Menu Close

Thạch cao – Vitamin – Loãng xương – Mũi – Lưỡi – Đau đầu

Kính gửi bác sĩ Nguyễn Ý Đức

1. Tôi là người ăn chay trường nên ăn đậu hủ rất nhiều hơn mọi thứ khác vì nghe nói ăn đậu hủ tốt nhưng đậu hủ lại có thạch cao. Vậy ăn nhiều thạch cao có hại hay không. Có phải thạch cao là loại người ta dùng để đúc tượng?

2. Vitamin uống thế nào cho tốt

3. Uống thuốc Didrocal bisphosphonates để phòng ngừa loãng xương như thế nào.

4. Lúc nào nên uống thuốc trị bệnh do bác sĩ cho?

5. Từ mấy tháng nay mũi ngửi bây giờ kém hơn trước đôi khi phải để thức ăn sát vào mũi  cũng chỉ thấy hơi hơi có mùi.

6. Dưới lưỡi của tôi thỉnh thoảng cứ bị đau nhưng không phải có mụn gì hết mà chỉ thấy đỏ, nhất là tôi phải xài hàm răng giả nếu bị cấn càng đau hơn, đi bác sĩ cho uống thuốc rồi lại khỏi nhưng bị lại sau đó khoảng vài ba tháng. Cả cuống họng của tôi cũng vậy, cứ như có gì vướng ở cuống họng, có đi khám nhưng bác sĩ bảo không có gì, nhưng tôi thắc mắc là nếu không có gì thì tại sao cứ bị cục gì chặn ở cuống họng mặc dù ăn không bị nghẹn hoặc sặc.

7. Một khoảng đầu bên phải tôi bị hơi đau nhức và không có cảm giác khi ấn tay vào như chỗ đó bị chai cứng hơn chỗ khác.

Xin bác sĩ giải đáp hộ. Rất cảm ơn bác sĩ. Cần Nguyễn

 

Đáp

1. Đậu hủ làm từ đậu nành. Đậu nành là thực phẩm rất bổ dưỡng. Nỗi e ngại của cụ cũng là e ngại của nhiều người, vì một số người làm đậu ham lợi nhuận đã cho thạch cao khi làm đậu để đậu cứng hơn và làm được nhiều hơn. Chuyện thêm thạch cao này chắc là không xảy ra ở Hoa Kỳ hoặc Canada vì nơi đây có quy luật an toàn thực phẩm rõ ràng.

Đậu hủ thường có màu trắng và mềm mại còn đậu có thạch cao thì cứng và vàng. Cũng đề nghị với cụ là nếu còn e ngại đậu hủ có thạch cao thì có thể nấu đậu nành thành nhiều món ăn khác, cũng rất hấp dẫn, chẳng hạn sữa đậu nành.
Thạch cao chính là chất để tô tường, đúc tượng đấy. Ăn nhiều có hại cho cơ thể.

2. Vitamin uống thế nào cho tốt

Việc uống thêm vitamin và khoáng chất vào lúc nào là thắc mắc của nhiều người và hiện nay cũng chưa có một hướng dẫn chung từ các nhà chuyên môn dinh dưỡng.

Có ý kiến cho rằng  uống sau khi ăn sáng có thể bảo đảm là chúng sẽ được hấp thụ hoàn toàn, nhất là đối với vitamin  hòa tan trong nước như C và B. Uống khi bụng đói, các vitamin này sẽ rời khỏi bộ máy tiêu hóa quá nhanh và cơ thể chưa kịp hấp thụ. Ngược lại, các vitamin hòa tan trong dầu mỡ A, D, E và K lại chậm  thoát ra khỏi cơ quan tiêu hóa nếu ta dùng chúng khi bụng đói vì cơ thể giữ chúng lại lâu hơn.

Nhiều ý kiến cho rằng vitamin và khoáng chất có tự nhiên trong thực phẩm thì uống khi ăn cũng hợp lý.

Cũng có ý kiến cho rằng uống khi no hoặc đói cũng được và nếu cảm thấy khó chịu bao tử thì ăn một chút thức ăn.

Riêng loại calcium carbonate cần một chút acid ở bao tử để được hấp thụ thì nên uống khi ăn. Còn calcium citrate thì uống lúc nào cũng được.

Vitamin D cần thiết cho sự hấp thụ calcium, cho nên hai loại này thường đi song hành với nhau.

Sự hấp thụ chất sắt sẽ gia tăng nếu dùng chung với vitamin C hoặc thực phẩm có C như nước chanh, cam, dâu tươi.

Vitamin C hòa tan trong nước cho nên số lượng C trong máu rất thấp và ta có thể dùng thêm sinh tố này thường xuyên trong ngày. Sinh tố này cũng hay kích thích bao tử, cho nên không nên uống khi bụng đói nhất là trước khi đi ngủ, sẽ khó ngủ.

-Các loại chất xơ: nên dùng vào buổi sáng khi ngủ dậy để giúp đại tiện dễ dàng. Chất xơ cũng cản trở sự hấp thụ sinh tố vì thế không nên uống thêm sinh tố trước khi dùng chất xơ, nhất là không nên uống chất sắt.

Một nhà chuyên môn về dinh dưỡng, tiến sĩ Andrew Weil có ý kiến rằng: “Hãy lắng nghe phản ứng của cơ thể. Dùng các thực phẩm bổ sung này khi chúng không gây ra khó chịu nào cho mình”.

3. Về câu hỏi uống thuốc Didrocal bisphosphonates để phòng ngừa loãng xương như thế nào.

Ông phải uống đúng theo hướng dẫn của bác sĩ:

14 viên trắng: một viên vào mỗi buổi tối với một ly nước lạnh; không ăn gì trong vòng 2 giờ; không được uống thứ gì có calcium, magnesium, sắt, aluminum; không được uống sữa, ăn fromage. Cũng có hướng dẫn nói là uống vào buổi sáng hoặc vào nửa buổi sáng.
Sau đó là 76 viên xanh là calci thì cũng uống  mỗi ngày một viên, no bụng hoặc đói bụng đều được.

4. Về lúc nào uống thuốc trị bệnh thì ông phải hỏi bác sĩ đang điều trị cho ông vì mỗi loại có chỉ định riêng uống khi ăn hoặc đói bụng, uống chung với thuốc khác được hay không. Dược sĩ bán thuốc cũng có thể nói cho ông biết. Chẳng hạn, cũng là thuốc hạ huyết áp thì có bác sĩ nói uống vào buổi tối trước khi đi ngủ để tránh huyết áp lên cao khi thức dậy vào buổi sáng. Ngược lại cũng có bác sĩ dặn uống vào buổi sáng…

5. Ông cho biết là mũi ngửi bây giờ kém hơn trước đôi khi phải để thức ăn sát vào mũi  cũng chỉ thấy hơi hơi có mùi.

Đây là chuyện thường xảy ra ở người tuổi cao: nụ nếm ở lưỡi và tế bào ngửi ở mũi đều còn lại rất ít, vì thế các cụ ăn không thấy hương vị như xưa. Các nhà chuyên môn đề nghị tăng thêm các chất gia phụ để tăng mùi vị của món ăn hoặc là thêm mầu mè để món ăn nhìn hấp dẫn hơn. Có bạn ăn cùng cũng giúp mình ăn ngon hơn, vì thấy họ ăn ngon thì tâm lý mình cũng hùa theo, cho là ngon.

6. Ông diễn tả rất đầy đủ chi tiết và tôi cũng hiểu phần nào vấn nạn của ông, tuy nhiên không khám không nhìn tận mắt và làm vài xét nghiệm thì cũng khó mà nói đó là bệnh gì và tại sao.

Nếu ông đã đi bác sĩ và sau khi khám bác sĩ nói không có gì thì mình cũng an tâm một phần, vì theo tôi không có gì có nghĩa là không bị bệnh trầm trọng ở lưỡi (chẳng hạn ung thư…). Nhưng nó vẫn đau vẫn đỏ thì là chuyện bất thường.

Ông thử đi bác sĩ nha khoa nhờ coi xem răng miệng có bị nhiễm trùng gì không; răng giả hoặc chất rửa răng giả có gây ra kích thích cho tế bào lưỡi…

Cũng coi lại xem có phải là đau sau khi tiêu thụ thực phẩm quá cay chua hoặc quá nóng quá cứng. Tôi chắc là ông không uống rượu, hút thuốc lá.

Vướng vướng ở cuống họng cũng là than phiền của nhiều người, khi đầy hơi hoặc ợ chua. À mà ông có hay bị ợ chua, nhất là khi ăn no hoặc khi nằm ngủ không nhỉ? Chất chua từ bao tử dội ngược lên miệng cũng hay làm miệng đau lở đấy.

7. Tôi chỉ nghĩ được rằng, không hiểu ông có hay nằm nghiêng về phía bên đó thường xuyên, nhất là khi gối đầu với gối gỗ, gối cứng. Nếu chỉ hơi đau hơi tê mà không có dấu hiệu thần kinh nào, thì ta làm vài đường massage chỗ đó cho máu lưu thông, xem kết quả ra sao.

NYĐ