thể nói đây là tuyển tập chọn lọc những bài đăng trên Tuần Báo Sống, những bài viết cho chương trình “Lịch Sử Việt Nam Cận Đại,” và chương trình “Sống Cùng Mệnh Nước Nổi Trôi” trên đài truyền hình SBTN của tác giả. “Phận Người Vận Nước” gồm ba phần:

– Phần thứ nhất: Những biến cố xảy ra trong những năm 1945, 1968 và 1972-1975.

– Phần thứ hai: Viết về con người, những Vị Tướng như ông Ngô Quang Trưởng, ông Nguyễn Quang Hiếu, ông Trương Quang Ân, kể cả người lính biệt kích Nguyễn Công Thành, bị gông cùm và bị giam giữ từ năm 1964 đến năm 1979.

– Phần thứ ba: Ghi lại trung thực những yếu tố và  những sự kiện đã xảy ra.

Danh Tướng Ngô Quang Trưởng được nhà văn Phan Nhật Nam đặc biệt nói đến trong “Phận Người Vận Nước.” Ông mô tả những trận đánh hào hùng ở mật khu Hắc Dịch năm 1965, cuộc chiến Mậu Thân 1968, và mùa hè đỏ lửa tại Cổ Thành Quảng Trị năm 1972 của vị tướng nổi tiếng tài ba thao lược và thanh liêm này.

 

alt

Phan Nhật Nam trong buổi ra mắt sách – nguồn nvradio-co

Để có thể nhận diện chân dung Người Lính của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, để có thể biết những biến động lịch sử xảy ra tại Miền Nam Việt Nam trước và sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, người Việt ở hải ngoại và cả người Việt ở trong nước thường đọc sách của Phan Nhật Nam. Những tác phẩm của ông là thiên ký sự bi thương về thân phận của người lính, về thân phận của người dân trong tháng năm binh lửa. Như “Phận Người Vận Nước” đặc biệt ghi lại cảnh trói tay chôn sống người dân của Cộng Sản Miền Bắc tại Huế năm 1968. Không phải một người chết, không phải vài chục người chết, không phải vài trăm người chết, mà là cả mấy ngàn người vô tội bị chôn sống một cách dã man trong cuộc chiến Mậu Thân.

Nhà văn Phan Nhật Nam tên thật là Phan Ngọc Khuê sinh ngày 9 tháng 9 năm 1943 tại Nại Cửu, Triệu Phong, Quảng Trị. Ông xuất thân  Khóa 18 Trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt, gia nhập Binh Chủng Nhảy Dù, cấp bậc sau cùng Trung Úy. Sau ngày 30-04-1975 ông bị bắt giam trong trại tập trung cải tạo 14 năm (1975-1989), bị biệt giam hàng năm trời trong hầm tối. Khi được thả, ông lại bị quản thúc tại  nhà ở Lái Thiêu, Bình Dương. Năm 1993 ông sang Hoa Kỳ định cư, bắt đầu viết sách. Phan Nhật Nam thường nói ông không phải là nhà văn, chỉ là người lính ghi lại những gì mắt thấy tai nghe khi trinh sát chiến trường, khi chứng kiến nỗi thống khổ không bút nào tả xiết của những người lính, của những người dân vô tội trong các cuộc chiến. Nổi danh từ tác phẩm đầu tay “Dấu Binh Lửa” xuất bản năm 1969 tại Sài Gòn, tính đến nay nhà văn Phan Nhật Nam đã có 15 tác phẩm. Sách viết về đề tài chiến tranh của ông không chỉ đơn thuần là tài liệu tham khảo, mà là chứng cớ lịch sử – chứng cớ không phải của riêng một nhóm người, một địa phương, mà là của cả dân tộc Việt Nam. Ngoài “Dấu Binh Lửa,” phải kể đến những tác phẩm tiêu biểu khác của Phan Nhật Nam là: “Dọc Đường Số Một, Ải Trần Gian -1970,” “Mùa Hè Đỏ Lửa -1972,” “Dựa Lưng Nỗi Chết- 1973,” “Tù Binh và Hòa Bình -1974.” “Những Chuyện Cần Được Kể Lại- 1995,” “ Đường Trường Xa xăm -1995.”  Năm 2002 tác phẩm “Những Chuyện Cần Được Kể Lại” được phát hành bằng Anh Ngữ với đề tựa “The Stories Must Be Told.”

Năm tháng qua đi, nhưng chứng tích lịch sử và những trận đánh hào hùng của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa vẫn ghi đậm nét trong lịch sử dân tộc, đặc biệt chân dung kiên cường uy dũng của Người Lính Việt Nam Cộng Hòa. Hình ảnh cũ bóng người xưa tưởng đã trôi xa trôi khuất theo bước thịnh suy của dân tộc. Thế nhưng khi đọc “Phận Người Vận Nước” cõi người ta tưởng như nhìn thấy tiếng khóc thương tâm của người dân xứ Huế trong Tết Mậu Thân 1968, tưởng như nhìn thấy đoàn hùng binh Hải-Lục-Không-Quân Việt Nam Cộng Hòa kiêu hùng hát Đường trường xa muôn vó câu bay dập dồn. Đoàn hùng binh trong sương lướt gió reo vang.Đi đi đi lời thề nguyền tung gươm thiêng thi gan tài. Đời hùng cường quyết chiến đấu đoàn quân ra đi. Đây đoàn quân ra đi nhịp nhàng…” [*]

HNP
[*]. “ Lục Quân Việt Nam.” Của nhạc sĩ Văn Giảng.