Menu Close

Trở lại tiệm sách và cà phê Barnes & Noble

Tiệm sách và cà phê Barnes & Noble với người viết có nhiều kỷ niệm thân thiết. Ngay từ hồi mới tới xứ này, cách đây trên mười lăm năm, Nguyễn đã tìm tới nó. Ở Cali, rồi Dallas, rồi Virginia… Nguyễn thích Barnes & Noble là vì hương cà phê Starbucks và thế giới sách trong đó. Phải nói rằng một buổi sáng hay một buổi chiều ở Satarbucks là điều lý thú mà chẳng phải tốn nhiều tiền. Tới Barnes & Noble, Nguyễn thường đi với hiền nội -lúc nàng còn trong cõi đời này, cũng thường khi với bạn bè, đôi khi với một cô bạn xinh đẹp và cũng mê sách như Nguyễn.

Tất nhiên, nhiều người nữa cũng thích Barnes & Noble như  mình. Bạn Nguyên Anh của trang web Sài Gòn Ẩm Thực đã viết một bài tựa đề “Barnes & Noble – khúc giao hòa của sách và café”, trong có đoạn: Là thương hiệu bán lẻ sách lâu đời và phổ biến nhất của Mỹ – Barnes & Noble đã rất thành công khi mở rộng mô hình kinh doanh truyền thống sang kết hợp giữa sách và cafe. Ra đời từ những năm cuối thế kỷ 18, cho tới ngày nay Barnes & Noble đã có hơn 1,000 cửa hàng sách ở khắp các tiểu bang. Mô hình kinh doanh kết hợp giữa cafe và sách của Barnes & Noble bắt đầu từ năm 1993 với cửa hàng đầu tiên tại Springfield, New Jersey. Không chỉ đơn thuần là mô hình cafe sách, Barnes & Noble còn được biết đến như một chuỗi quán cafe được đánh giá cao khi chỉ phục vụ các loại cà phê của Starbucks, trà của Tazo hoặc Harney & Sons, các sản phẩm giải khát của FIJI, bánh ngọt từ thương hiệu nổi tiếng Cheesecake Factory cùng các loại bánh mì, thức ăn nhẹ…

Một bạn khác là Jeffrey Thái cũng viết trên Yume: “Đặt chân vào ngưỡng cửa của hiệu sách Barnes & Noble lần đầu tiên, tôi như tìm thấy lại cả một vùng ký ức thân yêu của những ngày thơ trẻ, dẫu rằng vùng ký ức ấy có phần nào lẻ loi và cô quạnh. Trong vùng ký ức ấy, thứ mà tôi có duy nhất chỉ là sách và sách. Những quyển sách đã đồng hành, rong ruổi cùng tôi trên mọi nẻo đường cát bụi của cuộc đời như những người bạn sắt son, chung thủy…Có những quyển sách tôi đã đọc nhiều lần đến nỗi, khi tôi đi xa, một phần linh hồn của tôi đã ở lại phía đằng sau với chúng.

Ở hiệu sách Barnes & Noble, tôi đã gặp lại “những đứa bạn ngày xưa thân ái” của tôi, cái thuở mà tôi chỉ mới mười tám, đôi mươi: Cuốn Theo Chiều Gió, Tội Ác Và Hình Phạt, Chiến Tranh Và Hoà Bình, Những Con Chim Ẩn Mình Chờ Chết, Thằng Gù Nhà Thờ Đức Bà, Những Người Khốn Khổ, Trăm Năm Cô Đơn… Tất cả chúng giờ đây đều đã có một đời sống khá giả hơn: chúng mặc trên người những chiếc áo mới thời trang, đắt tiền với phẩm chất hảo hạng, và đặc biệt là tất cả chúng giờ đều thông thạo Anh Ngữ. Nhưng không vì thế mà chúng tỏ ra kiểu cách, hợm hĩnh…”

Chiều hôm nay, một lần nữa Nguyễn trở lại Barnes & Noble ở  khu Firewheel Dallas. Một buổi chiều thu không nắng của năm 2013. Trở lại với ước mong tìm về những hình bóng thân yêu ngày nào và được sống trong bầu không khí của trầm tư và trí tuệ sáng tạo. Trở lại phần nữa cũng vì lo sợ sẽ có một ngày, không xa lắm, Barnes & Noble cũng sẽ đóng cửa như đồng nghiệp Borders của mình. Chẳng là mới đây đọc thấy trên báo tin này: Barnes & Noble và Borders là hai tiệm sách lâu đời nhất và lớn nhất nước Mỹ. Thời gian qua, do biến động của nền kinh tế và sự phát triển của sách báo trên mạng, Borders đã phải đóng cửa, chỉ còn  Barnes & Noble… Và nhiều người đang nghĩ tới Barnes & Noble với ít nhiều lo lắng. Với mức doanh thu còn yếu kém so với những năm trước, người ta cho rằng có lẽ số phận của Barnes & Noble rồi cũng không khá hơn số phận của Borders, một đối thủ cạnh tranh đã phải dẹp tiệm. Tuy nhiên, Barnes hiện đang đặt hy vọng vào ấn bản Nook mới, có tên Nook Glowlight, máy tính bảng đọc sách cạnh tranh với Kindle Paperwhite của Amazon sẽ bán chạy trong mùa lễ Giáng Sinh 2013. Và tổng giám đốc công ty Barnes & Noble, ông Michael P. Huseby, cũng khẳng định, qua một bản công bố, rằng công ty của ông không phải là Borders. “Barnes & Noble là một phần của các cộng đồng chúng tôi có mặt. Là một nơi sôi động, chỗ mọi người có thể gặp bạn bè, uống tách cà phê, và khám phá mọi lý thú trên đời.”

Với những đám mây đen lởn vởn trong đầu, Nguyễn trở lại Barnes & Noble. Tuy nhiên, quang cảnh diễn ra đã khiến Nguyễn yên tâm phần nào. Người vô ra tấp nập, có cả thanh niên thiếu nữ và trẻ em, trong bầu không khí vui tươi, nhộn nhịp, văng vẳng tiếng dương cầm đang chơi  Schubert, Chopin, Beethoven… Như thường lệ mình đảo qua khu trưng bày CD và Video phim, nhạc rồi mới tới khu sách báo. Khi đi qua tiệm cà phê Starbucks và thức ăn nhẹ, nhớ ơi là nhớ những buổi chiều đã cùng hiện nội ngồi ở đây. Trên tường là những tấm poster in thật đẹp về một số tác phẩm bất hủ quen thuộc: Of Mice and Men của John Steinbeck. The Sound and The Fury của William Faulkner, The Great Gatsby của  Scott Fitzgerald, Gone with Wind của Margaret Mitchell… A, cái ghế gỗ màu đen bóng ở góc phòng kia là nơi hiền nội vẫn thường ngồi đọc các tạp chí. Nhìn muốn rưng rưng nước mắt. Nguyễn đi quanh, vào khu dành cho trẻ em và phụ huynh. Tấm phông đằng sau sân khấu vẽ hình một rừng cây, có những con cú, con sóc, con quạ và công, mấy chú nai hiền lành gặm cỏ… Toàn màu đen và nâu vàng, trông thật bắt mắt và vui. Nguyễn nghĩ nếu không có Barnes & Noble thì trẻ em, như các cháu của Nguyễn, lấy đâu chỗ đọc sách và vui chơi bên cha mẹ, ông bà. Lang thang một hồi, lục hết nơi này tới nơi khác, Nguyễn tìm được cho mình tập thơ của Maya Angelou. And Still I rise và cuốn phim Midnight in Paris của Woody Allen. Thích thú với hai tác phẩm này, Nguyễn ghé uống một ly cappuccino ở Starbucks trong tiệm sách. Hương cà phê và màu trời ngoài phố làm nhớ lại một đoạn đã viết hồi qua chơi Virginia cách đây mấy năm.

“Như thuở nào… Anh ngồi ở Barnes & Noble nhìn ra ngoài trời. Mưa phùn vẫn bay trên phố. Trong quán, những người đọc sách vẫn cặm cụi, cúi đầu trên trang sách. Và các nhân vật từ thơ, từ truyện và kịch cũng đang có mặt. Lại thấy Lara với chiếc áo ca-rô màu sặc sỡ, đầu trùm vuông khăn lụa, giống hệt như trong Doctor Zhivago. Và Jenny vẫn bé bỏng như sáng nào có nắng vàng dạo bước qua công viên, rồi gặp chàng họa sĩ trong A Portrait of Jenny. Giờ đây, có thêm Hoàng Tử Bé -Le Petit Prince- đang đứng xoay xoay quả địa cầu, nói: “Một lần nọ, tôi có đến thăm trái đất này và trồng ở đó một cây hoa hồng…” Và ai kia, có phải hóa thân của nữ lang từ thuở bạo Tần trong kinh kịch đang bước tới, đặt túi xách lên bàn, rồi kéo ghế ngồi đối diện. Hôm nay, nàng mặc chiếc áo dạ màu xanh đen có đọng những hạt mưa bay. Mắt mở lớn một bầu trời đêm đầy sao. Nữ lang mở lời: “Chắc chàng chưa quên. Thời trẻ ở thành phố ấy…Mưa phùn và cà phê trong quán, những bức tranh trên tường. Nhớ lời hẹn lúc chia tay, thiếp từ trong sách vở bước ra gặp chàng ở đây…” Và như thuở nào, nàng bưng ly cà phê lên uống, mắt nhìn trìu mến. Rồi kể chuyện gươm bay trong lửa đỏ, những câu hát qua đồi mây, mang lời dụ ngôn của gạch đá ngàn năm. Ly cà phê sắp cạn, thiếu phụ đứng lên, cầm lấy túi xách: “Sáng hôm nay mưa bay, như mưa viễn phố, thiếp xin từ biệt. Từ nay, bèo giạt mây trôi, duyên tri ngộ, biết đến bao giờ…” Rồi cũng như năm nào, nàng quay lưng, ra tới cửa nhìn lại, mắt mờ hơi mưa, và khuất dần. Mưa phùn vẫn bay trên phố. Chung quanh, trong quán sách, mọi người vẫn chăm chỉ đọc, ngồi yên như tượng. Nhìn lên, anh không thấy Lara đâu nữa. Jenny và Hoàng Tử Bé cũng không còn. Nhớ lại nhân vật nữ lang vừa chia tay, anh như còn thấy hiện lên trước mắt những giọt nước mưa trên vai áo và chút bọt cà phê còn vương trên khóe miệng ai. Mưa phùn vẫn bay trên Phố Cổ.”

Ô, mưa phùn trên Phố Cổ ở Virginia đã tan lâu rồi. Bây giờ mình đang ngồi ở đây, tiệm Barnes & Noble ở khu Firewheel Dallas. Thời gian trôi qua, sao hồn thơ vẫn như bao giờ, tan trong mùi hương cà phê và những trang sách…

TN