Menu Close

Hoa trạng nguyên

Khi tiếng chuông bing boong ngân vang trên tầng tháp của ngôi giáo đường cổ kính trong những ngày cuối năm, cũng là lúc hoa Trạng Nguyên đỏ thắm tươi nở. Ngay cả sương mờ che kín mọi ngả đường, chừng như cũng e ngại không dám che phủ sắc đỏ huy hoàng của những cánh Trạng Nguyên. Giữa tầng không khói xây thành mây xám, cõi người ta vừa ngắm hoa Trạng Nguyên vừa nghe giòng thánh nhạc du dương êm ái của Mùa Giáng Sinh, cảm nhận sự bình an thấm vào đến tận linh hồn. Dù không am tường hội họa, ai cũng hiểu màu đỏ là gam màu nóng động, nhưng chẳng hiểu sao màu đỏ của hoa Trạng Nguyên lại rất tĩnh lặng và dịu dàng. Có người nói mưa gió, giá lạnh, băng tuyết của mùa đông đã thuần dưỡng hoa Trạng Nguyên, đã kiềm chế sức nóng hừng hực của sắc đỏ để “Lá Lửa Mễ Tây Cơ” (“Mexican Flame Leaf”) luôn ấm áp thân thiện, không “bùng cháy lên” như bản chất vốn có của lửa. Cũng phải thôi, sao có thể nóng động khi đất với trời se chữ đồng [1] trong mùa sao sáng, khi thời gian sắp hát “Au Lang Syne” tiễn năm cũ đón năm mới, khi hoa Trạng Nguyên hiện diện chỉ vì muốn viết thêm sự thánh thiện và niềm hy vọng, vào biên niên sử vốn đầy nỗi thăng trầm được mất của cuộc đời.

Hoa Trạng Nguyên đến với trái đất bằng huyền thoại đầy tín lý nhiệm mầu. Truyền thuyết kể rằng… một ngày trước Lễ Giáng Sinh, Pepita – cô bé nghèo khổ thánh thiện người Mexico – rất buồn, vì em không có tặng phẩm dâng lên Chúa Hài Đồng. Pedro – anh họ của Pepita – muốn an ủi cô em ngoan hiền của mình đã nói “Anh tin rằng cho dẫu là món quà rất nhỏ, nhưng do người hết lòng hết sức kính yêu Chúa Hài Đồng dâng lên, Ngài vẫn vui mừng đón nhận.” Pepita thật sự không có gì, em hái cỏ dại kết thành bình hoa mang đến giáo đường. Lòng thật bối rối ngượng ngùng vì Pepita nhìn thấy ở chung quanh, người ta dâng những phẩm vật quý giá, tốt đẹp. Nhưng nhớ lời Pedro cô bé đã đặt bình cỏ dại trước điện thờ Thiên Chúa, quỳ xuống cầu nguyện với cả tâm tình: Vinh Danh Thiên Chúa Trên Trời, Bình An Dưới Thế Cho Người Thiện Tâm. Những người có mặt hôm ấy sững sờ, khi chứng kiến một phép lạ: Trong lúc Pepita cầu nguyện, bó cỏ dại từ từ biến thành màu đỏ tuyệt đẹp. Không có tặng phẩm nào trong đêm Thánh hôm ấy lại sinh động, lung linh ánh nhiệm mầu, cho bằng bình cỏ dại biến đổi thành sắc đỏ tươi thắm của Pepita.

Giáo dân tin rằng lòng chí thành của Pepita khiến Thiên Chúa Ngôi Ba cảm động, và Ngài đã làm phép lạ. Từ đó loài hoa đặc biệt này được đặt tên là “Flores de Noche Buena: Hoa Đêm Thánh.” Hình dáng của hoa và lá Trạng Nguyên cũng được cho là biểu tượng của Ngôi Sao Lạ, từng dẫn đưa các vị hiền triết đến triều bái Chúa Hài Đồng tại máng cỏ Bethlem thuở xưa. Hoa Trạng Nguyên được dùng trang trí trong mùa Lễ Giáng Sinh và Năm Mới, là biểu tượng của lòng tin yêu, của sự hy vọng, và sự thánh thiện. Lá màu đỏ tượng trưng cho máu của Đức Jésus Kitô, lá màu trắng tượng trưng cho sự thanh khiết.

Dưới lăng kính của các nhà nghiên cứu thảo mộc, hoa Trạng Nguyên hay Nhất Phẩm Hồng thuộc loại Euphorbia Pulcherrima,  một loài cây có nguồn gốc ở Miền Nam Mexico, ở Trung Mỹ, và ở Phi Châu, tên thường gọi là Taxco del Alarcon. Bắc Mỹ gọi hoa Trạng Nguyên là Poinsettia, theo tên họ của ông Joel Roberts Poinsett – vị đại sứ Hoa Kỳ đầu tiên ở Mễ Tây Cơ, và cũng là người đưa giống cây này vào Hoa Kỳ năm 1825. Hoa Trạng Nguyên như loài thảo mộc hoang dã, mọc rất nhiều ở Hawaii và Puerto Rico. Ngoài tên gọi “Poinsettia,” “Flores de Noche Buena: Hoa Đêm Thánh,” “Mexican Flame Leaf- Lá Lửa Mexico,” hoa Trạng Nguyên còn có những tên gọi khác, như: “Christmas Star – Sao Mùa Giáng Sinh,” “Winter Rose – Hoa Hồng Mùa Đông.”  Ở Thổ Nhĩ Kỳ, hoa Trạng Nguyên mang tên Ataturk ( Mustafa Kemal Ataturk ) – vị tổng thống đầu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ, người rất yêu thích loại hoa này. Tại đất nước Madagascar thuộc Phi Châu, Trạng Nguyên là quốc hoa của họ. Theo ngôn ngữ Nahuatl, Trạng Nguyên được gọi là “Cuitlaxochitl – Hoa Phân,” vì người ta cho rằng: Các loại chim ăn hạt, thải ra, và Cuitlaxochitl đã nảy mầm từ phân chim.

Trạng Nguyên là loại cây bụi, cao khoảng 0,6m đến 4m. Lá răng cưa màu lục thẫm, dài từ 7cm đến 16cm. Các lá trên cùng gọi là lá bắc, có màu lửa đỏ, màu hồng, hay màu trắng, thường bị nhầm lẫn là hoa. Thực ra hoa Trạng Nguyên là các phần tử nhỏ màu vàng, ở giữa trung tâm của những cụm lá. Các nhà làm vườn cũng lai tạo lá bắc màu cam, màu vàng nhạt, màu kem, hay màu cẩm thạch. Khoảng năm 1981, gia đình Paul Ecke tại Encinita ở California,  độc quyền tạo giống lai cây Trạng Nguyên ở Hoa Kỳ. Vì là loại cây sinh trưởng trong vùng nhiệt đới, Trạng Nguyên sẽ rụng lá và lụi tàn, nếu nhiệt độ ban đêm xuống dưới 10 độ C. Chính vì thế Trạng Nguyên không thích hợp trồng ở vùng có khí hậu lạnh. Cây cũng sẽ khô cằn, nếu ban ngày nhiệt độ cao hơn 21 độ C. Chăm sóc Trạng Nguyên đòi hỏi sự tỉ mỉ công phu, vì Trạng Nguyên chỉ hợp với đất ẩm, không chịu được môi trường sũng nước. Tưới nhiều quá nước đọng lại, sẽ khiến rễ bị úng. Theo trang viết về hoa Trạng Nguyên của Đại Học Illinois, hiện nay thống kê chính xác ghi nhận có 109 loại cây Trạng Nguyên. Kết quả của một số điều tra cho thấy: Khoảng 69% người Mỹ thích Trạng Nguyên “hoa” màu đỏ, 7% thích loại “hoa” màu trắng, 14% thích “hoa” màu hồng. Bên cạnh huyền thoại đẹp như cổ tích, còn có những lời đồn thổi về độc tích của hoa Trạng Nguyên. Đây là quan niệm sai lầm lan truyền từ năm 1919; dư luận nói rằng một em bé hai tuổi đã chết sau khi ăn lá trạng nguyên. Sự thật lá Trạng Nguyên không độc, nhưng bất cứ ai nhạy cảm với nhựa mủ (latex) có thể bị dị ứng, vì thế không nên đem cây Trạng Nguyên vào nhà. Nếu ăn nhầm lá Trạng Nguyên, đôi khi con người hay động vật sẽ bị tiêu chảy hoặc nôn mửa.

Cho dẫu bắt nguồn từ truyền thuyết hay theo sự phân tích khoa học của ngành thực vật, Trạng Nguyên vẫn là loài thảo mộc đặc biệt được ưa thích trong Mùa Lễ Giáng Sinh, trong lúc chờ đón Tân Niên Dương Lịch. Màu đỏ đằm thắm sinh động của Trạng Nguyên thật sự mang niềm vui cho cư dân trên trái đất, thật sự đã viết thêm sự thánh thiện và niềm tin yêu hy vọng, vào biên niên sử vốn đầy nỗi thăng trầm được mất của cuộc đời. Trong sắc đỏ huy hoàng của hoa Trạng Nguyên, thân kính chúc quý độc giả của Báo Trẻ một Mùa Giáng Sinh bình an, như ý nguyện.

alt

HV
8:10am Thứ Sáu ngày 06 tháng 12 năm 2013